Vào lúc 3 giờ chiều Roma ngày 26/10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc trò chuyện kéo dài khoảng 25 phút với phi hành đoàn trên trạm không gian quốc tế đang ở trên quĩ đạo. Đức Thánh Cha đã đặt một số câu hỏi cho 6 thành viên của phi đội.
Đức Thánh Cha chào phi hành đoàn và tiến sĩ phi hành gia người Ý Paolo Nespoli. Ngài cám ơn các phi hành gia và tất cả những người đã sắp xếp buổi kết nối hôm nay, đã cho ngài cơ hội “găpcác phi hành gia” và hỏi họ vài điều.
– Câu hỏi đầu tiên của Đức Thánh Cha là: Thiên văn học giúp chúng ta chiêm ngắm những chân trời vô hạn của vũ trụ và gợi lên trong lòng chúng ta những câu hỏi: chúng ta đến từ đâu? Tôi muốn hỏi tiến sĩ Nespoli: dưới ánh sáng những kinh nghiệm ở trong không gian của tiến sĩ, ông nghĩ gì về chỗ của con người trong vũ trụ?
Tiến sĩ Nespoli trả lời: thưa Đức Thánh Cha, đây là một câu hỏi phức tạp. Con nghĩ mình là một kỹ thuật viên, một kỹ sư, con ở giữa các máy móc, với các kinh nghiệm; nhưng khi nói về những điều như “chúng ta đến từ đâu”.. con bị bối rối. Đây là vấn đề khó nói. Con nghĩ là mục đích của chúng con là nhận biết sự hiện hữu của chúng con, để làm đầy sự hiểu biết, hiểu những điều xung quanh chúng ta…Con thích có những người như ngài, không chỉ là các kỹ sư và vật lý gia, nhưng là các thần học gia, triết gia, văn sĩ, thi sĩ có thể đến đây với chúng tôi để khám phá việc một người ở trong không gian có nghĩa gì.
– Tiếp đến, Đức Thánh Cha nhắc lại câu nổi tiếng mà thi sĩ Dante đã kết thúc tác phẩm “Hài kịch thần linh”, “tình yêu di chuyển mặt trời và các vì sao khác”. Ngài hỏi các phi hành gia, khi nói tình yêu là sức mạnh di chuyển vũ trụ, điều này có nghĩa gì với họ. Trả lời câu hỏi này của Đức Thánh Cha, phi hành gia người Nga Alexander Misurkin đề cập đến cuốn sách “Hoàng tử nhỏ” của Antoine de Saint-Exupéry, kể về một cậu bé đã sẵn sàng hy sinh sự sống để cứu các cây cối và thú vật trên trái đất và ông nói: một cách căn bản, tình yêu là sức mạnh đem lại cho bạn khả năng trao bạn sự sống của bạn vì một ai đó.
– Câu hỏi thứ ba của Đức Thánh Cha, như ngài nói, là một sự hiếu kỳ. Ngài hỏi: “Điều gì đã thúc đẩy anh em trở thành các phi hành gia? Phi hành gia người Nga Sergei Ryazanskiy cho biết chọn lựa trở thành phi hành gia của ông có liên quan đến ông của mình, một trong những người tiên phong trong ngành không gian và là kỹ sư của phi thuyền không gian Sputnik 1. Sergei muốn theo bước ông của mình vì không gian rất xinh đẹp và lý thú và cũng rất quan trọng đối với con người. Phi hành gia Randy Bresnik người Mỹ nhấn mạnh đến cơ hội có thể nhìn Trái đất “một tí” với đôi mắt của Chúa” và nhìn vẻ đẹp không thể tin nỗi của hành tinh này. Ông cho biết thêm, với vận tốc của quỹ đạo là 10 km/ giây, các phi hành gia nhìn Trái đất với đôi mắt khác: chúng tôi nhìn thấy một Trái đất không có biên giới, nơi mà bầu khí quyển vô cùng mỏng manh, và quan sát Trái đất lúc này chúng tôi nghĩ về con người, nghĩ đến việc chúng ta cùng nhau làm việc thế nào cho một tương lai tốt hơn.
– Câu hỏi thứ 4 của Đức Thánh Cha dựa trên một quan sát: hành trình trong không gian thay đổi nhiều điều, ví dụ như ý niệm “trên” và “dưới”. Có điều gì khi đang sống trong trạm không gian làm anh em ngạc nhiên? Ngược lại, có điều gì đánh động anh em bởi vì nó được xác định ở đó, trong một bối cảnh khác như thế? Phi hành gia người Mỹ Mark T. Vande Hei trả lời: “Điều làm tôi ngạc nhiên là sự kiện “trong không gian bạn thấy các sự vật hoàn toàn khác, dường như là những điều không thể nhận ra được. Ông nói thêm: để hiểu tôi ở đâu, tôi phải quyết định đâu là trên và đâu là dưới và thiết lập mô hình thu nhỏ của tôi.
– Câu hỏi cuối cùng, Đức Thánh Cha nói: xã hội của chúng ta rất là cá nhân và ngược lại cuộc sống của chúng ta rất cần sự cộng tác với nhau. Các anh có thể nêu vài ví dụ có ý nghĩa về sự cộng tác của anh em trên trạm không gian không? Phi hành gia Joseph Acaba người Mỹ nói rằng “trạm không gian là một ví dụ của sự cộng tác quốc tế”. Có những người Mỹ, người Nga, Nhật, Canada, 9 nước châu Âu … Một điều quan trọng và lý thú là mỗi người có sự khác nhau và tất cả sự khác nhau này được đặt chung làm thành một tổng hợp rất lớn, hơn một người duy nhất. Với nhau, chúng tôi có thể làm nhiều điều tốt hơn nếu chúng tôi chỉ làm một mình.
Sau câu trả lời, Đức Thánh Cha nhận xét: “Anh em là một tòa nhà bằng kiếng nhỏ mà tổng thể lại lớn hơn tổng số của các phần”. Đây là mẫu gương của anh em đối với chúng tôi.
Trước khi kết thúc, Đức Thánh Cha đã chào và cám ơn các phi hành gia. Ngài nói: “Chúng tôi nhìn nhận anh em như những đại diện của cả gia đình nhân loại trong chương trình nghiên cứu vĩ đaị ở trạm không gian.
Tiến sĩ Nespoli cũng cám ơn Đức Thánh Cha đã đánh giá cao các phi hành gia, đã đưa họ ra khỏi khung cảnh máy móc hàng ngày và đã giúp họ nghĩ đến những điều lớn hơn. (REI 26/10/2017)
Hồng Thủy