Tông huấn Gaudete et Exsultate - Chương IV: Các dấu chỉ của sự thánh thiện trong thế giới hôm nay

Thứ Hai, 30-04-2018 | 16:18:10

Chuyển ngữ: Lm. Đaminh Nguyễn Đức Thông, C.Ss.R.


CHƯƠNG 4
CÁC DẤU CHỈ CỦA SỰ THÁNH THIỆN TRONG THẾ GIỚI HÔM NAY

  1. Trong khuôn khổ của sự thánh thiện do các Mối phúc và Tin mừng Mathêu 25, 31 – 46 đem lại, tôi xin đề cập tới một ít dấu chỉ hay thái độ tâm linh mà, theo tôi, là cần thiết, nếu ta phải hiểu cách sống Chúa mời gọi ta. Tôi sẽ không dừng lại để giải thích các phương thế của ơn thánh hóa mà ta đã biết rồi: các phương pháp cầu nguyện khác nhau, các bí tích vô giá là Thánh thể và Hòa giải, việc dâng các hy sinh của bản thân, các hình thức đạo đức khác nhau, việc hướng dẫn thiêng liêng cũng như nhiều phương thế khác. Ở đây, tôi sẽ chỉ nói về một số khía cạnh của lời mời gọi nên thánh mà tôi hy vọng sẽ chứng minh có ý nghĩa đặc biệt.
  2. Các dấu chỉ tôi muốn nhấn mạnh không phải là một sự tóm tắt toàn diện một mô hình nào đó của sự thánh thiện, nhưng đó là năm cách diễn tả quan trọng của tình yêu dành cho Thiên Chúa và người thân cận tôi cho là có tầm quan trọng đặc biệt dưới ánh sáng của những nguy hiểm và giới hạn vốn có trong nền văn hóa hiện nay. Trong nền văn hóa ấy, ta thấy được một cảm thức âu lo, đôi khi bạo động, làm rối trí và suy nhược; ta thấy sự tiêu cực và ảm đạm; một sự tự mãn được chủ nghĩa tiêu thụ nuôi dưỡng; chủ nghĩa cá nhân; và mọi hình thức của một nền linh đạo thế phẩm – chẳng có liên quan gì tới Thiên Chúa – đang thống trị thị trường tôn giáo hiện nay.

SỰ KIÊN TRÌ, KIÊN NHẪN VÀ HIỀN LÀNH

  1. Dấu chỉ đầu tiên trong các dấu chỉ quan trọng này là việc đặt nền vững chắc trong Thiên Chúa, Đấng luôn yêu thương và chống đỡ cho ta. Nguồn sức mạnh nội tâm này làm cho ta có thể kiên trì giữa những thăng trầm của cuộc sống, nhưng cũng làm cho ta có thể chịu đựng được sự thù địch, phản bội và thất bại về phía những người khác. “Nếu Thiên Chúa bênh đỡ ta, ai còn chống lại được ta?” (Rm 8, 31): đây là nguồn bình an ta tìm được nơi các thánh. Sức mạnh nội tâm này làm cho ta có thể làm chứng cho sự thánh thiện nhờ sự kiên nhẫn và trung kiên trong việc làm điều tốt trong thế giới bước nhanh, ồn ào và hung hãn này. Đó là dấu chỉ của sự trung thành nẩy sinh từ tình yêu, vì những ai đặt niềm tin vào Thiên Chúa (pistis) đều có thể trung thành với người khác (pistos). Họ không bỏ mặc người khác trong những lúc hiểm nghèo; họ đồng hành với những người ấy trong sự băn khoăn và đau đớn của họ dù làm thế có thể không đem lại sự vui thỏa tức thời.
  2. Thánh Phaolô nói với tín hữu Rôma đừng lấy ác báo ác (x. Rm 12, 17), đừng trả thù (c. 19) và đừng để cho sụ ác thắng được mình, nhưng hãy để cho sự lành thắng sự dữ” (c. 21). Thái độ này không phải là dấu chỉ của sự yếu hèn nhưng là của sức mạnh thật, vì chính Thiên Chúa cũng “chậm giận và sức mạnh của Ngài thật phi thường” (Nk 1, 3). Lời Chúa khuyên chúng ta “Đừng bao giờ chua cay, gắt gỏng, nóng nảy giận hờn hay la lối thóa mạ và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác” (Ep 4, 31).
  3. Ta cần nhận ra và chiến đấu với những xu hướng hung hăng và ích kỷ của ta, và không để cho chúng mọc rễ. “Anh em có giận thì giận nhưng đừng phạm tội, đừng để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn” (Ep 4, 26). Khi cảm thấy bị lấn át, ta có thể không ngừng bám vào việc cầu nguyện, việc ấy sẽ đặt ta lại vào trong bàn tay của Thiên Chúa và nguồn bình an của ta. “Anh em đừng lo lắng chi, nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời khẩn cầu, van xin và tạ ơn mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh cầu. Và bình an của Thiên Chúa, vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ canh giữ linh hồn anh em…” (Pl 4, 6 – 7).
  4. Kitô hữu cũng có thể bị vướng vào các mạng lưới của bạo lực bằng lời nói qua internet và những diễn đàn khác nhau của việc truyền thông kỹ thuật số. Ngay cả truyền thông Công giáo, người ta cũng có thể đạp lên các giới hạn, việc phỉ báng và nói hành nói xấu có thể trở thành bình thường, và mọi tiêu chuẩn đạo đức và việc tôn trọng danh thơm tiếng tốt người khác cũng bị người ta dẹp bỏ. Kết quả là một sự phân đôi nguy hiểm, vì những gì người ta nói ở đó, thường là những điều không thể chấp nhận được trong diễn đàn công khai, và người ta tìm cách trả thù cho những bất bình của mình bằng cách bất ngờ đá vào người khác. Điều bất công là có khi vì quả quyết muốn giữ các điều răn khác, người ta đã coi nhẹ điều răn thứ tám, điều răn cấm làm chứng dối hay nói dối và đã nhẫn tâm phỉ báng tha nhân. Ở đây, ta thấy miệng lưỡi không được canh giữ, bén lửa hỏa ngục, đốt cháy hết mọi sự (x. Gcb 3, 6).
  5. Sức mạnh nội tâm, vì là công việc của ân sủng, bao giờ cũng ngăn chặn ta khỏi bị bạo động, một phần của cuộc sống hiện nay, cuốn trôi, vì ân sủng xoa dịu kiêu hãnh và làm cho có thể có được sự dịu hiền của tâm hồn. Các thánh không phí sức trong việc càm ràm về những thất bại của người khác; các ngài có thể giữ mồm giữ miệng trước những lầm lỗi của anh chị em mình và tránh bạo động bằng lời nói là những thứ thường hạ bệ và đối xử tàn tệ với người khác. Các thánh rất ngại đối xử với người khác cách thô bỉ; các ngài luôn coi tha nhân hơn bản thân mình (x. Pl 2, 3).
  6. Không tốt khi ta khinh khi người khác như các thẩm phán nhẫn tâm, khống chế và lúc nào cũng cố lên lớp người ta. Điều ấy tự nó là một hình thức tinh tế của bạo lực[1]. Thánh Gioan Thánh giá đề nghị một con đường khác: “Hãy luôn luôn thích được mọi người dạy bảo, hơn là muốn dạy cả những người nhỏ bé nhất”[2]. Và ngài thêm lời khuyên về cách giữ cho ma quỉ không đến gần mình: “Hãy vui mừng vì điều tốt của người khác như thể đó là điều tốt của bạn và mong ước rằng họ luôn được ưu tiên hơn bạn trong mọi sự; đây là điều bạn phải làm hết mình. Nhờ đó bạn sẽ thắng được sự dữ bằng sự tốt lành, sẽ xua trừ ma quỉ và có được một tâm hồn hạnh phúc. Hãy cố thực hành điều này hơn nữa với những người ít hấp dẫn bạn nhất. Hãy nhớ rằng nếu không huấn luyện mình theo cách này, bạn sẽ không đạt được đức ái thật hay không tiến bộ gì về đức ái cả”[3].
  7. Khiêm tốn chỉ có thể cắm rễ sâu trong tâm hồn nhờ những việc chịu sỉ nhục. Không có những sỉ nhục ấy, không có sự khiêm nhường hay thánh thiện. Nếu bạn không thể chịu đau khổ và hiến dâng một ít sỉ nhục, bạn không khiêm tốn và không đi trên con đường tiến tới sự thánh thiện. Sự thánh thiện Thiên Chúa ban cho Hội thánh Ngài đến nhờ tình trạng bị lăng nhục của Con Ngài. Ngài là đường. Việc chịu sỉ nhục làm cho ta giống Chúa Giêsu; đó là một khía cạnh không thể tránh được của việc bắt chước Chúa Giêsu. Vì “Đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại cho anh em một gương sáng, để anh dõi bước theo Ngài (1 Pr 2, 21). Đến lượt mình, Ngài cũng đã mặc khải sự khiêm nhường của Chúa Cha, Đấng luôn hạ mình xuống để đồng hành với dân Ngài, chịu đựng những bất trung và trách móc của họ (x. Xh 34, 6 – 9; Kn 11, 23 – 12, 2; Lc 6, 36). Vì lý do đó, các Tông đồ, sau khi chịu sỉ nhục, đã vui sướng hân hoan vì “được kể là xứng đáng chịu khinh miệt vì danh [Chúa Giêsu]” (Cv 5, 41).
  8. Ở đây, tôi không chỉ nói về những hoàn cảnh khắc nghiệt của việc tử vì đạo, mà còn nói về những sự chịu nhục hằng ngày của những người giữ im lặng để cứu gia đình, những người thích ca tụng tha nhân hơn là huênh hoang về chính mình hay những người chọn những công việc ít người thích, đôi khi còn chọn mang lấy bất công để dâng lên cho Chúa. “Nếu anh em làm việc lành mà phải chịu đau khổ thì đó là ơn Thiên Chúa ban” (1Pr 2, 21). Điều này không có nghĩa là cúi gằm mặt bước đi, không nói một lời hay trốn tránh bầu bạn với tha nhân. Đôi khi, chính vì được giải thoát khỏi ích kỷ, mà một người nào đó có thể dám bày tỏ bất đồng cách nhẹ nhàng, dám đòi hỏi công lý hay bảo vệ những người yếu thế trước những người quyền thế, dù làm thế có thể làm tổn hại danh dự mình.
  9. Tôi không bảo rằng việc chịu sỉ nhục như thế rất đẹp, vì đó thường là một thứ khổ dâm, nhưng tôi bảo rằng đó là một cách noi gương Chúa Giêsu và lớn lên trong sự hiệp thông với Ngài. Dựa vào mức độ tự nhiên, thì đây là điều không thể hiểu được và thế gian bao giờ cũng bôi bác bất cứ khái niệm nào như thế. Nhưng, đó là một ơn ta phải tìm trong cầu nguyện: “Lạy Chúa, khi những điều nhục nhã tới, xin giúp con biết rằng con đang theo bước chân Ngài”.
  10. Hành động theo cách này giả thiết phải có một tâm hồn bình an do Đức Kitô ban, được giải thoát khỏi sự hung hăng nẩy sinh từ lòng tự cao tự đại. Sự bình an ấy, kết quả của ân sủng, làm cho ta bền đỗ trong sự tin tưởng nội tâm và trong sự tốt lành, “dù ta đang bước đi trong thung lũng của bóng tối sự chết” (Tv 23, 4) hay “một đạo quân vây đánh tôi” (Tv 27, 3). Đứng vững trong Chúa, Đá tảng, ta có thể hát vang: “Thư thái bình an vừa nằm con đã ngủ; vì chỉ mình Ngài, Lạy Chúa, làm cho con được nghỉ ngơi an toàn” (Tv 4, 8). Tóm lại, Đức Kitô “là sự bình an của ta” (Lc 1, 79). Như Ngài nói với Thánh Faustina Kowaiska: “Nhân loại sẽ không có hòa bình cho tới khi biết đặt tin tưởng vào lòng xót thương của Thầy”[4]. Vì thế ta đừng để mình bị cám dỗ tìm kiếm sự an toàn trong thành công, trong các vui thú phù vân, trong của cải, quyền lực trên người khác hay tình trạng xã hội. Chúa Giêsu nói: “Thầy ban bình an của Thầy cho anh em; thầy không ban như thế gian ban tặng” (Ga 14, 27).

NIỀM VUI VÀ CẢM THỨC VỀ SỰ HÀI HƯỚC

  1. Khác với nhút nhát, buồn rầu, gay gắt hay u uất, hoặc mang bộ mặt chán chường, các thánh luôn vui tươi và đầy hài hước. Tuy rất thực tế, nhưng các ngài luôn phản ánh một tinh thần tích cực và tràn trề hy vọng. Đời sống Kitô hữu là “niềm hân hoan trong Chúa Thánh Thần” (Rm 14, 17), vì “hoa quả thiết yếu của đức ái là vui mừng; vì mọi người đang yêu đều hân hoan vì được hợp nhất với người mình yêu… hoa quả của đức ái là niềm vui[5]. Vì đón nhận ơn lành của lời Thiên Chúa, ta ấp ủ niềm vui “trong rất nhiều thương đau, với niềm vui do Chúa Thánh Thần gợi hứng” (1 Thes 1, 6). Nếu ta để Chúa kéo ta ra khỏi vỏ bọc của ta và thay đổi cuộc sống, ta có thể làm như thánh Phaolô nói với ta: “hãy vui luôn trong Chúa, tôi xin nhắc lại, hãy vui lên!” (Pl 4, 4).
  2. Các ngôn sứ loan báo thời của Chúa Giêsu, tức thời ta đang sống, là thời bày tỏ niềm vui. “Hãy reo hò, mừng rỡ!” (Is 12, 6). “Hãy trèo lên núi cao, hỡi kẻ loan báo Tin mừng cho Sion, hãy cất tiếng lên cho thật mạnh, hỡi kẻ loan Tin mừng cho Giêrusalem” (Is 40, 9). “Trời hãy hò reo, đất hãy múa nhảy, núi non hãy bật tiếng reo hò, vì Chúa an ủi dân Ngài đã chọn và chạnh thương những kẻ nghèo khổ của Ngài” (Is 49, 13). “Hãy vui lên, hỡi nữ tử Sion! Reo lớn lên, hỡi con gái Giêrusalem! Kìa, vua ngươi đang đến với ngươi; Đấng oai hùng, chiến thắng chính là ngài!” (Za 9, 9). Ta cũng không được quên lời khuyến dụ của Nehemia: “Đừng sầu thương khóc lóc, vì niềm vui của Chúa là sức mạnh của anh em” (Nhm 8, 10).
  3. Đức Maria, vì nhận ra sự mới mẻ Chúa Giêsu mang tới, đã hát: “Thần trí tôi hớn hở vui mừng” (Lc 1, 47), và chính Chúa Giêsu cũng “hân hoan trong Chúa Thánh Thần” (Lc 10, 21). Khi Ngài đi ngang, “toàn dân vui mừng” (Lc 13, 17). Sau khi Chúa phục sinh, các môn đệ đi đến đâu, ở đó “chứa chan niềm vui” (Cv 8, 8). Chúa Giêsu bảo đảm với ta: “Anh em sẽ đau buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ thành niềm vui… thầy sẽ gặp lại anh em và lòng anh em sẽ tràn ngập niềm vui, và không ai lấy mất được niềm vui của anh em” (Ga 16, 20, 22). “Những điều này, thầy đã nói với anh em để niềm vui của thầy có ở nơi anh em, và niềm vui của anh em còn mãi” (Ga 15, 11).
  4. Thời buổi khó khăn sẽ đến, khi bóng thập giá ngả xuống che phủ, nhưng không gì có thể phá hủy niềm vui siêu nhiên “đang thích nghi và thay đổi, nhưng bao giờ cũng tồn tại, khi ánh sáng lung linh xuất phát từ lòng tin vững chắc của bản thân ta rằng, khi mọi sự được nói và làm, ta sẽ được yêu thương vô bờ bến[6]. Niềm vui đó đem lại sự bình an sâu thẳm, một niềm hy vọng sáng ngờ và một sự hoàn chỉnh thiêng liêng thế gian không thể hiểu và lượng giá được.
  5. Niềm vui Kitô giáo thường đi kèm với cảm thức về sự hài hước. ta thấy được điều này rất rõ, trong Thánh Tô ma More, Thánh Vincent Phaolô, và Thánh Philip Neri III. Hài hước không phải là dấu chỉ của sự thánh thiện. “Hãy dẹp bỏ những bực dọc khỏi tâm trí” (Hc 11, 10). Ta nhận được rất nhiều tứ Chúa “để ta hưởng dùng” (1Tim 6, 17) đến độ nỗi buồn có thể là dấu chỉ của sự vô ơn. Ta có thể qui vào mình đến độ ta không thể nhận ra những ân huệ của Thiên Chúa[7].
  6. Với tình yêu của một người cha, Thiên Chúa nói với ta: “Con ơi, hãy xứ tốt với mình… Đừng tước mất của mình một ngáy hạnh phúc” (Sir 14, 11, 14). Ngài muốn ta tích cực, biết ơn và giản dị: “Trong ngày thịnh vượng, hãy hân hoan… Thiên Chúa đã tạo dựng con người thẳng thắn, nhưng họ đã bày ra lắm kế nhiều mưu” (Eccl 7, 14, 29). Bất cứ trường hợp nào, ta cũng phải kiên trì và noi gương thánh Phaolô: “Tôi đã biết bằng lòng với những gì tôi có” (Pl 4, 11). Thánh Phanxicô Assisi sống nhờ điều này; ngài có thể dạt dào lòng biết ơn chỉ vì một miếng bánh mì khô, hay hân hoan ca tụng Thiên Chúa chỉ vì một làn gió mát thoảng trên mặt ngài.
  7. Đây không phải là một niềm hân hoan do nền văn hóa theo chủ nghĩa cá nhân hay tiêu thụ đưa ra. Chủ nghĩa tiêu thụ chỉ làm tâm hồn sưng phồng lên. Chủ nghĩa ấy chỉ có thể đem lại những niềm vui nhất thời chóng qua, chứ không đem lại niềm hân hoan. Ở đây, tôi đang nói tới một niềm hân hoan được sống trong sự hiệp thông, một niềm hân hoan chia sẻ và được sẻ chia, vì “cho thì có phúc hơn nhận” (Cv 20, 35) và “Thiên Chúa yêu thương những người cho cách vui vẻ” ( 2 Cr 9, 7). Tình yêu thương huynh đệ làm tăng khả năng vui mừng, vì làm cho ta có thể vui vì sự tốt lành của tha nhân: “Hãy vui với người vui” (Rm 12, 15). “Chúng tôi vui mừng khi chúng tôi yếu đuối còn anh em mạnh mẽ” (2 Cr 13, 9). Mặt khác, khi ta “tập trung trước tiên vào các nhu cầu của mình, ta sẽ buộc mình với một cuộc sống không có niềm vui[8].

SỰ DŨNG CẢM VÀ SAY MÊ

  1. Thánh thiện cũng là parrhesia. Đó là sự dũng cảm, là một thôi thúc phải Tin mừng hóa và để lại dấu ấn trên trần gian này. Để ta làm được điều ấy, chính Chúa Giêsu luôn đến và nói với ta một lần nữa, nhẹ nhàng nhưng chắc nịch: “Đừng sợ!” (Mc 6, 50). “Thầy ở với anh em mọi ngày cho tới tận thế” (Mt 28, 20). Những lời này làm ta có thể ra đi và phục vụ cùng với sự can trường mà Chúa Thánh Thần khơi lên nơi các Tông đồ, buộc họ phải loan báo Đức Giêsu Kitô. Dũng cảm, nhiệt thành, tự do nói ra, lòng nhiệt thành tông đồ, tất cả những điều này đều được bao hàm trong từ ngữ parrhesia.Kinh thánh cũng sử dụng từ ngữ này để mô tả sự tự do của một cuộc sống biết mở ra Thiên Chúa và tha nhân (x. Cv 4, 29; 9, 28; 28, 31; 2 Cr 3, 12; Ep 3, 12; Hr 3, 6; 10, 19).
  2. Chân phước Phaolô VI, khi ám chỉ tới những trở ngại của việc Tin mừng hóa, đã nói về sự thiếu tha thiết (parrhesia) sự thiếu ấy “nghiêm trọng hơn vì xuất phát từ bên trong”[9]. Biết bao lần ta đã bị cám dỗ bám lấy bờ! Nhưng Chúa lại gọi chúng ta ra chỗ nước sâu thả lưới (x. Lc 5, 4). Ngài bảo ta dành trọn cuộc đời phục vụ Ngài. Bám vào Ngài, ta được gợi hứng đạt tất cả đặc sủng của ta vào việc phục vụ tha nhân. Ước gì ta luôn tình yêu của Ngài thúc bách (2 Cr 5, 14) và luôn nói với thánh Phaolô: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng” (1 Cr 9, 16).
  3. Hãy nhìn Chúa Giêsu. Lòng thương xót thẳm sâu của Ngài đã đạt tới người khác. Lòng thương xót ấy không làm cho Ngài do dự, nhút nhát hay e dè, như thường xảy ra với ta. Trái lại là khác. Lòng thương xót ấy làm cho Ngài chủ động đi ra rao giảng và sai người khác đi làm sứ vụ chữa lành và giải thoát. Ta hãy nhìn nhận những yếu hèn của ta, nhưng hãy để Chúa Giêsu nắm lấy chúng và sai ta đi vào sứ vụ. Ta yếu hèn, nhưng ta đang giữ một kho tàng có thể làm ta phát triển và làm cho những ai đón nhận kho tàng ấy trở nên tốt hơn và hạnh phúc hơn. Dũng cảm và lòng can đảm của người tông đồ là một phần rất quan trọng của sứ vụ.
  4. Parrhesiachính là ấn tín của sự can thiệp của Thần khí; nó làm chứng cho sự chân thật của việc rao giảng của ta. Đó là một bảo đảm vui mừng đưa ta tới vinh quang trong Tin mừng ta công bố. Đó là sự tin tưởng không lay chuyển vào vị Chứng nhân trung thành Đấng luôn bảo đảm với ta rằng không gì có thể “tách chúng ta ra khỏi lòng yêu mến của Thiên Chúa” (Rm 8, 39).
  5. ta cần sự can thiệp của Chúa Thánh Thần để khỏi bị sợ hãi và sự thận trọng quá đáng làm cho thành đờ đẫn, để khỏi quen với việc ở trong các biên giới an toàn. Ta hãy nhớ rằng không gian khép kín thường bụi bặm và không khỏe mạnh. Khi bị cám dỗ để cho những đe dọa và sợ hãi làm cho mình thành tê liệt, các Tông đồ đã họp nhau cầu nguyện xin ơn parrhesia: “Và nay lạy Chúa, xin nhìn đến những lời ngăm đe của họ, và ban cho các tôi Chúa ơn bạo dạn nói lời Ngài” (Cv 4, 29). Kết quả là, “khi các ngài cầu nguyện, thì chỗ các ngài đang họp nhau bỗng rung chuyển; và các ngài được đầy Chúa Thánh Thần và nói lời Thiên Chúa các hiên ngang” (Cv 4, 31).
  6. Hệt như ngôn sứ Giôna, ta cũng thường xuyên bị cám dỗ chạy tới nơi ẩn náu an toàn. Nơi ấy có thể có nhiều tên gọi: cá nhân chủ nghĩa, chủ thuyết tinh thần, sống trong thế giới nhỏ, nghiện ngập, không khoan nhượng, từ bỏ các tư tưởng và những phương pháp mới, chủ nghĩa giáo điều, luyến tiếc quá khứ, bi quan, núp sau lề luật và qui tắc. Ta có thể không chấp nhận bỏ lại sau lưng một cách làm việc quen thuộc, dễ dàng. Nhưng những thách thức liên quan có thể vẫn như cơn bão ấy, như con cá voi ấy, như con sâu làm héo cây thầu dầu ấy, hay như nắng gió ấy thiêu đốt đầu ông Giô na. Đối với chúng ta cũng như đối với ông, các thứ ấy có thể giúp đưa ta trở về lại với vị Thiên Chúa hiền lành, Đấng luôn mời gọi ta lên đường cách luôn luôn mới.
  7. Thiên Chúa là sự mới mẻ muôn đời. Ngài buộc ta cũng khởi sự cách luôn luôn mới, vượt ra ngoài những thứ quen thuộc, tới các vùng ven và vượt ra ngoài những vùng ấy. Ngài đưa ta tới những nơi nhân loại đang bị thương tích nhất, nơi con người cả nam lẫn nữ, dưới vẻ chuẩn mực nông cạn bên ngoài, vẫn không ngừng tìm kiếm giải đáp cho vấn nạn về ý nghĩ của cuộc sống. Thiên Chúa không sợ gì! Ngài không hề sợ! Bao giờ Ngài cũng hơn các chương trình và kế hoạch của ta. Không sợ các vùng ven, chính Ngài đả trờ thành một vùng ven (x. Pl 2, 6 – 8; Ga 1, 14). Vì thế, nếu ta dám đi tới các vùng ven, tha sẽ thấy Ngài ở đó; thật vậy, Ngài đã ở đó rồi. Chúa Giêsu đã ở đó rồi, ở trong cõi lòng của các anh chị em ta, trong xác thịt mang thương tích của họ, trong những rắc rối và trong nỗi buồn thăm thẳm của họ. Ngài đã ở đó rồi.
  8. Thật đấy, ta chỉ cần mở lòng ra cho Chúa Giêsu, ngài vẫn đứng đó và gõ (x. Kh 3, 20). Tuy ta cũng tự hỏi, Chúa Giêsu ở trong ta rồi, không biết có lần nào Ngài gõ cửa xin ta để Ngài trốn khỏi sự qui ngã đã nặng mùi của ta không. Trong Tin mừng, ta thấy “Chúa Giêsu đã đi qua các làng mạc, thành phố, rao giảng và mang Tin mừng Nước Thiên Chúa” ra sao (Lc 8, 1). Sau phục sinh, khi các môn đệ đi khắp nơi, Chúa đã đồng hành với họ (x. Mc 16, 20). Đó là điều vẫn đang xảy ra như kết quả của cuộc gặp gỡ thật.
  9. Hài lòng có sức cám dỗ; nó bảo ta rằng chẳng có việc gì để phải cố thay đổi cả, chẳng có gì ta có thể làm, vì đây là cách duy nhất các sự việc vẫn thế nhưng đã vẫn biết cách để tồn tại. Do sức mạnh của thói quen, ta không còn đứng vững trước sự dữ. “Việc thế nào ta cứ để thế” hay người khác đã quyết định thì cứ phải để vậy. Nhưng ta hãy để Chúa đánh thức ta khỏi tình trạng đờ đẫn, giải thoát ta khỏi sự ì ạch của ta. Ta hãy nghĩ lại các làm việc của ta; hãy mở mắt mở tai và nhất là mở lòng, để đừng hài lòng với sự việc sao cứ để vậy, mà hãy để cho lời hằng sống và hiệu quả của Chúa phục sinh khuấy động ta.
  10. Ta đang có hứng để hành động nhờ gương sáng của mọi linh mục, tu sĩ và giáo dân, những người đang dấn thân loan báo Tin mừng và phục vụ tha nhân với lòng trung thành vĩ đại, và thường phải liều mạng sống và dĩ nhiên cũng phải trả giá cho sự thoải mái của họ. Chứng tá của họ nhắc ta nhớ rằng, hơn các công chức và quan lại, Hội thánh cần các thừa sai nhiệt thành, hăng say với việc chia sẻ đời sống thật. Các thánh luôn làm ta sững sờ, vì qua đời sống mình các ngài thúc đẩy ta từ bỏ sự tầm thường buồn chán và ảm đạm.
  11. Ta hãy xin Chúa ban cho ta ân sủng để ta khỏi do dự khi Thần khí kêu gọi ta bước tới. Ta hãy cầu xin cho được ơn cam đảm của các tông đồ để chia sẻ Tin mừng với tha nhân và không cố làm cho đời sống Kitô hữu thành viện bảo tàng của những kỷ niệm. Trong mọi hoàn cảnh, xin Chúa Thánh Thần thôi thúc ta chiêm ngắm lịch sử dưới ánh sáng của Chúa Giêsu phục sinh. Theo cách này, Hội thánh sẽ không đứng im, nhưng không ngừng đón nhận những sự bất ngờ của Chúa.

TRONG CỘNG ĐOÀN

  1. Khi ta sống tách biệt với tha nhân, việc chống lại nhục dục, cạm bẫy và cám dỗ của ma quỉ và tính ích kỷ của thế gian này sẽ rất khó. Đang bị quá nhiều cám dỗ oanh tạc như hiện nay, ta có thể bị quá cô lập, có thể đánh mất cảm thức về thực tại và sự trong sáng nội tâm và dễ đầu hàng.
  2. Việc lớn lên trong sự thánh thiện là một cuộc hành trình, sát cánh cùng tha nhân trong cộng đoàn. Ta thấy được điều này trong một số cộng đoàn thánh thiện. Đôi khi, Hội thánh đã tuyên thánh cho toàn bộ những cộng đoàn đã sống Tin mừng cách anh hùng hay đã dâng cho Thiên Chúa đời sống của các thành viên của mình. Ví dụ như ta có thể nghĩ đến bảy vị sáng lập Hội dòng Tôi tớ Đức Maria, bảy nữ tu chân phước của đan viện Đức Maria Thăm viếng tại Madrid, thánh Phaolô Miki và các bạn Nhật bản tử vì đạo, thánh Anrê Teagon và các bạn Hàn quốc tử đạo hay thánh Roque Gonzales, thánh Alonso Rodriguez và các bạn Nam Mỹ tử đạo. Ta cũng nên nhớ chứng tá mới đây của các anh em Trappist Tibhirine, Algeria, những người đã được chuẩn bị như một cộng đoàn tử vì đạo. Trong nhiều cuộc hôn nhân thánh thiện, mỗi vợ chồng đều trở thành phương thế Đức Kitô sử dụng để thánh hóa người kia. Sống và làm việc với người khác chắc chắn là một con đường phát triển thiêng liêng. Thánh Gioan Thánh giá nói với một trong những đệ tử ngài: “Con đang sống với những người khác để được nắn đúc và tôi luyện”[10].
  3. Mỗi cộng đoàn đều được mời gọi tạo nên một “không gian được Thiên Chúa soi sáng để có thể kinh nghiệm được sự hiện diện kín ẩn của Chúa phục sinh”[11]. Chia sẻ lời và cử hành Thánh thể với nhau bao giờ cũng nuôi dưỡng tình huynh đệ và làm cho ta thành một cộng đoàn thừa sai thánh thiện. Các việc ấy cũng làm phát triển các kinh nghiệm thần bí chung đích thật. Đó là trường hợp của thánh Benedicto và Scholastica. Ta cũng có thể nghĩ tới kinh nghiệm thiêng liêng siêu phàm Thánh Augustinô chia sẻ với mẹ ngài là bà thánh Monica. “Vì nay ngày mẹ con sắp phải từ giã cuộc sống này đã gần, ngày chỉ mình Chúa biết, chúng con không biết, nó đã đến vì con tin rằng do sự sắp xếp bí mật của Chúa, mà chỉ mình mẹ con và con đứng dựa vào cửa sổ nhìn ra vườn… Chúng con mở rộng lòng uống trong các dòng suối của Chúa, nguồn sự sống vốn có trong Chúa… Và khi chúng con nói về sự khôn ngoan ấy và cố hết sức để đạt cho bằng được, chúng con đã chạm được sự khôn ngoan ấy ở một mức độ nào đó nhờ sự thúc đẩy của tâm hồn… sự sống đời đời có lẽ giống như lúc hiểu biết duy nhất này, hiện chúng con khao khát”[12].
  4. Tuy nhiên, những kinh nghiệm ấy không nhiều cũng không phải là quan trọng nhất. Cuộc sống chung, bất kể trong gia đình, giáo xứ, cộng đoàn tu hay bất cứ cộng đoàn nào khác, bao giờ cũng được hình bởi những chuyện nho nhỏ hằng ngày. Điều này rất đúng với cộng đoàn thánh duy nhất do Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse tạo nên, một cộng đoàn phản ánh cách mẫu mực vẻ tuyệt mỹ của sự hiệp thông Ba ngôi. Điều đó cũng đúng với cuộc sống mà Chúa Giêsu chia sẻ với các môn đệ và với những người bình thường.
  5. Ta đừng quên rằng Chúa Giêsu đã xin các môn đệ để ý đến các chi tiết.

Chi tiết nhỏ của việc tiệc cưới hết rượu
Chi tiết nhỏ về một con chiên mất
Chi tiết nhỏ của việc để ý đến hai đồng xu bà góa dâng cúng
Chi tiết nhỏ về đèn hết dầu, chú rể tới trễ
Chi tiết nhỏ của việc hỏi xem các môn đệ có bao nhiêu ổ bánh.
Chi tiết nhỏ của việc nhóm lửa, nước cá khi chờ các môn đệ lúc bình minh.

  1. Cộng đoàn nào ấp ủ các chi tiết nhỏ của tình yêu[13], các thành viên quan tâm, chăm sóc nhau và tạo được môi trường cởi mở và Tin mừng hoá, bao giờ cũng là nơi Chúa phục sinh hiện diện, thánh hóa cộng đoàn ấy theo kế hoạch của Chúa Cha. Có những lúc, khi do quà tặng tình yêu của Chúa, ta được ban cho, giữa những chi tiết nhỏ này, các kinh nghiệm an ủi về Thiên Chúa. “Một đêm đông nọ, tôi đang làm nhiệm vụ thường ngày… Thình lình, tôi nghe thấy từ đằng xa, một điệu nhạc du dương. Rồi bất chợt tôi thấy phòng khách đèn sáng trưng, các phụ nữ trẻ phục sức lộng lẫy, sang trọng đang nói chuyện với nhau và hết lời tán dương, ca tụng nhau. Rồi tôi liếc nhìn một người nghèo tàn tật tôi đang đỡ đần. Thay vì các khúc nhạc réo rắt, tôi chỉ nghe được những lời oán trách bất thường… Tôi không thể diễn tả thành lời những gì đã xảy ra trong linh hồn tôi; điều tôi biết là Chúa đã soi sáng cho linh hồn tôi bằng các tia sự thật, một sự thật vượt xa sự huy hoàng tăm tối của các lễ hội của trần gian này đến độ tôi không thể tin rằng đó là hạnh phúc của tôi”[14].
  2. Trái với chủ nghĩa cá nhân của những người theo chủ nghĩa tiêu thụ luôn có khuynh hướng cô lập ta trong việc tìm kiếm hạnh phúc tách khỏi tha nhân, con đường tiến tới sự thánh thiện của ta chỉ có thể làm cho ta đồng hóa hơn nữa với lời cầu nguyện của Chúa Giêsu: “để mọi người nên một; như Cha ở trong con và con ở trong Cha” (Ga 17, 21).

TRONG VIỆC CẦU NGUYỆN KHÔNG NGỪNG

  1. Cuối cùng, tuy có vẻ rõ ràng, ta vẫn phải nhớ rằng sự thánh thiện bao hàm việc thường xuyên mở ra cho đấng siêu việt, được diễn tả trong việc cầu nguyện và thờ phượng. Ta nhận ra các thánh nhờ tinh thần cầu nguyện và nhu cầu hiệp thông với Thiên Chúa. Các ngài quan tâm đến toàn thế giới nhỏ bé và ngột ngạt này và giữa những bận tâm và dấn thân ấy của mình, các ngài khát mong Thiên Chúa, khi quên mình để ca tụng và chiêm ngắm Chúa. Tôi tin rằng không có cầu nguyện thì không thể có sự thánh thiện, dù việc cầu nguyện ấy không cần dài hay huy động các tình cảm mãnh liệt.
  2. Thánh Gioan Thánh Giá nói với ta: “Hãy cố luôn ở lại trong sự hiện diện của Thiên Chúa, hoặc hiện diện thật, tưởng tượng hay cả hai theo mức độ công việc cho phép”[15]. Cuối cùng khát vọng Thiên Chúa của ta chắc chắn sẽ tìm được cách diễn tả trong đời sống hằng ngày của ta: “Hãy cố không ngừng cầu nguyện, và cả khi luyện tập thân thể cũng đừng bỏ cầu nguyện. Dù anh em ăn, uống, trò chuyện với người khác, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy luôn đến với Thiên Chúa và hết lòng gắn bó với Ngài”[16].
  3. Tuy nhiện để việc này xảy ra, ta cũng cần dành một số thời gian cho Thiên Chúa. Đối với Têrêsa Avila, cầu nguyện “chẳng là gì hết chỉ là giao tiếp thân mật và thường xuyên truyện trò một mình với Đấng ta biết là luôn yêu thương ta”[17] tôi xin nhấn mạnh rằng điều này không chỉ đúng cho một ít người đặc biệt mà đúng cho tất cả chúng ta, vì “tất cả chúng ta đều cần sự thinh lặng này, một sự thinh thặng ắp đầy sự hiện diện của Đấng ta tôn thờ”[18]. Lời cầu nguyện đầy tin tưởng là việc đáp trả của một tấm lòng mở ra cho sự gặp gỡ diện đối diện với Thiên Chúa, nơi mọi sự đều bình an và ta có thể nghe được tiếng thì thầm của Chúa giữa sự thinh lặng ấy.
  4. Trong sự thing lặng ấy, ta có thể phân định, dưới ánh sáng của Thần khí, Chúa đang mời gọi ta đi trên những con đường thánh thiện nào. Nếu không, bất cứ quyết định nào ta thực hiện đều có thể chỉ là vẻ lòe loẹt bên ngoài thay vì đề cao Tin mừng trong đời ta, sẽ che khuất hay nhận chìm Tin mừng ấy. Đối với mỗi môn đệ, điều thiết yếu là dành thời gian ở với Chúa, lắng nghe lời Ngài, và luôn học với Ngài. Nếu ta không lắng nghe, mọi lời của ta sẽ chẳng là gì, chỉ là lời tán gẫu vô ích.
  5. Ta cần nhớ rằng “chiêm ngắm dung nhan Chúa Giêsu, chết và phục sinh, luôn phục hồi loài người chúng ta, cả khi nhân loại ấy đang bị các rắc rối trong cuộc đời này phá vỡ hoặc bị tội lỗi phá hỏng. Ta không được đập tan sức mạnh của dung nhan Đức Kitô”[19]. Vì thế, cha xin hỏi các con: Có khi nào các con đặt mình trong sự hiện diện của Chúa, âm thầm dành giờ ở với Ngài và phơi mình trong ánh mắt Ngài không? Các con có để cho ngọn lửa của Ngài đốt cháy lòng mình? Nếu các con không để Ngài ngày càng sưởi ấm mình bằng tình yêu và sự dịu dàng của Ngài, các con sẽ không cháy được. Vậy bằng lời nói và chứng tá của mình, các con có thể làm thế nào để thiêu đốt tâm hồn của tha nhân? Nếu, khi nhìn vào dung nhan Đức Kitô, các con cảm thấy có thể để mình được chữa lành và biến đổi, thì các con đang đi vào trong cõi lòng của Chúa, vào trong các thương tích của Ngài, vì đó là nơi ở của lòng thương xót của Thiên Chúa[20].
  6. Tôi xin chúng ta đừng coi việc thinh lặng cầu nguyện như một hình thức chạy trốn và từ bỏ thế giới chung quanh ta. Một khách hành hương người Nga, là người đã cầu nguyện không ngừng, nói rằng việc cầu nguyện đã không tách ông ta ra khỏi những gì đang xảy ra chung quanh ông. “Mọi người đều tử tế với tôi; như thể mọi người đều yêu tôi… tôi không chỉ cảm thấy [hạnh phúc và an ủi] trong linh hồn thôi mà còn cảm thấy toàn bộ thế giới bên ngoài tôi đối với tôi cũng ngập tràn duyên dáng và mừng vui”[21].
  7. Lịch sử cũng không biến mất. Cầu nguyện, vì được nuôi dưỡng bằng ơn Thiên Chúa hiện diện và hoạt động trong ta, bao giờ cũng phải được đánh dấu bằng hồi tưởng. Việc tưởng nhớ các công trình của Thiên Chúa là trọng tâm của kinh nghiệm về giao ước giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Thiên Chúa muốn đi vào trong lịch sử, nên lời cầu nguyện của ta cũng được đan dệt bằng các kỷ niệm. Ta không chỉ nghĩ lại về Lời mặc khải, mà con nghĩ về cuộc sống của riêng ta, cuộc sống của tha nhân và mọi sự Thiên Chúa đã thực hiện trong Hội thánh: đây là một ký ức đầy lòng biết ơn mà thánh Ignatiô Loyola ám chỉ tới trong bài Contemplation for Attaining Love[22]khi ngài xin ta để ý tới mọi phúc lành ta đã nhận được từ nơi Chúa. Hãy nghĩ về lịch sử của các con khi các con cầu nguyện và trong lịch sử ấy, các con sẽ tìm được rất nhiều lòng thương xót. Điều này cũng sẽ gia tăng ý thức của các con rằng Chúa luôn luôn để mắt tới các con; Ngài không bao giờ quên các con. Vì thế, xin Ngài tỏa sáng trên những chi tiết nhỏ nhất của đời mình là điều thật ý nghĩa, vì Ngài thấy hết mọi sự.
  8. Cầu nguyện xin ơn là cách diễn tả của một tâm hồn phó thác cho Thiên Chúa và nhận ra rằng tự mình tâm hồn ấy chẳng làm được gì. Cuộc sống của những người trung thành của Thiên Chúa được đánh dấu bằng việc không ngừng xin ơn, một sự xin ơn nẩy sinh từ lòng mến tràn ngập đức tin và từ sự tin tưởng mãnh liệt. Ta đừng coi thường việc cầu nguyện xin ơn này, một việc cầu nguyện thường làm cho tâm hôn ta yên tĩnh và giúp ta kiên trì trong niềm hy vọng. Chuyển cầu có một giá trị đặc biệt, vì đó là một hành vi của sự tin tưởng vào Thiên Chúa và đồng thời, cũng là một cách diễn tả lòng yêu thương đồng loại. Có những người nghĩ rằng, dựa vào nền linh đạo một chiều, cầu nguyện phải là việc chiêm ngắm Thiên Chúa cách thuần khiết, thoát khỏi mọi chia trí, như thể các tên gọi và khuôn mặt của những người một cách nào đó đang xâm nhập đều phải tránh. Nhưng trên thực tế, việc cầu nguyện của ta sẽ làm vui lòng Thiên Chúa hơn và có kết quả hơn trong việc lớn lên trong sự thánh thiện, nếu nhờ việc chuyển cầu, ta cố thực hành điều răn hai phần Chúa Giêsu để lại cho ta. Lời chuyển cầu là một cách diễn tả mối tương quan huynh đệ của ta đối với tha nhân, vì ta có thể ôm ấp cuộc sống, những khó khăn sâu xa nhất và những ước mơ cao cả nhất của họ. Về những người quảng đại trong việc cầu nguyện chuyển cầu, ta có thể áp dụng lời Kinh thánh sau: “Đây là người yêu thương anh em mình và cầu nguyện nhiều cho dân chúng” ( 2 Mcb 15, 14).
  9. Nếu ta nhìn nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa, ta không thể không tôn thờ Ngài, đôi khi trong âm thầm kinh ngạc, và ca tụng Ngài bằng khúc hát hân hoan. Như thế, ta tham dự vào kinh nghiệm của Chân phước Charles de Foucauld, đã nói: “Ngay khi tôi tin rằng có Thiên Chúa, tôi đã hiểu rằng tôi không thể làm gì ngoài việc sống cho Ngài[23]. Trong đời sống của dân lữ hành của Thiên Chúa, có nhiều cử chỉ thờ phượng thuần túy, đơn sơ, như khi “ánh mắt của một khách hành hương dừng lại trên một hình ảnh là biểu tượng cho tình cảm và sự gần gũi của Thiên Chúa. Lòng mến bao giờ cũng dừng lại, chiêm ngắm mấu nhiệm, và âm thầm tận hưởng mầu nhiệm ấy[24].
  10. Việc đọc lời Chúa trong tinh thần cầu nguyện, lời “ngọt hơn mật ong” (Tv 119, 103), nhưng lại là “thanh gươm hai lưỡi” (Hr 4, 12) làm cho ta có thể dừng lại và lắng nghe tiếng của Thầy chí thánh. Lời ấy trở thành chiếc đèn soi cho con bước là ánh sáng chỉ đường con đi (x. Tv 119, 105). Như các giám mục Ấn độ nhắc ta: “việc tôn sùng lời Chúa không đơn giản là một trong nhiều việc đạo đức, rất tuyệt và một cách nào đó là do tùy chọn. Việc tôn sùng ấy đi tới chính trọng tâm và căn tính của đời sống Kitô hữu. Lời ấy có sức biến đổi cuộc đời”[25]
  11. Việc gặp gỡ Chúa Giêsu trong Kinh thánh đưa ta tới Thánh thể, nơi lời thành văn đạt được hiệu quả lớn nhất, vì nơi Thánh thể, Lời hằng sống hiện diện thật. Trong Thánh thể, vị Thiên Chúa duy nhất chân thật đón nhận nền phượng tự quan trọng nhất trần gian có thể dâng hiến, vì chính Đức Kitô là Đấng được hiến tế. Khi ta đón nhận Ngài nhờ việc Hiệp lễ, ta canh tân giao ước của ta với Ngài và để Ngài thực hiện cách luôn trọn vẹn hơn công trình biến đổi đời sống ta.


Chú thích:

[1] Có một số hình thức ăn hiếp, trong khi có vẻ tế nhị và tôn trọng và thậm chí còn thiêng liêng nữa, nhưng lại gây ra những tác hại lớn đối với lòng tự trọng của người khác.

[2] Precautions, 13.

[3] Ibid., 13.

[4] Cf. Nhật ký. Divine Mercy in My Soul, Stockbridge, 2000, p. 139 (300).

[5] THOMAS AQUINAS, Summa Theologiae, I-II, q. 70, a. 3.

[6] Apostolic Exhortation Evangelii Gaudium (24 November 2013), 6: AAS 105 (2013), 1221.

[7] Tôi xin đề nghị cầu nguyện theo lời vẫn được gán cho Thánh Tôma More: “Ôi lạy Chúa, xin ban cho con được hệ tiêu hóa tốt và cũng ban cho con một cái gì đó để con tiêu hóa. Xin ban cho con một thân xác khỏe mạnh và sự hài hước cần thiết để duy trì sự sống ấy. Xin ban cho con một tâm hồn đơn sơ biết quý trọng mọi sự tốt lành và không dễ dàng sợ hãi khi thấy sự dữ, nhưng tìm được phương thế để đặt mọi sự vào chỗ của chúng. Xin ban cho con một linh hồn không biết buồn chán, càm ràm, thở dài và than trách, cũng không căng thẳng quá, vì như thế sẽ che khuất một cái gì đó được gọi là “con”. Ôi lạy Chúa, xin ban cho con một cảm thức về sự hài hước. Cho con ơn biết nói đùa và khám phá ra một chút niềm vui trong cuộc sống, và có thể chia sẻ niềm vui ấy cho tha nhân”.

[8] Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng, Amoris Laetitia (19 March 2016), 110: AAS 108 (2016), 354.

[9] Tông huấn Evangelii Nuntiandi (8 December 1975), 80: AAS 68 (1976), 73. Điều đáng lưu ý là trong bản văn này Chân phước Phaolô VI liên kết niềm vui với parrhesia. Trong khi than phiền rằng “sự thiếu niềm vui và hy vọng” chính là một trở ngại đối với việc Tin mừng hóa, thì ngài lại ca ngợi “niềm vui hoan lạc và an ủi của việc Tin mừng hóa”, được liên kết với “một lòng nhiệt thành bên trong không ai và không gì có thể dập tắt”. Điều này bảo đảm rằng thế giới không đón nhận Tin mừng “từ những người loan báo chán nản và thất vọng”. Suốt năm thánh 1975, Đức Giáo Hoàng Phao lô đã dấn thân cho niền hoan vui trong Tông huấn Gaudete in Domino của ngài (9.5.1975): AAS 67 (1975), 289-322.

 

[10] Precautions, 15.

[11] JOHN PAUL II, Tông huấn Vita Consecrata (25 March 1996), 42: AAS 88 (1996), 416.

[12] Tự thuật, IX, 10, 23-25: PL 32, 773-775.

[13] Tôi nghĩ cách đặc biệt về ba từ khóa “làm ơn”, “cám ơn” và “xin lỗi”. “Những từ ngữ chính xác, được nói và thời điểm chính xác, bao giờ cũng bảo vệ và nuôi dưỡng tình yêu”: Tông huấn Hậu thượng Hội đồng,  Exhortation Amoris Laetitia (19 March 2016), 133: AAS 108 (2016), 363.

[14] THÉRÈSE HÀI ĐỒNG GIÊSU, Manuscript C, 29 v-30r.

[15] Degrees of Perfection, 2.

[16] ID., Counsels to a Religious on How to Attain Perfection, 9.

[17] Tự thuật 8, 5.

[18] JOHN PAUL II, Apostolic Letter Orientale Lumen (2 May 1995), 16: AAS 87 (1995), 762.

[19] Cuộc họp các tham dự viên Hội nghị lần thứ năm của Hội thánh ÝFlorence, (10 November 2015): AAS 107 (2015), 1284.

[20] Cf. BERNARD OF CLAIRVAUX, Sermones in Canticum Canticorum, 61, 3-5: PL 183:1071-1073.

[21] The Way of a Pilgrim, New York, 1965, pp. 17, 105-106.

[22] Cf. Spiritual Exercises, 230-237.

[23] Thư gửi cho Henry de Castries, 14.8.1901.

[24] HỘI NGHỊ LẦN THỨ NĂM  CÁC GIÁM MỤC CHÂU MỸ LATINH VÀ  CARIBBE, Aparecida Document (29 June 2007), 259

[25] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC ÂN ĐỘ,  Tuyên bố chung quyết của Hội nghị lần thứ 21, 18.2. 2009, 3.2.

Tags: , , ,

Có thể bạn quan tâm