Các nhà lãnh đạo cao cấp Vatican quan tâm đến việc bảo vệ trẻ vị thành niên

Thứ Tư, 29-03-2017 | 18:09:04

Trong một sự kiện quan trọng thể hiện tinh thần hiệp nhất, các viên chức từ mọi bộ phận của Vatican – bao gồm ít nhất 6 vị Hồng y đứng đầu các bộ khác nhau – đã tham dự một hội thảo gần đây ở Rôma về vấn đề bảo vệ các trẻ em vị thành niên.

“Thực tế, tôi đến với hội thảo này trong vai trò là thành viên của một bộ chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề về nhân quyền và công lý,” Đức Hồng y Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình đã nói.

Với tư cách người đứng đầu của một bộ phận chuyên giải quyết các vấn đề nhân quyền, ngài nhận thức về những gì đang diễn ra trong việc ngăn chặn nạn lạm dụng là “rất cấp thiết”, ngài nói với CNA, nhấn mạnh thêm rằng “điều trọng yếu là chúng tôi đang cố gắng thống nhất quan điểm đối với sứ vụ này và với những gì chúng tôi sẽ thực hiện.”

Tất cả các bộ của Giáo triều Rôma đều có các đại diện tham dự tại cuộc hội thảo ngày 23 tháng 3, cho thấy tầm quan trọng của vấn đề này trong mắt của các vị lãnh đạo Vatican.

Rất hiếm khi các Hồng y đứng đầu các bộ trực tiếp tham dự một sự kiện được tổ chức bởi những cơ quan không thuộc bộ của họ – thông thường họ sẽ cử các đại diện đến tham dự. Sự hiện diện của nhiều vị Hồng y tại sự kiện hội thảo vừa rồi cho thấy rằng Vatican đang cố gắng nhấn mạnh về vấn đề này, đặc biệt là khi sự kiện này chỉ diễn ra trong một ngày và không chỉ được tổ chức cách riêng dành cho các thành viên của Giáo triều nhưng là để hướng đến đại chúng.

Cùng tham dự trong buổi họp mặt với Đức Hồng y Turkson còn có Đức Hồng y Keven Farrell, Chủ tịch Thánh bộ Giáo dân, Gia đình và Đời sống của Vatican.

Đức Hồng y Sean O’Malley đã tổ chức sự kiện này với cương vị là người đứng đầu của Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ trẻ vị thành niên. Ngoài ra, còn có sự tham dự của Đức Hồng Y João Braz de Aviz, Bộ trưởng Bộ Đời sống thánh hiến và các Hiệp hội đời sống tông đồ; Đức Hồng y Marc Ouellet, đứng đầu Thánh bộ Giám mục và Ủy ban Giáo hoàng về Châu Mỹ La tinh; và Đức Hồng y Pell, Bộ trưởng Bộ Kinh tế.

Đức Hồng y Turkson cho biết rằng riêng Bộ của ngài đã cử một viên chức phụ trách các vấn đề về luật pháp quốc tế, nhân quyền, luật gia đình và các chủ đề liên quan. Nhưng ngài vẫn quyết định tham dự buổi hội thảo vì “việc nhận biết được những điều mới mẻ đối với vấn đề bảo vệ trẻ vị thành niên này là rất cần thiết”.

“Không một vị mục tử nào lại không quan tâm đến vấn đề này, nhất là đối với các Giám mục, bởi vì các Giám mục đã chỉ sử dụng cùng một cách thức để đối mặt với vấn đề này trong quá khứ,” ngài nói, với lưu ý về những việc đã xảy ra trước đây, thông thường các giáo sĩ ấu dâm chỉ đơn giản là được gửi đến các trung tâm trị liệu rồi sẽ luân chuyển đến một giáo xứ khác sau khi họ hoàn tất liệu trình.

“Hiện nay chúng ta đã có những hiểu biết sâu hơn về vấn đề này,” ngài nói. “Dấu ấn để lại vào thời điểm đó chính là những ý nghĩ cho rằng người ta có thể đi đến các trung tâm điều trị và sẽ được chữa lành, nhưng điều đó hoàn toàn là sai lầm”.

“Vì vậy, sẽ là rất tốt nếu chúng ta đào sâu hiểu biết của mình về vấn đề này một cách thực sự, thực sự sâu sắc và toàn diện,” ngài nói, và cho biết thêm rằng, ngài đến không chỉ để ủng hộ Đức Hồng y O’ Malley, một người bạn lâu năm, nhưng cũng là để học hỏi và lắng nghe những cập nhật mới về vấn đề này.

Đức Hồng y Farrell cũng đồng ý với ý kiến trên của Đức Hồng y Turkson. “Việc có mặt ở sự kiện này là rất quan trọng đối với Giáo hội… Nếu nhìn lại lịch sử 20 năm qua, chúng ta có thể nhận thấy vấn đề này chính là trở ngại lớn nhất đối với việc rao giảng Lời Chúa và niềm tin vào những việc chúng ta đang thực hiện,” ngài nói với CNA.

Với sự tham gia bảo trợ của Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ trẻ em vị thành niên (PCPM) và trung tâm Bảo vệ trẻ em tại Đại học Giáo hoàng Gregoriana, buổi hội thảo giáo dục kéo dài một ngày này đã tập trung vào vấn đề cách thức Giáo hội địa phương và các hội đoàn đang thực hiện để đối phó vấn về lạm dụng trẻ vị thành niên, đặc biệt là ở các trường học và ở nhà.

Buổi hội thảo gồm có phần trình bày của nhiều thành viên và cộng tác viên của Ủy ban này, trong đó có ông Kathleen McCormack, Chủ tịch Nhóm Hoạt động của PCPM về Giáo dục trong Gia đình và Cộng đồng. Ngoài ra, còn có các bài phát biểu của các đại diện đến từ Mexico, Colombia và Argentina, cũng như Úc và Ý.

Sự kiện này diễn ra chỉ sau vài tuần kể từ khi một nạn nhân từng bị giáo sĩ lạm dụng là bà Marie Collins từ chức và rút khỏi Ủy ban. Bà cho biết một trong những lí do chính khiến bà hành động như vậy là vì có những ngăn trở từ một số cơ quan tại Vatican đối với các hoạt động của PCPM, mà cụ thể là từ Thánh bộ Giáo lý Đức tin.

Theo Cha Hans Zollner, người đứng đầu Trung tâm Bảo vệ Trẻ em và cũng là một thành viên của Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ trẻ vị thành niên, việc lắng nghe từ nhiều phía và cả tiếng nói của các nạn nhân là điểm chính yếu sẽ được bàn đến trong suốt phiên họp tổng kết bắt đầu vào ngày 24 tháng 3.

Trong trao đổi của mình với CNA vào ngày 23 tháng 3, Cha Zollers nói “Chúng ta cần được thức tỉnh bởi những người đã từng là nạn nhân. Chúng ta nên lắng nghe họ và chúng ta cần phải cân nhắc đến những gì mà họ đã và đang phải trải qua.”

Về việc có sự tham gia của những người từng bị làm dụng, ngài lưu ý rằng chính bà Collins đã từng trả lời trong một cuộc phỏng vấn rằng “việc trang bị một nhóm kĩ năng nhất định” là cần thiết nếu một người từng bị làm dụng muốn tham gia vào bất cứ hoạt động hay sứ vụ tuyên truyền nào.

 “Vì vậy, chúng ta hãy cùng với các nạn nhân tìm hiểu xem nhóm kĩ năng này nên gồm có những điều gì,” ngài nói, nhưng cũng cảnh báo rằng điều này sẽ không hề dễ dàng. Từ kinh nghiệm của ngài là một người đã đi khắp thế giới và cố gắng nâng cao nhận thức về vấn đề trẻ em bị lạm dụng, ở nhiều quốc gia “người ta không quen với việc chia sẻ về những vấn đề này.”

“Ngay cả đối với những người đã từng là nạn nhân bị lạm dụng, ở một vài nơi trên thế giới, điều này vẫn còn là điều cấm kỵ không thể nói ra và chúng ta cần giúp đỡ họ thoát khỏi điều đó,” ngài nói, và giải thích thêm rằng khi hoàn tất nhiệm vụ vào cuối mỗi năm, Ủy bản Bảo vệ trẻ vị thành niên sẽ luôn xem xét lại cơ cấu hoạt động và quá trình phát triển “để có thể tiếp tục cuộc hành trình”.

Tuy nhiên, trong thời gian diễn ra sự kiện, ngài cũng có lời khen rằng buổi hội thảo là một bước tiến quan trọng và là “một sự kiện rất thành công”, đặc biệt trong việc “thu hút mối quan tâm của các thành viên cấp cao trong Giáo triều, bao gồm các vị Hồng y và tất cả những đại diện của các cơ quan Bộ”.

Huỳnh Phi (theo CNA)

Tags: ,