Suy niệm Tin Mừng - Thứ Hai Tuần XXIII Mùa Thường Niên (10.09.2018): Giá trị cứu độ của luật là lòng yêu mến

Chúa Nhật, 09-09-2018 | 17:00:06

Phúc Âm: Lc 6, 6-11

“Các ông quan sát xem Người có chữa lành bệnh trong ngày Sabbat không”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Vào một ngày Sabbat, Chúa Giêsu vào hội đường và giảng dạy. Khi ấy ở đó có một người tay hữu bị khô bại. Những luật sĩ và biệt phái quan sát xem Người có chữa lành người ấy trong ngày Sabbat không, để có cớ tố cáo Người. Nhưng Người biết tư tưởng các ông, liền bảo người có tay khô bại rằng: “Ngươi hãy chỗi dậy mà đứng ra giữa đây”. Người đó đứng thẳng dậy. Ðoạn Chúa Giêsu bảo các ông ấy rằng: “Tôi hỏi các ông, ngày Sabbat được phép làm sự lành hay sự dữ, cứu sống hay là giết chết?” Rồi đưa mắt nhìn mọi người, Chúa bảo người đó rằng: “Ngươi hãy giơ tay ra”. Người ấy giơ ra, và tay người ấy được lành.

Bấy giờ các ông đầy lòng tức giận, và bàn định với nhau xem có thể làm gì được Chúa Giêsu.


Suy niệm: Luật chỉ có giá trị cứu độ khi được tuân giữ với lòng yêu mến Chúa và tha nhân.

Giới răn Sabat được giải thích từ việc tin rằng Thiên Chúa sáng tạo trời đất muôn vật trong sáu ngày và ngày thứ bảy thì Người nghỉ ngơi. Chính vì vậy, nguyên thủy người ta nghỉ ngày thứ bảy (Sabat) như là một sự bắt chước Thiên Chúa, đồng thời dành một ngày cuối tuần để chỉ dành riêng cho việc phụng sự Thiên Chúa. Thế nhưng, càng ngày, luật Sabat được các luật sĩ giải thích chi tiết, cặn kẽ và dừng lại ở mặt chữ của luật: chỉ dừng lại ở cái lý mà đánh mất cái tình, giữ luật vì luật chứ không còn vì yêu mến Chúa và đánh mất đức ái mà luật nhắm tới.  

Hạn từ sabat có nghĩa là “nghỉ ngơi”. Thần học sáng tạo II (St 2,1-3) muốn chứng minh việc Thiên Chúa muốn phải thánh hóa một ngày trong tuần, không hẳn để tụ họp cử hành phụng vụ cho bằng để mọi người được nghỉ ngơi (xem them Xh 20,10). Bởi vì Thiên Chúa Chí Thánh không muốn một dân thánh lại làm nhu cầu ăn uống hằng ngày hoặc chỉ lo lao động.

Như thế, khi ban bố lề luật, Thiên Chúa muốn sự yêu mến và tự nguyện, nhưng dần già, được giải thích quá tỉ mỉ đến cả những chi tiết nhỏ nhặt. Để rồi, các tiến sĩ – kinh sư – biệt phái thì sinh ra vụ luật và dùng luật làm thứ bình phong che chắn và làm lợi cho họ, còn dân chúng thì cảm thấy nặng nề, để rồi thay vì yêu mến và tự nguyện, họ chỉ giữ vì buộc phải giữ và luật trở thành gánh nặng đè trên vai họ.

Theo Biệt Phái – Pharisiêu, bộ luật dành cho Do-thái dạy phải kiêng việc xác ngày Sa-bát cách triệt để theo mặt chữ, nếu ngày đó có ai đó chỉ cần đi lượm vài nhánh củi về để đun bếp nướng bánh cũng phải bị xử ném đá chết, ngay cả đường đi cũng có một số con đường bị cấm không được đi vào ngày sa-bát.

Có câu chuyện kể rằng, hôm ấy một Rabi Do-thái cưỡi ngựa đi từ Giêricô về Giêrusalem vừa đi vừa hát thánh ca, trên đường đi, chẳng may con ngựa trượt chân ngã xuống vực, nhanh tay vớ được cành cây nên Rabi không rơi xuống vực. Ông thấy con ngựa rơi xuống nước nên không hề hấn gì, nhưng bờ cao không lên được, ông định chặt nhành cây lấp đất cho con ngựa lên, nhưng sực nhớ hôm đó là ngày sa-bát không được làm việc tay chân nên thôi, ông liền phục trong bụi cây rình thấy một người hành hương cưỡi ngựa đi qua, ông rút súng bắn người ấy rơi xuống vực, cướp ngựa phóng đi và tiếp tục hát thánh ca.

Bài Tin Mừng hôm nay cũng cho thấy việc Chúa Giêsu vạch trần sự giả hình của họ, ngày Sa-bát mọi người đến nghe Lời Chúa thì họ đến với ý đồ xấu nhằm để hại người. Giống như câu chuyện trên, Rabi kia không dám cứu con ngựa của mình lên vì sợ phạm luật nhưng lại dễ dàng giết người cướp ngựa… Luật đối với họ sẵn sàng ném đá chết một người lượm củi nấu ăn, không dám đi đường cấm dù cấp bách liên quan đến sự sống cần cấp cứu. Họ coi việc giữ những điều lặt vặt hơn là mạng sống của một con người. Chúa Giêsu biết họ đang rình mò tìm kế hại Người, nhưng Người vẫn không ngần ngại chữa lành cho người bị bại tay, và qua đó Người chấn vấn họ “ngày Sa-bát nên làm điều lành hay làm điều dữ?”. Người đã ra tay làm điều lành trước mắt họ vì đối với Người luật yêu thương bác ái vượt trên tất cả mọi của lễ mà họ dâng. Thế nhưng, họ đã không chịu nhận ra mà còn giận điên lên và bàn nhau tìm cơ hội khác để giết Chúa Giêsu.

Còn chúng ta thì sao?
Chúng ta đi lễ cốt để nghe Lời Chúa hay là để tìm cớ lên án nhau?
Ngày Chúa Nhật, chúng ta đã thực sự tìm kiếm việc lành, hay vẫn để mình buông theo những điều tội lỗi?
Chúng ta có nhân danh ngày nghỉ, lấy cớ việc đi lễ… để rồi không đếm xỉa đến những người gặp hoạn nạn đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta.
Chúng ta giữ gìn luật Ngày Chúa Nhật cốt để phô trương chính mình và lên án người khác không?

Trong trường hợp của bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu có thể nói với người bị bại tay: Sao anh lại xin tôi làm một điều bị cấm trong ngày sabat? Ngày mai anh trở lại đây để tôi chữa cho… Nhưng không, Chúa Giêsu thấy đức ái cần vượt lên trên, vì Tin Mừng là để giải phóng, và người ta được giải tỏa khi nhận ra rằng trong xã hội không có gì là tuyệt đối, cho dù xã hội muốn áp dụng những luật lệ nào đó với nhãn hiệu là bất khả xâm phạm. Luật sabat đúng là một trong những luật căn bản của Sách Thánh, nhưng không khỏi có những trường hợp luật ép buộc thay vì giải tỏa. Cũng thế, ngay trong Giáo Hội, những luật lệ được coi là linh thiêng nhưng một lúc nào đó lại trở thành chướng ngại vật cho Tin Mừng, và nếu đúng như vậy, thì dưới ánh sáng của Thánh Thần, lương tâm Ki-tô giáo phải tìm ra một giải pháp cho thời điểm ấy. Dám làm như thế mới thực sự là người tự do làm con cái Thiên Chúa (x. 1Cr 3,21-23; 8,4; Cl 2,20-23).

Lạy Chúa Giêsu, mọi điều luật chỉ có giá trị cứu độ khi được tuân giữ với lòng yêu mến Chúa và tha nhân, xin cho chúng con luôn biết đến với Chúa với tâm tình cảm mến tri ân và đến với anh chị em với tấm lòng yêu thương. Đó mới là tinh thần của điều răn mới mà Chúa muốn nơi mọi người chúng con. Amen.

Lm. Hiền Lâm

Tags: , ,

Có thể bạn quan tâm