“Người tín hữu có được sức mạnh và kho tàng khi sống yêu thương”: Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thánh lễ tại Sân vận động của Lực lượng Phòng không, Cairo vào thứ Bảy 29.04.2017
Thứ Tư, 03-05-2017 | 18:15:46
WHĐ (02.05.2017) – Trong chuyến tông du Ai Cập hai ngày 28 và 29 tháng Tư 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh lễ cho các tín hữu Công giáo tại Sân vận động của Lực lượng Phòng không ở Cairo sáng thứ Bảy 29-04.
Sau đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha:
Al Salamo alaikum: bình an ở cùng anh chị em!
Hôm nay, Phúc Âm Chúa nhật thứ ba mùa Phục sinh kể cho chúng ta nghe hành trình của hai môn đệ rời Giêrusalem trở về Emmaus. Có thể tóm tắt bài Phúc âm này trong ba từ: sự chết, sự sống lại và sự sống.
Sự chết: hai môn đệ trở về với cuộc sống hằng ngày, lòng đầy chán nản thất vọng: Thầy đã chết nên chẳng còn gì hy vọng. Họ bị lạc hướng và tuyệt vọng. Hành trình của họ là cuộc trở về tháo lui; đó là việc rời xa cảm nghiệm buồn đau về Đấng chịu đóng đinh. Cuộc khủng hoảng của Thập giá, thậm chí là “điều ô nhục” và “sự điên rồ” của Thập giá (x 1 Cr 1,18; 2,2), dường như đã chôn vùi mọi hy vọng của họ. Đấng mà họ xây dựng đời mình nơi Người đã chết rồi, đã bị khuất phục, mang theo mọi khát vọng của họ vào nấm mồ cùng với Người.
Họ không thể tin rằng vị Thầy và Đấng Cứu Độ đã phục sinh kẻ chết và chữa lành các bệnh nhân lại có thể kết thúc cuộc đời cách nhục nhã trên thập giá. Họ không hiểu được tại sao Thiên Chúa Toàn Năng lại không cứu Người khỏi cái chết ô nhục như thế. Thập giá của Đức Kitô là thập giá cho những ý tưởng của họ về Thiên Chúa; cái chết của Đức Kitô là cái chết của những gì họ tưởng tượng về Thiên Chúa. Thật vậy, chính họ là những kẻ đã chết trong nấm mồ của những hiểu biết hạn hẹp của mình.
Biết bao lần con người làm cho chính mình ra tê liệt, khi từ khước vượt qua ý tưởng của mình về Thiên Chúa – một vị thần được dựng nên theo hình ảnh và giống như con người; biết bao lần con người thất vọng, khi từ khước tin rằng Thiên Chúa toàn năng không phải là về sức mạnh, về uy quyền, nhưng là toàn năng về tình yêu, về tha thứ và sự sống!
Các môn đệ nhận ra Chúa Giêsu lúc Người “bẻ bánh”, trong Thánh Thể. Nếu chúng ta không phá tan bức màn che mắt chúng ta, nếu chúng ta không phá vỡ sự cứng cỏi của tâm hồn và những định kiến của mình, thì chúng ta sẽ không bao giờ nhận ra dung nhan Thiên Chúa.
Sự sống lại: trong cảnh mờ mịt của đêm đen tối nhất, trong nỗi tuyệt vọng khủng khiếp nhất, Chúa Giêsu đến gần hai môn đệ, cùng đi với họ để giúp họ nhận ra Người “là Đường, là Sự thật và là Sự sống” (Ga 14,6). Chúa Giêsu biến đổi nỗi thất vọng của họ thành sự sống, vì khi mà niềm hy vọng của con người mất đi, thì bắt đầu bừng lên niềm hy vọng của Thiên Chúa, “điều không thể được đối với con người thì có thể được đối với Thiên Chúa” (Lc 18,27; x. 1,37). Khi con người chạm đến tận cùng của thất bại và bất lực, khi con người thoát ra khỏi ảo tưởng mình là người giỏi nhất, là người tự lực cánh sinh, là trung tâm của thế giới, thì khi ấy Thiên Chúa chìa tay ra cho con người để biến đêm đen của con người thành bình minh, đau buồn thành niềm vui, cái chết thành phục sinh, hành trình của con người thành cuộc quay trở về Giêrusalem, tức là về với sự sống và với chiến thắng của Thập Giá (x. Dt 11,34) .
Thật vậy, sau khi gặp Đấng Phục sinh, hai môn đệ trở về, tràn ngập vui mừng, tin tưởng và hăng say, sẵn sàng làm chứng. Đấng Phục sinh đã vực họ dậy từ nấm mồ của hoài nghi và u sầu. Khi gặp Đấng Chịu đóng đinh đã sống lại, họ khám phá ý nghĩa và sự hoàn tất của toàn bộ Thánh kinh, Lề luật và các Tiên tri; họ khám phá ý nghĩa của điều được coi như là thất bại của Thập giá.
Ai không vượt qua kinh nghiệm của Thập giá để đến với Chân lý của Phục sinh là tự kết án tuyệt vọng cho chính mình. Thật vậy, chúng ta, chúng ta không thể gặp được Thiên Chúa nếu trước hết không đóng đinh những ý tưởng hạn hẹp của chúng ta về một vị thần phản ánh hiểu biết của chúng ta về tính toàn năng và quyền uy.
Sựsống: cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu phục sinh đã làm thay đổi cuộc sống của hai môn đệ này, vì gặp gỡ Đấng Phục sinh biến đổi cả cuộc đời và làm cho cằn cỗi trở nên phong phú (x. Bênêđictô XVI, Tiếpkiến chung, thứ Tư 11-04-2007). Thật vậy, Phục sinh không phải là tín điều do Giáo hội sản sinh ra, nhưng Giáo hội được sinh ra từ niềm tin vào sự Phục sinh. Thánh Phaolô nói: “Nếu Đức Kitô không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1 Cr 15,14).
Đấng Phục sinh biến mất trước mắt họ, để dạy chúng ta rằng chúng ta không thể giữ lại Chúa Giêsu nơi một nhân vật lịch sử hữu hình, “phúc cho ai không thấy mà tin” (Ga 21,29; x. 20,17). Giáo hội phải biết và tin rằng Người đang sống với Giáo hội ấy và làm cho Giáo hội được sống nhờ Thánh Thể, Thánh Kinh và các bí tích. Các môn đệ Emmaus hiểu được điều ấy và đã quay trở lại Giêrusalem để chia sẻ với các môn đệ khác kinh nghiệm của mình: “Chúng tôi đã thấy Chúa … Phải, Người đã sống lại thật” (Lc 24,32).
Kinh nghiệm của các môn đệ Emmaus dạy chúng ta rằng đến những nơi thờ phượng cho đông thì chẳng ích gì nếu tâm hồn chúng ta không kính sợ Thiên Chúa và không có Ngài hiện diện; cầu nguyện chẳng ích gì, nếu lời cầu nguyện của chúng ta dâng lên Thiên Chúa không biến thành tình yêu thương anh em; làm nhiều việc đạo đức chẳng ích gì nếu những việc đạo đức ấy không do đức tin và đức ái thúc đẩy; chăm chút vẻ bên ngoài chẳng ích gì, vì Thiên Chúa nhìn vào trong tâm hồn (x. 1 Sam 16,7) và ghét thói đạo đức giả (Lc 11, 37-54; Cv 5,3-4) [1]. Đối với Thiên Chúa thà đừng tin còn hơn là một tín hữu giả dối, một kẻ giả hình!
Đức tin chân thật là đức tin làm cho chúng ta sống bác ái hơn, thương xót hơn, trung thực hơn và nhân đạo hơn; đó là đức tin thúc đẩy tâm hồn chúng ta yêu thương mọi người cách vô cầu, không phân biệt hoặc thiên vị; đó là đức tinkhiến chúng ta không nhìn người khác như một kẻ thù phải đánh bại, nhưng như người anh em để yêu thương, để phục vụ và giúp đỡ; đó là đức tin dẫn đưa chúng ta đến việc truyền bá, bảo vệ và sống nền văn hóa của gặp gỡ, đối thoại, tôn trọng và huynh đệ; đưa chúng ta đến chỗ can đảm tha thứ cho những người xúc phạm chúng ta; chìa tay nâng đỡ người sa ngã; cho kẻ rách rưới ăn mặc; cho kẻ đói ăn; thăm viếng tù nhân; giúp đỡ người côi cút; cho kẻ khát uống; trợ giúp người già và người túng thiếu (x. Mt 25,31-45). Đức tin chân thật là đức tin dẫn chúng ta đến chỗ bảo vệ quyền lợi của người khác, cũng mạnh mẽ và hăng hái như khi chúng chúng ta bảo vệ quyền lợi của mình. Thực tế, khi chúng ta càng thêm đức tin và hiểu biết, chúng ta càng thêm khiêm tốn và càng ý thức được mình nhỏ bé.
Anh chị em thân mến,
Thiên Chúa chỉ quý chuộng đức tin được tuyên xưng bằng cuộc sống, bởi vì điều cực đoan duy nhất có thể được chấp nhận đối với các tín hữu là cực đoan trong bác ái! Mọi hình thức khác cực đoan khác không phải từ Thiên Chúa mà đến và Ngài không ưa thích!
Giờ đây, như các môn đệ Emmaus, anh chị em hãy trở về Giêrusalem của anh chị em, nghĩa là trở về cuộc sống thường nhật, trở về gia đình, công việc và đất nước thân yêu của anh chị em, tràn đầy hân hoan, can đảm và đức tin. Đừng sợ phải mở lòng mình ra với ánh sáng của Đấng Phục Sinh và để cho Người biến đổi nỗi hoang mang của anh chị em thành sức mạnh cho mình và cho người khác. Đừng sợ yêu thương mọi người, bạn hữu và kẻ thù, vì chính khi sống yêu thương mà người tín hữu có được sức mạnh và kho tàng!
Xin Đức Trinh nữ Maria và Thánh gia, các Đấng đã sống ở miền đất được chúc phúc này, soi sáng tâm hồn chúng ta và chúc lành cho anh chị em và đất nước Ai Cập yêu quý, đất nước đã đón nhận Tin Mừng được Thánh Marcô loan báo từ thuở bình minh của Kitô giáo, đất nước đã sản sinh nhiều vị tử đạo và rất nhiều thánh nhân trong suốt lịch sử của mình!
Al Massih Kam / Bilhakika kam – Chúa Kitô đã sống lại / Người đã sống lại thật!
[1] Thánh Ephrem kêu lên: “Hãy xé mặt nạ che đậy thói giả hình rồi các ngươi sẽ thấy ở đó chỉ có điều thối tha mà thôi” (Bài giảng). “Khốn cho kẻ nào lập lờ nước đôi”, sách Huấn ca đã nói (2, 14, Vulg.).