ĐTC giải thích lý do ngài nói ‘không’ đối với vấn đề truyền chức linh mục cho người đã lập gia đình
Thứ Sáu, 11-09-2020 | 15:45:45
ĐTC Phanxicô đã quyết định không bật đèn xanh cho vấn đề truyền chức linh mục cho những người đã đã lập gia đình sau Thượng hội đồng Amazon, vì ngài lo ngại cuộc tranh luận có thể đã đi ngược lại tinh thần phân định đích thực.
ĐTC Phanxicô với trưởng bộ lạc Kayapo ở vùng Amazon của Brazil (Vatican Media)
Đức Giáo hoàng cảm thấy rằng việc phân định trở nên bất khả thi vì cuộc tranh luận đã trở thành một cuộc chiến theo kiểu nghị viện giữa các bên khác nhau.
Ngài tiết lộ suy nghĩ này của mình trong một ghi chú, trong đó vị Giáo hoàng Dòng Tên 83 tuổi nhấn mạnh rằng “Thượng hội đồng vẫn chưa kết thúc”, và kêu mời Giáo hội “tiếp tục đồng hành cùng nhau”. Những ý kiến này và những bình luận khác cho thấy cánh cửa không bị đóng lại đối với những cải cách trong tương lai.
Trong một chú thích cá nhân được chia sẻ với tạp chí La Civiltà Cattolica của Dòng Tên, Đức Phanxicô nói rằng thượng hội đồng năm ngoái đã có “một cuộc thảo luận phong phú… một cuộc thảo luận có cơ sở, nhưng không có sự phân định”.
Đức Giáo hoàng tiếp tục: “Chúng ta phải hiểu rằng Thượng hội đồng không chỉ là một nghị viện, và trong trường hợp cụ thể này, nó không được phép đi ra ngoài tính năng động đó. Tại Thượng hội đồng, chủ đề này đã được thảo luận theo kiểu nghị viện một cách rất phong phú, hiệu quả và thậm chí thiết yếu; nhưng nó mới chỉ dừng lại ở đó. Đối với tôi, điều này có ý nghĩa quyết định trong quá trình phân định cuối cùng.”
Đa số các giám mục tham dự thượng hội đồng tháng 10 năm 2019 đã bỏ phiếu ủng hộ việc phong chức linh mục cho những người nam đã lập gia đình tại những vùng xa xôi của rừng nhiệt đới Amazon, nơi các cộng đồng không thể cử hành các bí tích thường xuyên. Nhưng các nguồn tin nội bộ của Thượng hội đồng cho biết đề xuất này đã bị phản đối mạnh mẽ bởi các vị chức sắc cấp cao trong Giáo triều Roma, là những vị đã thành công trong việc ngăn chặn bất kỳ thay đổi tức thời nào.
Đức Giáo hoàng nói rằng đôi khi, “xảy ra bầu khí dẫn hội trường của Thượng hồi đồng đến tình trạng méo mó, giản lược và chia rẽ thành các quan điểm biện chứng và đối kháng, vốn không giúp ích gì cho sứ mệnh của Giáo hội. [Điều này là] do mọi người đều cố thủ trong ‘chân lý của mình’, rồi rốt cục trở thành tù nhân của chính mình và của các quan điểm bản thân, phóng chiếu sự bối rối và bất mãn của chính mình vào nhiều tình huống. Do đó, việc đồng hành cùng nhau trở nên bất khả thi. “
Sau cuộc họp Thượng hội đồng, Đức Thánh Cha đã đưa ra phản ứng của mình, dưới hình thức một tông huấn có tiêu đề Querida Amazonia, trong đó ngài không đưa ra bất cứ một ám chỉ nào đến vấn đề truyền chức linh mục cho những người đã kết hôn. Đức Giáo Hoàng chỉ kêu gọi gửi các giáo sĩ truyền giáo đến Amazon, và cổ võ các giám mục xúc tiến những lời cầu nguyện cho ơn gọi linh mục.
Tuy nhiên, Đức Phanxicô đã tán thành văn kiện cuối cùng của các giám mục, trong đó 128 vị bỏ phiếu ủng hộ việc phong chức cho các phó tế đã kết hôn ở các vùng xa xôi, và 41 người bỏ phiếu chống. Điều đó có nghĩa là mặc dù, trước mắt, vấn đề truyền chức linh mục cho những người đã kết hôn không được đưa ra bàn cãi, nhưng nó vẫn là một khả thể sống động. Trong ghi chú của mình, Đức Giáo hoàng nhấn mạnh rằng, “Thượng hội đồng vẫn chưa kết thúc”, và kêu gọi Giáo hội “tiếp tục đồng hành cùng nhau.”
Ghi chú này của Đức Giáo hoàng về Thượng hội đồng Amazon được đăng trong một bài báo mang tính định hướng của Cha Antonio Spadaro, giám đốc La Civiltà Cattolica, đã phản ánh phong cách quản trị của Đức Phanxicô.
Vị linh mục Dòng Tên nhận xét, điểm cốt lõi trong quản trị của Đức Giáo hoàng là ngài khuyến khích sự phân định và mở ra các quá trình đổi mới thay vì thực thi một chương trình nghị sự đóng khung cụ thể. Cha Spadaro nói: “Đó không phải là vấn đề xây dựng một lộ trình cải cách thể chế.”
Cha Spadaro nhấn mạnh rằng tầm nhìn quản trị của Đức Phanxicô được bén rễ từ môi trường huấn luyện trong Dòng Tên mà Đức Thánh Cha đã hấp thụ, với trọng tâm là tinh thần lắng nghe, cầu nguyện thầm lặng, phân tích thực tế và nhận định thần loại. Dòng Tên được Thánh I-nha-xi-ô thành Loyola thành lập vào năm 1534, và Đức Phanxicô là vị giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên.
Cha Spadaro giải thích: “Vì vậy, Thượng hội đồng là nơi phân định, nơi mà các đề xuất được tỏ lộ.”
“Huấn quyền của giáo hoàng [giáo huấn] qua các Tông Huấn từ hoa trái của thượng hội đồng hệ tại ở việc lắng nghe các đề xuất, nhưng cũng ở việc phân định tinh thần diễn tả của các đề xuất đó – vốn là điều vượt ra ngoài bất kỳ áp lực truyền thông hay trưng cầu dân ý nào.
“Huấn quyền đó cũng hệ ở việc đánh giá liệu có thực sự có phân định hay chỉ là một cuộc tranh biện. Và sau đó, Giáo hoàng [Phanxicô] đánh giá xem liệu ngài có thể đưa ra một quyết định hay không. Nếu các điều kiện không được đáp ứng, Giáo hoàng đơn giản là không đưa ra quyết định; tuy nhiên, ngài cũng không phủ nhận tính hợp lệ của các đề xuất. Thay vào đó, ngài yêu cầu tiếp tục phân định và để ngỏ cuộc thảo luận.”
Thượng hội đồng Amazon cũng xem xét câu hỏi về việc phong chức phó tế cho nữ giới, với việc Giáo hoàng thiết lập một ủy ban mới để xem xét chủ đề này sau cuộc họp vào tháng 10 năm ngoái.
Đầu năm nay, ông Mauricio Lopez, một nhân vật chủ chốt tại Thượng hội đồng Amazon, đã giải thích mức độ phân cực tại Thượng hội đồng, lặp lại mối bận tâm của Đức Giáo hoàng về vấn đề này.
Ông Lopez nói với tạp chí Tablet: “Bạn có thể thấy rằng cảm thức về sự phân định đã bị mất đi và [việc bàn luận] trở nên giống một đấu trường chính trị hơn, vì vậy rất khó để Giáo hoàng thúc đẩy nó, dù chúng tôi cũng có đạt được một số kết quả tốt ở đó.”
“Ở một số chủ đề, mọi thứ trở nên phân cực đến mức chúng tôi không thể cung cấp những gì Giáo hoàng cần: ngài cần cảm thấy sự đồng thuận, nhưng đã không có sự đồng thuận.”
Theo cha Spadaro, đối với Đức Phanxicô, không phải mọi vấn đề đều phải được giải quyết ngay lập tức, mà chính quá trình cải tổ mới là điều quan trọng. Đức Giáo hoàng đã nhiều lần kêu gọi hướng đến một “Giáo hội công nghị”, một Giáo hội luôn phân định và tìm kiếm sự đổi mới. Ở Đức, một tiến trình thượng hội đồng kéo dài hai năm đã được khởi động, trong khi ở Úc, một hội nghị mang tính bước ngoặt ở tầm mức quốc gia sẽ diễn ra vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, việc chú trọng vào các thượng hội đồng, và việc mở ra các cuộc tranh luận, đã làm nổ ra các cuộc chiến nội bộ bên trong Giáo hội. Tất cả các cuộc họp thượng hội đồng của Đức Phanxicô đã bị chỉ trích bởi những người Công giáo theo chủ nghĩa truyền thống, trong khi một số người Công giáo có tư tưởng cải cách lại thất vọng vì tốc độ thay đổi diễn ra chậm chạp. Trong nỗ lực xác định hình ảnh của một Giáo hội đồng nghị, Đức Giáo hoàng đã công bố rằng Thượng hội đồng giám mục năm 2022 sẽ có chủ đề “Tính công nghị”.
Cha Spadaro nói rằng việc cải cách đôi khi là vấn đề thực hiện một bước nhỏ, với việc Đức Giáo Hoàng lấy cảm hứng từ câu nói vốn nêu rõ tầm nhìn của Thánh I-nha-xi-ô. Câu nói đó nhắc nhở rằng “điều không bị giới hạn bởi những thứ lớn lao nhất, nhưng lại được chứa đựng trong những điều nhỏ bé nhất – đó là sự thánh thiêng.”
Cha Spadaro giải thích: “Dự án cải cách vĩ đại có thể được thực hiện trong một cử chỉ nhỏ nhất, trong một bước nhỏ, chẳng hạn, ngay cả trong cuộc gặp gỡ với một ai đó, hoặc khi chú ý đến một tình huống cụ thể cần thiết”.
Điều mà Đức Giáo hoàng tìm cách tránh là thái độ trở nên cố thủ theo các quan điểm “cánh tả” hoặc “cánh hữu”, vốn là điều gì đó tách rời Giáo hội khỏi thế giới hiện thực và khiến Giáo hội trở nên vô cảm với lịch sử. Mặc dù đây là một cám dỗ từ khắp nơi trong Giáo hội, nhưng cha Spadaro đề cập đến những người cứng rắn đã tìm cách khiển trách Giáo hoàng từ Tông huấn về đời sống gia đình, Amoris Laetitia, là tông huấn đã mở đường cho những người Công giáo ly dị và tái hôn được rước lễ. Tông huấn Amoris Laetitia được viết sau hai cuộc họp Thượng hội đồng của các giám mục.
Trong một trường hợp, một nhóm các hồng y, do Hồng y Raymond Burke của Hoa Kỳ dẫn đầu, đã công khai thách thức giáo huấn về đời sống gia đình của Đức Giáo hoàng, với việc Hồng y Burke đe dọa sẽ đưa ra lời khuyên “sửa lỗi huynh đệ” dành cho cho Đức Phanxicô.
Cha Spadaro viết rằng, ta có thể thấy được việc họ lôi kéo Giáo hội vào những tranh chấp ý thức hệ “chẳng hạn, khi xuất hiện những nhân vật dường như muốn thay thế Đức Giáo hoàng nhân danh việc bảo vệ giáo lý hoặc việc cải cách đích thực, hoặc khi họ gieo rắc tính không chắc chắn và bối rối, thậm chí cho phép người ta hình dung ra những nguy hiểm đối với sự chính thống hoặc đối với việc cải cách. Và đặc biệt là khi, với những thái độ đó, sự đạo đức giả dẫn đến việc người ta công khai tuyên xưng ‘lòng hiếu thảo’ đối với Đức Thánh Cha và tinh thần ‘sửa lỗi huynh đệ trong sự tôn trọng’.
Ngay sau cuộc bầu cử năm 2013, Đức Giáo hoàng đã được tờ Economist mô tả như một “Giám đốc điều hành cải tổ” (turnaround CEO) vì cách ngài đã giúp củng cố sự tín nhiệm dành cho Giáo hội sau một vài năm bê bối. Bảy năm trong triều đại giáo hoàng của mình, rõ ràng là những cải cách của Đức Phanxicô vượt xa mấy chuyện trang phục: ngài đang tìm kiếm một sự thức tỉnh tinh thần sâu xa trong đời sống của Giáo hội Công giáo.
Tác giả: Christopher Lamb, bài đăng trên the Tablet, ngày 04/09/2020
Người dịch: Khắc Bá, SJ. – CTV Vatican News