Quỹ Centesimus Annus Pro Pontifice là một tổ chức phi lợi nhuận do giáo dân điều hành nhằm mục đích cổ vũ Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo. Hôm thứ Bảy vừa qua, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ các tham dự viên hội nghị quốc tế được tổ chức tại Vatican, nơi ngài nhấn mạnh đến cuộc chiến chống lại tình trạng đói nghèo và điều mà ngài gọi là “vấn nạn nghiêm trọng” của thất nghiệp.
Phát biểu với các đại biểu hiện diện, Đức Thánh Cha đã đề nghị với tổ chức này rằng trong tuyên bố năm 2017 của họ cần ghi nhận rằng “cuộc chiến chống nghèo đói đòi hỏi sự hiểu biết tốt hơn về thực trạng nghèo đói trong vai trò là con người chứ không phải là một hiện tượng kinh tế.
Ngài cũng nhấn mạnh rằng “thăng tiến sự phát triển con người toàn diện đòi hỏi phải có đối thoại và sự tham gia bằng nhu cầu và khát vọng của con người, lắng nghe người nghèo và trải nghiệm hàng ngày của họ về “sự tước đoạt đa chiều, chồng chéo lên nhau” và đưa ra các phản ứng rõ ràng cho các hoàn cảnh cụ thể.
Đức Thánh Cha nói rằng thật cần thiết để người nghèo “là những nhân tố chính và là người thụ hưởng” nơi các cộng đồng và các doanh nghiệp.
Một vấn đề khác được Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập là tình trạng thất nghiệp, ngài lưu ý rằng hội nghị cần đặc biệt quan tâm tới vấn đề cốt lõi tạo ra việc làm trong bối cảnh đang diễn ra cuộc cách mạng công nghệ mới.
Đức Giáo hoàng cho biết làm sao chúng ta có thể không quan tâm “đến sự nghiêm trọng của vấn nạn thất nghiệp trong người trẻ và người trưởng thành, không có phương tiện để “cải thiện” bản thân? Ngàinói thêm rằng “vấn đề đã đạt đến những tỷ lệ đáng kể, cả ở các nước phát triển và đang phát triển, và cần được giải quyết, nhất là với ý thức về công lý và trách nhiệm liên thế hệ cho tương lai”.
Đức Thánh Cha cũng nhắc lại rằng những ảnh hưởng của thất nghiệp đối với các gia đình là một mối quan tâm của Thượng Hội đồng Giám mục gần đây về gia đình, “sự không chắc chắn về các hoàn cảnh làm việc thường góp phần làm gia tăng áp lực gia đình và các vấn đề gia đình, ảnh hưởng đến khả năng của gia đình trong việc tham gia hiệu quả vào đời sống xã hội”.
Kết thúc bài phát biểu của mình, Đức Thánh Cha đã khuyến khích Tổ chức này mang ánh sáng của Tin Mừng và “sự phong phú của Học thuyết xã hội của Giáo hội đối với những vấn đề bức xúc này bằng cách góp phần vào việc thảo luận, đối thoại và nghiên cứu, cũng như dấn thân cho sự thay đổi thái độ,lối sống cần thiết để xây dựng một thế giới công lý, tự do và hài hòa hơn”.
Tạ Ân Phúc (ubmvgiadinh.org)