Bảy Bài Giáo Lý của Đại Hội Gia Đình Thế Giới 2018: Bài 5. Văn Hóa Sự Sống

Thứ Sáu, 27-07-2018 | 18:24:26

BÀI GIÁO LÝ 5: VĂN HÓA SỰ SỐNG


“CÒN ĐỨC GIÊSU NGÀY CÀNG THÊM KHÔN NGOAN, THÊM CAO LỚN VÀ THÊM ÂN NGHĨA ĐỐI VỚI THIÊN CHÚA VÀ NGƯỜI TA” (LC 2, 52).

 Lạy Chúa Giêsu, Chúa hằng ở cùng Hội thánh và lịch sử nhân loại. Trong Bí tích Thánh Thể, Chúa cho chúng con được thông hiệp vào sự Sống của Chúa và được nếm trước niềm vui sự Sống vĩnh cửu; chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa.
Quỳ trước thánh Nhan Chúa, chúng con khẩn cầu Chúa là nguồn sự sống và là Đấng hằng hiện diện giữa chúng con.
Xin Chúa hãy khơi dậy nơi chúng con sự tôn trọng đối với mọi sự sống được sinh ra.
Xin cho chúng con nhận biết hoa trái nơi cung lòng mỗi người mẹ là tác phẩm tuyệt vời của Đấng Tạo Hóa,
Xin cho chúng con biết quảng đại đón nhận mọi hài nhi được chào đời.
Xin chúc lành cho các gia đình, thánh hóa sự kết hợp của các đôi vợ chồng, và làm cho tình yêu của họ được phong nhiêu.
Xin Thánh Thần Chúa soi sáng cho các nhà lập pháp, để các dân tộc và mọi quốc gia biết nhìn nhận và tôn trọng sự thánh thiêng của sự sống, của từng sinh mạng con người.
Xin Chúa hướng dẫn công việc của các nhà khoa học và y khoa, để tăng tiến lợi ích toàn diện cho mọi người và để không một ai bị hủy hoại và chịu những bất công.
Xin Chúa ban cho các nhà quản trị và các nhà kinh tế có được lòng bác ái sáng tạo, để họ thấu hiểu và thăng tiến những điều kiện tối thiểu cho các gia đình trẻ có thể sẵn sàng sinh con cái.
Xin Chúa thêm sức mạnh cho các đôi vợ chồng đang đau buồn vì không con, và xin  nhân từ chăm sóc họ.
Xin Chúa dạy cho chúng con biết nuôi nấng những trẻ mồ côi và những trẻ bị bỏ rơi, để chúng cảm thấy được sự nồng ấm của Tình Yêu Chúa, niềm an ủi của Thánh Tâm Chúa.
Cùng với Đức Maria, Thân Mẫu Chúa, nhờ ngài Chúa đã hóa thân làm người như chúng con, chúng con chờ đợi Chúa, nguồn Thiện Hảo và Đấng Cứu Độ duy nhất của chúng con, ban cho chúng con nguồn lực để yêu thương và phục vụ cho sự sống, trong khi chờ đợi được hiệp nhất với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời Amen.

(Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, Vatican ngày 27-11-2010)


Thú vị biết bao câu kết luận bất ngờ của đoạn Tin Mừng này. Theo cung cách của những động lực gia đình trong bối cảnh này, và nhất là của cung cách mà Chúa Giêsu đáp lại những câu nói biểu lộ mối xao xuyến của song thân Ngài đã phải lo sợ vì lạc mất Ngài, hầu như có một sự đứt đoạn đã xảy ra giữa những thành viên của Thánh Gia. Dường như, đã tới thời điểm  mà Hài Đồng Giêsu nay đã trở nên trưởng thành, bắt đầu đặt những rào cản và giới hạn đối với quyền bính của cha mẹ, để khẳng định sự tự lập và trách nhiệm của Ngài với chính bản thân. Đó là một cảnh tượng rất thông thường nơi mái ấm gia đình. Đó là sự bắt đầu đầy bất ngờ và rực rỡ của thời điểm phải đến, nhưng không có cha mẹ nào được chuẩn bị đúng mức bao giờ; đó là thời điểm đứa con, đột nhiên lớn hẳn lên và khởi sự biểu lộ ý chí và khả năng tự chọn lựa đời sống của mình. Rất đáng ngạc nhiên khi Thánh Gia Nazaret cũng chứng kiến đúng những động thái tương tự như mọi gia đình. Quả thực, sau đó, đọc tiếp bản văn Tin Mừng chúng ta sẽ thấy trong thực tế chẳng có một sự đứt đoạn nào trong gia đình cả. Mà đúng hơn lại là tác dụng ngược lại đã xảy ra, vì thánh Luca đã viết rằng Chúa Giêsu “đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nazaret và hằng vâng phục các ngài” (Lc 2, 51). Điều này giống như phản ứng thông thường của đứa trẻ bị từ chối những yêu sách của mình và vì sợ bị trừng phạt, đành phải làm những gì cha mẹ bảo. Thực ra, Chúa Giêsu đã bào chữa cho mình khá giỏi; chính những lời của Ngài đã khiến cha mẹ Ngài phải yên lặng. Phải tuân phục quyền bính của cha mẹ không phải là một chọn lựa mang tính bắt buộc, áp đặt hay gò bó, nhưng biểu lộ quyết định tự do và có tinh thần trách nhiệm của Ngài, khẳng định thêm một lần nữa sự yêu thích nguyên thủy của Ngài đối với Gia đình. Ngôi Lời của Thiên Chúa xuống trần gian trong sự nghèo nàn và thiếu thốn mọi sự, từ bỏ tất cả, chỉ trừ điều này: hóa thân làm người trong một Gia đình có một người cha và một người mẹ. Sau câu chuyện này, Chúa Giêsu lại tiếp tục vâng phục cha mẹ Ngài, bởi vì “ các ngài cùng nhau dạy dỗ cho con về giá trị của sự hỗ tương, sự gặp gỡ giữa những khác biệt, trong đó mỗi người đóng góp bản sắc riêng của mình và cùng biết đón nhận từ người khác. Nếu vì một lý do bất khả kháng nào mà thiếu vắng một trong hai người, thì điều quan trọng là tìm cách nào đó để bù đắp sự mất mát, để đứa con được phát triển cách thích đáng cho tới trưởng thành” (AL 172).  Thánh Luca kết thúc trình thuật này như sau: “còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn, và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2, 52). Không cần nhiều lời, sách Tin Mừng đã cho ta thấy những gì tốt nhất và là căn bản để nuôi dạy con trẻ một cách toàn diện. Thật tuyệt vời khi cho ta thấy tính cách quan trọng hàng đầu về sự tăng trưởng của trẻ là tăng trưởng sự “khôn ngoan”.Sự khôn ngoan này tuyệt đối không được hiểu như một sự tích lũy ngày càng nhiều mớ hành trang kiến thức và tài năng. Khôn ngoan đích thực, theo nghĩa gốc la ngữ của động từ “sapere”, có nghĩa là nhấm nháp hương vị hay cảm nhận ý nghĩa sâu xa của đời sống. Sự khôn ngoan được đặt lên trước cả “tuổi tác”. Tại sao? Chúng ta đang ở phía trước một cuộc cách mạng của Copernic về tư duy thể thức phát triển con người. Nói chung, chúng ta vẫn nghĩ rằng: trước hết, những năm tháng qua đi và sau đó, dần dần theo dòng thời gian người ta sẽ tập khám phá cái thú vị và ý nghĩa của cuộc đời. Tin Mừng, trái lại, khẳng định một sự thật ngược lại lối tư duy thông thường này; nói khác đi, trước hết có sự thích thú thực sự cuộc sống và sau đó những năm tháng mới qua đi. Tất cả điều đó có nghĩa là mỗi ngày trong đời mình, khởi đi từ ngày đầu tiên, phải được sống trong sự tận hưởng cả vẻ đẹp lẫn chiều sâu. Chỉ bằng cung cách sống như thế ân sủng Thiên Chúa mới có tác dụng phong phú. Chúng ta thường quen cầu xin Thiên Chúa can thiệp vào đời sống chúng ta mà quên mất câu nổi tiếng này của triết học kinh viện : “gratia supponit naturam” (ân sủng không hủy diệt bản chất con người). Hẳn nhiên, dù sao đi nữa, ân sủng Thiên Chúa vẫn luôn luôn có trước hành động con người, nhưng hiệu năng ân sủng chỉ phát huy tùy theo mức độ con người tuân phục tác động của Thiên Chúa. Sau cùng, Tin Mừng nêu bật  sự tăng trưởng của Chúa Giêsu không phải như một sự kiện riêng tư chỉ liên quan đến gia đình của Ngài không thôi, nhưng sự kiện đó thể hiện “trước thiên hạ”, tức là trước con mắt của tất cả những ai trong cộng đồng xã hội trên đất nước Ngài đang sinh sống. Đây một lần nữa, sứ điệp Tin Mừng nắm bắt ngay được cách suy nghĩ thường có tính hẹp hòi và có khuynh hướng cá nhân về những gì liên quan đến khuôn khổ gia đình. Nói cách khác, sự phát triển tuần tự của một con trẻ không phải là một điều gì chỉ khiến cho bậc cha mẹ quan tâm và chỉ can hệ tới các vị ấy thôi đâu. Sự tiến triển và sự trưởng thành của đứa trẻ ảnh hưởng đến tất cả mọi người vì mỗi một con người luôn luôn là một vốn liếng nhân bản cho thiện hảo của mọi người. Mọi người đều phải góp phần để cho mỗi đứa trẻ đều có được tất cả những gì giúp cho nó phát triển tối đa. Chúng ta đang đứng trước một bản tụng ca thực sự của nền văn hóa sự sống mà gia đình này là trung tâm nguồn cội. Do đó, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rõ ra rằng “gia đình không chỉ là nơi sinh ra, nhưng còn là nơi tiếp đón sự sống mới như một quà tặng Thiên Chúa gửi đến. Mỗi sự sống mới “cho phép chúng ta khám phá chiều kích vô vị lợi nhất của tình yêu, một tình yêu khiến chúng ta không bao giờ hết thán phục. Trước hết, đó chính là vẻ đẹp đáng yêu mến: con cái được yêu thương từ trước khi được sinh ra”. Điều này phản ánh tính ưu việt của tình yêu Thiên Chúa là Đấng luôn luôn có sáng kiến, bởi vì con cái “được yêu thương trước khi chúng làm gì để đáng được yêu””(AL 166). Thậm chí “người mẹ đang cưu mang đứa trẻ trong lòng cần cầu xin Chúa ban cho ánh sáng để có thể nhận biết từ thâm sâu chính đứa con của mình và chờ đợi nó như con người đích thực của nó” (AL 170). Ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta chứng kiến lan tràn một não trạng hoàn toàn lạm dụng hành động truyền sinh đến mức tách biệt hoàn toàn hành động này khỏi mối liên hệ nguyên thủy của nó với gia đình.Trong não trạng này, người ta không còn nhận thức một mảy may khác biệt nào giữa việc tạo ra những đứa trẻ bằng hành động tự nhiên giữa vợ chồng và việc tạo ra những đứa trẻ bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo hoặc bằng những cách thức khác theo sự tiến triển không ngừng của khoa học. Lối suy nghĩ thông thường mà chúng ta đang chìm đắm này cứ ngày càng lây lan vì lý do duy nhất này: người ta đã mất đi nhận thức rằng đứa trẻ là một quà tặng vĩ đại của Thiên Chúa. Điều khẳng định mà Kinh Thánh truyền đạt cho chúng ta về sự tạo dựng con người đầu tiên được diễn tả một cách rõ ràng nhất: “Adam ăn ở với Eva, vợ mình. Bà thụ thai, và sinh ra Cain và bà nói:”Nhờ Đúc Chúa tôi đã tạo ra được một con người” (St 4, 1). Như vậy, cái lý do của tình trạng hiện thời không phải chỉ có tính cách văn hóa, luân lý, xã hội, kinh tế hay nhân học mà thôi đâu. Nguyên ủy của sự khủng hoảng thế giới này chủ yếu chính là sự mất đi ý thức về Thiên Chúa, và do đó, con người thậm chí tự cảm thấy mình là chủ của việc thụ thai một nhân sinh mới. Ngược lại, dưới góc độ của đức tin, cái nhìn về những gì liên quan đến sự sống lại hoàn toàn thay đổi. Ngay cả “nếu một đứa trẻ chào đời trong những hoàn cảnh ngoài ý muốn, thì cha mẹ hay các thành viên khác trong gia đình phải làm tất cả những gì có thể để đón nhận em như một quà tặng của Thiên Chúa và để đảm nhận trách nhiệm đón nhận em trong sự chân thành và yêu thương. Vì “khi nói đến những trẻ em sinh ra đời, thì không một hy sinh nào của người lớn lại có thể được coi là quá mắc hoặc quá to tát, làm sao để tránh cho đứa trẻ có cảm nghĩ bản thân nó là một sai lầm, không có giá trị gì và bị bỏ mặc cho sự hoành hành của giông tố cuộc đời và sự khinh bạc của con người”. Đứa con mới sinh, tặng phẩm Chúa trao phó cho người cha và người mẹ, được đón tiếp ngay từ lúc khởi đầu, được tiếp tục bảo vệ trong suốt hành trình cuộc sống trần thế và hướng tới định mệnh cuối cùng là niềm vui sự sống đời đời. Một cái nhìn thanh thản hướng tới sự hoàn tất chung cuộc của con người sẽ làm cho các bậc cha mẹ ý thức hơn về tặng phẩm sự sống quý giá được giao phó cho họ” (AL 166). Vì lý do này, “Với lòng biết ơn đặc biệt, Hội thánh ủng hộ các gia đình đón nhận, giáo dục và bảo bọc bằng tình thương những đứa trẻ bị các khuyết tật khác nhau” (AL 82). Các gia đình này, hơn ai hết, cho mọi người thấy giá trị thánh thiêng và tuyệt đối của sự sống con người. Quả thực, “giá trị sự sống của một con người cao cả biết bao, và quyền được sống của một đứa trẻ vô tội lớn lên trong cung lòng người mẹ là bất khả nhượng, đến nỗi không ai có thể viện bất cứ lý lẽ nào để cho mình có quyền trên thân thể mình hầu biện minh cho quyết định chấm dứt sự sống ấy, vốn là một cứu cánh tự thân và không bao giờ được xem như đối tượng cho sự thống trị của một người khác. Gia đình bảo vệ sự sống con người trong mọi giai đoạn của nó, kể cả giai đoạn khởi đầu” (AL 83). Trao ban sự sống hiển nhiên là một tác động thần thiêng, và Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng “mỗi người nữ đều tham dự vào mầu nhiệm tạo dựng vốn được hiện thực qua mỗi lần hạ sinh một đứa con” (AL 168). Nhưng, đồng thời, hành động đón nhận một sự sống mới cũng hoàn toàn thánh thiêng nữa. Thực ra, Đức Maria và Thánh Giuse chứng tỏ sự cao cả ở ngay việc các ngài đã đón nhận, mỗi vị  trong tính cách đặc thù của mình, Ngôi Lời Thiên Chúa, bằng cách để cho Người hóa thân nhập thế. Bởi đó, nếu quả thực là không phải tất cả mọi người ở bậc cha mẹ đều sinh con xét theo sinh học, thì cũng không kém thực hơn ấy là tất cả mọi người đều được mời gọi không ngừng đón nhận sự sống, khắp mọi nơi và trong mọi trường hợp. “Việc làm mẹ không chỉ là một thực tại thuần túy sinh học, mà nó còn được thể hiện theo nhiều cung cách khác nhau” (AL 178). Và nhất là “những ai đối mặt với thách đố nhận con nuôi và đón nhận một con trẻ cách vô điều kiện và vô vị lợi đều trở thành những trung gian cho tình yêu Thiên Chúa, Đấng từng nói: “Cho dù người mẹ có quên ngươi đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49, 15)” (AL 179). Chính tình yêu sẵn sàng đón nhận của gia đình như thế sẽ trao ban sự sống cho những kẻ không may bị mất gia đình. “Một đôi hôn nhân có kinh nghiệm về sức mạnh của tình yêu biết rằng tình yêu ấy được mời gọi để chữa lành thương tích của những số phận bị bỏ rơi, để xây dựng một nền văn hóa gặp gỡ, để đấu tranh cho công lý. Thiên Chúa đã ủy thác cho gia đình kế hoạch làm cho thế giới này trở nên “gia đình”, để mọi người đều có thể cảm thấy mỗi người đều là anh em” (AL 183). Và còn ai hơn là gia đình, có khả năng mở rộng những chân trời của nền văn hóa sự sống trên thế giới, bằng cách sơn lên “màu xám của không gian chung màu sắc của tình huynh đệ, của mối quan tâm xã hội, của việc bảo vệ những người yếu thế, của đức tin sáng ngời, của niềm hy vọng tích cực” (AL 184)? Thay vì điều đó, ngày nay “chứng tự yêu mình thái quá khiến người ta không còn khả năng nhìn thấy được gì ngoài bản thân mình, ngoài những khao khát và những nhu cầu của mình. Nhưng ai sử dụng người khác như các đồ vật, thì sớm hay muộn cũng sẽ bị người khác sử dụng, bị thao túng và bỏ rơi như thế. Một điều đáng lưu ý là hôn nhân đổ vỡ thường xảy ra nơi những người lớn tuổi mà thích tìm một lối sống “độc lập” và từ chối lý tưởng chung sống với nhau cho đến tuổi già, để chăm sóc và nâng đỡ nhau.” (AL 39). Ngược lại, duy chỉ có gia đình, tự thân mang trong ADN của mình một sức năng động của hiệp thông liên lỉ thúc đẩy mình phải “đem lòng yêu thương tiếp đón những người mẹ vị thành niên, các trẻ không cha, những bà mẹ đơn thân đang phải nuôi dạy con cái, những người khuyết tật thiếu thốn tình thương và sự nâng đỡ, những người trẻ đang chống chỏi để thoát khỏi nghiện ngập, những người độc thân, những người đã ly thân hay ly dị, hoặc những người góa bụa đang sống trong cô độc, những người già yếu bệnh tật không còn được con cái giúp đỡ, và “ ngay cả những người bất hạnh nhất bởi lối sống thiếu đạo đức của họ” (AL 197). Gia đình, theo định nghĩa, chính là nơi vun trồng văn hóa sự sống vì đó chính là nơi tuyệt hảo để Thiên Chúa hiện diện. Khi mỗi gia đình nhận biết nhị thức nguồn cội giữa Thiên Chúa và sự sống, thì thế giới sẽ nhân bản hơn và phẩm giá riêng của từng người sẽ luôn được gìn giữ.

Trong gia đình

Hãy suy nghĩ

  1. Mỗi sự sống con người là một tặng phẩm thánh thiêng bất khả xâm phạm của Thiên Chúa. Nhưng ngày nay, não trạng muốn thỏa mãn mong muốn có một đứa trẻ bằng mọi  giá ngày càng phổ biến đến mức người ta dễ dàng tìm đến bất cứ kỹ thuật tiến bộ nào để thực hiện thụ thai mà không cần đến hành vi kết hợp tự nhiên của vợ chồng. Mỗi con người, dù được thụ thai theo cách nào, đều là một quà tặng của Thiên Chúa. Như thế, đâu là mối tương quan giữa tặng phẩm sự sống của Thiên Chúa và hành vi vợ chồng tự nhiên?
  2. Câu nói “chỉ khi nào gia đình nhận biết mình chính là nơi tuyệt hảo để cho Thiên Chúa hiện diện thì gia đình mới có thể trở nên tác nhân  thăng tiến văn hóa sự sống” nghĩa là gì?

Hãy sống

    1. Mỗi gia đình mang nơi mình động lực hiệp thông thúc đẩy đón nhận sự sống, dù điều kiện của sự sống đó là thế nào đi nữa, nhưng phẩm chất này không phải lúc nào cũng sáng tỏ. Vậy trở lực nào ngăn cản và điều gì có thể là trợ lực cho sự thúc đẩy đó?
    2. Khi nào đôi phối ngẫu có thể đón nhận nhau hoàn toàn, thì họ cũng mở lòng ra đón nhận tất cả. Điều đó có nghĩa là gì? Hãy giải thích bằng những thí dụ cụ thể, có thể kể những kinh nghiệm đã trải qua.

Trong Hội thánh:

Hãy suy nghĩ

  1. Chúng ta thường trông thấy việc cổ vũ cho sự sống như một điều gì liên quan đến Hội thánh với tất cả hệ thống giáo lý của Hội thánh chứ không phải như một quyền bất khả xâm phạm một cách độc lập với mọi sự gắn bó tôn giáo hay luân lý. Hội thánh có thể hay phải làm gì để khẳng định quyền thánh thiêng và bất khả xâm phạm của sự sống một cách độc lập với mọi sự và mọi người?
  2. Thời nay, mối liên kết cội rễ và bất khả phân ly giữa tình yêu và sự sống ngày càng mong manh đến chỗ bị đặt thành vấn đề tranh luận. Vậy đâu là những lầm lỗi gây nên nỗi? Đâu là những khó khăn? Đâu là những đề nghị?

Hãy sống

  1. Không thể nào cổ vũ nền văn hóa sự sống mà không có gia đình và bản chất gốc rễ của sự đón nhận. Người ta có thể làm gì trong công tác mục vụ để khởi phát vòng đạo đức này?
  2. Có những đề nghị nào để Hội thánh có thể giúp các gia đình sống nền văn hóa đích thực của sự sống?

Antôn Uông Đại Bằng
Chuyển ngữ và biên tập ngày 27/5/2018
(ubmvgiadinh.org)

Tags: , , ,

Có thể bạn quan tâm