Học hỏi Phụng vụ: Lễ Ðức Mẹ Thăm Viếng người chị họ Êlizabeth

Thứ Hai, 29-05-2017 | 18:17:08

I. LỊCH SỬ PHỤNG VỤ

Từ thế kỷ VI, bên Giáo hội Đông phương, thánh truyện Đức Mẹ thăm viếng Thánh Elizabeth theo Thánh sử Luca (1:39-56) được đọc ngày thứ Sáu sau Chúa nhật III mùa Vọng nhưng chưa phải là lễ, đến sau thì mừng lễ vào ngày 2 tháng 7.

Bên Tây phương, năm 1263, Dòng Phanxicô khởi xướng mừng lễ này. Năm 1386, Công đồng Prague nước Áo công nhận lễ này do mỹ ý của Đức Cha Gioan Jenstein, Tổng Giám mục thành Prague mừng lễ vào ngày 28 tháng 4 với hai lý do:

1. Xin ơn hiệp nhất Giáo hội trong thời kỳ có sự tranh chấp giữa Giáo hoàng giả Clementê III tại Avignon (Pháp) với Đức Urbanô VI tại Rôma.

2. Mừng lễ này ngoài mùa Chay, và trong mùa Phục sinh sau lễ Truyền tin ngày 25 tháng 3. Năm 1389, Đức Urbanô VI chuẩn bị thành lập lễ này trong khắp Giáo hội để công bố Năm Thánh 1390. Nhưng chưa kịp thi hành thi ngài băng hà ngay năm đó. Đức Bônifaciô IX lên nối quyền liền thi hành quyết định của vị tiền nhiệm, năm 1401 ngài thành lập lễ này vào ngày mùng 2 tháng 7 hàng năm trong khắp Giáo hội. Năm 1441, Công đồng Basel (Thụy Sĩ) xác nhận lễ này. Đức Sixtô IV soạn kinh Nhật tụng đặc biệt. Đức Thánh Piô V đưa lễ này vào sách kinh Phụng vụ. Năm 1608 Đức Clêmentê VIII đặt kinh Phụng vụ và lễ như ngày nay. Năm 1969, Đức Phaolô VI đổi sang ngày 31 tháng 5 sau ngày lễ Truyền tin ngày 25 tháng 3, và trước lễ sinh nhật Thánh Gioan Tẩy giả ngày 24 tháng 6.

II. Ý NGHĨA PHỤNG VỤ

Lễ Đức Mẹ thăm viếng Thánh Elizabeth liên quan tới lễ Thiên sứ Gabrie truyền tin cho Đức Mẹ chịu thai Chúa Giêsu, vì sau khi chịu thai Chúa, Đức Mẹ từ Nazareth miền Bắc, hối hả đi thăm viếng Thánh Elizabeth ở Ain Karim, một thành nhỏ bé miền Nam, cách Giêrusalem chừng 5 miles về phía tây. Trong biến cố này có ba nhân vật tỏ ra thái độ rõ rệt:

1. Thánh Elizabeth được ơn Thánh Linh soi sáng nhận biết chức phẩm cao sang của Đức Mẹ, đã khiêm hạ nói: “Bởi đâu tôi được thế này là Mẹ Chúa tôi đến với tôi?” (Lc 1:43).

2. Thánh Gioan Tẩy giả còn là thai nhi cũng nhận biết Chúa Giêsu trong lòng Đức Mẹ nên đã nhảy mừng (Lc 1:44).

3. Đức Mẹ nhận thấy Chúa Giêsu trong cung lòng Mẹ đã sớm làm những việc lạ lùng và, Mẹ được đặc ân cao cả nên Mẹ đã khiêm hạ cất tiếng cao rao chúc tụng Chúa (Lc 1:46-55). Chỉ có Chúa Giêsu âm thầm trong cung lòng Đức Mẹ, không tỏ ra dấu hiệu nào. Coi như Chúa thụ động nhưng lại rất chủ động trong biến cố Thăm viếng này. Chúa thường giấu ẩn uy quyền của Người để tỏ cho chúng ta biết quyền lực của Người vô hình, chuyển động mọi sự, điều khiển mọi sự cách kín đáo. Thế nhưng ảnh hưởng quyền lực của Người rất sống động và sâu rộng. Người làm cho thai nhi Gioan được khỏi tội Nguyên tổ trong lòng Thánh Elizabeth. Đó là phép lạ đầu tiên trong ơn thánh mà Chúa âm thầm làm ngay khi còn trong cung lòng Mẹ Maria.

Một trong những mầu nhiệm cao siêu của Kitô giáo là việc hợp nhất Chúa làm trong chúng ta và cách bí nhiệm Người thăm viếng chúng ta:

a) Bề trong do Chúa Thánh Linh và ơn thánh của Người;

b) Bề ngoài do các Nhiệm tích, nhất là Nhiệm tích Thánh Thể. Chúng ta hãy niềm nở mật thiết tiếp rước Chúa mỗi khi Người thăm viếng linh hồn chúng ta, nhất là khi chúng ta rước lễ.

III. Ý NGHĨA LỜI CHÚA TRONG THÁNH LỄ

Bài đọc I: Sôphônia 3:14-18.

Dưới thời vua Josia (640-609), nước Giuđêa lâm cảnh hỗn loạn về tôn giáo và xã hội, nhưng tiên tri loan báo án phạt sẽ chấm dứt và Giuđêa sẽ được hưởng cảnh thanh bình: “Hãy vui lên! Hãy hoan hỉ trong lòng, hỡi nữ tử Sion, vì vua ngươi ở giữa ngươi. Người là anh hùng vạn thắng. Vì ngươi, Người nhảy mừng trong tiếng reo vui”.

Sự vui mừng ngày Đức Mẹ viếng thăm bà Elizabeth cũng như sự vui mừng cảnh thanh bình nước Giuđa thời tiên tri Sôphônia (Zephania), vì Mẹ Maria cưu mang thai nhi Giêsu trong cung lòng Mẹ như Hòm bia Tân ước có Thiên Chúa ở giữa dân Người. Thai nhi Gioan Tẩy giả nhảy mừng trong lòng bà Elizabeth (Lc 1:41) như vua David nhảy mừng trước hòm bia (2 Sm 6:12). Bà Elizabeth ca tụng Mẹ Maria (Lc 1:41) như vua David ca tụng Obed-Edom (2 Sm 6:12). Mẹ Maria ở lại nhà bà Elizabeth ba tháng (Lc 1:56) như hòm bia lưu lại ba tháng tại nhà Obed-Edom (2 Sm 6:11).

Bài đọc II: Rôma 12:9-16.

“Hãy yêu mến nhau tha thiết. Hãy làm tôi Chúa với lòng nhiệt thành và tâm thần sốt sắng. Hãy chia sẻ cho người túng thiếu. Hãy ân cần cho khách đỗ nhà. Hãy vui với người vui”. Đó là những nét đặc sắc của tình bác ái nổi bật trong truyện Đức Mẹ thăm viếng, và là những đặc tính tươi đẹp của các môn đệ của Chúa Kitô.

Phúc âm: Luca 1:39-56.

Mẹ Maria vội vã đi thăm bà Elizabeth để chia sẻ niềm vui cả hai được mang thai cách lạ và để giúp đỡ bà chị họ trong tuổi già. Thánh sử Luca không nói tên địa danh mà bà Elizabeth ở là thành Ain-Karim miền phụ cận Giêrusalem, mà chỉ nói: “Một thành xứ Giuđa miền sơn cước”. Những bước gót sen của Mẹ Maria trong dịp này đã được tiên tri Isaia diễn tả: “Đẹp thay trên các núi non, chân người sứ giả, kẻ loan báo bình an, kẻ loan tin mừng, kẻ loan báo ơn cứu độ và nói với Sion: Thiên Chúa của ngươi là Vua” (Is 52:7).

Mang thai nhi Giêsu, Mẹ Maria là một dụng cụ ban phúc lành cho bà Elizabeth và thai nhi của bà. Qua lời chào của Mẹ Maria, lời tiên tri của thiên thần được thực hiện: “Từ trong lòng mẹ, nó sẽ được đầy tràn Thánh Thần” (Lc 1:15). Nhận biết Chúa Giêsu trong cung lòng Mẹ Maria, bà Elizabeth lên tiếng ca khen Mẹ và Con lòng Mẹ, rồi bà tỏ ra vinh dự được Mẹ Chúa đến viếng thăm. Lời ca khen của bà Elizabeth vọng vang lời thượng tế ca ngợi bà Giuđitha: “Phúc cho con nơi Đấng tối cao, hơn mọi người nữ” (Gđt 13:18). Bà Giuđitha, chém đầu tướng Holoferne để giải cứu dân của bà, là hình ảnh Mẹ Maria trong nhiệm cuộc giải thoát nhân loại (Lc 24:21).

Bà Elizabeth xác nhận hiệu quả lời chào của Mẹ Maria: “Thai nhi trong lòng bà nhảy mừng”. Hai lời bà chúc tụng Mẹ Maria:

Lời 1: Về điều Thiên Chúa đã làm cho Mẹ (Lc 1:42). Lời này giống như là một phụ nữ ca ngợi Mẹ (Lc 11:27).

Lời 2: Mẹ diễm phúc vì Mẹ tin (Lc 1:45). Lời này giống như lời Chúa khen tặng Mẹ vì Mẹ nghe và giữ lời Chúa (Lc 1:28).

Mẹ Maria nhận biết điều lạ lùng đã xảy ra nơi Mẹ, nên Mẹ cất tiếng ngợi khen Chúa: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những sự trọng đại. Danh Người là Thánh” (Lc 1:49). Mẹ Maria trở về nhà, sau khi bà Elizabeth hạ sinh Gioan Tẩy giả, vì khi Mẹ đi thăm bà thì bà đã có thai được sáu tháng (Lc 1:36) và Mẹ ở lại nhà bà ba tháng (Lc 1:56).

IV. LỜI CÁC THÁNH

– Thánh Ambrosiô: Mẹ lên đường không phải vì không tin lời sứ thần báo cho Mẹ, mà vì hối hả ước ao làm ơn cho gia đình bà chị. Sung sướng vì được làm cho người khác sung sướng, và tận lực thi hành đức ái.

– Thánh Augustinô: Qua Mẹ, tình thương đổ xuống người cơ khổ, ân sủng đổ xuống những kẻ vô ơn, và ơn tha thứ được ban phát cho những người tội lỗi.

– Thánh Phêrô Kim Ngôn: Mẹ Thiên Chúa đã khám phá ra ân sủng, để cung cấp ơn cứu độ cho nhân loại. Mẹ phát sinh ơn sủng. Đó là một ân sủng dư dật để độ phúc cho mỗi người chúng ta, để trào đổ dạt dào sóng dư ân sủng đó xuống mọi thụ tạo.

– Thánh Ilđêphong: Lạy Mẹ, trong hết mọi ân sủng Chúa đã định ban cho loài người, không có ơn nào mà Chúa không muốn đổ xuống qua tay Mẹ, vì Chúa đã ký thác cho Mẹ hết báu tàng, hết mọi phú quí về ơn sủng Người ban.

– Thánh Germanô: Ôi Maria, không ai được cứu độ nếu không nhờ Mẹ; không ai được hưởng ơn trời nào nếu không có Mẹ.

– Thánh Đamascenô: Mẹ là Thánh đô rộng mở đón tiếp hết những ai cầu xin Mẹ. Hỡi các con Mẹ hãy đến mà lãnh nhận tràn đầy ơn sủng vượt trên mọi khát vọng của các con.

– Lạy Mẹ Chí Thánh Thiên Chúa, xin mở tình thương cho chúng con, vì Mẹ là ơn độ phúc của cả nhân loại.

– Thánh Đamianô: Mẹ là kho báu chứa gồm hết mọi thánh ân. Lạy Mẹ là hy vọng của chúng con, chúng con biết hết mọi báu tàng tình thương của Chúa đều ở trong tay Mẹ.

– Thánh Bênađô: Chúa đã tàng trữ nơi Mẹ Maria toàn thể mọi ơn sung mãn, nên chúng ta có được hy vọng nào, ân sủng nào, ơn cứu độ nào là đều lãnh nhận từ tay Mẹ.

– Chúng ta hãy đi tìm ân sủng, và hãy nhờ Mẹ mà tìm. Cứ xin điều gì là Mẹ được điều ấy. Không bao giờ Mẹ có thể bị từ chối.

– Mẹ Maria được tặng ban cho thế giới di chuyển tình thương để qua Mẹ các ân sủng được liên tiếp trao ban từ trời cao xuống cho nhân loại.

– Thánh Albertô: Mẹ là Đấng quản thủ kho báu của Chúa Giêsu.

– Thánh Bonaventura: Mẹ gồm chứa báu tàng của Thiên Chúa là Chúa Giêsu và cùng với Chúa gồm chứa nguyên ủy và nguồn mạch hết mọi ân sủng.

– Lý do nào đã thúc đẩy Mẹ hối hả đi thăm nhà Gioan Tẩy giả nếu không phải là đức ái thiêu đốt tâm hồn Mẹ.

– Lời của Mẹ có mãnh lực lớn lao biết bao, vì Mẹ vừa mới nói, Chúa Thánh Thần liền xuống đầy lòng bà Elizabeth.

– Thánh Bênađinô: Khi Đức Trinh Nữ chào bà Elizabeth, lời chào vào tai bà rồi xuống thai nhi, và vì thế, thai nhi nhận được Chúa Thánh Thần.

– Từ lúc trở nên Mẹ Chúa Cứu Thế, Đức Nữ Trinh uy linh đã được quyền tài phán đối với hết các cuộc nhiệm sinh của Chúa Thánh Thần, đến nỗi không ai được Chúa ban một ơn nào mà không qua trung gian nhân từ hiền ái của Mẹ.

– Thánh Laurensô Brinđisi: Được đầy Thánh Thần bà Elizabeth do Chúa thúc đẩy đã thấy và nói những việc đã qua hiện tại và tương lai. Bà biết phẩm chức vô biên, vinh quang hiện tại và tương lai của Đức Trinh Nữ Maria rất thánh đức và khiêm hạ.

– Thánh Anphong: Vừa đặt chân vào nhà Gioan Tẩy giả Mẹ Maria đã rộng ban cho gia đình ông nào là ân trạch trời cao, nào là hồng ân thiên quốc. Do đó, ngày Lễ Mẹ Thăm Viếng thường được gọi là Lễ Mẹ ban ân sủng.

V. GIÁO HUẤN CỦA GIÁO HỘI

Đức Phaolô VI

Lễ Thăm viếng nhắc nhớ việc Rất Thánh Trinh Nữ Maria đang cưu mang Con Mẹ đi viếng thăm, giúp đỡ bà Elizabeth, và công bố lòng xót thương của Thiên Chúa cứu chuộc.

Đức Gioan Phaolô II

1. Mẹ Maria hiện diện một cách linh thiêng giữa chúng ta. Chúng ta chiêm ngưỡng Mẹ với cùng một cặp mắt mà bà Elizabeth đã nhìn xem Mẹ khi Mẹ vội vã tới viếng thăm bà, và nghe lời Mẹ chào bà thì bà nói: “Ngay lúc tiếng em chào vừa đến tai chị, thì hài nhi trong dạ chị liền nhảy mừng” (Lc 1:44). Niềm vui bà Elizabeth cảm thấy nêu bật ân huệ có thể ẩn chứa trong lời chào mừng, khi lời chào đó do một tấm lòng tràn đầy Thiên Chúa. Những bóng tối của tình trạng cô độc đè nén một tâm hồn, thường có thể bị tia sáng một nụ cười và một lời nói âu yếm phá tan.

2. Đáp lại lời chào mừng của Đức Trinh Nữ, bà Elizabeth nói: “Phúc cho em là người đã tin mọi điều Chúa phán truyền cho em sẽ được ứng nghiệm” (Lc 1:45). Những lời này được nói ra do Chúa Thánh Linh và đề cao nhân đức cốt yếu của Mẹ Maria là “đức tin”. Các Giáo phụ của Giáo hội đã suy niệm nhiều ý nghĩa của nhân đức này trong cuộc sống của Đức Trinh Nữ. Các ngài không ngần ngại diễn tả những bình luận có thể làm chúng ta ngạc nhiên. Như Thánh Augustinô nói: “Tính cách người mẹ của Đức Trinh Nữ không ích chi cho Người, nếu Người không cưu mang Chúa Kitô trong tâm lòng hơn là trong cung dạ”.

– Nhờ đức tin của Mẹ, Mẹ Maria có thể không sợ hãi tới gần vực thẳm chủ định cứu độ khôn dò của Thiên Chúa: Không dễ gì tin rằng Thiên Chúa muốn “mặc xác phàm và đến ở giữa chúng ta” (Ga 1:14). Người muốn ẩn mình trong đời sống thường ngày vô nghĩa của chúng ta, và mặc lấy nhân tính yếu hèn phải chịu nhiều điều kiện mất thể diện. Mẹ Maria đã dám tin dự án “bất khả hữu = impossible” này. Mẹ tin cậy vào Đấng toàn năng và trở thành người cộng tác vào sáng kiến lạ lùng của Thiên Chúa đã mở ra niềm hy vọng cho lịch sử chúng ta.

Người tín hữu cũng được mời gọi vào thái độ đức tin giống như thế. Đức tin lôi kéo họ can trường nhìn qua bên kia những khả năng và giới hạn những biến cố hoàn toàn nhân loại.

Công đồng Vatican II

Sự liên kết giữa Mẹ và Con trong công cuộc Cứu rỗi được tỏ rõ khi Đức Maria thụ thai Chúa Kitô cách trinh khiết cho đến lúc Chúa Kitô chết. Thực vậy, trước hết, Đức Maria đã vội vã đến thăm bà Elizabeth, và được bà ấy chào mừng là người có phúc, vì đã tin vào sự Cứu rỗi Chúa đã hứa, và vị Tiền hô nhảy mừng trong lòng mẹ.

Lm. Phêrô, CMR

 

Tags: , ,