ĐTC Phanxicô: Chắc chắn là Chúa Giêsu luôn cầu nguyện cho chúng ta
Thứ Năm, 03-06-2021 | 16:22:00
Hồng Thủy – Vatican News
Sáng thứ Tư ngày 2/6 là lần thứ ba liên tiếp Đức Thánh Cha có buổi tiếp kiến chung trực tiếp với các tín hữu tại sân Damaso ở nội thành Vatican. Tiếp tục loạt bài giáo lý về đề tài cầu nguyện, Đức Thánh Cha trình bày Chúa Giêsu như gương mẫu cầu nguyện cho các môn đệ của Người. Chúa Giêsu chỉ chọn các tông đồ sau khi đã cầu nguyện suốt đêm dài. Trước mỗi thời khắc quan trọng trong sứ vụ, Chúa Giêsu đi vào nơi thanh vắng để cầu nguyện. Trong bữa Tiệc Ly, Chúa đã bảo đảm với thánh Phêrô rằng Người cầu nguyện cho ngài, cho sự hoán cải và sứ vụ tương lai của ngài.
Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng giống như các tông đồ, chúng ta có thể tin tưởng vào lời cầu nguyện của Chúa Giêsu nâng đỡ chúng ta trên hành trình đức tin và là môn đệ của Chúa. Chúa Giêsu phục sinh luôn cầu khẩn Chúa Cha cho chúng ta.
Bắt đầu buổi tiếp kiến, mọi người lắng nghe đoạn Tin Mừng thánh Luca: (Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Người:) “Còn anh em, anh em vẫn một lòng gắn bó với Thầy, giữa những lúc Thầy gặp thử thách gian nan . Vì thế, Thầy sẽ trao Vương Quốc cho anh em, như Cha Thầy đã trao cho Thầy… Simôn, Simôn ơi, kìa Xatan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” (22,28-29.31-32).
Mở đầu bài giáo lý, Đức Thánh Cha nói rằng các sách Tin Mừng cho chúng ta thấy cầu nguyện là điều nền tảng như thế nào trong mối liên hệ giữa Chúa Giêsu và các môn đệ của Người. Đức Thánh Cha chọn một số ví dụ từ Tin mừng thánh Luca để giải thích điều này.
Chọn các tông đồ
Trước hết là việc Chúa chọn các Tông đồ. Thánh Luca đặt việc chọn các Tông đồ trong bối cảnh chính xác của việc cầu nguyện: “Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông đồ” (6,12-13). Đức Thánh Cha nhận xét rằng dường như trong việc chọn lựa này Chúa Giêsu không có tiêu chí nào khác ngoài việc cầu nguyện, cuộc trò chuyện của Chúa Giêsu với Chúa Cha. Ngài nói: “Xem xét cách sống của những người được chọn này thì dường như đây không phải là cách chọn lựa tốt nhất, bởi vì tất cả họ đã bỏ trốn, đã bỏ Chúa một mình trước cuộc Thương Khó. Nhưng việc chọn này, đặc biệt là sự hiện diện của ông Giuđa, người sẽ phản bội Chúa, cho thấy rằng tên của các môn đệ đã được ghi khắc trong kế hoạch của Thiên Chúa.”
Chúa Giêsu tiếp tục cầu nguyện cho các bạn của Người trong cuộc sống của Người. Đức Thánh Cha giải thích: “Các Tông đồ đôi khi trở thành lý do khiến Chúa quan tâm, nhưng Người đã nhận họ từ Chúa Cha, do đó Người mang họ trong lòng, ngay cả những sai lỗi của họ, cả khi họ vấp ngã.
Khi chúng ta yếu đuối, tình yêu của Chúa càng mạnh mẽ hơn
Trong tất cả những điều này chúng ta khám phá ra cách thế Chúa Giêsu vừa là thầy vừa là bạn, luôn luôn sẵn sàng kiên nhẫn chờ đợi môn đệ hoán cải. Đức Thánh Cha giải thích tiếp: “Cao điểm của sự chờ đợi nhẫn nại này là ‘mạng lưới’ tình yêu mà Chúa thêu dệt quanh thánh Phêrô. Trong bữa Tiệc Ly, Chúa nói với ngài: “Si-môn, Si-môn ơi, kìa Xa-tan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh.” (Lc 22,31-32). Thật ấn tượng khi biết rằng khi các môn đệ yếu đuối, tình yêu của Chúa Giê-su không chấm dứt nhưng còn trở nên mãnh liệt hơn.
Giải thích thêm về tình yêu không ngừng của Chúa Giêsu, Đức Thánh Cha đưa ra những ví dụ: Nếu có người hỏi, “Thưa cha, nếu con mắc tội trọng, Chúa có yêu thương không?” “Nếu con làm những điều vô cùng tồi tệ, rất nhiều tội lỗi, Chúa có yêu thương không?” Và ngài trả lời: “Có! Chúa Giêsu vẫn tiếp tục. Tình yêu của Người, lời cầu nguyện của Người dành cho mỗi chúng ta không bao giờ ngừng. Thực sự là nó trở nên mãnh liệt hơn và chúng ta là trung tâm của lời cầu nguyện của Người!”
Đức Thánh Cha nhắc nhở: “Chúng ta phải luôn ghi nhớ: Chúa Giêsu cầu nguyện cho tôi, đang cầu nguyện với Chúa Cha cho tôi và tỏ cho Chúa Cha những vết thương Người mang trên mình, để Chúa Cha thấy giá ơn cứu độ của chúng ta, đó là tình yêu dành cho chúng ta.” Và Đức Thánh Cha khẳng định điều chắc chắn là giây phút này Chúa Giêsu đang cầu nguyện cho chúng ta.
Cầu nguyện vào thời điểm quan trọng
Chúa Giêsu lại vào nơi thanh vắng để cầu nguyện trong một thời điểm quan trọng trong cuộc hành trình của Người, khi Người muốn xác minh đức tin của các môn đệ của Người. Thánh sử Luca thuật lại: “Khi Đức Giêsu cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: ‘Dân chúng nói Thầy là ai?’ Các ông thưa: ‘Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.’ Người lại hỏi: ‘Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?’ Ông Phêrô thưa: ‘Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.’ Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai” (9,18-21).
Đức Thánh Cha nhận định: “Những bước ngoặt vĩ đại trong sứ vụ của Chúa Giê-su luôn được đi trước bằng việc cầu nguyện sốt sắng và kéo dài. Sự thử thách đức tin này dường như là một mục tiêu, nhưng ngược lại, nó là một điểm khởi đầu mới cho các môn đệ, bởi vì từ đó trở đi, dường như Chúa Giê-su nói với một cung điệu mới trong sứ mệnh của Người; Người công khai nói với họ về cuộc khổ nạn, cái chết và phục sinh của Người.”
Vào lúc Chúa thông báo về cái kết của Người, theo bản năng, trong lòng các môn đệ và cả trong chúng ta, những người đọc Tin Mừng, nổi lên sự phản kháng, Đức Thánh Cha khẳng định: “Cầu nguyện là nguồn ánh sáng và sức mạnh duy nhất.” Ngài khuyên nhủ: “Cần phải cầu nguyện nhiều hơn, mỗi khi đường đi có những đoạn dốc quanh co.”
Chúa biến hình
Sau khi Chúa Giêsu loan báo cho các môn đệ biết điều đang chờ đợi Người ở Giêrusalem, thì xảy ra sự kiện Chúa biến hình. Chúa Giêsu “đem theo các ông Phêrô, Gioan và Giacô-bê. Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà. Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Môsê và ông Êlia. Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem” (9,28-31). Đức Thánh Cha giải thích: “Do đó, vinh quang được biểu lộ trước này của Chúa Giêsu đã diễn ra trong cầu nguyện, trong khi Chúa Con được hòa mình vào sự hiệp thông với Chúa Cha và hoàn toàn thuận theo ý muốn tình yêu của Người, theo chương trình cứu rỗi của Người. Từ lời cầu nguyện đó xuất phát một mệnh lệnh rõ ràng cho ba môn đệ hiện diện ở đó: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người”(Lc 9, 35). Đây là lời mời luôn lắng nghe Chúa Giêsu trong cầu nguyện.
Chúa cầu nguyện cho chúng ta
Đức Thánh Cha nói tiếp: Lướt qua sách Tin Mừng một cách nhanh chóng, chúng ta hiểu rằng Chúa Giêsu không chỉ muốn chúng ta cầu nguyện khi Người cầu nguyện, mà còn đảm bảo với chúng ta rằng, ngay cả khi nỗ lực cầu nguyện của chúng ta hoàn toàn vô ích và không hiệu quả, chúng ta luôn có thể trông cậy vào lời cầu nguyện của Người.
Đức Thánh Cha chia sẻ rằng có một giám mục, trong một thời điểm đen tối của cuộc sống với những thử thách to lớn, đã nhìn thấy hàng chữ “Ta luôn cầu nguyện cho anh, Phêrô”, và điều này đã mang lại cho ngài sức mạnh và niềm an ủi. Điều này xảy ra khi mỗi người biết rằng Chúa Giêsu cầu nguyện cho chúng ta. Đức Thánh Cha mời các tín hữu lặp lại điều này, và nhắn nhủ rằng khi gặp khó khăn hãy luôn nhớ điều này. Chính lời cầu nguyện của Chúa Giêsu với Chúa Cha nâng đỡ chúng ta trong cuộc sống.
Kết thúc bài giáo lý Đức Thánh Cha khuyến khích: “Ngay cả khi lời cầu nguyện của chúng ta chỉ là những lời nói lắp bắp, nếu chúng bị ảnh hưởng bởi đức tin dao động, chúng ta không bao giờ được ngừng tin cậy nơi Chúa. Được hỗ trợ bởi lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, những lời cầu nguyện rụt rè của chúng ta nằm trên đôi cánh đại bàng và bay lên Thiên đàng.