Giải đáp thắc mắc: Không cho phép chuẩn khác đạo

Thứ Năm, 13-04-2017 | 10:00:00

Hỏi: Thưa cha,

Theo như con được biết thì đạo Công giáo hiện nay đã cho phép người Công giáo được phép kết hôn với người khác đạo. Vậy tại sao có nhiều địa phương không cho phép kết hôn với người ngoại giáo? Phải chăng luật Giáo Hội không thống nhất nên mỗi nơi làm một cách hay có sự sai sót nào đó trong việc áp dụng luật lệ?

Trần văn Ơn – Đồng Nai

Trả lời:

Anh Ơn thân mến,

Thắc mắc mà anh nêu lên hôm nay cũng là thắc mắc của khá nhiều người trong đạo.

Trước hết tôi xin nói về hôn nhân khác đạo. Khi hai người không cùng tôn giáo mà một người đã được rửa tội còn người kia là người ngoại thì để hôn nhân được thành sự cần phải có phép chuẩn khác đạo vì đây là một trong những ngăn trở tiêu hôn nghĩa là ngăn trở làm cho hôn nhân ra vô hiệu nếu không được phép chuẩn. (x. Giáo Luật điều 1086).

Vậy phép chuẩn là gì? Đó là sự nới lỏng một luật thuần túy Giáo Hội trong một trường hợp đặc biệt, được ban bởi người có thẩm quyền chuẩn do chức vụ, do luật ban cấp hay do một sự ủy quyền hợp pháp (x. Giáo Luật điều 85).

Trong trường hợp mà anh vừa nêu lên thì Giáo Hội có thể nới lỏng luật lệ để cho phép người Công giáo kết hôn với người ngoại chứ không phải là chuyện bình thường. Vì đây là một sự miễn chuẩn (chuẩn chước) nên khi xin cần phải đáp ứng những điều kiện đã được Giáo Luật đưa ra hoặc những quy định do luật địa phương đòi buộc. Bởi vì ngăn trở khác đạo có thể gây cản trở cho sự thông hiệp trọn vẹn cuộc sống của đôi vợ chồng và còn có nguy cơ làm cho người Công giáo mất đức tin nên Giáo Luật điều 1125 và 1126 ấn định những việc mà người Công giáo và người ngoại phải làm trước khi phép chuẩn được ban.

Giáo Luật điều 1125 quy định như sau:

Đấng bản quyền địa phương có thể ban phép trên đây, nếu có lý do chính đáng và hợp lý, nhưng đừng ban phép ấy, nếu không hội đủ điều kiện sau đây:

  • Bên Công giáo phải tuyên bố mình sẵn sàng tránh mọi nguy cơ mất đức tin và thành thật cam kết sẽ làm hết sức để tất cả con cái được lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy và được giáo dục trong Giáo Hội Công giáo.
  • Phải được kịp thời thông báo cho bên không Công giáo biết những điều bên Công giáo phải cam kết, để họ ý thức thực sự về lời cam kết và nghĩa vụ của bên Công giáo.
  • Cả hai bên phải được giáo huấn về những mục đích và đặc tính chính yếu của hôn nhân mà không bên nào được phép loại bỏ.

Dựa vào điều Giáo Luật này chúng ta có thể thấy rằng phía bên Công giáo cần phải tuyên bố tránh những nguy cơ mất đức tin và nếu Đấng bản quyền địa phương thấy những nguy cơ ấy không thể tránh được hoặc ngài thấy rằng ban phép chuẩn thì người Công giáo cũng không tiếp tục giữ đạo được thì ngài sẽ không ban cấp.

Phép chuẩn cũng sẽ không được ban trong trường hợp sự cam kết phía bên Công giáo có dấu không thành thật hoặc người Công giáo từ chối cam kết trước mặt vị chứng hôn hợp pháp là cho con cái sẽ được rửa tội và được giáo dục theo đức tin Công giáo.

Phía bên không Công giáo không buộc cam kết như trước đây nhưng phải có bằng chứng là họ đã được thông báo về những gì bên Công giáo phải cam kết và họ hiểu rõ những gì người Công giáo có bổn phận phải thực hiện.

Cả hai bên đều phải học biết về mục đích và những đặc tính hôn nhân mà không bên nào được loại trừ một yếu tố nào nếu họ muốn tiến tới hôn nhân.

Nếu hội đủ điều kiện nêu trên và lý do nêu lên chính đáng và hợp lý thì phép chuẩn sẽ được ban. Nếu không sẽ bị từ chối.

Như vậy anh thấy rằng việc cho người Công giáo được kết hôn với người ngoại không phải là chuyện đương nhiên mà là một sự chuẩn chước vì thế mà có nhiều địa phương vì những lý do mục vụ hay vì những điều kiện được đề ra người xin không đáp ứng được nên Đấng bản quyền không ban phép chuẩn ấy chứ không phải có sự bất nhất trong luật Giáo Hội hay sai sót trong việc áp dụng Giáo Luật.

Cha Giuse. Nguyễn Ngọc Bích, C.Ss.R

Tags: , ,