Giải đáp thắc mắc: Đặc tính hôn nhân tự nhiên

Thứ Tư, 24-05-2017 | 09:15:52

Hỏi:

Thưa cha, lần trước trong mục Tìm Hiểu Đối Thoại cha nói rằng hôn nhân với phép chuẩn là hôn nhân tự nhiên. Vậy hôn nhân này đâu có những đặc tính như hôn nhân Công giáo vì thế có thể được tháo gỡ như hôn nhân của những người ngoại giáo khi họ ly dị là có thể tái hôn? Xin cha vui lòng giải thích. Cám ơn cha.

(Nguyễn Thanh Cao, Quận 3).

Trả lời:

 Anh Cao thân mến,

Có lẽ rất nhiều người Công giáo có quan niệm rằng hôn nhân ngoại giáo đều không bền vững. Có thể do bởi ta thường thấy hôn nhân của người ngoại dễ dàng đi đến ly hôn khiến ta có cảm tưởng rằng hôn nhân của họ không mang đặc tính bất khả phân ly.

Tuy nhiên, chúng ta phải biết rằng hôn nhân không phải là một định chế mới của Kitô giáo. Đó là một định chế tự nhiên của nhân loại. Đức Kitô không sáng lập định chế hôn nhân nhưng Người khôi phục lại các giá trị đã bị lu mờ sau khi con người phạm tội hay vì “lòng chai dạ đá” của con người như Chúa Giêsu đã từng trả lời cho những người Pharisêu: “Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê đã cho các ông phép rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu” (Mt 19,8). Và Chúa Giêsu còn khẳng định mạnh mẽ “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp loài người không được phân ly”.

Như vậy những đặc tính đơn nhất (một vợ một chồng) và bất khả phân ly đâu phải là đặc tính riêng của hôn nhân Kitô giáo mà là của tất cả các cuộc hôn nhân thành sự kể cả hôn nhân tự nhiên. Giáo luật điều 1056 còn nêu rõ:

Những đặc tính chính yếu của hôn nhân là sự đơn nhất và bất khả phân ly, những đặc tính này có một sự bền vững đặc biệt trong hôn nhân Kitô giáo, vì có tính cách bí tích.

Nhờ tính cách bí tích, hôn nhân Kitô giáo đem ơn thánh đến cho đôi vợ chồng giúp họ chu toàn nghĩa vụ cách tốt đẹp hơn và làm chứng nhân cho tình yêu của Chúa Kitô đối với Hội Thánh và nhân loại.

Vậy hôn nhân tự nhiên và Bí tích Hôn Nhân có sự khác biệt nào không?

Về mặt pháp lý thì hôn nhân Kitô giáo đã thành sự nghĩa là đã thành nhận và hoàn hợp (ratum et consummatum) thì không thể nào tháo gỡ được do bất cứ quyền bính nhân loại nào và vì bất cứ lý do gì, trừ lý do tử vong (x. Giáo Luật, đ. 1141).

Còn hôn nhân tự nhiên thì có thể được tháo gỡ do bởi đặc ân gọi là Đặc ân Thánh Phaolô cho phép người theo đạo được tái hôn nếu người chồng (hoặc vợ ngoại giáo) không muốn tiếp tục chung sống; hoặc có thể được tháo gỡ do đặc ân vì lợi ích đức tin còn gọi là Đặc ân Thánh Phêrô là đặc ân mà Đức Giáo Hoàng dùng quyền Tông đồ để tháo gỡ một hôn nhân không bí tích cho phép một người đã kết hôn được tái hôn.

Vì thế, hôn nhân tự nhiên vẫn có giá trị với những đặc tính chính yếu như hôn nhân Kitô giáo. Như thế, những người ngoại giáo cũng không thể tùy tiện bỏ vợ hoặc chồng rồi theo đạo để kết hôn với người Công giáo. Dù họ đã ly dị về mặt dân sự thì dây hôn nhân vẫn còn ràng buộc nên nếu họ không xin được những đặc ân vì lợi ích đức tin thì không thể tái kết hôn được.

Lm. Giuse Nguyễn Ngọc Bích, DCCT

Tags:

Có thể bạn quan tâm