Sứ Điệp Của Đức Thánh Cha Phanxicô Nhân Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi Sống Đời Thánh Hiến lần thứ 54

Thứ Ba, 02-05-2017 | 14:00:37

Đức Thánh Cha mời gọi các giám mục, linh mục, người thánh hiến và giáo dân hãy dám đề nghị với giới trẻ “đi theo Đức Kitô” bằng cuộc đời “tận hiến cho tình yêu”, trong cảnh độc thân, nhân dịp Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi Sống Đời Thánh Hiến lần thứ 54 sẽ diễn ra vào ngày 07/5/2017, Chúa Nhật thứ Tư Mùa Phục Sinh. Chủ đề của ngày này và của Sứ điệp Đức Giáo Hoàng, đề ngày 27/11/2016 và được Tòa Thánh công bố vào ngày 30/11/2016 là : “Được thúc đẩy bởi Thần Khí cho sứ vụ”.

Dưới đây là toàn văn Sứ điệp: 


Anh chị em thân mến!

Trong những năm vừa qua, trong mối liên hệ đến ơn gọi làm Ki-tô hữu, chúng ta đã suy tư về hai khía cạnh: Lời mời gọi „hãy đi ra khỏi chính mình“, để lắng nghe giọng nói của Thiên Chúa, và tầm quan trọng của cộng đoàn Giáo hội như là nơi ưu tiên mà từ đó, tiếng gọi của Thiên Chúa có nguồn cội của mình, cũng như được nuôi dưỡng và được diễn tả.

Giờ đây, nhân dịp Ngày Quốc Tế Cầu Nguyện Cho Các Ơn Thiên Triệu lần thứ 54, Cha muốn đặt chiều kích truyền giáo của ơn gọi Ki-tô giáo vào trong trung tâm. Ai để cho mình được lôi cuốn bởi giọng nói của Thiên Chúa cũng như đã lên đường đi theo Chúa Giê-su, người ấy sẽ ngay lập tức khám phá ra trong nơi sâu thẳm nhất của mình một niềm khát khao mạnh mẽ đến mức không gì có thể kìm nén trong việc mang Tin Mừng đến cho những người anh chị em thông qua việc loan báo Tin Mừng và phục vụ Đức Ái. Tất cả các Ki-tô hữu đều được huy động với tư cách là các Thừa Sai Tin Mừng! Vì người môn đệ đón nhận ân sủng Tình Yêu Thiên Chúa không phải để làm nguồn an ủi riêng. Người môn đệ không được kêu gọi để trình bày chính mình hay để bênh vực những mối quan tâm của một công ty. Người môn đệ được đụng chạm và được biến đổi một cách hoàn toàn đơn giản bởi niềm vui vì biết mình đang được Thiên Chúa yêu thương, và người môn đệ không thể cứ giữ khư khư kinh nghiệm này cho chính mình: „Niềm vui phát xuất từ Tin Mừng, tức niềm vui lấp đầy đời sống cộng đoàn các môn đệ, chính là niềm vui truyền giáo“ (Tông Huấn Evangelii gaudium, 21).

Như vậy, sự dấn thân truyền giáo không phải là một điều chi đó được bổ sung vào với đời sống Ki-tô giáo giống như đồ trang sức, nhưng trái lại, sự dấn thân đó được đặt vào trong con tim của Đức Tin: mối tương quan với Thiên Chúa bao hàm việc được sai vào trong thế giới với tư cách là các Ngôn Sứ của Lời Ngài, cũng như với tư cách là các chứng nhân cho Tình Yêu của Ngài. Ngay cả khi chúng ta đang trải qua vô vàn những yếu đuối trong chính bản thân chúng ta, và đôi khi có thể cảm thấy mình bị thất vọng, chúng ta phải ngẩng đầu lên cùng Thiên Chúa và đừng để mình bị đè bẹp bởi niềm ý thức về sự bất toàn của mình, hay buông mình cho sự bi quan, mà sự bi quan ấy sẽ biến chúng ta thành những khán giả thụ động của một cuộc sống mệt mỏi với những thói quen đã trở nên quen thuộc. Ở đây không có chỗ cho sự sợ hãi, vì chính Thiên Chúa sẽ đến để thanh tẩy „môi miệng uế nhơ“ của chúng ta, và làm cho chúng ta trở nên thích hợp với sứ vụ truyền giáo:

Ngươi đã được tha lỗi và xá tội.
Bấy giờ tôi nghe tiếng Chúa Thượng phán:
Ta sẽ sai ai đây ? Ai sẽ đi cho chúng ta?
Tôi thưa : Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is 6,6-8).

Bất cứ người môn đệ truyền giáo nào cũng đều cảm thấy trong con tim mình giọng nói đó của Thiên Chúa. Giọng nói của Ngài thôi thúc người môn đệ hãy đi đến với con người như Chúa Giê-su, „để thực hiện những việc tốt lành và chữa lành tất cả“ (xc. Cv 10,38). Cha đã từng nhắc nhớ rằng, bất cứ người Ki-tô hữu nào cũng đều là một „Christophorus“ nhờ vào Bí Tích Thanh Tẩy, có nghĩa là „người mang Chúa Ki-tô đến cho anh chị em“ (xc. Bài Giáo Lý ngày 30.01.2016). Điều đó có ý nghĩa đặc biệt đối với những ai được kêu gọi để sống sự thánh hiến cách đặc biệt, và nó cũng có ý nghĩa với những Linh mục đã đáp lại cách quảng đại: „Này con đây, lạy Chúa, xin sai con đi!“ Họ được kêu gọi hãy bước ra khỏi những hàng rào thánh thiêng của Giáo hội với niềm say mê truyền giáo được canh tân, để làm cho sự trìu mến của Thiên Chúa tuôn tràn ra cho con người (xc. Bài Giảng Trong Lễ Làm Phép Dầu, 24.03.2016). Giáo hội cần tới những Linh mục như thế: hoàn toàn tín thác và tin tưởng, vì họ đã khám phá ra kho tàng đích thực, và nóng lòng khát khao muốn công bố kho tàng ấy cho mọi người biết với tất cả niềm vui (xc. Mt 13,44).

Chắc chắn sẽ xuất hiện không ít những thắc mắc nếu như chúng ta nói về sứ vụ Ki-tô giáo: Trở thành nhà thừa sai của Tin Mừng có nghĩa là gì? Ai sẽ trao cho chúng ta sức mạnh và lòng can đảm để loan báo Tin Mừng? Sứ vụ truyền giáo đang được gây cảm hứng bởi lô-gích nào chiếu theo Tin Mừng? Chúng ta sẽ có thể tìm thấy được câu trả lời cho những thắc mắc trên nếu chúng ta chiêm ngưỡng ba cảnh trong Tin Mừng: Sự khởi đầu sứ mạng của Chúa Giê-su tại hội đường Nazareth (xc. Lc 4,16-30); con đường mà Ngài đi cùng với hai môn đệ làng Emmaus với tư cách là Đấng Phục Sinh (xc. Lc 24,13-35); và sau cùng là dụ ngôn về hạt cải giống (xc. Mc 4,26-27).

Chúa Giê-su được xức dầu và được sai đi bởi Chúa Thánh Thần. Trở thành các môn đệ truyền giáo có nghĩa là tham dự cách tích cực vào với sứ vụ của Chúa Ki-tô, mà chính Chúa Giê-su đã mô tả về sứ vụ ấy trong hội đường Nazareth như sau:

Thần Khí Chúa ngự trên tôi,
vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,
để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.

Người đã sai tôi đi công bố
Cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha,
cho người mù biết họ được sáng mắt,
trả lại tự do cho người bị áp bức,
công bố một năm hồng ân của Chúa“ (Lc 4,18-19).

Đó cũng là sứ vụ của chúng ta: Được xức dầu bởi Thánh Thần và được sai đến với những anh chị em, để công bố Lời Chúa, và như thế, trở thành một khí cụ của ơn cứu độ đối với họ.

Chúa Giê-su đi về phía chúng ta. Khi tận mắt chứng kiến những vấn đề mà chúng đang trào lên từ thâm tâm con người, và khi tận mắt chứng kiến những thách đố mà thực tế đặt ra, cảm giác lúng túng có thể xâm chiếm chúng ta, và chúng ta có thể nhận ra một sự thiếu năng lực và niềm hy vọng. Sẽ có nguy cơ rằng, sứ vụ Ki-tô giáo xem ra có vẻ chỉ là một điều không tưởng, không thể hiện thực hóa, hay ít nhất là một thực tế vượt quá những khả năng của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta chiêm ngưỡng Chúa Ki-tô phục sinh để thấy được Ngài đang đi thế nào bên cạnh hai môn đệ làng Emmaus (xc. Lc 24,13-15), thì niềm tin tưởng của chúng ta có thể kín múc được thêm sức mạnh. Trong biến cố này của Tin Mừng, chúng ta đứng trước một „phần Phụng Vụ thực sự của sự lên đường“ mà nó diễn ra trước phần Phụng Vụ Lời Chúa và Phụng Vụ Thánh Thể, và nó công bố cho chúng ta biết rằng, Chúa Giê-su đang ở bên cạnh chúng ta, bên từng bước đi của mỗi chúng ta! Cả hai môn, bị gây tổn thương bởi gương mù Thập Giá, đã quay trở về nhà trên con đường thất bại: hai ông đều mang trong lòng một niềm hy vọng đã bị tiêu tan và một giấc mơ đã không trở thành hiện thực. Trong các ông, sự buồn phiền đã chiếm mất chỗ của Niềm Vui Tin Mừng. Chúa Giê-su đã làm gì? Ngài không kết án các ông, Ngài đi trên chính con đường mà họ đang đi, và thay vì xây lên một bức tường, Ngài mở ra một lỗ hổng mới. Ngài từ từ biến đổi sự nản chí của họ, làm cho con tim của họ bừng cháy lên, và mở cặp mắt của họ ra khi Ngài công bố Lời và bẻ Bánh. Như vậy, người Ki-tô hữu không chỉ mang nghĩa vụ ruyền giáo, nhưng, ngay cả trong những nỗi khó nhọc và trong những hiểu lầm, cũng còn kinh nghiệm rằng, „Chúa Giê-su đang cùng đi với mình, đang nói với mình, đang thở với mình, đang cùng làm việc với mình. Người Ki-tô hữu ấy cảm thấy rằng, Chúa Giê-su sống động đang ở bên mình, giữa công việc truyền giáo của mình“ (Tông Huấn Evangelii gaudium, 266).

Chúa Giê-su làm cho hạt giống nảy mầm. Sau cùng, điều quan trọng là học hỏi cách thức công bố Tin Mừng từ chính Tin Mừng. Vì, ngay cả trong chủ đích tốt, không hiếm khi xảy ra chuyện người ta nhượng bộ trước một sự đam mê quyền lực nào đó, trước chủ trương chèo kéo người khác theo đạo bằng mọi giá, hay trước sự cuồng tín bất khoan dung. Trái lại, Tin Mừng đòi hỏi chúng ta phải khước từ ngẫu tượng thành công và quyền lực, cũng như phải khước từ một sự lo lắng thái quá cho những cấu trúc, và phải từ chối một nỗi sợ hãi nào đó mà nó tương ứng với tinh thần xâm lấn hơn là tinh thần phục vụ. Mặc dầu hạt giống Triều Đại Thiên Chúa rất nhỏ bé, khó nhận ra, và đôi khi vô nghĩa, nhưng nó sẽ âm thầm phát triển nhờ vào hoạt động không ngừng của Thiên Chúa: „Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người gieo hạt giống xuống đất. Bất kể đêm ngày, dù người ấy ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn này mầm và mọc lên, bằng cách nào thì người ấy không biết“ (Mc 4,26-27). Đó là sự tin tưởng đầu tiên của chúng ta: Thiên Chúa vượt quá những mong đợi của chúng ta, và làm cho chúng ta ngạc nhiên với sự quảng đại của Ngài, bằng cách là Ngài làm cho những hoa trái của công việc chúng ta được tiếp tục đâm chồi nẩy lộc, vượt lên trên những tính toán về hiệu suất của con người. Với niềm tín thác tương ứng với Tin Mừng, việc chúng ta mở bản thân mình ra cho những hoạt động âm thầm của Chúa Thánh Thần, đó là nền tảng căn bản của sứ vụ truyền giáo. Nếu không có sự cầu nguyện lâu bền và chiêm niệm, thì cũng sẽ không thể nào có mục vụ ơn gọi, cũng không thể có sứ vụ Ki-tô giáo. Trong ý nghĩa này, người ta phải nuôi dưỡng đời sống Ki-tô giáo bằng việc lắng nghe Lời Chúa, và đặc biệt là phải chăm sóc cho mối tương quan cá nhân với Thiên Chúa trong việc tôn thờ Bí Tích Thánh Thể, „nơi“ được ưu tiên để gặp gỡ với Thiên Chúa.

Và để có được tình bằng hữu đầy tín thác này với Thiên Chúa, Cha muốn khuyến khích cách mạnh mẽ, hãy khẩn cầu cách đặc biệt từ Trời Cao, xin Thiên Chúa gửi đến những ơn gọi mới để họ trở thành những Linh mục và sống đời Thánh Hiến. Dân Thiên Chúa phải được dẫn dắt bởi các Mục Tử biết trao hiến cuộc sống mình trong sự phục vụ Tin Mừng. Vì thế, Cha xin các cộng đoàn Giáo xứ, các hiệp hội, và vô vàn các nhóm cầu nguyện đang có sẵn trong Giáo hội: hãy kháng cự lại cơn cám dỗ thất vọng, và hãy tiếp tục cầu xin Chúa, để Ngài sai các thợ gặt đi vào trong mùa gặt của Ngài, và gửi đến cho chúng ta các Linh mục biết say mê Tin Mừng, và có khả năng gần gũi với những anh chị em, cũng như có khả năng trở nên những dấu chỉ sống động cho Tình Yêu nhân nhậu của Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến, ngay cả trong thời đại hôm nay, chúng ta cũng vẫn đang còn có thể tái tìm thấy niềm hăng say loan báo Tin Mừng, và đặc biệt là vẫn còn có thể đề nghị những bạn trẻ đi theo Chúa Ki-tô. Khi tận mắt chứng kiến cảm giác mỗi ngày một phát tán rộng rãi về một niềm tin mệt mỏi, hay bị giảm thiểu vào việc chỉ „chu toàn những bổn phận“, những bạn trẻ của chúng ta đang có niềm khát mong muốn được khám phá ra sự lôi cuốn luôn luôn mang tính thời sự của dung nhan Chúa Giê-su, hầu để cho mình được tra vấn và bị thách đố bởi những Lời và những cử chỉ của Ngài, và sau cùng, nhờ Ngài, ước mơ một cuộc sống con người hoàn hảo, mà cuộc sống ấy sẽ vui mừng trao hiến bản thân trong Tình Yêu. Rất Thánh Trinh Nữ Maria, Thân Mẫu của Đấng Cứu Chuộc chúng ta, đã can đảm biến giấc mơ ấy của Thiên Chúa thành giấc mơ của chính Mẹ, bằng cách là Mẹ đặt tuổi trẻ và niềm hăng hái của mình vào trong đôi tay của Ngài. Ước chi lời cầu bầu của Mẹ sẽ giúp chúng ta đạt tới được sự cởi mở của con tim, cũng như đạt tới được sự sẵn sàng để đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa với lời „này con đây!“ của chúng ta, và giống như Mẹ, vui mừng lên đường (xc. Lc 1,39) để công bố Ngài cho toàn thế giới.

Vatican ngày 27 tháng 11 năm 2016
Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng

Phanxicô, Giáo hoàng


Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

Tags: , ,