Suy niệm Tin Mừng - Thứ Năm Tuần VI Mùa Phục Sinh (25.05.2017): Thầy Trò Ly Biệt

Thứ Tư, 24-05-2017 | 15:22:34

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 16,16-20)

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy.” Bấy giờ vài người trong nhóm môn đệ của Đức Giêsu hỏi nhau: “Người muốn nói gì khi bảo chúng ta: ‘Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy’ và ‘Thầy đến cùng Chúa Cha’?” Vậy các ông nói: “ ‘Ít lâu nữa’ nghĩa là gì? Chúng ta không hiểu Người nói gì!” Đức Giêsu biết là các ông muốn hỏi mình, nên bảo các ông: “Anh em bàn luận với nhau về lời Thầy nói: ‘Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy’. Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.”


Suy niệm:

Kinh điển Phật Giáo có ghi lại câu chuyện: một người đàn bà nọ có đứa con độc nhất qua đời, trong niềm đau tột cùng, người đàn bà đến hàng xóm và khẩn cầu: “Xin vui lòng chỉ cho tôi bất cứ thuốc nào để làm cho nó sống lại”. Nhưng ai cũng chỉ biết lắc đầu mà thôi. Cuối cùng có người mách cho người đàn bà biết có một người lương y có thể cải tử hoàn sinh đứa bé đó chính là Ðức Phật Thích Ca (Sakya: Thuỷ tổ Phật Giáo, ông sinh ở miền Bắc Ấn Ðộ, đã có vợ con, sau đi tu hành tại Tuyết Sơn).

Người đàn bà mang đứa bé đến cầu khẩn với ngài và xin ban cho đứa bé một liều thuốc. Ðức Phật Thích Ca liền nói: Ta cần một ít hạt cải. Người đàn bà liền tìm ít hạt cải mang lại cho Ðức Phật. Nhưng vừa thấy, Ðức Phật nói với người đàn bà: “Hãy đi mời nhà nào không có tang chế và hãy mời họ uống lấy những hạt cải này”.

Tin lời Ðức Phật, người đàn bà đi gõ cửa từng nhà mời uống lấy những hạt cải này, nhưng tất cả đều từ chối vì thật ra không có nhà nào lại không có một người đã ra đi. Khi người đàn bà trở về nhà trời đêm đã buông xuống, bà đến ngồi bên xác con và nhìn ra phố phường đang lên đèn, càng về khuya màn đêm càng tối và đêm đen bao trùm vạn vật. Lúc ấy, người đàn bà mới bắt đầu nghĩ: đời là thế, sinh ra đau khổ rồi chết, vì thế bà đứng dậy mang xác con vào rừng chôn cất.

Như vậy, con người sinh ra rồi đến chịu đau khổ và tận cùng là cái chết. Ðó là phận số của kiếp người mà khi Nhập Thể Con Thiên Chúa cũng không thoát khỏi. Chúa Giêsu đã ba lần chính thức loan báo về cuộc khổ nạn mà Ngài đã trải qua, nhưng xem ra các môn đệ của Ngài không hiểu được và cũng không chấp nhận được, vì tại sao số phận nghiệt ngã như thế lại có thể xảy ra cho Thầy mình, một người có quyền phép trên tất cả sự chết và đang trên đường tiến tới một tương lai sáng lạn. Trong những giờ phút cuối cùng ngồi bên các ông, Chúa Giêsu nói đến cái chết một lần nữa, nhưng lần này Ngài nói đến cuộc tử nạn ấy như là cuộc ra đi mà không vĩnh biệt. Do đó, Chúa Giêsu đã nói: “Thầy ra đi, anh em sẽ buồn rầu, nhưng niềm vui của họ gấp bội khi Ngài sống lại” (Ga 16,20).

Cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu gắn liền với sự đau khổ và niềm vui của các môn đệ, đúng hơn cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu chiếu dọi ánh sáng vào mọi khổ đau của con người. Kitô giáo không chối bỏ cái chết và sự đau khổ, nhưng qua cái chết và sự Phục Sinh của Ðức Kitô, Kitô giáo không còn nhìn cái chết và khổ đau như một ngõ cụt của cuộc sống. Trái lại, trong ánh sáng Phục Sinh của Chúa Kitô, cuộc sống con người mang một ý nghĩa thật tuyệt vời, mặc cho bao đau khổ mà con người vẫn phải trải qua “một ít nữa các con sẽ không xem thấy Thầy, rồi một ít nữa các con sẽ xem thấy Thầy” (Ga 16,16).

Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ tham dự vào mầu nhiệm vượt qua của Ngài, có nghĩa là cả những lúc tăm tối nhất của cuộc đời, họ vẫn nhận thấy được Ngài, bám chặt lấy Ngài để tiến bước, cho dẫu khổ đau như thế nào đi chăng nữa, con người vẫn tìm được ý nghĩa đích thực cho cuộc sống. Tham dự vào mầu nhiệm của Ngài cũng có nghĩa là nhìn thấy người anh em đang đau khổ ở xung quanh chúng ta. Sự cảm thông phục vụ đối với người đau khổ sẽ cho chúng ta tham dự vào cuộc tử nạn của Chúa Giêsu và niềm vui Phục Sinh tràn ngập tâm hồn chúng ta.

(Trích trong “Sống Tin Mừng” – Radio Veritas Asia)

Tags: , ,

Có thể bạn quan tâm