Suy niệm Tin Mừng - Thứ Hai Tuần VII Mùa Thường Niên (21.05.2018): Kiên trì đấu tranh

Chúa Nhật, 20-05-2018 | 17:00:51

Phúc Âm: Mc 9: 14-29

“Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi!”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi Ðức Giêsu và ba môn đệ trở lại với các môn đệ khác, thì thấy một đám người rất đông đang vây quanh các ông, và các kinh sư tranh luận với các ông. Thấy Ðức Giêsu, lập tức tất cả đám đông kinh ngạc. Họ chạy lại chào Người. Người hỏi các môn đệ: “Anh em tranh luận gì với họ thế?” Một người trong đám đông trả lời: “Thưa Thầy, tôi đã đem con trai tôi lại cùng Thầy; cháu bị quỷ câm ám. Bất cứ ở đâu, hễ quỷ nhập vào là vật cháu xuống. Cháu sùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ người ra. Tôi đã nói với các môn đệ Thầy để họ trừ tên quỷ đó, nhưng các ông không làm nổi.” Người đáp: “Ôi thế hệ cứng lòng, không có lòng tin! Tôi phải ở cùng các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa? Ðem nó lại đây cho tôi.” Người ta đem nó lại cho Người. Vừa thấy Người, quỷ liền lay nó thật mạnh, nó ngã xuống đất, lăn lộn, sùi cả bọt mép. Người hỏi cha nó: “Cháu bị như thế từ bao lâu rồi?” Ông ấy đáp: “Thưa từ thuở bé. Nhiều khi quỷ xô nó vào lửa hoặc đẩy xuống nước cho nó chết. Nhưng nếu Thầy có thể làm được gì, thì xin chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi.” Ðức Giêsu nói với ông ta: “Sao lại nói: nếu Thầy có thể? Mọi sự đều có thể đối với người tin.” Lập tức, cha đứa bé kêu lên: “Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi!” Khi thấy đám đông tuôn đến, Ðức Giêsu quát mắng tên quỷ: “Thần câm điếc kia, Ta truyền cho ngươi: ra khỏi đứa bé và không được nhập vào nó nữa!” Quỷ thét lên, lay nó thật mạnh, rồi ra khỏi. Ðứa bé ra như chết, khiến cho nhiều người nói: “Nó chết rồi!” Nhưng Ðức Giêsu cầm lấy tay nó, đỡ nó dậy, và nó đứng lên. Khi Người vào nhà, các môn đệ mới hỏi riêng Người: “Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy” Người đáp: “Giống quỷ ấy chỉ trừ được bằng cầu nguyện thôi.”


Suy niệm: Kiên trì đấu tranh

Trong tiểu sử của thánh Gioan Maria Vianney, quen gọi là cha sở họ Ars, bên Pháp, tác giả Francois đã kể lại như sau:

Cha Vianney dành phần lớn thời giờ cho việc giải tội. Mặc dầu kiệt sức, nhưng mỗi buổi tối ngài không thể lên giường mà không đọc vài trang về hạnh các thánh. Ðây cũng chính là lúc Ngài thực hành việc hãm xác. Sau đó, ngài mới đặt lưng xuống chiếc nệm mỏng và dỗ giấc ngủ. Nhưng vừa chợp mắt là thánh nhân đã vùng dậy bởi những tiếng la hét, tru tréo và những luồng gió khủng khiếp cứ như cánh cửa trước bị một cái búa đập vào. Thình lình, mặc dù cửa không mở, cha sở họ Ars cảm thấy như tên quỉ đang đứng gần bên ngài. Nửa bực mình nửa đùa, ngài thường nói: “Tôi không mời nó vào vậy mà nó vẫn cứ vào”. Bấy giờ cơn chấn động mới bắt đầu. Tuy tên quỉ vô hình nhưng vị thánh vẫn cảm nhận được sự hiện diện của nó. Nó ném tung ghế bàn và lắc cả bộ ghế salon. Với một tiếng thét khủng khiếp, nó nói: “Vianney, tên ăn khoai tây, mày vẫn chưa chết à? Tao sẽ bắt mày”. Có khi nó gầm gừ như một con thú, rên như một con gấu hay tru tréo như một con chó. Nó kéo chăn mền của thánh nhân. Có lần thánh Vianney có cảm giác như một bàn tay lướt nhẹ trên mặt ngài hoặc như một bầy chuột chạy trên thân thể ngài. Có đêm ngài nghe tiếng một đàn ong bay bên tai, ngài thức dậy, đốt đèn và mở cửa cho chúng bay ra nhưng chẳng thấy con ong nào.

Những câu chuyện quỉ quấy phá hay quỉ ám như trên đây đầy dẫy trong tiểu sử của các vị thánh. Ðối với nhiều người thì đây chỉ là những câu chuyện tưởng tượng hoặc chỉ là những nỗi ám ảnh của những con người bệnh hoạn. Nhưng với thánh Gioan Vianney, chúng ta hãy lắng nghe chứng từ được bác sĩ Coligni đưa ra ngày 31/5/1864 như sau:

“Tất cả những gì tôi thấy hay nghe về cha sở họ Ars đều củng cố niềm xác tín của tôi là: ngài thực sự là một con người tự chủ và có một óc phán đoán sâu sắc. Không có gì có thể khiến tôi nghĩ rằng ngài là nạn nhân của ảo tưởng. Về những vụ tấn công của ma quỉ, tôi có nghe nói đến. Nếu cha Vianney khẳng định rằng ngài đã thực sự kinh qua những điều đó thì tôi tin rằng những điều ấy đã thực sự xảy ra.”

Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học và kỹ thuật, nhất là trong lãnh vực y khoa và tâm lý chiều sâu, nhiều người không còn muốn chấp nhận sự hiện hữu và tác động của ma quỉ. Tất cả đều chỉ còn là thể hiện của sự bệnh hoạn hay bất ổn tâm lý của con người. Người ta cũng áp dụng nguyên tắc này vào việc lý giải các câu chuyện quỉ ám được ghi lại trong Tin Mừng như chuyện Chúa Giêsu chữa lành người bị quỉ ám mắc bệnh động kinh trong Tin Mừng hôm nay chẳng hạn. Người ta cho rằng Chúa Giêsu là một thứ thầy lang với một kỹ thuật đặc biệt đã có thể chữa lành những cơn động kinh của đứa bé. Trong cuộc đối thoại với cha của đứa bé, Chúa Giêsu nói tới sự cần thiết của lòng tin. Ngài cũng trách móc thái độ cứng lòng tin của người Do Thái. Và sau khi trừ quỉ Chúa Giêsu lại nói với các môn đệ của Ngài về sự cầu nguyện như một thứ khí giới hữu hiệu để chiến thắng ma quỉ.

Lòng tin được thể hiện trước tiên bằng việc cầu nguyện. Cầu nguyện là đi vào tương quan với Chúa đồng thời nhìn nhận thân phận yếu hèn của mình. Càng đi sâu vào sự cầu nguyện, con người càng ý thức được sự mong manh bất toàn của mình và do đó cũng cảm nhận được sự cần thiết của ơn Chúa. Không có ơn Chúa con người hoàn toàn bất lực, nhất là trong trận chiến chống lại ma quỉ và tội lỗi. Trong thư thứ nhất của ngài, thánh Phêrô đã nhắn nhủ chúng ta như sau: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức vì ma quỉ, thù nghịch của anh em, như sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự”.

Lời khuyên nhủ của một con người đã từng bị Chúa Giêsu quở trách: “Hỡi satan, hãy xéo khỏi mặt Ta” và đã suốt một đời khóc lóc thảm thiết vì hành động chối Thầy của mình hẳn đáng tin cậy. Ma quỉ hiện hữu và tác động trong cuộc sống con người, niềm xác tín này luôn nhắc nhở chúng ta phải luôn trong tư thế chiến đấu. Nhưng chúng ta cũng xác tín rằng với khí giới là sự cầu nguyện, ăn chay, hãm mình, chúng ta vẫn tin rằng chúng ta luôn đánh bại được ma quỉ.

Nguyện xin Chúa gia tăng niềm tin và ban sức mạnh để chúng ta luôn được kiên trì trong cuộc chiến đấu của chúng ta.

+ Mrg. Phêrô Nguyễn Văn Tài

Tags: , ,

Có thể bạn quan tâm