Suy niệm trong linh đạo DCCT: Đức Tin lúc khởi đầu.

Thứ Tư, 21-06-2017 | 18:15:39

Đức tin của tôi hôm nay là gì? Đức tin có giúp tôi sống trọn vẹn sứ vụ của tôi như là một tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế không?

Một câu hỏi quan trọng về Đức tin

“Ngươi ở đâu?” (St 3,9) là câu hỏi đầu tiên Thiên Chúa hỏi con người và cũng là câu hỏi được đặt ra cho mỗi người chúng ta. Câu hỏi này cũng được đặt ra cho tôi cách khắt khe nếu như tôi xem Đức tin là quà tặng vô giá nhất của mình.

Khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy như một món quà, Đức tin trở thành một gia sản mà tôi tự do chọn lựa và trên hết tất cả, gia sản đó là nền tảng của ơn gọi của tôi.

Đức tin của tôi hôm nay là gì? Đức tin có giúp tôi sống trọn vẹn sứ vụ của tôi như là một tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế không?

Có những người mà với họ, Kinh Tin Kính chỉ là một công thức được đọc thuộc lòng hoặc như thể nó là một phần được đem ra thực hành. Một số người khác kinh nghiệm Đức tin như một cơn khát không được thỏa mãn, trong khi đó phần đông xem Đức tin luôn là sự từ bỏ khắt khe mà không đợi lời hứa đền trả gấp trăm. Đôi khi, nhiều lý thuyết bị tiêm nhiễm hoặc tác vụ hằng ngày thật sự có thể làm cản trở một Đức tin đơn thành. Cũng có những lúc, hơn cả Tin Mừng của Chúa, suy luận lý đoán gợi cảm hứng cho việc chọn lựa của chúng ta.

Nếu Đức tin là một hành trình nhưng rất nhiều người trong chúng ta đã dừng lại bên lề đường. Chúng ta đều biết gánh nặng của lịch sử với Giáo Hội đang bị chất vấn qua nhiều thế kỷ, sau đó là sự khước từ Thiên Chúa bởi những gì chúng ta có thể miêu tả như là những con virút của sự hoài nghi và sự ngờ vực âm ỉ trong mối tương quan giữa chúng ta và Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đều bị tác động bởi những hệ tư tưởng từ khi chúng là một phân mảnh – đó là vấn đề, tự nhiên, kỹ thuật, khoa học – muốn giải thích mọi thứ, bao gồm cả những điều vô hình. Ở cấp độ dư luận thì Thiên Chúa chưa chết nhưng thường bị giản lược thành một khách thể của chủ nghĩa tiêu thụ.

Thiên Chúa và thời hiện đại không thể đi cùng nhau. Thời hiện đại đã gây ra hàng triệu cái chết và bè phái thù địch cũng như thời hậu hiện đại đã sản sinh ra những điều ảo tưởng. Thần thoại về sự phát triển không giới hạn đã kích thích tham vọng của nhiều kẻ thiếu đắn đo suy nghĩ hình thành nên một cảnh tượng khủng hoảng cho hàng triệu gia đình, thất nghiệp hàng loạt và sợ hãi tràn lan. Nên biết rằng, chúng ta đang sống trong một thế giới mà không thể lấp được hố ngăn cách ngày càng tăng giữa người giàu với kẻ nghèo, nơi mà 20% dân số trên thế giới phải sống ít hơn 1đôla/1ngày. Lòng tham của con người đôi khi lạm dụng tạo thành và làm biến dạng vẻ đẹp của nó.

Trong viễn cảnh này, Đức tin được kêu gọi khoác lên chính nó một bộ áo mới. Đúng hơn là không khoác nó. Ngày nay, Đức tin thì trần trụi. Đức tin không còn lệ thuộc vào sức mạnh của đám đông hay sự hỗ trợ của các chính trị gia. Không có chỗ cho Đức tin trên truyền hình và Đức tin cũng bị loại trừ trong các lãnh vực kinh tế.

Tuy nhiên, đối với chúng ta, Đức tin là điều quan trọng nhất trong tất cả các vấn đề. Đức tin có thể đem lại cho cuộc sống mọi thứ: chính trị, kinh tế và văn hóa. Nếu được nung nấu bởi Đức tin, sứ vụ của riêng chúng ta có sức mạnh để giải phóng và loan truyền niềm vui. Thiếu Đức tin mọi thứ sụp đổ.

Lời Chúa là ánh sáng chỉ đường con đi

Tin Mừng Lc 17, 5-6: Có thể chia sẻ bài suy niệm đoạn Tin Mừng này theo phương pháp Lectio Divina.

  • Bối cảnh: trước khi các tông đồ nói “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con” (c.5) Chúa Giêsu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tha thứ. Sau đó Chúa Giêsu nói về chúng ta như “những đầy tớ vô dụng”. Khi chúng ta phải dành cho những người khác lòng nhân từ mà Thiên Chúa đã gia tăng nơi chúng ta, chúng ta khám phá ra sự bất xứng của mình. Chỉ duy Đức tin mới cho phép ta làm điều này mà không ra vẻ lấy mình làm trung tâm của sự chú ý.
  • Dù là nhỏ bé và vô ích như một hạt cải, Đức tin chúng ta có tiềm năng to lớn, vì Đức tin ấy để cho Thiên Chúa hành động. Chính sự yếu đuối của chúng ta mà chúng ta trải nghiệm sức mạnh của Đức tin (x.Pl 4,13).

 Từ Truyền Thống Dòng Chúa Cứu Thế

Thánh Anphongsô là vị Thánh của thời đại Ánh Sáng. Mặc dù sống trong một xã hội Kitô giáo, ngài đã nhận thấy một thế lực thù địch chống Giáo Hội và tính hệ trọng đang gia tăng hơn bao giờ được quy cho chủ nghĩa duy lý. Năm 1775, một trong các lá thư của mình, ngài than trách về sự phổ biến chưa từng có của các cuốn sách được cảm hứng sáng tác từ một cái nhìn vô thần về cuộc sống.

Thậm chí chính Anphongsô đã có những khó khăn với Đức tin. Cha Tanoia nói rằng khi Anphongsô được gửi đến học ở trường Đại học Trung Hoa, (1729-1732) ngài đã kinh nghiệm sự vô vị và tình trạng cô đơn của mình. Ngài không tìm thấy sự sốt mến trong Thánh Lễ, cầu nguyện thì mệt mỏi và buồn tẻ: Anphongsô đã kiếm tìm Thiên Chúa nhưng đã không thấy Chúa đâu: “Tôi đến với Chúa Giêsu Kitô nhưng Ngài đã phớt lờ tôi, tôi đã trông cậy vào Thánh Mẫu Maria nhưng Mẹ không nghe tôi”, Anphongsô đã từng nói như vậy trong thời kỳ này.

Tuy nhiên, Anphongsô đã không buông xuôi các nỗ lực của mình và hy vọng duy nhất của Thánh nhân là làm vui lòng Thiên Chúa ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn nhất. Sự kiên nhẫn này, trong tăm tối, đã giúp ngài tìm lại niềm vui đến từ Đức tin. Đức tin của Anphongsô phát xuất bởi việc nhìn nhận nhân vị của Đấng Cứu Chuộc và tìm thấy trong Đức Kitô chìa khóa giải thích tất cả lịch sử. Đức Kitô không phải là đối tượng được biết và được nghiên cứu để được chúng ta dùng trong việc rao giảng của mình. Chính bởi yêu mến Ngài mà chúng ta sẽ hiểu Ngài, lòng yêu mến được diễn tả không thể tốt hơn được trong quyển Viếng Thánh Thể và quyển Đức Maria Chí Thánh hoặc trong tập Tuần cửu nhật cho lễ Giáng Sinh.

Thánh Giêrađô, “con người vô dụng”, cũng có thể dạy chúng ta nhiều điều về Đức tin. Điều này thì đúng cách đặc biệt khi chúng ta đọc các lá thư của ngài, ở đó ngài nói về “Đức tin là cuộc sống của ngài” và “cuộc sống là Đức tin của ngài”, và khi ấy Thánh nhân hy vọng để hiện hữu và để sống như “một điều gì đó được cấu thành bởi một Đức tin thánh thiện”. Sự tương tác qua lại và liên tục này giữa các công việc bé nhỏ trong cuộc sống thánh nhân và những đòi hỏi của một hành trình Đức tin theo bước Đức Giêsu Kitô là một điều gì đó khuấy động chúng ta thậm chí cả ngày hôm nay.

Hiến Pháp của chúng ta ngày nay

Khi chúng ta cân nhắc Hiến Pháp nói về Đức tin như thế nào thì dường như phải mất một thời kì lâu dài hơn. Chân dung mà Hiến pháp gửi đến mỗi chúng ta trong tư cách là một tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế là chân dung của một người “mạnh mẽ trong Đức tin” (HP. 20) nuôi dưỡng Đức tin của mình với một tinh thần chiêm niệm (HP. 24). Tuy nhiên một áng mây cảnh tỉnh xuất hiện phía chân trời khi nói về việc đào tạo: các ứng viên cần phải được thúc đẩy bởi Đức tin can trường nếu họ muốn được chuẩn bị cách thích đáng cho những thử thách của sự hiu quạnh và những bất trắc ngang qua sứ vụ tông đồ (HP. 81).

Trong bối cảnh của ngày hôm nay, tất cả chúng ta ý thức rằng Đức tin là một cuộc hành trình cần được thực thi mỗi ngày. Tất cả chúng ta đều cảm thấy được mối đe dọa của chủ nghĩa hư vô và thuyết tương đối, và chúng ta nhận ra những lời của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng (Evangelii Nuntiandi) có tính thời sự làm sao: “Như người loan báo Tin Mừng, Giáo Hội phải bắt đầu bằng việc loan báo Tin Mừng cho chính mình” (số 15).

Chúng ta phải có ý thức về mối nguy hiểm của việc xem Đức tin đơn giản từ góc nhìn tri thức, như một điều gì đó chúng ta đã đạt được từ việc nghiên cứu của riêng mình. Cũng có sự nguy hiểm coi Đức tin như một vấn đề đối với người khác chẳng hạn như những người chúng ta rao giảng.

Nếu hôm nay chúng ta tái khám phá Đức tin của mình, chúng ta phải giũ sạch mọi lý do kiểu như là thiếu sự đào tạo đúng đắn, lỗi của các bề trên và các cơ cấu đã không thi hành đúng mực. Hôm nay mỗi chúng ta đều có thể làm một khởi đầu mới.

Chúng ta phải bắt chước người nghèo và những người giản dị cốt để tìm kiếm tính mộc mạc của Đức tin. Khi ấy Đức tin phải trở nên cuộc sống cho tôi, sự sống của tôi. Đức tin phải trở nên cái gì đó mà tôi kinh nghiệm lấy, là kinh nghiệm của riêng tôi. Đức tin phải dẫn tới cuộc gặp gỡ với một Đấng là Đức Giêsu Kitô.

Kết luận

Trước khi kết thúc, thật tốt nếu có vài lời nguyện suy niệm, cảm hứng từ chủ đề Đức tin này. Sau đây là một vài ví dụ có thể thực hiện:

  • Đức tin có thể dẫn dắt và trở thành tiêu chuẩn cho những chọn lựa chúng ta làm trong cuộc sống.
  • Cho những anh em đã ngừng kiếm tìm Đức tin
  • Cho những người đang sống trong hoài nghi và tăm tối.
  • Chúng ta có thể tìm lại Đức tin từ những người đơn sơ.
  • Chúng ta có thể học cách dành nhiều chỗ hơn nữa cho Lời Chúa.
  • Chúng ta có thể lấy lại nhuệ khí tông đồ.

Học viện Thánh Anphongsô(theo cssr.news)

Tags: , ,

Có thể bạn quan tâm