Giải đáp thắc mắc: Lời hứa khi xin phép chuẩn

Thứ Tư, 17-05-2017 | 10:04:12

Hỏi: Kính thưa cha,

 Cha cho con hỏi: Trong Giáo Luật điều 1125 quy định như sau:

“Bản quyền sở tại có thể ban phép chuẩn khác đạo; tuy nhiên, đừng nên ban phép khi chưa hội đủ những điều kiện sau đây:

1.- Bên Công giáo phải tuyên bố sẵn sàng xa tránh mọi nguy cơ làm tổn thất đức tin, và hứa thành thật sẽ làm hết mọi sự (!) có thể để con cái được rửa tội và giáo dục trong Giáo Hội Công giáo.

2.- Vào lúc thuận lợi, phải cho bên kia biết những lời hứa mà người Công giáo phải giữ, để chính họ được thực sự ý thức về lời hứa và bổn phận của bên Công giáo.

3.- Cả hai bên phải được giáo huấn về các mục đích và đặc tính cốt yếu của hôn phối, và không bên nào được loại bỏ các điều ấy”.

Con thấy trong Giáo Luật quy định: “sẽ làm hết mọi sức có thể để con cái được rửa tội và giáo dục trong Giáo Hội Công giáo” có nghĩa là: người Công giáo sẽ tuyên thệ trong buổi làm phép chuẩn là “sẽ làm hết mọi sự có thể để con cái được rửa tội và giáo dục trong Giáo Hội Công giáo” nhưng sau đó họ không thực hiện được vì một lý do nào đó thì người đạo Công giáo có bị tước phép thông công hoặc  mắc tội nặng với Chúa  không?

Con rất mong thư trả lời của Cha.

Trân trọng kính chào!

(Matta)

Trả lời:

Chị Matta thân mến,

Điều Giáo Luật 1125 mà chị trích dẫn trình bày những điều kiện cần phải hội đủ để ban phép chuẩn khác đạo cũng như cho phép người Công giáo kết hôn với người thuộc một Giáo Hội không hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công giáo.

Tuy nhiên tôi cũng xin lưu ý điểm sai khi trích dẫn bản dịch hiện nay của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong số 10 của điều này như sau:

“Bên Công giáo phải tuyên bố mình sẵn sàng tránh mọi nguy cơ mất đức tin và thành thật cam kết sẽ làm hết sức để tất cả con cái được rửa tội và được giáo dục trong Giáo Hội Công giáo”.

Về phía người Công giáo khi hứa sẽ làm hết sức (chứ không phải hết mọi sự) để con cái được rửa tội và được giáo dục trong Giáo Hội Công giáo thì người ấy phải thực hiện những gì mình đã hứa. Tuy nhiên, có khi họ làm đã hết sức nhưng không đạt được điều họ mong muốn vì có những yếu tố ở ngoài sự quyết định của phía bên Công giáo. Thí dụ như gia đình nhà chồng (nhà vợ) gây áp lực, cấm đoán hay cản trở việc rửa tội cho con cái hoặc hoàn cảnh xã hội không cho phép thực hiện việc này… thì họ không thể bị qui trách vì ở ngoài khả năng của họ.

Vì thế việc người Công giáo có thực hiện hay không lại là việc của lương tâm: Họ có thành thật khi cam kết không? Họ có ý thức những gì mình đã hứa không? Họ đã làm hết sức chưa?… Tất cả những điều ấy chỉ có mình đương sự biết rõ nên không thể quy trách theo Giáo Luật.

Trong Giáo Luật không có điều khoản nào nói đến biện pháp kỷ luật hay vạ tuyệt thông về trường hợp này nên ta cũng không cần bàn đến. Còn đối với lương tâm nếu người Công giáo đã không làm gì hay không làm hết sức như mình đã hứa thì vẫn mắc tội. Tội có nặng hay không còn tùy ở chỗ người ấy có cố tình không muốn tuân giữ những gì mình đã hứa không cũng như tùy theo kết quả của việc làm ấy có gây hậu quả nghiêm trọng là làm cho con cái bị thiệt thòi về phần rỗi linh hồn không.

Cha Giuse Nguyễn Ngọc Bích, C.Ss.R

Tags:

Có thể bạn quan tâm