Tại sao con đánh em?

Thứ Bảy, 05-05-2018 | 09:05:37

Đó là một câu hỏi mà rất nhiều bậc cha mẹ đặt ra cho con nhưng không nhận được câu trả lời!

Và dù, họ vẫn luôn khẳng định “chúng tôi đã cố gắng hết sức có thể để đối xử công bằng với bọn trẻ” nhưng đứa lớn vẫn hay đánh đứa bé! Không hiểu tại sao?

 

Còn tôi thì tin rằng, bất kể chuyện gì xảy ra cũng có nguyên nhân sâu xa mà có thể bố mẹ đã vô tình bỏ qua vì nó chỉ là những cử chỉ, hành động và lời nói quá nhỏ nhặt.

Từ những điều tưởng chừng vụn vặt vô hại ấy, tích dần lên theo thời gian, tác động trực tiếp vào nhận thức của đứa trẻ khiến nó thay đổi hành vi.

Nếu để ý, cha mẹ sẽ thấy, bất kể một em bé nào khi mới được lên chức anh/ chị, sẽ không lao vào đánh em ngay từ những ngày đầu. Những hành vi đó chỉ xuất hiện dày đặc lên sau một khoảng thời gian.

Vậy, tại sao?

Theo tôi, 30% xuất phát từ bản năng của đứa trẻ, 70% nguyên nhân xuất phát từ cách hành xử của người lớn!

Trong những năm đầu đời, đặc biệt là giai đoạn từ 0 – 3 tuổi, trẻ thường sống và hành động theo bản năng. Đã gọi là sống bản năng, đồng nghĩa với việc chúng hành động theo cảm xúc và thường chưa biết cách làm thế nào để tiết chế cảm xúc của bản thân. Sống bản năng tức là khi gặp chuyện bực tức, bất an, ấm ức… chúng sẽ tìm cách trút giận lên những kẻ yếu thế hơn. Trong phạm vi gia đình, kẻ yếu hơn ở đây chính là đứa em của chúng. Hoặc cũng có những trẻ phản ứng bằng cách tự thu mình lại, bỏ nhà ra đi vì nghĩ rằng, ba mẹ không còn yêu mình nữa.

Nó có nghĩa, nếu người lớn có thể tạo cho chúng 1 môi trường khiến chúng luôn cảm thấy an toàn, được yêu thương và công bằng trong cách đối xử, những biểu hiện tiêu cực sẽ rất ít khi xảy ra.

Tuy nhiên, rất ít cặp vợ chồng khi sinh con thứ hai làm được điều này. Phần vì họ không lưu tâm, phần vì họ chưa thực sự tinh tế trong cách đối xử với 2 đứa trẻ.

Tôi xin phép được chỉ ra tập hợp những mảnh ghép nhỏ của sự ấm ức, khiến chúng luôn có sự ác cảm với em mình.

1/ Mẹ sinh em bé, cháu ra rìa rồi!

Đây là câu trêu đùa kinh điển của người lớn. Một câu trêu đùa tưởng chừng vô hại, nhưng hóa ra lại tai hại vô cùng! Chẳng có bất cứ một đứa trẻ nào thích bị bố mẹ cho ra rìa. Chẳng có bất cứ một đứa trẻ nào thích thú khi bố mẹ quan tâm, chăm sóc em nhiều hơn, yêu em nhiều hơn!

Nếu người lớn cứ thường xuyên nhắc đi nhắc lại câu nói này trước khi mẹ chúng sinh em bé. Đứa trẻ ấy sẽ nảy sinh cảm xúc thù ghét em ngay khi em ra đời!

(Ảnh: shutterstock.com)

2/ Con ngủ đi! Giữ yên lặng để em còn ngủ! Con cứ nói to như thế, làm sao mà em ngủ được?

Thỉnh thoảng tôi có góp ý với chồng mình về việc anh nói câu này với Suri – con gái lớn của chúng tôi. Bé mới 2 tuổi nhưng đã được làm chị.

Một câu nói nghe có vẻ là rất bình thường nhưng thực chất nó lại gây ấm ức cho bé.

Bé sẽ thắc mắc “Tại sao em ngủ thì con lại phải ngủ?”. Nó còn có nghĩa “vì em mà mình không được chơi đùa”. Trong trường hợp này, quyền lợi của bé rõ ràng đã bị ảnh hưởng bởi em.
Bởi vậy cho nên, bố mẹ đừng nên lấy con nhỏ ra làm lý do để ngăn cản con lớn làm bất cứ việc gì. Hãy tìm một nguyên nhân khác. Trong trường hợp của Suri, tôi bắt buộc con bé phải đi ngủ nhưng không phải vì “để em ngủ” mà vì trời tối, tất cả mọi người đều phải đi ngủ. Ngủ để giữ sức khỏe và còn để mai có thể thức dậy sớm để đi học!

Việc ngủ của Suri và việc ngủ của em, vốn không liên quan đến nhau! Đừng bắt con bé phải làm việc gì hoặc không được làm việc gì “vì em”. (Mặc dù, điều tôi lo nhất lúc đó đúng là sợ con bé nói to sẽ khiến thằng em tỉnh giấc).

3/ Con lớn rồi, con phải nhường em chứ!

Tôi gặp trường hợp một số ông bố bà mẹ hay nói với con câu này “Trước con bé, bố mẹ cũng yêu chiều con như em bây giờ. Giờ con lớn rồi. Con phải nhường em chứ?”. Bạn nghĩ, đó là lý do chính đáng và thuyết phục nhất? Nhưng tin tôi đi, nó chẳng có ý nghĩa với con bạn đâu. Vì sao ư? Vì nó vốn chẳng còn nhớ được những gì đã diễn ra hồi nó còn bé. Cái nó quan tâm là những gì mắt thấy tai nghe!

Cha mẹ nên nhớ rằng, muốn con cái yêu thương, đoàn kết với nhau, điều kiện tiên quyết đầu tiên mà bố mẹ nên làm là đối xử công bằng với chúng. Không thể cứ là anh/chị thì phải chịu thiệt, còn là em thì được chiều chuộng, được nhường nhịn. Làm như vậy, tức là bố mẹ đang hại cả 2 đứa con mình. Một đứa luôn sống trong ấm ức nên trở nên cục cằn, một đứa vì được chiều chuộng, nhường nhịn nên trở thành ích kỷ.

Tôi còn nhớ như in 1 câu chuyện mà tôi đã từng được nghe thời học cấp 3. Câu chuyện kể về 1 gia đình nghèo, sinh được 3 người con. Đứa con gái cả sinh ra trong điều kiện thiếu thốn trăm bề, ăn còn không đủ no, mặc không đủ ấm. Một lần nọ, thấy con bé cứ đứng bên bờ rào nhìn chăm chăm đứa trẻ con nhà hàng xóm đang ăn bánh rán, mẹ con bé rơi nước mắt mà bảo rằng: “con ngoan, đợi nhà mình bớt khó khăn 1 chút, mẹ sẽ mua bánh rán cho con nhé”.

Thế rồi, mẹ con bé sinh em thứ hai. Một ngày nọ người họ hàng có mang cho nhà con bé 1 cái bánh rán. Mẹ con bé mang về, đưa chiếc bánh cho em và bảo con bé rằng “thôi, con lớn rồi, con nhường em nhé! Lần sau mẹ sẽ mua 2 cái cho con và em”.
Gia cảnh nhà con bé rồi cũng bớt khó khăn hơn 1 chút, cũng là lúc mẹ con bé sinh em thứ 3. Một lần nọ khi tan chợ, đắn đo suy nghĩ mãi, chị mới dám bỏ tiền chợ ra mua 2 cái bánh rán. Nhưng rốt cuộc, con lớn vẫn chẳng được miếng nào vì phải nhường 2 em nhỏ.

Câu chuyện tôi kể trên phản ánh rất chân thực hiện trạng của xã hội một thời. Cả một thế hệ những gia đình mà con cả luôn phải chịu thiệt thòi, làm nhiều, ăn ít vì phải nhường em. Còn con út thì được chiều chuộng, được nhường nhịn, làm thì ít, ăn thì nhiều!

Thử hỏi, với cách đối xử thiếu công bằng như vậy của cha mẹ, có đứa trẻ nào mà không thù ghét em mình? Trong trường hợp của gia đình trong câu chuyện trên, tại sao không phải là bẻ đôi chiếc bánh, chia mỗi chị em 1 nửa mà cứ phải là nhường em ăn tất?

Đối với 2 đứa trẻ nhà tôi. Luôn có sự quy định những vật sở hữu của em và của chị. Nếu em muốn chơi đồ của chị, sẽ phải mượn chị và phải được sự đồng ý của chị mới được chơi. Ngược lại, chị không được phép cướp đồ của em khi em chưa đồng ý. Không có chuyện, bắt buộc chị phải nhường em tất cả đồ chơi của mình, khiến chị cảm thấy ấm ức! Kể cả đồ ăn cũng vậy. Ngay đến việc ti mẹ, dù bé lớn nhà tôi đã cai sữa nhưng tôi vẫn thường xuyên hỏi con bé “con ti mẹ nhé! Mẹ cho em ti bên này xong, mẹ cho con ti bên này nha!”. Con bé tỏ ra rất thích thú, sà vào lòng mẹ, và dù chỉ ngậm chứ không ti nhưng vẻ mặt của con cho thấy rằng, con rất mãn nguyện về điều đó!

4/ Con hư lắm. Em ngoan thế này cơ mà!

Một câu nói mà đến người lớn còn không thích chứ chưa nói đến trẻ con. Chẳng ai muốn bị mang ra so sánh với kẻ khác. Những đứa trẻ thì càng không. Bởi trẻ con vốn rất nhạy cảm. Những gì mà người lớn không để ý, chúng lại rất hay lưu tâm. Đừng bao giờ mang chúng ra so sánh với nhau, ai hơn, ai kém.

Mang con mình ra so sánh với con hàng xóm đã ác rồi, mang chúng ra so sánh với nhau còn ác hơn! Làm như vậy, chỉ khiến chúng càng ngày càng ghét nhau, ganh tỵ nhau.

Bà nội Suri thỉnh thoảng vẫn nói câu này mỗi khi Suri nằm lăn ra đất ăn vạ. Vừa nói bà vừa ôm ấp, chơi đùa với Suboi và bảo: “Boi ngoan quá chị Suri hư nhỉ?”. Nghe đến đây, con bé lập tức đứng dậy, chạy ra đánh vào đầu em. Bà càng quát, lần sau con bé càng tìm cách đánh em. Bà càng bảo vệ em và chê con bé hư nó càng nổi khùng lên và thù ghét em mình!

(Ảnh: f1online.de)

5/ Con nín đi! Em trêu con à? Mẹ đánh em nhé!

Mục đích của câu nói vốn dĩ chỉ là để dỗ dành con lớn nín khóc trong ngắn hạn. Nhưng về dài hạn, chính câu nói này đã gián tiếp dạy bé cần phải đánh em khi em trêu mình. Và khi vắng bố mẹ trông chừng, bé rất có thể sẽ đánh em vì cho rằng hành động nào đó của em đã phạm phải điều cấm kỵ trên: trêu chị!

6/ Con làm đổ cốc nước à? Hay em làm đổ? Chắc là em hả? Em hư quá!

Một lần, Suri cố tình lấy cốc nước đổ ra nhà để giẫm chân lên nghịch nước. Bà nội sợ cháu ngã mới chạy lại mắng “Ai cho con đổ nước ra nhà. Đổ ra đây nhỡ trơn ngã thì sao?”. Con bé thấy bà to tiếng thì bắt đầu dở trò ăn vạ, mồm méo xẹo, nước mắt ngắn dài. Thấy cháu khóc, bà xót quá nên lại đánh lạc hướng bảo “Su đổ nước ra nhà à? Hay là em Boi đấy? Em Boi hả? Boi hư quá! Lần sau Boi không được đổ nước ra nhà nữa nhé!”. Thế là, như tìm được chỗ để bấu víu, con bé cũng ùa theo luôn “em Boi đổ nước ra nhà đấy! Em Boi hư!”.

Thực ra, ý định của bà nội là dùng cách này để gián tiếp nhắc nhở, cảnh báo Suri nhưng nó lại gây tác dụng ngoài ý muốn là con bé bắt đầu biết đổ tội cho em, không chịu trách nhiệm với hành động của mình.

Vậy cho nên, người lớn đừng bao giờ nói với con bằng giọng nước đôi như thế này nếu bạn biết chắc chắn ai làm đổ nước. Bởi, nếu nói như vậy, tức là bạn đã gián tiếp dạy bé cách đổ tội lỗi lên đầu kẻ khác. Không dám nhận lỗi và chịu trách nhiệm với những lỗi lầm của mình mà chỉ đổ tội cho em. Điều này thực sự rất tai hại.

7/ Khi 2 con cùng khóc mà bạn chỉ có 1 mình. Hãy dỗ đứa lớn trước!

Đó là cách tôi hay áp dụng khi cả Suri và Suboi cùng khóc. Suboi vốn còn rất nhỏ nên gần như không phải lo về việc bé sẽ tủi thân hay ganh tị với chị. Còn Suri thì khác, khi cả 2 cùng cất tiếng khóc, con bé rất để ý thái độ của mẹ. Khi thấy mẹ chạy đến bên mình trước, con bé vui sướng ra mặt và mẹ chỉ cần dỗ vài câu là nín. Sau khi con bé nín, tôi thường rủ con bé “mẹ con mình ra dỗ em Boi nhé, em khóc rồi kìa!”. Thế là con bé nhanh nhảu chạy ra lấy bình sữa cho em. Vỗ về cho em nín! Khi dỗ mà em không nín, con bé quay lại bảo mẹ “mẹ ơi, em Boi khóc. Mẹ bế em Boi!”. Vậy là xong! Rất nhẹ nhàng và êm đẹp.

8/ Nếu nghe hát, kể chuyện trước khi đi ngủ là thói quen của bé thì ba mẹ cố gắng duy trì thói quen đó cho con.

Đừng vì lý do bận, mệt mà bỏ quên. Khi đó, bé sẽ cho rằng, vì có em nên bố mẹ mới không yêu thương, quan tâm bé như xưa.

9/ Đừng quên bế em lớn, bày tỏ tình yêu với em lớn, dành thời gian vui chơi, nói chuyện với em lớn hàng ngày để em lớn an tâm rằng, việc có thêm em bé, không ảnh hưởng gì đến tình yêu của bố mẹ dành cho mình.

10/ Hãy để ý tới những bộ phim hoạt hình mà bé xem.

Đừng cho bé xem những bộ phim xuất hiện nhiều cảnh bạo lực. Việc bé hay đánh em, cũng có thể là do bé bắt chước theo những nhân vật trong phim hoạt hình. Mà trong phim hoạt hình, dù các con vật có đánh nhau lộn tùng phèo thì chúng vẫn chẳng bị làm sao. Nên bé nghĩ, việc đánh người khác không có gì là trầm trọng.

11/ Hãy động viên bé, rủ bé cùng tham gia vào việc chăm sóc em.

Có một lần, tôi sang nhà anh chị chơi với 2 đứa cháu. Đang chơi, thằng cu em hất cát bị cát bắn vào mắt nên òa khóc. Bố thằng bé từ trong nhà chạy ra, chưa hiểu đầu đuôi thế nào liền cho thằng anh 2 cái bạt tai mà chẳng cần hỏi lý do. Tôi mới ngớ người hỏi “Ơ, anh ơi, sao anh đánh thằng T?”. “Em nó khóc thì chỉ có thằng này trêu thôi chứ còn ai vào đây nữa. Chẳng nhẽ cô?”. Nghe tôi giải thích xong, ông anh mới vỡ lẽ, nhưng đánh thì cũng đã đánh rồi, oan cũng đã oan rồi, nên bố cũng chỉ ậm ừ mà chẳng xin lỗi con lấy 1 câu.

Vậy, vấn đề ở đây là gì? Anh tôi chưa tin tưởng con mình. Cha mẹ nên động viên con tham gia vào việc chăm sóc em để tăng tính gắn bó và trách nhiệm giữa các thành viên trong gia đình nhưng phải tin tưởng con và giám sát bé chặt chẽ.

Ví dụ, mẹ hãy cho bé cầm bình sữa cho em ti. Nhờ bé vỗ về ru em ngủ. Nhờ bé trông em (vẫn có sự giám sát của người lớn). Nhờ bé dỗ em khi em khóc… Cảm ơn, khen ngợi kịp thời khi bé hoàn thành tốt nhiệm vụ và khi thấy bé có những hành động đẹp với em.

Đây là cách mà tôi thấy rất hiệu quả khi áp dụng với Suri. Con bé tỏ ra rất hào hứng với việc chăm em bé. Thay vì chơi búp bê như trước kia. Giờ con bé chuyển hẳn sang chăm em Suboi. Thậm chí, có lần con bé đang ngủ, bỗng nghe tiếng em khóc, con bé bật dậy nhưng không thấy mẹ đâu bèn lấy bình sữa mẹ để sẵn ở đầu giường cho em ti. Khi mẹ ra, con bé đưa lại bình sữa cho mẹ rồi ngủ tiếp.

Khi con bé nhận thấy, việc chăm em là trách nhiệm của cả gia đình và sự xuất hiện của em vốn dĩ chẳng gây ảnh hưởng xấu gì tới quyền lợi của con bé, con bé sẽ tự có những cách hành xử đúng mực. Khi đã yêu quý em rồi thì chẳng cần bố mẹ phải dạy, con bé cũng sẽ nhẹ nhàng với em, nhường nhịn em, chia sẻ đồ chơi với em.

(Ảnh: Video)

Như vậy, việc quan trọng nhất bố mẹ cần phải làm từng bước một đó là:

  • Giúp con làm quen với việc có em.
  • Giúp con không có ác cảm với sự có mặt của em.
  • Giúp con yêu quý và gắn bó với em.
  • Sau khi con bé đã yêu quý em rồi việc của bố mẹ là dạy chúng cách chia sẻ với nhau, bảo vệ nhau, nhường nhịn nhau.

Thực hiện từng bước một thôi, như vậy mới cho hiệu quả tốt.

Nếu ngay từ đầu, bố mẹ đã đưa ra những nguyên tắc cho con lớn và bắt con phải thực hiện theo vô điều kiện. Nếu con không thực hiện mà lỡ tay đánh em, bố mẹ lập tức quát mắng, trừng phạt con, thậm chí đánh đập, con sẽ chỉ thêm thù ghét em mà thôi.

Dù nỗi ấm ức này không thể hiện ra ngoài, nhưng nó sẽ tích tụ dần và gây ra những hậu quả đáng tiếc về sau. Thậm chí, có những anh, chị em trong một gia đình vẫn cay cú, thù ghét nhau ngay cả khi đã trưởng thành, lập gia đình.

Tôi có một thằng cháu. Trong một lần nói chuyện hỏi han nó về vấn đề học tập và gia đình. Khi nói đến em nó, thái độ của nó tỏ ra vô cùng ấm ức. Nó bảo “nếu không có bố mẹ, cháu đánh chết em lâu rồi!”. Tôi vô cùng bàng hoàng với suy nghĩ của 1 đứa trẻ 5 tuổi. Hỏi ra mới biết, từ khi có em, nó ít được ngủ cùng bố mẹ, toàn phải ngủ cùng ông bà.

– Bố mẹ cháu lúc nào cũng bắt cháu phải nhường em vô điều kiện. Nó giật tóc cháu, đánh cháu, cháu cũng không được đánh lại. Có lần, mẹ cháu còn bắt cháu ngồi im cho nó giật tóc chơi.

Thực ra, em thằng bé mới có 1 tuổi nên không thể ý thức được hành động của mình. Nhưng việc bố mẹ thằng bé đưa ra những quy định bắt buộc nó phải nhường nhịn em vô điều kiện mà không đưa ra bất cứ lời giải thích nào quả thực là rất sai lầm. Bởi điều đó đã khiến thằng bé bị tổn thương nghiêm trọng, sinh ra thù ghét em.

Thêm nữa, tất cả các thành viên trong gia đình, từ ông, bà, bố, mẹ nên đồng nhất quan điểm giáo dục con cháu mình. Đừng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Bố mẹ dạy 1 đằng, ông bà nói 1 kiểu, bé sẽ chẳng biết theo ai. Cuối cùng, mọi công sức dạy dỗ của ba mẹ sẽ bị đổ xuống sông xuống biển hết.

Tôi rất mong, sau khi đọc được những dòng chia sẻ này, các bố mẹ sẽ lưu tâm hơn, tinh tế hơn trong cách hành xử với các con. Để chúng có một tuổi thơ êm đềm bên nhau, cùng nhau lớn lên và trưởng thành!

Theo Facebook Lê Thanh Ngân

Tags:

Có thể bạn quan tâm

Chia sẻ Lời ChúaXem hết

Bài giảng lễXem hết

Bài Giảng Hành HươngXem hết

Thước phim Mục vụXem hết

Tìm kiếm

Lễ Chúa nhật - Lễ Trọng - Lễ DCCTXem hết