Hôm mùng 1 tháng 11 vừa qua tổ chức UNICEF của Liên Hiệp Quốc đã công bố bản tường trình về nạn bạo hành trẻ em trên thế giới. Theo đó cứ mỗi 7 phút thì có một trẻ em hay người trẻ bị giết vì bạo lực. Tại Hoa Kỳ các người trẻ da đen không phải gốc nói tiếng Tây Ban Nha thuộc lứa tuổi 10-19 có khả thể bị giết cao gấp 19 lần một người trẻ da trắng không phải gốc nói tiếng Tây Ban Nha cùng lứa tuổi. Khi áp dụng sự hiện này cho thanh thiếu niên da đen không phải gốc nói tiếng Tây Ban Nha trên toàn nước, người ta nhận thấy Hoa Kỳ là một trong 10 quốc gia nguy hiểm nhất thế giới. Năm 2015 một thanh thiếu niên da đen không phải gốc nói tiếng Tay Ban Nha có khả thể bị giết tại Mỹ ngang với nguy cơ phải chết của một thanh thiếu niên sống tại Nam Sudan, nơi có các xung đột và bạo lực tập thể xâu xé mảnh đất khốn khổ này. Châu Mỹ Latinh và vùng quần đảo Caraibi là vùng duy nhất có số người trẻ vị thành niên bị giết gia tăng trong năm 2015. Khoảng phân nửa các vụ sát hại giới trẻ xảy ra trong vùng này.
Bản tường trình nói trên của tổ chức UNICEF có đề tựa là “Một gương mặt quen thuộc: bạo lực trong cuộc sống của các trẻ em và thanh thiếu niên”.
Theo bản tường trình trước hết có nạn bạo hành trong gia đình. Có khoảng 300 triệu trẻ em từ 2 tới 4 tuổi bị đối xử tàn bạo trên thân xác cũng như trong tâm thần bởi những người đáng lý ra có nhiệm vụ yêu thương, bao bọc, che chở các em. Theo các thống kê nhận được người ta cũng nhận thấy có tới 6 phần 10 trẻ em 1 tuổi thường xuyên là nạn nhân của một nền giáo dục bạo hành. Một phần tư các em bị phạt bằng cách lôi kéo xô đẩy, và một phần mười các em bị đánh tát vào má, vào mặt, vào đầu và tai. Trên thế giới có một phần tư trẻ em dưới 5 tuổi, tức khoảng 176 triệu em, sống với một bà mẹ là nạn nhân của người cha hay nam giới sống chung bạo lực.
Thế rồi cũng có khoảng 15 triệu thiếu nữ vị thành niên tuổi từ 15 tới 18 bị bắt buộc có các liên hệ tình dục, hay chịu các loại bạo hành tình dục khác trong cuộc sống. Nhưng chỉ có 1% cho biết được một chuyên viên tâm lý trợ giúp. Trong 28 quốc gia cung cấp dữ liệu trung bình có tới 90% thiếu nữ bị bạo hành tình dục cho biết thủ phạm là một người quen biết. Dữ liệu của 6 quốc gia cho thấy họ là bạn bè, bạn học cùng lớp hay người quen.
Liên quan tới các trẻ nữ còn có nạn bị bắt buộc lập gia đình sớm trước tuổi. Hàng năm có 13,5 triệu bé gái bị bắt buộc lập gia đình. Các em bị cướp mất tuổi thơ và các quuyền của mình, và hàng ngày phải sống trong nỗi ám ảnh lo sợ bị bạo hành trên thân xác, tình dục và tâm lý từ phiá người chồng các em bị bắt buộc phải cưới, có khi là đàn ông già. Đây là tệ nạn xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới.
** Tại các quốc gia đang trên đường phát triển một phần ba trẻ nữ bị bắt buộc lập gia đình trước tuổi trưởng thành: một phần chín trước khi lên 15 tuổi. Số trẻ nữ bị bắt buộc lập gia đình sớm đông nhất là tại các nước Niger, Ciad, Bangladesh và Guinea, nơi có tới 60% nữ giới lập gia đình trước 18 tuổi. Tất cả các thiếu nữ này không sẵn sàng về mặt thể lý cũng như tâm lý, để có thể đương đầu với một cuộc hôn nhân, lại càng không thể đương đầu với việc mang thai. Thân xác của họ chưa được trưởng thành và nguy cơ gặp khó khăn khi sinh con rất cao. Các thiếu nữ dưới 18 tuổi có nguy cơ sinh ra bào thai đã chết, hay phải trông thấy đứa con bị chết khi sinh, cao hơn 50 lần phụ nữ trưởng thành.
Thêm vào đó hôn nhân sớm vi phạm các quyền căn bản của mọi bé gái. Quyền sống khoẻ mạnh, được học hành giáo dục, được chơi giỡn và sống trong một khung cảnh an ninh được bảo vệ, có quyền quyết định độc lập tự do lựa chọn người bạn đời cùa mình vào lúc thích hợp. Rất nhiều phụ nữ trẻ này phải chịu bạo hành thể lý và tình dục. Cần phải gây ý thức cho các bậc cha mẹ và cộng đoàn xã hội, và thuyết phục họ từ bỏ tệ đoan bắt các trẻ gái lập gia đình sớm. Đặc biệt cần dấn thân tranh đấu cho các bé gái được đi học vì giáo dục là phương thế mạnh mẽ nhất chống lại các vụ hôn nhân cưỡng bách. Tại Bangladesh hồi năm 2014 tổ chức “Thị kiến quốc tế” đã phát động phong trào “Không là cô dâu trước 18 tuổi” trong vùng Nam Muktagacha nhằm chống lại nạn hôn nhân sớm, và đã thành công trong việc thuyết phục chính quyền địa phương cấm thói tục này. Thế rồi còn có nhiều bé gái và thiếu nữ bị cha mẹ bán cho các tổ chức mại dâm, hay bị khai thác tình dục, thường là để trả nợ cho gia đình. Có rất nhiều trường hợp không bao giờ được đua ra ánh sáng, trong đó cuộc đời của các bé gái bị bẻ gẫy trong bóng tối của sự thờ ơ. Hiện nay trên thế giới có 1,2 triệu bé gái bị khai thác tình dục. Nạn khai thác tình dục trẻ em có nhiều lý do: nạn tội phạm, gian tham hối lộ, thiếu luật lệ bảo vệ trẻ em, nạn sách báo phim ảnh dâm ô, du lịch tình dục, nạn nghèo túng. Trong số các nước có hình thức bạo lực khai thác tình dục thịnh hành nhất có Campuchia, Thái Lan, Costa Rica, Mêhicô và Brasil. Các trẻ em nạn nhân của việc khai thác tình dục thường bị bắt buộc dùng ma tuý, và bị đánh đập, khi các em không vâng lời các tay anh chị đầu nậu. Các em phải sống các kinh nghiệm thương đau không thể tưởng tượng nổi: bị thương tích thể lý và tâm lý thường xuyên suốt đời. Các em có thể bị bệnh sida, nghiện ngập ma tuý, hay mang thai và bị bắt buộc phá thai, hoặc bị thương tích nặng nề vì bị đánh đập tàn nhẫn. Việc bị lạm dụng và khai thác tình dục để lại trên các em các thương tích tâm lý và cảm xúc có thể gây nguy hại cho sức khoẻ tâm thần và sự trưởng thành của các em. Các em cảm thấy sợ hãi, tuyệt vọng, xấu hổ và khước từ vì các kinh nghiệm đau thương phải gánh chịu.
Tổ chức “Thị kiến quốc tế” hoạt động nhằm ngăn chặn tệ nạn này và trợ giúp các em thắng vượt chấn thương tâm lý và tái xây dựng cuộc sống, qua các chương trình phòng ngừa, che chở và hội nhập các nạn nhân. Ngoài ra tổ chức cũng yểm trợ các chính sách và thực hành tốt nhằm ngăn chặn hệ thống bạo lực cũng như gây ý thức cho các cộng đoàn. Một cách cụ thể tổ chức yểm trợ kinh tế nhằm giảm bớt nạn nghèo túng là một trong các lý do của nạn khai thách tình dục trẻ vị thành niên, và tập trung vào việc che chở giới trẻ vị thành niên. Sau cùng tổ chức sát cánh với các cộng đoàn trong việc nhận diện các nạn nhân và cải thiện các trợ giúp hậu chấn thương, cống hiến cố vấn y khoa và pháp lý cũng như đào tạo nghề nghiệp và trợ giúp kinh tế.
** Còn có một loại bạo hành khác nữa chống lại trẻ em đó là nạn trẻ em lao động. Hiện nay trên thế giới có 264 triệu trẻ em tuổi từ 5 tới 17 bị bắt buộc phải làm việc cực nhọc mỗi ngày như người lớn để mưu sinh. Các em không chỉ có nguy cơ mất đi đôi mắt, xương, phổi, mà còn mất đi cả niềm vui sống của trẻ thơ, nhân phẩm và các giấc mơ tuổi trẻ nữa. Các em phải chế gạch ngói dưới cái năng chang chang của mặt trời, hay ngồi trên nền đất để khâu bóng đá, hoặc lao lực trong các đồn điền trồng cấy hay trong các hãng xưởng kỹ nghệ dệt. Có 126 triệu em phải làm việc trong các điều kiện nguy hiểm cho sức khoẻ như tiếp xúc với các loại thuốc diệt sâu bọ trong các cánh đồng, hay trong sự tối tăm của các hầm mỏ than đá. Lao động trẻ em là vấn đề gắn liền với nạn nghèo túng. Trong các tình trạng gia đình nghèo, gặp khó khăn về kinh tế trẻ em bị bắt buộc phải nghỉ học và lao động để góp phần nuôi sống gia đình, đặc biệt khi gia đình đông con. Đối với các gia đình nghèo đói, phần đóng góp của một trẻ em lao động có thể giúp gia đình sống còn. Nhưng khi phải làm việc như thế lớn lên các em khó có thể tìm được một công việc chuyên môn xứng đáng giúp cải thiện cuộc sống, vì các em thất học và không được giáo dục tới nơi tới chốn. Mục đích chính của tổ chức “Thị kiến quốc tế” là bẻ gẫy vòng luẩn quẩn của nạn nghèo đói và hủy bỏ nạn trẻ em lao động. Trước hết bằng sự trợ giúp kinh tế gia đình làm sao để các em không cần phải làm việc, nhưng có thể cắp sách đến trường. Tiếp theo là gây ý thức xã hội về tầm quan trọng phải phòng ngừa mọi hình thức khai thác bóc lột sức lao động của trẻ em. Và bình diện thứ ba là các hoạt động giúp hội nhập trẻ em lao động đi học trở lại và phòng ngừa để các em không bỏ học.
Iqbal Masik, một trẻ em Pakistan trở thành biểu tượng của cuả cuộc chiến chống nạn trẻ em lao động, đã tuyên bố: “Không một trẻ em nào phải cầm dụng cụ lao động. Các dụng cụ làm việc duy nhất mà một trẻ em phải cầm trong tay là bút mực và bút chì”. Iqbal đã bị gia đình bán cho một ông chủ xưởng dệt thảm và bị xích vào máy dệt, bị bỏ đói nhưng Iqbal đã may mắn trốn thoát được và bắt đầu tham dự các buổi thảo luận và biểu tình chống nạn trẻ em nô lệ lao động. Giáo dục và học đường là khí giới đánh bại tệ nạn trẻ em lao động. Phải làm sao để mọi trẻ em được cắp sách đến trường. Phải trả lại cho các em quyền sống và quyền được học hành vui chơi, và cho phép các em phát triển các khả năng và tài khéo của các em, hầu trở thành những người lớn ý thức và được hưởng trọn các quyền làm người.
Còn có một hình thức bạo hành trẻ em khác nữa đó là nạn trẻ em chiến binh. Trên thế giới hiện nay có 300.000 trẻ em chiến binh. Thật ra khó mà biết được con số chính xác. Các em bị lừa gạt, bị bắt cóc, và bị tuyển mộ như các chiến binh, làm giao liên, gỡ mìn, và bị biến trở thành nô lệ tình dục, khi là các bé gái. Sức khoẻ và cuộc sống của các em gặp nguy hiểm, và tuổi thơ của các em bị hy sinh nhân danh một cuộc chiến phục vụ cho các tham vọng của người lớn gian ác. Đa số các trẻ em chiến binh xuẩt thân từ các gia đình nghèo. Một số trẻ em hiệp lực với các nhóm quân sự để sống còn, vì người ta cống hiến cho các em cơ may được ăn uống thường xuyên, và cũng có tiền thưởng để trợ giúp gia đình. Nhưng có rất nhiều trẻ em đã bị bắt cóc, và bị lừa hay bị bạo hành bắt buộc trở thành lính chiến. Các em được huấn luyện để chiến đấu, giết người và thực thi bạo lực, và thường bị bó buộc phải dùng chất ma tuý, vâng lời như cái máy. Nếu không chết trong khi đánh nhau, các trẻ em chiến binh phải mang các chấn thương tâm lý rất trầm trọng, không phải chỉ vì bị cắt chặt thể lý mà cả trên bình diện tâm lý nữa. Các em cũng có thể bị gia đình và cộng đoàn khước từ sau khi chiến tranh đã chấm dứt.
** Ngay từ khi chiến cuộc bùng nổ bên Congo hồi năm 1998 đã có 30.000 trẻ em bị bắt buộc trở thành chiến binh. Giữa các năm 2002-2007 tại Sri Lanka cũng có 7.000 trẻ em được tuyển mộ. Nhưng cũng có nhiều nước khác trong đó trẻ em trở thành nạn nhân của bạo lực chiến tranh như Afghanistan, Myanmar, Sierra Leone, Sudan, Liberia, Colombia và Uganda.
Theo hiệp định về các quyền của trẻ em trong các vùng có chiến tranh trẻ em phải được che chở đặc biệt. Mọi trẻ em đều có quyền được học hành, giáo dục, chơi đùa. Chính trong ý hướng này tổ chức Thị kiến quốc tế đã khởi xướng phong trào chống việc tuyển mộ chiến binh trẻ em tại các nước có nạn tội phạm trầm trọng nhất. Ngoài ra tổ chức cũng điều khiển các trung tâm hồi phục cống hiến sự yểm trợ tấm lý xã hội cho các cựu trẻ em chiến binh nhằm tái hội nhập các em vào cuộc sống xã hội. Hiện nay chúng ta đang chứng kiến các làn sóng di cư ồ ạt nhiều nơi. Hơn phân nửa số người chạy trốn trên thế giới là trẻ em. Có hơn 50 triệu trẻ em đã phải bỏ nhà vì chiến tranh. Chúng ta hãy nghĩ tới Siria chẳng hạn, nơi có phân nửa dân số, tức hơn 11 triệu người đã phải bỏ quê hương và cuộc sống của mình để đi tỵ nạn tại các quốc gia láng giếng như Thổ Nhĩ Kỳ, Libăng, Giordania và Iraq, hay tìm cách vượt biển Địa Trung Hải mong tìm tới bến bờ Italia tự do. Nhưng đã có hàng ngàn người bỏ mạng trên biển cả. Cũng có các xung đột và chiến tranh tại nhiều nước khác trên thế giới như Burundi, Iraq, Libia, Niger, Nigeria, Afghanistan, Cộng hòa dân chủ Trung Phi, Cộng hoà dân chủ Congo, Nam Sudan và Yemen.
Trong tất cả các chiến tranh xung đột ấy trẻ em luôn luôn là các nạn nhân đầu tiên phải trả giá mắc mỏ nhất. Trong rất nhiều trường hợp các em đã phải tận mắt chứng kiến cảnh cha mẹ và người thân của các em bị giết hay bị bạo hành. Các em thường bị tách rời khỏi gia đình hay mất gia đình. Theo bản tường trình của tổ chức Cao uỷ tỵ nạn Liên Hiệp Quốc trong năm 2015 số trẻ em vị thành niên di cư không có người lớn đi kèm đã gia tăng gấp 3 lần nhiều hơn so với năm truớc đó, tức lên đến 98.400 em. Chiến tranh tàn phá tất cả. Các em không thể đi học vì các trường học đã bị trưng dụng cho người tỵ nạn và nạn nhân chiến tranh, hay đã bị bỏ bom hoặc tàn phá. Các em không còn được săn sóc sức khoẻ nữa, vì các nhà thương đã bị sập và các bác sĩ đã bỏ nước ra đi. Các em không còn được bảo đảm để hưởng tuổi thơ, vì bị bó buộc trở thành người lớn ngay tức khắc để sống còn.
Các trẻ em tỵ nạn thường gặp nguy cơ bị lạm dụng, khai thác bóc lột hay bị tuyển mộ làm chiến binh. Với hàng triệu gia đình gặp khó khăn không thể nuôi con cái nhiều cha mẹ thúc đẩy con cái vị thành niên lập gia đình sớm hay đi làm việc kiếm sống. Và có rất nhiều trẻ em bị bạo hành và lạm dụng, thiếu dinh dưỡng và bị chấn thương thể lý và tinh thần. Tổ chức Thị kiến quốc tế đi tiên phong trong việc trợ giúp tại nhiều nước như Siria, Libăng, Giordania và Iraq. Từ năm 2011 tổ chức đã trợ giúp 2,4 triệu người tỵ nạn bên Siria và các nước lân cận, bằng cách cung cấp nước uống, thực phẩm thuốc men, cũng như cống hiến các trợ giúp tâm lý và các chương trình giáo dục để các trẻ em không bị bỏ rơi một mình.