Bài 13: Cuộc sống trần thế của Chúa Giêsu (512 - 570)

Thứ Tư, 10-05-2017 | 08:35:48

“Đức Giê-su đi xuống cùng với cha mẹ trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài” (Lc 2, 61).

“Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê giảng dạy trong các hội đường của họ, rao giảng Tin mừng Nước Trời, và chữa hết các bệnh hoạn, tật nguyền của dân” (Mt 4,23).

H. Cuộc sống trần thế của Chúa Giê-su đã diễn ra thế nào ?

– Chúa Giê-su đã sinh ra tại làng Bê-lem, sống ẩn dật tại Na-da-rét, nước Do Thái. Khoảng ba mươi tuổi, Người đi rao giảng Tin mừng Nước Thiên Chúa. Cuối cùng Người chịu chết trên thập giá thời Phong-xi-ô Phi-la-tô, rồi sống lại và lên trời.

H. Cuộc sống trần thế của Chúa Giê-su có mục đích gì ?

– Trong cuộc sống trần thế, tất cả những gì Chúa Giê-su đã nói, đã làm và đã chịu đều có mục đích : mặc khải về Chúa Cha, cứu chuộc loài người và qui tụ muôn loài để tất cả được hiệp thông với Thiên Chúa (x. Ep 1,10).

H. Đời sống ẩn dật của Chúa Giê-su có ý nghĩa gì ?

Đời sống ẩn dật của Chúa Giê-su có những ý nghĩa này :

– Một là nêu gương hiếu thảo, vâng phục cha mẹ,

– Hai là nêu gương nên thánh trong cuộc sống gia đinh và lao động thường ngày.

H. Khi bắt đầu cuộc đời công khai, Chúa Giê-su đã làm gì ?

– Người đã đến sông Gio-đan chịu phép rửa của ông Gio-an để nói lên rằng : Người chấp nhận và khai mạc công trình cứu chuộc của Người. Công trình này sẽ được hoàn thành trong cuộc khổ nạn.

H. Việc Chúa Giê-su chịu ma quỉ cám dỗ và chiến thắng nói lên điều gì ?

– Chúa chịu cám dỗ để cảm thông thân phận yếu đuối của loài người. Người chiến thắng để chứng tỏ lòng trung thành tuyệt đối với Chúa Cha, khác với A-đam đã sa ngã.

H. Khi rao giảng, Chúa Giê-su chủ ý loan báo điều gì ?

– Khi rao giảng, Chúa Giê-su loan báo : “Thời kỳ đã mãn, Nước Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).

H. Tại sao lời loan báo Nước Thiên Chúa là một Tin mừng ?

– Vì mọi người đều được mời gọi gia nhập Nước Thiên Chúa và Nước ấy thuộc về những người nghèo hèn, bé mọn, nghĩa là những ai đón nhận với lòng khiêm hạ

H. Có những dấu chỉ nào cho ta thấy Nước Thiên Chúa đang đến ?

Để chứng tỏ rằng Nước Thiên Chúa đang đến, Chúa Giê-su đã làm nhiều phép lạ và những việc phi thường như : biến nước thành rượu, hóa bánh ra nhiều, xua trừ ma quỉ, chữa lành bệnh tật, cho kẻ chết sống lại và nhất là chính Người sau khi chết đã sống lại.

H. Khi đi rao giảng Tin mừng, Chúa Giê-su có chọn ai cộng tác với Người không ?

Chúa Giê-su đã chọn mười hai người gọi là Tông đồ để chia sẻ sứ mệnh của Người và trao cho Phê-rô quyền cai quản Hội thánh.

H. Các Tông đồ đó là những vị nào ?

Đó là Si-mon mà Người gọi là Phê-rô, rồi đến An-rê, anh của ông, sau đó là Gia-cô-bê, Gio-an, Phi-lip-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mat-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-mon nhiệt thành, Giu-đa con ông Gia-cô-bê và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, kẻ phản bội (x. Lc 6,14-16).

H. Biến cố hiển dung của Chúa Giê-su có ý nghĩa
gì ?

Biến cố hiển dung có những ý nghĩa này:

– Một là bày tỏ vinh quang thần linh của Chúa Giê-su để củng cố niềm tin các Tông đồ trước cuộc khổ nạn.

– Hai là cho ta nếm trưóc hạnh phúc ngày Chúa Ki-tô lại đến trong vinh quang.

– Ba là xác định ai muốn bước vào vinh quang phải qua thập giá.

H. Việc Chúa Giê-su lên Giê-ru-sa-lem có ý nghĩa
gì ?

Việc Chúa Giê-su lên Giê-ru-sa-lem có ý nghĩa này :

– Một là để tự nguyện chịu chết.

– Hai là để tỏ mình là Vua Ki-tô,

– Ba là cho thấy Nước Thiên Chúa sắp hoàn thành khi Người chịu chết và sống lại.

Tags:

Có thể bạn quan tâm