Bài giảng Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám mục TGP. Hà Nội trong thánh lễ an táng Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Nguyên Giám mục giáo phận Nha Trang

Chúa Nhật, 19-02-2017 | 07:46:48

Hôm thứ Bảy, 18.02.2017, với tâm tình tiếc thương và chia sẻ, giáo dân khắp nơi trong và ngoài Giáo phận đã tề tựu về Nhà Thờ Chánh Tòa Nha Trang để kính viếng lần cuối và hiệp dâng lời cầu nguyện cho Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Nguyên Giám mục giáo phận Nha Trang, trong Thánh Lễ An Táng vào lúc 9g00. Giáo phận Nha Trang mừng kỉ niệm 60 năm Thành lập và phát triển (1957-2017) thì đã có đến 42 năm in đậm dấu ấn của người mục tửPhaolô.

 
 
 
LỄ AN TÁNG ĐỨC CHA PHAOLÔ NGUYỄN VĂN HÒA

 Đức Cha Phaolô được Chúa gọi về lúc 20g00 ngày 14.2.2017. Linh cữu của ngài được quàn tại Tòa Giám Mục 3 ngày để các tín hữu kính viếng và cầu nguyện. Vào lúc 5g00 sáng nay, Cha GB. Ngô Đình Tiến đã chủ sự Thánh lễ đồng tế và nghi thức nhập quan cho Đức Cha. 8g30, di quan linh cữu Đức Cha từ Tòa Giám Mục về Nhà Thờ Chánh Tòa Nha Trang. Đức Cha Phaolô được an táng trong mộ phần nằm trước tượng đài Đức Mẹ Lộ Đức bên phía quảng trường Ave Maria.

Nhà  Thờ Chánh Tòa Nha Trang hôm nay trầm mặc u buồn với những băng – rôn hoa tím, trắng đan xen với cờ tang hàng rào danh dự của các nữ tu và chủng sinh;  nhưng đồng thời lại thật ấm cúng vì tình huynh đệ yêu thương nơi Đức Hồng Y, các Giám Mục, Linh Mục, Tu sĩ, chủng sinh, Ân – Thân nhân của Đức Cha Phaolô cùng với cộng đoàn dân Chúa quây quần cùng dâng thánh lễ lần cuối và tiễn biệt Đức Cha kính yêu yên nghỉ trong lòng đất mẹ. Tại cung thánh Nhà thờ Chính Tòa này, bao nhiêu lần Đức Cha Phaolô đã chủ sự dâng thánh lễ, hôm nay ngài hiện diện giữa cộng đoàn như một của lễ tốt lành dâng lên Chúa. Nhạc khúc “Trăm triệu lời ca” do chính Đức Cha sáng tác vang lên tựa như ca đoàn các thiên thần cùng với Đức Cha Phaolô và cộng đoàn dâng lời tạ ơn Thiên Chúa.

 

Thánh lễ đồng tế an táng do Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám mục TGP. Hà Nội chủ sự. Cùng đồng tế có Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli đại diện không thường trú của Đức Thánh Cha tại Việt Nam  cùng với 30 Giám Mục khác. Đông đảo linh mục, tu sĩ các dòng tu trong và ngoài giáo phận, và giáo dân đã đến hiệp dâng thành lễ cầu nguyện cho Đức Cha Phaolô.
Mở đầu thánh lễ an táng, một linh mục tuyên đọc tiểu sử và di chúc của Đức Cha Phaolô. Tiếp theo một linh mục đọc các điện văn phân ưu của Đức Thánh Cha Phanxicô và các Hội Đồng Tòa Thánh . Đức Hồng Y thay mặt Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chia sẻ niềm thương nhớ đến Đức Cha Phaolô: một người cha, một người thầy và là một người bạn trong hàng Giám Mục. Đức Cha ra đi là một mất mát lớn đối với Giáo Hội Công giáo Việt Nam và nhất là với Giáo Phận Nha Trang. Nhưng trong niềm tin vào Lòng Thương Xót Chúa, chúng ta tin chắc linh hồn của Ngài sớm được hưởng tôn nhan Chúa.
 

Trong bài giảng Đức Hồng y đã liên hệ các bài đọc trong sách Khôn Ngoan, thư Thánh Phaolô và Tin Mừng theo vào cuộc đời của Đức Cha Phaolô.

Dưới đây là bài giảng của Đức Hồng Y:

“Kính thưa cộng đoàn, chúng ta đang sống trong một biến cố có thể coi là biến cố duy nhất trong cuộc đời chúng ta. Và biến cố này, cách này hay cách khác sẽ ảnh hưởng đến hướng đi trong cuộc đời chúng ta. Thế nên tôi đề nghị với cộng đoàn hãy để cho Chúa nói với chúng ta. Chúng ta đã nghe lời nói của thế gian quá nhiều thì ít nhất cũng có một giây phút nào ta hãy dành riêng cho Chúa. Xin Ngài hãy ban Thánh Thần cho chúng ta.
Khởi đầu chúng ta nghe sách Khôn Ngoan đã khẳng định một điều không dễ gì khẳng định được. Vào cái thời thế kỉ thứ II, thứ I trước Chúa Giáng Sinh là thời mà người ta cũng như ngày nay rất ưu tư khắc khoải tự hỏi rằng: Tại sao lại có đau khổ? Tại sao lại có sự chết? Và chết rồi thì đi đâu? Tác giả của đoạn sách Khôn Ngoan này là một người Do Thái nhưng sống ở trong nền văn hóa của Ai cập và dĩ nhiên nếu không có ơn của Chúa thì không thể khẳng định điều chúng ta vừa nghe “linh hồn người công chính ở trong tay Chúa”. Và nếu chúng ta xác định được điều đó, thưa anh chị em, cuộc sống của chúng ta đã có câu trả lời. Tại sao lại có đau khổ? Tại sao lại có sự chết? Và chết rồi thì chúng ta đi đâu? Bởi vì đối với Thiên Chúa thì chúng ta vẫn sống, chúng ta vẫn sống mãi và hưởng bình an trong Chúa. Vậy làm thế nào để có thể có bình an trong Chúa? Thưa hãy đọc tiếp thư Thứ 2 của thánh Phaolô Tông đồ gởi Timothêo cũng là sự lý giải về đau khổ của những ai nghe Chúa, theo Chúa và nói chung ta có thể gọi đó là các Tông đồ của Chúa. Về điều này, tôi nghĩ rằng anh chị em còn nhiều hơn tôi nữa tìm được câu trả lời trong cuộc sống của Đức Cha Phaolô. Tôi thấy, câu mà chúng ta vừa nghe: “Tôi cam chịu mọi sự để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn để họ cũng đạt tới ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô, và được hưởng vinh quang muôn đời”. Thánh Phaolô ngài đã khẳng định thập giá ngài phải vác chịu. Thập giá do Thiên Chúa nhưng còn có thập giá do anh em của ngài đã đặt ra. Thập giá do miệng lưỡi chống đối ngài đã đè lên trên vai ngài. Ngài biết những điều đó và ngài đã cam chịu.Thưa anh chị em, từ năm 1978, Đức Cha Phaolô đã có sáng kiến cho cả giáo phận mỗi Chúa Chật công bố Lời Chúa, học và sống Lời Chúa mà chúng ta gọi là Bài ca Ý Lực. Mà cho tới ngày hôm nay, lời Chúa được tuyển chọn trong ngày Chúa Nhật và được lập đi lập lại trong cả tuần như thế để nuôi dưỡng dân Chúa. Tôi nghĩ phải có một niềm tin và một cái sự cảm nghiệm sâu xa chứ không phải chỉ là một nhạc sĩ. Mà là nhạc sĩ này đã bị hớp hồn, đã được gợi ý từ  Lời Chúa để có thể kiên trì trong mấy năm trời để làm các bài ca Ý Lực Sống để nuôi dưỡng cộng đoàn dân Chúa trong giáo phận. Và cũng vì chính ngài cũng hiểu được rằng ngài cũng phải theo gương của Chúa nên ngài đã cần mẫn, ngài đã nhịn nhục, chịu khó để nuôi dưỡng dân chúa. Không phải chỉ là một cộng đoàn nhưng là tất cả những ai mà ngài đã được sai đến để phục vụ.Và có thể nói như tiểu sử của ngài đã minh chứng, từ trước đến giờ chưa một Giám mục nào đã nhận lãnh nhiều trách nhiệm trong HĐGM như Đức Cha Phaolô Nguyễn văn Hòa. Và nhất là khi nhận trách nhiệm nào thì ngài cũng trung thành, ngài cũng kiên trì, ngài rất khiêm tốn để thực hiện những nhiệm vụ đó. Ví dụ, có lần ngài đưa tôi đến gặp Bộ Tu sĩ vì lúc bấy giờ ở GHVN có một vấn đề đó là sự kiện các Hội Dòng từ miền bắc vào miền Nam. Rồi thì trở thành cộng đoàn tu sĩ của miền Nam. Rồi thì cũng có những tu sĩ của hội dòng đó ở lại miền Bắc. Thế thì làm sao để xử lý hai hội dòng. Và nhiều lắm anh chị em thấy, tôi nghĩ rằng Thánh hóa với Đà Lạt, hay là Phát Diệm đối với Thánh Tâm, nhiều lắm vấn đề của 2 hội dòng. Nhưng giây phút đó Đức Cha Phaolô đã đưa tôi đến gặp Bộ Tu sĩ và từ đó một ánh sáng lóe ra  biết để làm thế nào để các hội dòng nữ và nam có thể hiện diện với tất cả ý nghĩa, trách nhiệm, quyền lợi và bản chất của mình khi thực hiện. Và qua việc đó cho tôi thấy được ngài là một người mục tử hoàn toàn kiên nhẫn, khiêm tốn vì lợi ích của giáo hội.Tôi cũng được 2 lần ngài đưa đi để đối thoại với anh em Tin Lành và Phật giáo. Có thể nói rằng có nhiều sự xung khắc và khó để tìm ra một tư tưởng chung. Nhưng chính bằng sự khiêm tốn, hòa giải mà ngài đã thực hiện được điều đó nhưng ngài vẫn giữ vững về chân lý, về niềm tin và con đường đi của mình. Chúng ta thấy, đó là lúc ngài để cho Chúa thánh Thần hướng dẫn trong sự thật như châm ngôn của ngài.
Rồi thì không phải là dễ để sống và thi hành nhiệm vụ đó. Phúc Âm Thánh Gioan nói với chúng ta, “Nếu hạt lúa mì chết đi thì sẽ sinh nhiều bông hạt. Còn nếu nó cứ trơ trơ thì nó chẳng sinh lợi được cái gì”. Chính tinh thần đó, linh đạo đó đã giúp cho cuộc đời 42 năm giám mục của ngài liên tục. Chúng ta thấy không có giây phút nào, kể cả khi ngài được nghỉ hưu thì ngài về ở đại chủng viện và ngài vẫn tiếp tục tinh thần phục vụ đó. Ngài đã chọn châm ngôn “Trong tinh thần và chân lý”, châm ngôn này có thể nói được trích ra từ cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với người phụ nữ Samaria và cuộc đối thoại dẫn đưa chúng ta đến cuộc thờ phượng mới cho những ai đã lãnh nhận Thần khí giúp họ trở nên con Thiên Chúa. Tôi nghĩ rằng đó chính là cái mầm mống, chính là cái căn bản để giúp ngài có những bài hát bất hủ. Dường như ngày nay nơi nào hát “Trăm triệu lới ca” thì dứt khoát nghĩ đến Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa. Và có thể nói cả Giáo hội Việt Nam mang ơn ngài mỗi lần hát bộ lễ Seraphim. Bộ lễ đơn giản cảm hứng từ bình ca nhưng xuất phát từ lòng yêu mến Giáo Hội. Khi đón nhận bản văn mới, ngài là người đầu tiên, ngài trung thành và sửa chữa ngay cả bộ lễ đó và đặc biệt trong Kinh Tin Kính. Tôi thấy rằng một tâm hồn như vậy thì phải là một tâm hồn rất là khiêm tốn, rất là tin tưởng bằng không thì khẳng định tôi đã viết như thế là như thế. Cũng may là ngài đã thích ứng tất cả những điều đó để khi chúng ta hát thì chúng ta tin rằng chúng ta vừa diễn tả vẻ đẹp đồng thời chúng ta cũng trung thành với những giáo huấn của Hội thánh.

Cuộc đời của ngài là một cuộc đời đi tìm kiếm chân lý. Sự tìm kiếm đó đã thể hiện trong cuộc dời dâng hiến của ngài như được soi sáng bởi Chúa Thánh thần. Vì thế cho nên ngày hôm nay chúng ta có thể tin rằng ngài nghỉ bình an trong Chúa và ngài đồng thời trở nên sự trợ lực, sự trợ lực cho tất cả chúng ta, cách riêng cho Đức Cha Giuse, các linh mục, tu sĩ và giáo dân của Giáo phận Nha Trang”. Amen

 
Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn,
Tổng Giám mục TGP. Hà Nội.
 
(nguồn http://giaophannhatrang.org)