Suy Niệm Thứ 5 Tuần 7 Thường Niên

Thứ Tư, 27-02-2019 | 17:45:55

Lời Chúa:Mc 9, 41-50

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Ðấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu. Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn. Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục, Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt. Quả thật, ai nấy sẽ được luyện bằng lửa như thể ướp bằng muối. Muối là cái gì tốt. Nhưng muối mà hết mặn, thì anh em sẽ lấy gì ướp cho mặn lại? Anh em hãy giữ muối trong lòng anh em, và sống hoà thuận với nhau”.

Suy Niệm:

Chúng ta đã sẵn sàng để được “ướp với lửa” (thanh luyện bằng lửa) chưa? Chúa Giê-su đã làm sáng tỏ rằng tất cả mọi người sẽ phải trải qua “việc ướp mặn” này. Điều này thực sự có ý nghĩa gì? 

Nếu chúng ta thêm muối vào thức ăn sẽ mang lại vị ngon. Việc thêm muối không làm thay đổi thức ăn đó thành thức ăn khác, nhưng đúng hơn nó sẽ làm tăng nhiều thêm hương vị đang có. 

Muối cũng có tác dụng thanh lọc. Nó được sử dụng như chất bảo quản và giúp loại bỏ các vi khuẩn trong thực phẩm. Cả hai hình ảnh hương vị và chất bảo quản này đáng để chúng ta chú ý.

Được “ướp với lửa” nghĩa là chúng ta được thanh luyện bởi Thiên Chúa. Lửa có tác dụng thanh lọc và tinh chế. Sức nóng của lửa được dùng để làm vệ sinh các dụng cụ. Lửa được sử dụng để tinh chế vàng, nó cũng được sử dụng để đúc các kim loại quý thành những hình ảnh hoặc các món trang sức. 

Cũng thế đối với chúng ta. Chúng ta phải được thanh luyện bởi ngọn lửa của Chúa trong bất cứ hình thức nào. Tội lỗi phải được thanh trừng và chúng ta phải trở nên dễ uốn nắn hơn bởi ngọn lửa của Chúa để chúng ta có thể được uốn nắn giống hình ảnh của Ngài. 

Làm thế nào để điều này xảy ra? Cách thứ nhất là khi chúng ta bị thanh trừng tất cả những khao khát và  ham muốn xác thịt mà làm nên sự ích kỷ và chống đối lại với thánh ý của Chúa. Điều này có thể gây đau đơn và đó là hình ảnh của lửa. Cách thứ hai là khi chúng ta được thanh luyện ở cấp độ sâu hơn về tâm linh. Điều này có thể xảy ra khi chúng ta được Chúa trao cho thập giá nặng nề và chúng ta cần vác thập giá đó với sự kiên nhẫn và chấp nhận. Khi ý muốn của chúng ta bị thử thách, chúng ta sẽ có cơ hội để hướng ý muốn của chúng ta về Thiên Chúa và chọn lựa thánh ý của Người. Nhưng ý muốn của Thiên Chúa thường bao gồm sự đón nhận bất kỳ đau khổ nào mà chúng ta chịu. Trong trường hợp này, sự đau khổ có tác dụng thanh luyện chúng ta ở mức độ sâu nhất và do đó, đau khổ trở thành sự cứu rỗi cho chúng ta. 

Hôm nay chúng ta suy ngẫm về sự thanh luyện của Chúa trong cuộc sống chúng ta. Hãy suy ngẫm về bất cứ cách nào mà chúng ta cảm thấy đau đớn về những đau khổ mà chúng ta không muốn đón nhận. Hãy biết rằng đau khổ thực sự luôn mang lại sự thanh luyện mà Chúa muốn cho cuộc sống của chúng ta để giúp chúng ta trở nên tinh tuyền và thánh thiện hơn. 

Lạy Chúa Giê-su, xin Chúa hãy thanh tẩy những tội lỗi trong tâm hồn của chúng con. Trước hết, xin hãy giúp chúng con giải thoát khỏi những quyến luyến xác thịt làm ngăn cản tình yêu của chúng con dành cho Chúa. Xin hãy giúp chúng con được tự do khỏi ý muốn riêng của chúng con. Xin cho những đau khổ của thập giá trong cuộc sống chúng con trở nên ân sủng Chúa ban để giải thoát chúng con và giúp chúng con lớn lên mạnh mẽ trong sự kiên nhẫn và trong tất cả các nhân đức. Lạy Chúa, chúng con xin dâng chính bản thân chúng con cho Chúa. Lạy Chúa Giêsu, chúng con tín thác vào Chúa.

Agnès Lê chuyển dịch

Nguồn: http://mycatholic.life

Tags: