Bài diễn văn Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm trụ sở FAO: Kêu gọi chấm dứt đói nghèo

Thứ Năm, 19-10-2017 | 18:25:29

Chúng ta cần phải vượt qua những trở ngại: các cuộc xung đột và vấn đề thay đổi khí hậu.

“Việc phản ánh về những ảnh hưởng của vấn đề an ninh lương thực đối với sự di chuyển của con người đồng nghĩa với việc trở lại đối với cam kết vốn đem lại sự thăng tiến cho FAO, để có thể đổi mới nó”, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết hôm 16 tháng 10 năm 2017. Những nhận xét của ĐTC Phanxicô đã được đưa ra trong chuyến thăm trụ sở chính của Tổ chức Lương Nông (FAO) tại Rome nhằm đánh dấu Ngày Lương Thực Thế giới.

“Tình hình hiện nay đòi hỏi trách nhiệm lớn hơn ở tất cả các cấp độ, không chỉ để nhằm đảm bảo những sản phẩm cần thiết hoặc phân phối công bằng những thành quả của trái đất … nhưng trên hết là để nhằm đảm bảo quyền của tất cả mọi người phải được nuôi dưỡng theo những nhu cầu của họ”, ĐTC Phanxicô giải thích. ĐTC Phanxicô lưu ý rằng tất cả mọi người phải được có khả năng tham gia vào những quyết định vốn có ảnh hưởng đến họ và đồng thời có thể nhận ra những khát vọng của họ mà không cần phải xa rời những người thân yêu của mình.

“Đối mặt với một mục đích quan trọng như vậy, sự tín nhiệm đối với toàn bộ hệ thống quốc tế hiện đang bị đe dọa”, ĐTC Phanxicô cảnh báo. ĐTC Phanxicô tiếp tục nhấn mạnh rằng sự tương quan giữa tình trạng đói nghèo và vấn đề di cư “chỉ có thể được giải quyết nếu chúng ta đi đến tận gốc rễ của vấn đề”. Và sau đó ĐTC Phanxicô cũng đã đề xuất hai trở ngại chính: các cuộc xung đột và vấn đề biến đổi khí hậu.

Về vấn đề xung đột, ĐTC Phanxicô cho biết rằng luật pháp quốc tế cung cấp các phương tiện để giải quyết vấn đề này. Ngài kêu gọi việc đối thoại và giải trừ quân bị.

Về vấn đề biến đổi khí hậu, ĐTC Phanxicô đã cảnh báo về “thái độ thờ ơ đối với cân bằng vốn mỏng manh của các hệ sinh thái”. ĐTC Phanxicô kêu gọi việc “thay đổi lối sống, qua việc tận dụng các nguồn lực, trong các tiêu chí sản xuất, bao gồm việc tiêu dùng, liên quan đến thực phẩm, bao gồm sự gia tăng thiệt hại và lãng phí”.

Đức Thánh Cha đã trích dẫn tầm quan trọng của Hiệp định Toàn cầu về vấn đề Di cư An toàn, Chính quy và Trật tự hiện đang được tiến hành tại Liên hợp quốc. Và Ngài cũng đã nhắc nhở các thính giả về tiếng kêu gào của “các anh em bị gạt ra bên ngoài lề và bị xã hội loại trừ: “Vì xưa Ta đói, Ta là khách lạ, Ta trần truồng, Ta đau yếu, Ta bị giam hãm trong các trại tị nạn”.


Dưới đây là bài phát biểu của ĐTC Phanxicô: 

Kính thưa ngài Tổng giám đốc,
Kính thưa các nhà chức trách,
Anh chị em thân mến,

Tôi muốn cảm ơn ngài Tổng giám đốc, Giáo sư José Graziano da Silva, vì lời mời và lời chúc mừng của ông, và tôi cũng gởi lời chào nồng nhiệt tới các nhà chức trách cùng đồng hành với chúng tôi, cũng như các vị đại diện của các quốc gia thành viên và những người có khả năng sát cánh với các văn phòng của FAO trên toàn thế giới.

Tôi xin gửi lời chào đặc biệt đến các vị Bộ trưởng Nông nghiệp của các quốc gia G7 hiện diện đây, theo sau hội nghị thượng đỉnh mà trong đó họ đã thảo luận về các vấn đề vốn đòi hỏi trách nhiệm không chỉ liên quan đến vấn đề phát triển và sản xuất mà còn đối với cộng đồng quốc tế nói chung.

1.  Dịp kỷ niệm Ngày Thực phẩm Thế giới này kết hợp mỗi người chúng ta cùng nhau nhớ lại rằng vào ngày 16 tháng 10 năm 1945, khi các chính phủ, với ý định xoá bỏ vấn đề nghèo đói trên toàn thế giới, thông qua sự phát triển của ngành nông nghiệp, đã sáng lập nên FAO. Đó quả là một giai đoạn của tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng và những sự thay đổi lớn của nhân loại, với hàng triệu người phải tìm kiếm một nơi để tồn tại sau những đau khổ và nghịch cảnh do chiến tranh gây ra.

Xét về khía cạnh này, việc phản ánh về những ảnh hưởng của vấn đề an ninh lương thực đối với sự di chuyển của con người đồng nghĩa với việc trở lại đối với cam kết vốn đem lại sự thăng tiến cho FAO, để có thể đổi mới nó. Tình hình hiện nay đòi hỏi trách nhiệm lớn hơn ở tất cả các cấp độ, không chỉ để nhằm đảm bảo những sản phẩm cần thiết hoặc phân phối công bằng những thành quả của trái đất – nghĩa vụ này phải được coi là một sự đảm bảo – nhưng trên hết là để nhằm đảm bảo quyền của tất cả mọi người phải được nuôi dưỡng theo những nhu cầu của họ, cũng như việc tham gia vào những quyết định vốn có ảnh hưởng đến họ và đồng thời có thể nhận ra những khát vọng của họ mà không cần phải xa rời những người thân yêu của mình.

Đối mặt với một mục đích quan trọng như vậy, sự tín nhiệm đối với toàn bộ hệ thống quốc tế đang bị đe dọa. Chúng ta biết rằng việc hợp tác hiện đang ngày càng được quyết định bởi các cam kết không công bằng, vốn hiện vẫn hạn chế sự viện trợ trong những trường hợp khẩn cấp. Thậm chí những cái chết do đói nghèo hoặc việc từ bỏ đất đai của chính mình chính là những tin tức có thể nghe hàng ngày, vốn có nguy cơ có thể gặp phải sự thờ ơ. Vì vậy, cần khẩn trương tìm ra những đường lối mới, biến đổi các khả năng sẵn có đối với chúng ta trở thành một sự bảo đảm vốn cho phép mỗi người nhìn về tương lai với một sự tin tưởng vững vàng chứ không chỉ với một sự mong muốn.

Viễn cảnh của các mối quan hệ quốc tế cho thấy khả năng hiện đang ngày càng gia tăng đối với việc đưa ra những câu trả lời đối với những mong đợi của đại gia đình nhân loại, cũng như với sự đóng góp của khoa học và công nghệ, vốn đang nghiên cứu những vấn đề này, đề xuất các giải pháp thích hợp. Tuy nhiên, ngay cả những phát triển mới này cũng không thành công trong việc xóa bỏ sự loại trừ đối với phần lớn số dân trên thế giới: có biết bao nhiêu người là nạn nhân của tình trạng suy dinh dưỡng, các cuộc chiến tranh, cũng như vấn đề biến đổi khí hậu? Có bao nhiêu người thiếu công ăn việc làm cũng như những vật dụng thiết yếu, và buộc phải rời bỏ đất đai của mình, và đồng thời có nguy cơ trở thành nạn nhân của nhiều hình thức bóc lột khủng khiếp? Việc bình ổn vật giá công nghệ phục vụ phát triển chắc chắn là một con đường cần phải thực hiện, với điều kiện nó dẫn đến các hành động cụ thể nhằm giảm số lượng những người phải chịu cảnh đói nghèo hoặc nhằm điều tiết hiện tượng di dân cưỡng bức.

2.  Mối tương quan giữa tình trạng đói nghèo và vấn đề di cư chỉ có thể được giải quyết nếu chúng ta đi đến tận gốc rễ của vấn đề. Về vấn đề này, các nghiên cứu do Liên Hợp Quốc tiến hành cũng như nhiều tổ chức xã hội dân sự khác đều đồng ý rằng có hai trở ngại chính cần phải được khắc phục: các cuộc xung đột và vấn đề biến đổi khí hậu.

Làm thế nào để có thể khắc phục các cuộc xung đột? Luật pháp quốc tế cho chúng ta các phương tiện để ngăn chặn hoặc giải quyết một cách nhanh chóng, tránh việc kéo dài cũng như làm sản sinh ra nạn đói kém và phá hoại đối với cơ cấu xã hội. Chúng ta hãy nghĩ đến những người bị ảnh hưởng bởi các cuộc chiến tranh kéo dài hàng thập kỷ, vốn có thể tránh được hoặc ít nhất là được chấm dứt, và thay vào đó làm nảy sinh những hậu quả tai hại bao gồm tình trạng mất an ninh lương thực cũng như việc người dân bị buộc phải di dời. Cần phải có thiện chí và đối thoại để kiềm chế các cuộc xung đột và cần phải đưa ra một cam kết mạnh mẽ đối với việc giải trừ quân bị từ từ và có hệ thống theo Hiến chương Liên Hợp Quốc và đồng thời khắc phục tai họa của tình trạng buôn bán vũ khí. Giá trị của nó là gì để tố cáo thực tế là hàng triệu người là nạn nhân của nạn đói và suy dinh dưỡng do xung đột nếu như chúng ta không nỗ lực làm việc hiệu quả cho hòa bình cũng như việc giải trừ vũ khí?

Về vấn đề biến đổi khí hậu, chúng ta sẽ thấy những hậu quả mỗi ngày. Nhờ vào kiến thức khoa học, chúng ta biết những vấn đề này sẽ phải đối mặt như thế nào; và cộng đồng quốc tế đã đưa ra các công cụ pháp lý cần thiết, chẳng hạn như Hiệp định Paris, tuy nhiên một số quốc gia đang rút lui. Đã có sự tái xuất hiện của thái độ thờ ơ đối những sự cân bằng vốn mỏng manh của các hệ sinh thái, sự thừa nhận có khả năng thao túng và kiểm soát đối với các nguồn tài nguyên hạn hẹp của hành tinh, và sự tham lam vì lợi nhuận. Do đó, cần phải có những nỗ lực để có được một sự đồng thuận cụ thể và tích cực như  chúng ta muốn tránh những ảnh hưởng bi thảm hơn, vốn sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến những người nghèo nhất và bất lực nhất. 

Chúng ta được mời gọi đề xuất thay đổi lối sống, trong việc sử dụng các nguồn lực, trong các tiêu chí sản xuất, bao gồm việc tiêu dùng, liên quan đến thực phẩm, liên quan đến sự gia tăng tổn thất và lãng phí. Chúng ta không thể bỏ bổn phận của chính mình để nói rằng “ai đó sẽ lo chuyện đó”.

Tôi thiết nghĩ đây chính là những điều kiện tiên quyết cho bất kỳ cuộc thảo luận nghiêm túc nào về vấn đề an ninh lương thực liên quan đến hiện tượng di cư. Chắc chắn chiến tranh và việc biến đổi khí hậu sẽ gây ra tình trạng đói nghèo, do đó, chúng ta hãy việc xem nó như thể đó là một căn bệnh không thể chữa khỏi. 

Các ước tính gần đây do các chuyên gia của quý vị cung cấp dự đoán sự gia tăng sản lượng ngũ cốc trên toàn cầu đến các mức độ cho phép cung cấp các nguồn dự trữ toàn cầu nhất quán hơn. Điều này mang lại hy vọng, và đồng thời chứng tỏ rằng nếu chúng ta chú ý đến những nhu cầu và đồng thời chống lại sự đầu cơ, kết quả sẽ không thiếu. Trên thực tế, các nguồn lương thực không còn nhiều nữa bị phó mặc cho sự đầu cơ, vốn chỉ tính đến sự thịnh vượng kinh tế của các nhà sản xuất lớn hoặc liên quan đến tiềm năng tiêu thụ mà không phải là nhu cầu thực sự của người dân. Điều này dẫn đến các cuộc xung đột cũng như sự lãng phí, đồng thời làm gia tăng số lượng những người nghèo nhất trên trái đất đang phải tìm kiếm một tương lai bên ngoài các quốc gia xuất xứ của họ.

3.  Xem xét đến tất cả những điều này, chúng ta có thể và phải thay đổi định hướng (xem Thông điệp Laudato Si, các số 53; 61; 163; 202). Đối mặt với nhu cầu lương thực hiện đang ngày càng gia tăng, quả thực không thể thiếu được những thành quả có sẵn của đất đai đối với tất cả mọi người. Đối với một số, nó sẽ đủ để giảm số miệng ăn và theo cách này để có thể giải quyết vấn đề; nhưng đó lại là một giải pháp sai lầm nếu như chúng ta nghĩ đến mức độ lãng phí thực phẩm cũng như các mô hình tiêu dùng vốn lãng phí nhiều nguồn lực. Việc cắt giảm thì dễ dàng; chia sẻ thay vì yêu cầu thay đổi, và đây chính là một sự đòi buộc.

Do đó tôi đặt ra – và tôi cũng đặt ra cho toàn thể quý vị – câu hỏi này: có quá nhiều điều để nghĩ đến việc giới thiệu vào ngôn ngữ của việc hợp tác quốc tế loại tình yêu, được hiểu như là một sự cho đi nhưng không đòi hỏi sự đáp trả, sự bình đẳng trong đàm phán, tinh thần liên đới, văn hoá cho đi, tinh thần huynh đệ, lòng thương xót ? Trong thực tế, những từ ngữ này thể hiện nội dung thực tế của thuật ngữ “nhân đạo”, vốn được sử dụng rộng rãi ở cấp quốc tế. Việc yêu thương anh em mình và để làm điều đó trước tiên, không cần chờ đợi để được đáp lại; đây chính là một nguyên tắc Phúc Âm vốn có thể nhận thấy trong nhiều nền văn hoá và tôn giáo, và trở thành nguyên tắc của nhân loại trong ngôn ngữ quan hệ quốc tế. Hy vọng rằng vấn đề ngoại giao và các thể chế đa phương nuôi dưỡng và tổ chức năng lực này để yêu thương, để nó trở thành cách thức chủ yếu nhằm bảo đảm không chỉ đối với vấn đề an ninh lương thực mà còn về vấn đề an ninh con người theo ý nghĩa toàn cầu. Chúng ta không thể chỉ làm việc nếu như những người khác làm như vậy, và chúng ta cũng không thể tự giới hạn mình đối với việc tỏ lòng thương hại, bởi vì sự thương hại chỉ dừng lại ở việc viện trợ khẩn cấp, trong khi tình yêu truyền cảm hứng cho công lý và hết sức cần thiết cho việc thực hiện trật tự công bằng xã hội giữa các thực tại đa dạng vốn đang đứng trước nguy cơ đối đầu lẫn nhau. Yêu thích có nghĩa là đóng góp để mọi quốc gia gia tăng sản xuất và tự cung tự cấp. Yêu thương có nghĩa là đóng góp để mọi quốc gia gia tăng sản xuất và đạt đến việc tự cung tự cấp. Yêu thương chuyển thành tư duy của các mô hình phát triển và tiêu dùng mới, đồng thời áp dụng các chính sách vốn không làm trầm trọng thêm tình hình của những khu vực ít tiến bộ hơn hoặc việc phụ thuộc vào bên ngoài của họ. Yêu thương có nghĩa là không tiếp tục chia rẽ gia đình nhân loại thành những thứ nhiều hơn họ cần, và những người thiếu những điều cần thiết.

Những nỗ lực của vấn đề ngoại giao đã cho chúng ta thấy, cũng trong những sự kiện gần đây, rằng khả năng để có thể chấm dứt việc nhờ cậy đến việc sử dụng các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt. Tất cả chúng ta đều ý thức được khả năng phá huỷ của các loại công cụ này. Nhưng liệu chúng ta có nhận thức được những ảnh hưởng của tình trạng đói nghèo cũng như sự loại trừ hay không? Làm thế nào để chúng ta có thể ngăn chặn mọi người khỏi việc sẵn sàng mạo hiểm tất cả mọi thứ, cả thế hệ có thể biến mất vì họ thiếu lương thực hàng ngày, hoặc là nạn nhân của vấn đề bạo lực hoặc thay đổi khí hậu? Họ dẫn đầu nơi mà họ nhìn thấy ánh sáng hoặc cảm nhận được hy vọng của cuộc sống. Họ không thể bị ngăn cản bởi các rào cản về thể chất, kinh tế, lập pháp hoặc tư tưởng: chỉ có việc ứng dụng nhất quán đối với nguyên tắc nhân loại mới có thể làm được như vậy. Mặt khác, chúng ta nhận thấy rằng việc viện trợ phát triển công cộng bị cắt giảm và hoạt động của các thể chế đa phương còn hạn chế, trong khi đó các hiệp định song phương được sử dụng để hợp tác dưới sự phối kết hợp để thực hiện các chương trình nghị sự và liên minh cụ thể hoặc, chỉ đơn giản, đối với sự yên ổn tạm thời. Ngược lại, việc quản lý sự di chuyển của con người đòi hỏi hành động liên chính phủ phối hợp và có hệ thống phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế hiện có, và tràn ngập với tình yêu và sự khôn ngoan. Mục tiêu của nó là một cuộc gặp gỡ của các dân tộc vốn làm phong phú cho tất cả các quốc gia và đồng thời tạo ra sự hiệp nhất và đối thoại, chứ không phải là việc loại trừ hoặc tình trạng dễ bị tổn thương.

Ở đây, cho phép tôi tham gia cuộc tranh luận về ttình trạng dễ bị tổn thương, vốn gây ra sự chia rẽ ở cấp độ quốc tế khi nói đến những người nhập cư. Một người dễ bị tổn thương là người đang ở trong tình trạng thấp kém và không thể tự bảo vệ mình, một người không có các phương tiện, hay đúng hơn là phải chịu đựng sự loại trừ. Điều này khiến do anh ta bị khống chế bởi bạo lực, do hoàn cảnh tự nhiên hoặc, thậm chí tệ hơn, do sự thờ ơ, sự bất khoan dung và thậm chí là thù hận. Trong điều kiện này, cần phải xác định ra các nguyên nhân để có thể hành động với năng lực cần thiết. Nhưng không thể chấp nhận một điều rằng, để tránh việc cam kết, người ta phải tự tránh đằng sau những lối ngụy biện vốn không tôn trọng vấn đề ngoại giao, mà thay vào đó là giảm nó xuống thành “nghệ thuật của sự có thể” thành một sự thực hiện khô khan để biện minh cho thói ích kỷ cũng như tính ù lì.

Hy vọng rằng tất cả điều này sẽ được tính đến trong việc phát triển Hiệp định Toàn cầu về vấn đề Di cư An toàn, Chính quy và Trật tự, hiện đang được tiến hành tại Liên Hợp Quốc.

4.  Chúng ta hãy lắng nghe tiếng kêu gào của rất nhiều anh em bị gạt ra ngoài lề và bị xã hội loại trừ: “Vì xưa Ta đói, Ta là khách lạ, Ta trần truồng, Ta đau yếu, Ta bị giam hãm trong các trại tị nạn”. Đó là một sự đòi buộc đối với vấn đề công lý, chứ không phải là một lý do hoặc một lời kêu gọi khẩn cấp. Cần có một cuộc đối thoại rộng rãi và chân thành ở tất cả mọi cấp độ, để các giải pháp tốt nhất có thể được tìm ra và mối quan hệ mới được nuôi dưỡng giữa các nhân tố khác nhau trên trường quốc tế, được đặc trưng bởi tinh thần trách nhiệm, tinh thần liên đới và hiệp thông với nhau.

Cái ách của sự khốn khổ gây ra bởi việc bị buộc phải di dời hết sức bi thảm của những người di cư thường có thể được loại bỏ thông qua việc phòng ngừa bằng các dự án phát triển vốn tạo ra công việc và khả năng ứng phó với các cuộc khủng hoảng môi trường. Chi phí cho việc phòng chống thấp hơn nhiều so với những ảnh hưởng của tình trạng suy thoái đất đai hoặc vấn đề ô nhiễm nguồn nước, các vụ tai hoạ vốn gây khó khăn cho các trung tâm thần kinh của hành tinh, nơi mà đói nghèo chính là một định luật duy nhất, bệnh tật hiện đang ngày càng gia tăng và tuổi thọ con người đang có chiều hướng suy giảm.

Các sáng kiến đang được thực hiện rất nhiều, và hết sức đáng mừng. Tuy nhiên, những điều này hiện vẫn chưa đủ: cần khẩn trương tiếp tục phát huy những nỗ lực mới và đồng thời tài trợ cho các chương trình chống nghèo đói và cơ cấu theo một cách thức hiệu quả hơn và hứa hẹn hơn. Tuy nhiên, mặc dù mục đích là để nhằm thúc đẩy nền nông nghiệp đa dạng và hiệu quả, có tính đến nhu cầu thực sự của một quốc gia, tuy nhiên điều đó không phải là hợp pháp để loại bỏ đất canh tác khỏi người dân, cho phép việc cướp đất (acaparamiento de tierras) để tiếp tục có lợi nhuận, đôi khi với sự đồng lõa của những người mà lẽ ra phải bảo vệ lợi ích của người dân.

Nỗ lực làm việc vì lợi ích của các nhóm nhỏ trong dân cư, cũng như việc sử dụng viện trợ bên ngoài một cách không phù hợp, ủng hộ tham nhũng, hoặc theo cách phi pháp, cần phải được loại bỏ.

Giáo hội Công giáo, với các cơ quan của mình, và với kiến thức trực tiếp và cụ thể về các tình huống phải đối mặt hoặc các nhu cầu cần phải được đáp ứng, mong muốn tham gia trực tiếp vào nỗ lực này nhờ sứ mạng của mình, vốn dẫn Giáo hội đến việc yêu thương tất cả mọi người và đòi buộc Giáo hội phải nhắc nhở những ai chịu trách nhiệm trên phương diện quốc gia hay quốc tế về nghĩa vụ quan trọng hơn bất cứ điều nào khác để đáp ứng các nhu cầu của những người nghèo nhất.

Tôi hy vọng rằng mỗi người có thể khám phá, trong sự thinh lặng của đức tin hoặc sự xác tín của mình, những động cơ, những nguyên tắc cũng như sự đóng góp để troa cho FAO và các tổ chức liên chính phủ sự can đảm để cải thiện và làm việc không mệt mỏi vì lợi ích của đại gia đình nhân loại.

Xin cám ơn tất cả quý vị!

Minh Tuệ chuyển ngữ
Truyền thông Chúa Cứu Thế Việt Nam

Tags: , , , ,

Có thể bạn quan tâm