Bài diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxicô khi gặp gỡ giới chức chính quyền Myanmar, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn

Thứ Tư, 29-11-2017 | 19:26:57


Ngày 28 tháng 11, tại Trung Tâm Hội Nghị Quốc Tế Mayanmar ở Nay Pyi Taw, nơi ngài gặp Bà Suu Kyi, Cố Vấn Chính Phủ, các nhà cầm quyền, các nhà lãnh đạo xã hội dân sự và ngoại giao đoàn, Đức Phanxicô đã đọc bài diễn văn sau đây

Thưa Bà Cố Vấn Quốc Gia,
Các Nhà Cầm Quyền Chính Phủ Đáng Kính và Các nhà Cầm Quyền khác,
Thưa Đức Hồng Y, các Hiền Huynh Giám Mục,
Qúy Thành Viên Ngoại Giao Đoàn,
Thưa qúy bà và qúy ông. 

Tôi biết ơn vì lời mời nhân ái viếng thăm Miến Điện và, thưa Bà Cố Vấn Quốc Gia, tôi cám ơn bà vì những lời nhân ái của bà. Tôi biết ơn tất cả những ai đã làm việc vất vả để chuyến viếng thăm này khả hữu. Tôi tới đây, trước hết, để cầu nguyện với cộng đồng Công Giáo nhỏ bé nhưng sốt sắng của quốc gia, để củng cố họ trong đức tin, và để khuyến khích họ trong các cố gắng đóng góp cho thiện ích của quốc gia. Tôi biết ơn nhất là chuyến viếng thăm của tôi diễn ra không lâu sau việc thiết lập các liên hệ ngoại giao chính thức giữa Miến Điện và Tòa Thánh. Tôi muốn coi quyết định này như dấu hiệu cam kết của quốc gia trong việc theo đuổi đối thoại và hợp tác xây dựng giữa cộng đồng quốc tế bao quát hơn, dù vẫn còn đang phải cố gắng đổi mới cơ cấu xã hội dân sự của mình. 

Tôi cũng muốn chuyến viếng thăm của tôi được ôm hôn toàn thể dân chúng Miến Điện và ngỏ lời khích lệ tất cả những ai đang cố gắng xây dựng một trật tự xã hội công bình, hòa giải và bao gồm mọi người. Miến Điện vốn được chúc phúc bằng vẻ đẹp và các tài nguyên thiên nhiên lớn lao, thế nhưng, kho tang vĩ đại nhất của nó chính là nhân dân của nó, những người vốn chịu đau khổ rất nhiều, và vẫn còn đang tiếp tục chịu đau khổ, do tranh chấp và thù nghịch dân sự từng kéo dài đã quá lâu và tạo nên nhiều chia rẽ sâu đậm. Nay, khi quốc gia cố gắng vãn hồi hòa bình, việc hàn gắn các vết thương này phải là ưu tiên chính trị và tâm linh tột bực. Tôi chỉ có thể nói lên sự đánh giá cao đối với các cố gắng của Chính Phủ đã lãnh nhận thách đố này, nhất là qua Hội Nghị Hòa Bình Panglong, một hội nghị đem lại với nhau đại diện các nhóm khác nhau trong cố gắng chấm dứt bạo lực, xây dựng lòng tin và bảo đảm việc tôn trọng các quyền của mọi người gọi lãnh thổ này là quê hương. 

Quả thực, diễn trình gian khổ xây dựng hòa bình và hòa giải quốc gia chỉ có thể tiến triển qua việc dấn thân cho công lý và tôn trọng nhân quyền. Sự khôn ngoan của người xưa định nghĩa công lý như là một ý chí cương quyết dành cho mỗi người điều thuộc về họ, còn các ngôn sứ thời xưa thì coi công lý như nền tảng cho mọi nền hòa bình đích thực và lâu dài. Các tầm nhìn thông sáng này, được củng cố nhờ kinh nghiệm bi thảm của hai cuộc thế chiến, đã dẫn tới việc thành lập ra Liên Hiệp Quốc và tuyên ngôn phổ quát về nhân quyền làm căn bản cho các cố gắng của cộng đồng quốc tế trong việc cổ vũ công lý, hòa bình và phát triển nhân bản khắp thế giới, và giải quyết các tranh chấp bằng đối thoại, chứ không phải bằng việc dùng đến sức mạnh. Theo chiều hướng này, sự hiện diện của ngoại giao đoàn ở giữa chúng ta chứng thực không những cho thế đứng của Miến Điện trong sự hòa hợp của các quốc gia mà cả cam kết của nó nữa trong việc đề cao và theo đuổi các nguyên tắc nền tảng này. Tương lai của Miến Điện hẳn phải là hòa bình, một nền hòa bình dựa vào việc tôn trọng phẩm giá và quyền lợi mỗi thành vên của xã hội, và tôn trọng trật tự dân chủ nhằm giúp mỗi cá nhân và mỗi nhóm, không trừ ai, đều có thể đóng góp hợp pháp vào ích chung. 

Trong công trình hòa giải và hội nhập quốc gia vĩ đại, các cộng đồng tôn giáo của Miến Điện có một vai trò ưu tuyển để đóng. Các dị biệt tôn giáo không cần phải là nguồn gây chia rẽ và bất tín lẫn nhau, nhưng đúng hơn là một sức mạnh của đoàn kết, tha thứ, khoan dung và khôn ngoan xây dựng quốc gia. Các tôn giáo có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc hàn gắn các vết thương xúc cảm, tâm linh và tâm lý của những người từng chịu đau khổ trong các năm tranh chấp. Dựa vào các giá trị được tuân giữ sâu xa, họ có thể giúp bứng rễ các nguyên nhân gây tranh chấp, xây dựng các cây cầu đối thoại, mưu tìm công lý và trở thành tếng nói ngôn sứ cho mọi người đau khổ. Quả là một dấu hiệu hy vọng lớn lao khi các nhà lãnh đạo của một số truyền thống tôn giáo khác nhau tại đất nước này đang thực hiện nhiều cố gắng cùng làm việc với nhau, trong tinh thần hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau, cho hòa bình, cho việc giúp đỡ người nghèo và việc giáo dục các giá trị tôn giáo và nhân bản chân chính. Khi tìm cách xây dựng một nền văn hóa gặp gỡ và liên đới, họ góp phần vào ích chung và đặt nền tảng tinh thần tối thiết cho một tương lai đầy hy vọng và thịnh vượng của các thế hệ đang tới.

Tương lai ấy, ngay bây giờ, đang nằm trong tay giới trẻ của quốc gia. Người trẻ là quà phúc cần phải trân quí và khích lệ, một vốn đầu tư sẽ sinh nhiều thu lợi phong phú nếu họ được dành cho các cơ hội thực sự có việc làm và được giáo dục tốt. Đó là một đòi hỏi cấp bách về công bằng giữa các thế hệ. Tương lai của Miến Điện trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng và nối kết qua lại sẽ tùy thuộc việc huấn luyện người trẻ của mình, không chỉ trong lãnh vực kỹ thuật mà thôi mà trước hết trong các giá trị đạo đức như trung thực, liêm khiết và liên đới nhân bản vốn có khả năng bảo đảm việc củng cố dân chủ và phát triển đoàn kết và hòa bình ở mọi bình diện của xã hội. Công lý giữa các thế hệ với nhau cũng đòi các thế hệ tương lai phải được để lại một môi trường tự nhiên không bị hư hỏng bởi lòng tham và cướp bóc của con người. Điều chủ yếu là người trẻ của chúng ta không bị cướp đi niềm hy vọng và dịp may được sử dụng tính lý tưởng và tài năng của họ vào việc lên khuôn cho tương lai xứ sở họ và, quả thực, cho tương lai của toàn thể gia đình nhân loại.

Thưa Bà Cố Vấn Quốc Gia, thưa các bạn: 

Trong những ngày này, tôi muốn khuyến khích các anh chị em Công Giáo của tôi kiên trì trong đức tin và tiếp tục nói lên sứ điệp hoà giải và huynh đệ của mình qua các việc bác ái và nhân đạo nhằm mang lại lợi ích cho xã hội như một toàn thể. Tôi hy vọng rằng, với sự hợp tác một cách tôn trọng với các tín hữu của các tín ngưỡng khác, và với mọi người thiện chí nam nữ, họ sẽ giúp mở ra một thời đại hoà hợp và tiến bộ mới cho nhân dân của quốc gia quí yêu này. “Vạn tuế Miến Điện!”. Tôi xin cám ơn qúi vị vì sự chú ý của qúi vị, và với các ước nguyện tốt đẹp đối với việc qúi vị phục vụ ích chung, tôi xin Thượng Đế ban các phước lành khôn ngoan, sức mạnh, và hòa bình cho quí vị. Cám ơn qúi vị.

Vũ Văn An (chuyển ngữ)

 

Tags: , , , ,

Có thể bạn quan tâm