ĐTC đã nói như trên với các tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung hàng tuần sáng thứ tư hôm qua trong đại thính đường Phaolô VI. Quảng diễn hai câu 14 và 16 trong chương 1 Phúc Âm thánh Gioan viết rằng: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật. Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác”, ĐTC nói: “Trong loạt bài giáo lý về việc cử hành thánh thể, chúng ta đã thấy rằng Cử chỉ sám hối giúp chúng ta lột bỏ các tự cao của chúng ta và trình diện với Thiên Chúa như chúng ta thật sự là, ý thức được mình là kẻ tội lỗi trong niềm hy vọng được tha thứ. ĐTC giải thích lý do Kinh Vinh Danh như sau:
Chính từ sự gặp gỡ giữa sự bần cùng nhân loại và lòng thương xót của Thiên Chúa nảy sinh ra lòng biết ơn được diễn tả trong Kinh Vinh Danh, là một thánh thi rất cổ xưa và đáng kính, mà Giáo Hội được quy tụ trong Chúa Thánh Thần, dùng để vinh danh và khẩn nài Thiên Chúa Cha và Chiên Con (Trật tự tổng quát của Sách Lễ Roma, 53)
** Câu khởi đầu của thánh thi này “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời” lấy lại tiếng hát của các Thiên Thần khi Chúa Giêsu sinh ra tại Bếtlêhem, là lời loan báo tươi vui của vòng tay ôm giữa trời và đất. Bài hát này cũng lôi cuốn chúng ta tụ tập nhau cầu nguyện. “Vinh danh Thiên Chúa trên trời bình an dưới thế cho người thiện tâm”.
Sau Kinh Vinh Danh hay khi không có, thì sau nghi thức sám hối là lời cầu nguyện có hình thái đặc biệt gọi là “colletta”, qua đó tính cách riêng biệt của việc cử hành được diễn tả, thay đôi theo các ngày trong năm (ibid. 54). Với lời mời “Chúng ta hãy cầu nguyện” vị linh mục khích lệ dân cùng ngài cầm trí trong một lúc thinh lặng, để ý thức được mình đang ở trước sự hiện diện của Thiên Chúa, và mỗi người trong con tim của mình làm nổi lên các ý chỉ riêng khiến cho họ tham dự Thánh Lễ (ibid. 54). Vị linh mục nói “Chúng ta hãy cầu nguyện” rồi im lặng một chút, và mỗi người nghĩ tới những điều mình cần, mà bạn muốn xin với Chúa trong lời cầu nguyện.
Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: sự thinh lặng không được giản lược trong việc thiếu lời nói, nhưng trong việc sẵn sàng lắng nghe các tiếng nói khác: tiếng nói của con tim và nhất là tiếng nói của Chúa Thánh Thần. Trong Phụng Vụ bản chất của sự thinh lặng thánh thiêng tuỳ thuộc nơi lúc, trong đó nó xảy ra: “Trong cử chỉ sám hối và sau lời mời cầu nguyện, trợ giúp việc cầm trí; sau bài đọc và bài giảng nó là một mời gọi suy gẫm ngắn gọn điều đã được nghe; sau Hiệp lễ nó tạo thuận tiện cho lời cầu nguyện nội tâm chúc tụng và khẩn nài” (ibid. 45). Như vậy, trước lời nguyện mở đầu sự thinh lặng giúp chúng ta cầm trí trong lòng và nghĩ tới việc tại sao chúng ta lại ở đó. Đó là lý do tại sao việc lắng nghe tâm hồn chúng ta để mở nó ra cho Chúa lại quan trọng như vậy. Áp dụng vào hoàn cảnh sống của từng người ĐTC nói:
** Có lẽ chúng ta tới từ những ngày mệt mỏi, tươi vui, đau khổ, và chúng ta muốn nói lên với Chúa, khẩn nài sự trợ giúp của Ngài, xin Ngài gần gũi chúng ta; chúng ta có các người thân và bạn bè bệnh tật hay đang trải qua các thử thách khó khăn; chúng ta muốn tín thác cho Thiên Chúa số phận của Giáo Hội và của thế giới. Và lúc thinh lặng ngắn cần thiết cho điều đó, trước khi vị linh mục thu thập các ý chỉ của từng người, diễn tả ra bằng lời nói lớn với Thiên Chúa, nhân danh tất cả mọi người, lời nguyện chung kết thúc các lễ nghi dẫn nhập Thánh Lễ, bằng cách thu thập các ý chỉ. Tôi tha thiết xin các linh mục giữ lúc thinh lặng này và không vội vã: “chúng ta hãy cầu nguyện” và thinh lặng. Tôi xin các linh mục điều đó. Nếu không có sự thinh lặng này, chúng ta có nguy cơ lơ là việc cầm trí của tâm hồn.
Vị linh mục đọc lời khẩn cầu này – lời nguyện này – với đôi tay giang rộng – như ngưòi ta cầu nguyện như thế này, như thế này với đôi cánh tay giang rộng – đó là thái độ của người cầu nguyện, được các kitô hữu lãnh nhận ngay từ các thế kỷ đầu – như các bức bích họa của các ngôi mộ Roma làm chứng cho thấy – để bắt chước Chúa Kitô với đôi cánh tay giang rộng trên gỗ thập giá. Và ở đó Chúa Kitô là Đấng cầu nguyện và đồng thời là lời cầu nguyện! Nơi Đấng chịu đóng đanh chúng ta nhận ra vị Linh Mục dâng lên Thiên Chúa việc phụng tự đẹp lòng Ngài, hay sự vâng phục con thảo.
Trong Lễ Nghi Roma các lời cầu chính xác và giầu ý nghĩa: có thể làm biết bao suy niệm hay đẹp về các lời cầu này. Đẹp biết bao! Trở lại suy gẫm các văn bản, cả ngoài Thánh Lễ, có thể giúp chúng ta học biết hướng tới Thiên Chúa như thế nào, xin điều gì, dùng các lời nào. Ước chi phụng vụ trở thành một trường học cầu nguyện cho tất cả chúng ta!
ĐTC Phanxicô hôn một em bé trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 10-1-2018 tại đại thính đường Phaolô VI – REUTERS
** ĐTC đã chào các đoàn hành hương nói tiếng Pháp, đặc biệt các học sinh trung học và cao học Paris. Ngài cũng chào các nhóm hành hương và đông đảo các bạn trẻ đến từ Na Uy, Niu Dilen và Hoa Kỳ, cũng như Đức, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Ngài nói: phụng vụ Thánh Lễ cống hiến cho chúng ta các lời cầu và các văn bản giầu ý nghĩa và giúp chúng ta hướng tới Thiên Chúa. Chúng ta hãy làm sao để phụng vụ Giáo Hội trở thành một trường học đích thực của lời cầu nguyện.
Với các đoàn hành hương đến từ Luziania và Arcozelo bên Bồ Đào Nha ĐTC xin Mẹ Maria giúp họ là dấu chỉ của niềm tin tưởng và hy vọng cho tha nhân.
Chào các tín hữu đến từ vùng Trung Đông ngài khích lệ họ dùng các văn bản phụng vụ thánh lễ để suy gẫm và học biết nói chuyện với Chúa, dùng các lời nào và xin với Chúa những gì.
Chào các tín hữu Ba Lan ngài xin họ tín thác năm mới cho Chúa để nó trở thành một năm của ân sủng, hoà bình và hy vọng cho gia đình họ, cho mọi người và cho toàn thế giới.
Trong các nhóm nói tiếng Ý ĐTC chào các phó tế vùng Biella và các nữ tu Ursulin thừa sai Thánh Tâm, cũng như nhiều nhóm tín hữu đến từ nhiều vùng khác nhau, trong đó có các sinh viên trường đào tạo nhân viên Tài chánh, các thành viên Hiệp hội quốc gia chống ung thư Milano.
Chào các bạn trẻ ĐTC khích lệ họ đêm tình yêu của Chúa đến cho các bạn cùng trang lứa. Ngài cầu mong các anh chị em bệnh nhân tìm thấy nơi lòng dịu hiền của Thiên Chúa sự nâng đỡ cho các khổ đau của họ. Ngài chúc các đôi tân hôn trở thành chứng nhân cho vẻ đẹp của bí tích hôn phối qua tình yêu chung thuỷ họ dành cho nhau.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.
Linh Tiến Khải