Đức Phanxicô tròn 4 năm Giáo hoàng. Hồng y Hummes: "Mỗi cuộc cải cách đều gây ra những kháng cự"

Thứ Ba, 14-03-2017 | 16:30:58

Một tóm kết vào dịp kỷ niệm bốn năm triều đại Giáo hoàng Bergoglio, được đưa ra bởi vị Hồng y đã thì thầm vào tai của Đức Thánh Cha vừa đắc cử một câu nổi tiếng: “Đừng quên người nghèo”.

Đức Hồng y Mummes và Đức Hồng y Bergoglio tại Nhà nguyện Sistina trong Cơ Mật viện 2013

Đức Hồng y Hummes và Đức Hồng y Bergoglio tại Nhà nguyện Sistina trong Cơ Mật viện 2013

 

Một số người nói về ĐHY Hummes như một trong những “đại cử tri vĩ đại” của Đức Thánh Cha người Argentina. Thực ra, ngài là người rất khiêm tốn và không muốn người ta gán cho mình bất cứ công trạng gì. Ngài cũng đã không hề nghĩ rằng một câu đơn giản của một người bạn lại có tác động như vậy trên Đức Jorge Mario Bergoglio. Đó là ngày 13/3/2013, khi ĐHY Claudio Hummes người Brazil là người đầu tiên ôm hôn Đức Giáo hoàng mới được bầu và thì thầm vào tai ngài: “Đừng quên người nghèo”. Tuy nhiên, mấy lời đơn giản ấy đã tác động mạnh trên Đức Giáo hoàng đến nỗi ngài đã lựa chọn tên của Người Nghèo Assisi – Phanxicô – làm tông hiệu của mình.

Ngài Hummes, một tu sĩ Phanxicô, nguyên Tổng Giám mục São Paulo và nguyên Tổng trưởng Thánh Bộ Giáo sĩ, trong một cuộc phỏng vấn với Vatican Insider, đã đưa ra nhận xét về bốn năm đầu của triều đại giáo hoàng của Đức Bergoglio, trong đó Giáo hội đã và đang sống một “cú sốc mạnh mẽ” mặc dù có một số kháng cự. Tuy nhiên, theo Đức Hồng y, đối kháng là “bình thường” bởi vì “bất kỳ cuộc cải cách nào cũng đều gây ra những phản kháng.”

Ngài nói gì về bốn năm vừa qua?

“Tuyệt vời. Đây là một triều đại giáo hoàng phi thường. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đẩy Giáo hội mở ra, đi ra ngoài, đặc biệt là đến các vùng ngoại ô và đến với người nghèo, khi ngài kêu gọi phải liên đới với họ và đi cùng họ. Ngài đã luôn làm điều đó với sự dấn thân tuyệt vời. Đây có lẽ là đường nét rõ ràng nhất của bốn năm này. Vấn đề hòa bình cũng là một thách thức thật sự. Đức Giáo hoàng luôn luôn ở vào nơi có xung đột, trụ lại đó, đích thân đến đó hoặc triệu tập cơ quan công quyền và các cơ quan có liên quan để khuyến khích họ khởi động tiến trình hòa bình, đối thoại và cởi mở”.

Điều gì trong triều đại giáo hoàng của Đức Jorge Mario Bergoglio đánh động ngài nhất?

“Tôi nhớ ngay sau khi ngài vừa được bầu chọn, khi ấy ngài lo sợ sự đe dọa can thiệp quân sự ở Syria của Hoa Kỳ. Đức Thánh Cha đã kêu gọi một buổi cầu nguyện cho hòa bình. Ngài ở lại khoảng sáu giờ trong lời cầu nguyện, với đám đông tại Quảng trường Thánh Phêrô. Cuối cùng đã không có chiến tranh. Nghĩa là ngay cả Barack Obama đã hiểu … Những lời cầu nguyện với Đức Chúa Trời có một sức mạnh to lớn và đã lay chuyển con tim của cựu Tổng thống Mỹ, người đã suy nghĩ rất kỹ về các cử chỉ của Đức Giáo Hoàng trước khi di chuyển quân đội. Sau đó, Đức Giáo hoàng mời các Tổng thống Israel và Palestine đến Vatican để cầu nguyện cho hòa bình. Và họ đã đến! Cũng như thế ở Cuba, để xây dựng một cây cầu với Mỹ, ngài đã làm một công việc tuyệt vời cho hòa bình. Ngài cũng quan tâm đến tạo thành, đến cuộc khủng hoảng khí hậu và môi trường sinh thái với thông điệp “Laudato Sì”. Đây cũng là một dấn thân rất mạnh mẽ theo tông hiệu mà ngài đã lựa chọn: Phanxicô, vị thánh của người nghèo, hòa bình và tạo thành, như ngài đã giải thích với các phóng viên khi vừa mới đắc cử. Ở đây, ba chủ đề – người nghèo, hòa bình, tạo thành – là những điểm căn bản trong sứ vụ của ngài”.

Theo ý kiến ​​của ngài, đâu là tác động của Đức Thánh Cha người Argentina trong Giáo hội?

“Vấn đề lòng thương xót đã lay động Giáo hội, khuyến khích Giáo hội ít dựa trên luật pháp hơn là trên tình yêu, ít nhấn mạnh các cấu trúc hơn là cuộc sống, để làm điều thiện, gần gũi với mọi người, an ủi họ. Bởi vì chỉ có lòng thương xót mới cứu rỗi chứ không phải luật pháp, cần nhớ rõ điều đó. Có một bầu không khí mới cho Giáo hội, theo nghĩa rằng Giáo hội đang trở về với Tin Mừng cách sâu sắc. Và đó cũng là một cuộc hành hương trong lịch sử để ôm trọn mọi con người, không loại trừ bất cứ ai. “

Ngay cả việc đối thoại cũng là một chương quan trọng trong sứ mệnh của Đức Giáo hoàng …

“Một trong những điều quan trọng nhất đối với Đức Thánh Cha Phanxicô là bước đi với tất cả mọi người như bạn bè và như anh em, không phải như là các đối thủ, tôn trọng mỗi người với những sự khác biệt của họ, tập trung vào những điểm mà mọi người có thể gặp gỡ nhau, luôn luôn ủng hộ sự thiện hảo và ơn cứu rỗi của nhân loại. Điều đó cũng giúp hiểu một chuyện: Đức Giáo hoàng muốn đối thoại với các tôn giáo khác, với các Giáo hội Kitô khác, và với tất cả mọi người thiện chí”.

Ngày 13 tháng 3 năm 2013, khi Đức Bergoglio được bầu làm Giáo hoàng, chính ngài đã là Hồng y đầu tiên ôm lấy Đức Thánh Cha với câu nói nổi tiếng: “Đừng quên người nghèo”. Tại sao ngài nói điều đó?

“Tôi đã không chuẩn bị bất cứ điều gì, vào thời điểm tôi ôm lấy ngài tôi chợt nhớ đến câu đó một cách tự nhiên:” Đừng quên người nghèo”. Đó là điều nằm sẵn trong trái tim của tôi, nhưng tôi đã không thực hành. Cũng không phải tôi đã có thể tưởng tượng rằng điều này có thể sẽ có một ảnh hưởng lớn trên vị Giáo hoàng mới, tác động suy nghĩ của ngài. Ngài đã nói với tôi rằng ngài chọn tông hiệu Phanxicô là vì điều này … Rõ ràng đó là Chúa Thánh Thần nói qua miệng của tôi.”

Ngoài những điều tích cực vừa kể, trong bốn năm qua, đã xuất hiện một số kháng cự. Ngài có từng nghĩ rằng sẽ có những lời chỉ trích mạnh mẽ cuộc cải cách này của Giáo hội?

“Tất cả mọi cuộc cải cách đều khơi dậy sự đề kháng. Có những người đang sống thoải mái và họ sợ mất đi một cái gì đó, hoặc có thể họ có cái nhìn khác. Tuy nhiên, sự đa dạng trong Giáo hội không phải là một điều xấu, bởi vì bản thân Giáo hội là một sự thống nhất trong sự đa dạng về văn hóa, về tư tưởng, về các cách thức tri nhận cuộc sống. Điều ác là khi sự khác biệt trở thành điều gây chia rẽ, chống đối, xung đột. Điều này là không thể chấp nhận được, sự chia rẽ tiêu diệt Giáo hội.”

Những sự kháng cự đó, theo ngài, có phải là một hiện tượng tạm thời hay chúng có gốc rễ sâu xa hơn?

“Tôi rất lạc quan. Tôi tin rằng đây là một phần của con đường chúng ta đi: chúng ta đi về phía trước, và Đức Giáo hoàng thực hiện điều đó với sự thanh thản tuyệt vời. Tất cả chúng ta cần nâng đỡ nhau để bước đi. Cuối cùng, Thiên Chúa, bởi ân sủng của Người, soi sáng chúng ta. Ngay cả những cải cách cũng có gốc rễ sâu xa như vậy”.

Có lẽ Đức Giáo Hoàng không được các nhà phê bình ngài thấu hiểu? Ví dụ, Tông huấn “Amoris Laetitia”, theo ngài, có bị hiểu lầm?

“Tôi sẽ không đi nhiều vào vấn đề này, tình cảnh đã khá phức tạp. Tôi hoàn toàn ủng hộ Tông huấn. Người ta không thể quên rằng đã có đến hai Thượng Hội đồng Giám mục đã được thực hiện để xác nhận giáo huấn của Đức Giáo hoàng”.

Đức Giáo hoàng được nhìn như thế nào trong tư thế một người đến từ Nam bán cầu?

“Nguồn gốc Mỹ Latinh và phi-Âu châu của ngài chắc chắn là một sự phong phú. Giáo hội bước ra từ một vòng tròn lịch sử. Trong nhiều thế kỷ, trên thực tế, Giáo hội được “hội nhập văn hóa” vào châu Âu và cuộc hội nhập văn hóa này đã là một thành công lớn. Bây giờ, sự kiện Đức Giáo hoàng không phải là một phần của “vòng tròn” đó đã đem lại cho Giáo hội một hơi thở toàn diện hơn và một phổ quát tính mới mẻ hơn. Không phải trước đây Giáo hội chưa là phổ quát, nhưng bây giờ Giáo hội là như thế một cách phong phú hơn, đa diện hơn. Giáo hội không thể không hội nhập văn hóa vào các dân tộc khác. Sự kiện Đức Giáo hoàng đến “từ bên ngoài” đã đem lại cho Giáo hội những cánh cửa mới, những khả năng mới, những vận hội mới”.

ANDRÉS BELTRAMO ÁLVAREZ

Ngọc Huỳnh chuyển ngữ

Tags: , , ,