- Cổ vũ việc hàn gắn các vết thương do các cuộc tranh chấp sắc tộc, địa phương và chính trị gây ra.
- Tìm kiếm các mối liên hệ sâu xa hơn với các Kitô hữu khác và các tôn giáo khác, để cùng nhau, có thể “bác bỏ mọi hành vi bạo lực và thù hận nhân danh tôn giáo.
- Khơi dậy “tinh thần truyền giáo nhiệt thành” nơi người Công Giáo, và, đồng thời, tìm cách “bản vị hóa cách khôn ngoan sứ điệp Tin Mừng trong đời sống hàng ngày và các truyền thống của cộng đồng địa phương”.
Có lẽ vì thấy mình đòi hỏi quá nhiều, nên Đức Phanxicô đã bầy tỏ sự quan tâm của một người cha như sau: “tôi biết thừa tác vụ của các hiền huynh rất đòi hỏi và, cùng với các linh mục của mình, các hiền huynh thường phải lao nhọc dưới sức nóng và gánh nặng hàng ngày. Nhưng tôi thúc giục các hiền huynh giữ thăng bằng giữa sức khỏe thiêng liêng và sức khỏe thể lý, và tỏ lộ sự quan tâm phụ thân đối với sức khỏe của các linh mục”.
Ngài gặp các vị giám mục tại Nhà Thờ Chính Tòa Yangon sau khi cử hành Thánh Lễ ngoài trời với sự tham dự của hơn 150,000 tín hữu và gặp gỡ giới tăng sĩ Phật Giáo của Hội Đồng Tăng Già tối cao.
Các thách đố ngài đặt ra cho các giám mục Miến Điện xoay quanh 3 chủ đề: hàn gắn, đồng hành và ngôn sứ. Chủ đề đầu tiên phát xuất từ chính Tin Mừng vì sứ điệp Tin Mừng trước nhất là về hàn gắn, hoà giải và hòa bình. Nhắc lại lời giảng ban sáng, Đức Phanxicô nói rằng nhờ máu Chúa Kitô trên thập giá, “Thiên Chúa đã giao hòa thế giới với chính Người, và đã sai chúng ta đi làm sứ giả của ơn hàn gắn này”.
Đức Phanxicô cho rằng sứ điệp trên có tiếng vang đặc biệt tại Miến Điện, vì đất nước đang cố gắng để lại phía sau các chia rẽ sâu đậm để xây dựng sự đoàn kết quốc gia. Ngài không chỉ rõ chi tiết điều vừa nói, nhưng ở một đất nước đang lao đao duy trì một nền dân chủ yếu kém, ở một nơi mà từ năm 2015 sau hơn 60 năm chế độ quân phiệt, có khá nhiều cuộc tranh chấp để ngài ám chỉ.
Từ cuộc chạy trốn qua Bangladesh của khối thiểu số Hồi Giáo Rohingya ở tiểu bang Rakhine, trong một cuộc mà Liên Hiệp Quốc vốn gọi là “thanh trừng sắc tộc” tới việc bách hại các Kitô hữu ở tiểu bang Kachin, sự chia rẽ giữa hơn 130 nhóm sắc tộc của Miến Điện hiển hiện ở khắp nơi. Điều đáng lưu ý là cả Rakhine lẫn Kachin đều được nhắc đến trong lời cầu nguyện tín hữu của Thánh Lễ ban sáng, một điều được coi như việc Đức Phanxicô gián tiếp nhắc đến hạn từ “Rohingya”.
Đức Phanxicô nói với các vị giám mục: “Việc rao giảng Tin Mừng không phải chỉ là nguồn an ủi và sức mạnh mà thôi, mà còn phải là lời kêu gọi cổ vũ đoàn kết, bác ái và hàn gắn trong đời sống của quốc gia này. Vì sự đoàn kết mà chúng ta chia sẻ và cử hành phát sinh từ tính đa dạng”.
Đức Giáo Hoàng cũng ca ngợi cộng đồng Công Giáo ở Miến Điện; ngài nói rằng cộng đồng này có thể “tự hào về chứng tá ngôn sứ của mình đối với tình yêu Chúa và người lân cận” được thể hiện qua việc nối vòng tay lớn với người nghèo, người bị hất hủi, và hiện nay “với nhiều người tản cư đang bị thương nằm dọc đường”. Ngài đặc biệt cám ơn những ai đang làm việc cho những người vừa nhắc, “bất kể tôn giáo hay sắc tộc”.
Về chủ đề thứ hai, tức đồng hành, Đức Phanxicô nói với các giám mục rằng một vị chăn chiên tốt luôn hiện diện với đoàn chiên của mình, đi bên cạnh họ, mang “mùi của chiên và mùi của Chúa” và dẫn dắt một giáo hội biết “đi ra ngoài” như ngài vẫn nhắc đến.
Ngài cho rằng quả là một đặc ân đối với vị giám mục khi được “đồng hành với các linh mục của các hiền huynh trong các cố gắng hằng ngày của họ để xây đắp đoàn chiên trong sự thánh thiện, trong lòng trung thành và trong tinh thần phục vụ”. Ngài cũng nhấn mạnh đến “đức tin vững vàng và tinh thần truyền giáo nhiệt thành” của giáo hội địa phương, vốn là công trình của những vị đem Tin Mừng lần đầu tiên tới Miến Điện.
Ngài nói, trước khi thúc giục các ngài đặc biệt lưu tâm tới việc đồng hành với giới trẻ: “trên nền tảng vững vàng này, và trong tinh thần hiệp thông với các linh mục và tu sĩ của các hiền huynh, các hiền huynh hãy tiếp tục thấm nhuần nơi hàng ngũ giáo dân một tinh thần làm môn đệ truyền giáo chân thực và tìm cách khôn ngoan bản vị hóa sứ điệp Tin Mừng vào đời sống hàng ngày và truyền thống các cộng đồng địa phương của các hiền huynh”.
Khi triển điều ngài muốn nói về ngôn sứ, Đức Giáo Hoàng nói rằng Giáo Hội tại Miến Điện làm chứng cho Tin Mừng bằng các việc “giáo dục và bác ái, bảo vệ nhân quyền và nâng đỡ nền cai trị dân chủ của mình”. Đức Phanxicô thúc giục các giám mục giúp cộng đồng Công Giáo có khả năng tiếp tục đóng vai trò xây dựng trong xã hội, bằng cách “làm cho tiếng nói của các hiền huynh được nghe thấy về các vấn đề được quốc gia quan tâm”, nhất là trong việc cổ vũ việc tôn trọng phẩm giá và quyền lợi mọi người.
Cuối cùng, Đức Phanxicô khen ngợi kế hoạch truyền giáo 5 năm của các giám mục nhằm giúp “xây dựng quốc gia”. Nói với tờ Crux trước chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô, Đức Hồng Y Charles Bo cho biết: 5 vấn đề cốt lõi của kế hoạch này là giáo dục, xây dựng hoà bình, quyền lợi sắc tộc, tăng quyền phụ nữ và phát triển toàn diện. Đức Phanxicô thì nhấn mạnh tới nhu cầu bảo vệ môi trường; ngài nói rằng bảo vệ sáng thế của Thiên Chúa không thể bị tách biệt khỏi “nền sinh thái nhân bản và xã hội lành mạnh”. Đức Giáo Hoàng nói với các vị rằng sứ mệnh đầu tiên của Giáo Hội “là hàn gắn, là trở thành bệnh viện thời chiến”.
Ngài nói tiếp: “là các giám mục, các hiền huynh phải hàn gắn linh hồn, hàn gắn trái tim, hàn gắn các vết thương của người ta”. Trước khi kết thúc, ngài cùng các giám mục đọc Kinh Kính Mừng. Ngài đọc bằng tiếng Tây Ban Nha, các giám mục đọc bằng tiếng Miến.