Suy Niệm Thứ 3 Tuần 7 Thường Niên

Thứ Hai, 25-02-2019 | 17:08:30

Lời Chúa: Mc 9, 30-37

 Khi ấy, Ðức Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi băng qua miền Galilê. Nhưng Ðức Giêsu không muốn có ai biết, vì Người đang dạy các môn đệ rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và Người bị giết chết, rồi sau ba ngày Người sẽ sống lại.” Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người. Sau đó, Ðức Giêsu và các môn đệ đến thành Caphácnaum. Khi về tới nhà, Ðức Giêsu hỏi các ông: “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?” Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. Rồi Ðức Giêsu ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: “Nếu ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết của mọi người và làm người phục vụ cho mọi người.” Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Ðấng đã sai Thầy.”

Suy Niệm:

Các môn đệ vẫn lặng thinh và họ đang tràn ngập cảm giác tội lỗi. Họ đã có một cuộc tranh luận ngớ ngẩn về ai là người lớn nhất trong số họ và khi Chúa Giê-su hỏi họ những gì họ đang thảo luận, họ đã xấu hổ để thừa nhận điều đó. Họ biết đó là một cuộc tranh luận không hay. Chúa Giêsu tiếp tục đưa ra những giáo huấn tốt đẹp về sự khiêm nhường thực sự. Chúng ta hãy cùng nhau nhìn vào bài học mà chúng ta rút ra từ kinh nghiệm lỗi lầm của các Tông đồ.

Tội lỗi có là một điều xấu không? Đó có phải là không mong muốn để cảm thấy tội lỗi không? Có phải tội lỗi của người Công giáo là kết quả của những giáo huấn đạo đức quá khắt khe? Đáng buồn thay, trong thế giới ngày nay của chúng ta dường như hầu hết những hình thức cảm giác tội lỗi đang dần tan biến và nhiều người trở nên cố chấp hơn trong việc vi phạm luật Chúa với một lương tâm tự do phạm tội. Nhưng sự thật cho thấy cảm giác về tội là một điều tốt. Thật tốt khi chúng ta còn cảm được lỗi lầm của mình. Đó là kết quả của sự hiểu biết rõ ràng về những sai lệch đạo đức của chúng ta. Trong trường hợp này, cảm giác tội lỗi là một dấu hiệu cho thấy lương tâm của chúng ta vẫn còn nhận thức.

Dĩ nhiên, có những người hết sức cẩn thận dù chỉ phạm một lỗi lầm nhỏ thôi họ cảm thấy như tội lỗi quá mức. Hoặc họ cảm thấy tội lỗi như là kết quả của một lương tâm bối rối hơn là tội lỗi mà họ đã phạm. Điều này không tốt và cần phải được khắc phục. Tuy nhiên, trong thời đại của chúng ta, thiếu cảm giác về tội thường là vấn đề phổ biến hơn.

Có lẽ bài học chúng ta rút ra từ cuộc đối thoại giữa Chúa Giê-su và các môn đệ là thật hữu ích để kinh nghiệm cảm giác tội lỗi trong cuộc sống của chúng ta khi chúng ta rõ ràng làm một điều gì đó sai. Và thật tốt khi chúng ta chú ý đến cảm giác tội lỗi này như là một lời mời gọi để thay đổi cách sống của chúng ta.

Sau khi Chúa Giêsu nhẹ nhàng khiển trách các Tông đồ, thì Ngài dạy cho họ ý nghĩa của điều lớn lao. Đây cũng là cách tiếp cận mà Ngài sẽ thực hiện với chúng ta khi chúng ta biết khiêm tốn nhìn nhận tội lỗi của chính mình.

Hôm nay, chúng ta suy niệm làm thế nào để lương tâm chúng ta hoạt động tốt? Có phải đôi lúc chúng ta quá cẩn thận không? Hay là cẩu thả, tức là có xu hướng vô cùng trái ngược nhằm không nhìn thấy tội lỗi là gì không? Hay chúng ta có may mắn khi có một lương tâm khỏe mạnh, trong sáng, quân bình để trải nghiệm cảm giác tội lỗi khi cần thiết, nhằm hướng dẫn chúng ta khi lạc đường không? Hãy tìm kiếm một lương tâm đạo đức và hãy để Thiên Chúa hướng dẫn chúng ta hằng ngày.

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giê-su, chúng con xin dâng lên Chúa lương tâm của chúng con. Chúng con biết lương tâm của chúng con là một cung thánh, là một nơi thánh thiêng. Đó là nơi mà chúng con được mời gọi để gặp gỡ Chúa và nghe tiếng Chúa. Xin hãy để lương tâm của chúng con luôn biết mở ra cho sự thật tròn đầy Tin mừng của Chúa để chúng con được Chúa hướng dẫn mỗi ngày. Lạy Chúa Giê-su, con tín thác nơi Chúa.

Agnès Lê chuyển dịch

Nguồn: http://mycatholic.life

Tags: