Tòa Thánh lên án việc giam giữ trẻ em di dân.

Thứ Ba, 13-06-2017 | 18:36:08

Tòa Thánh đã kêu gọi cộng đồng quốc tế bảo vệ quyền lợi của các trẻ em di cư không có người đồng hành và đồng thời lên án việc giam giữ đối với những trẻ em này là một “sai lầm nghiêm trọng”.

Quan Sát Viên Thường Trực của Tòa Thánh – Đức Tổng Giám mục Ivan Jurkovič, đã đưa ra những lời chỉ trích trong cuộc thảo luận của Hội đồng Nhân quyền về quyền lợi của các trẻ em và thanh thiếu niên di cư không có người đồng hành.

“Sai lầm nghiêm trọng của việc giam giữ đó chính là nó coi trẻ em như là những cá thể bị tách biệt và cô lập phải chịu trách nhiệm đối với những tình huống mà trong đó chúng tự thấy mình hầu như không có bất kì quyền lực nào. Hình mẫu này một cách sai trái đã giải thoát cộng đồng quốc tế khỏi những trách nhiệm mà nó thường không thực hiện được”, Đức TGM Jurkovič nói. 

Đức TGM Jurkovič cũng thay mặt cho Tòa Thánh kêu gọi cộng đồng quốc tế “bảo vệ nhân phẩm và các quyền cơ bản của tất cả mọi người và thực hiện, mà không được hạn chế, luật nhân đạo, nguyên tắc và chính sách để đáp ứng với những người đang phải di cư, đặc biệt là những trẻ em không có người thân đi cùng: trước hết chúng phải được xem là những đứa trẻ, và tất cả những lợi ích tốt nhất của chúng cần phải được coi trọng đối với tất cả các hoạt động liên quan đến chúng”.

Đức TGM Jurkovič tiếp tục tố cáo việc giam giữ các trẻ em di dân.

“Trẻ em không nên bị kết án hoặc phải chịu các biện pháp trừng phạt vì tình trạng di cư của chúng hoặc của bố mẹ chúng. Việc giam giữ các trẻ em di dân không nên được xem như là một lựa chọn, và lợi ích tốt nhất của trẻ phải luôn luôn chiếm ưu thế”.

Thay vào đó, Đức TGM Jurkovič nói, “Khả năng của việc phát triển con người toàn diện đích thực cần phải được đảm bảo đối với tất cả mọi trẻ em”. 

Dưới đây là toàn bộ nội dung bài phát biểu của Đức TGM Jurkovič:


Geneva, ngày 9 tháng 6 năm 2017

Thưa ngài Chủ tịch,

Phái đoàn Tòa Thánh hoan nghênh sự chú ý dành cho các trẻ em di dân không có người thân cùng đòng hành trong phiên họp của Hội đồng Nhân quyền và đồng thời mong muốn cảm ơn các tham dự viên tham gia buổi thuyết trình. Trong Thông điệp nhân Ngày Tị nạn và Di dân Thế giới năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh đến những khó khăn và nguy hiểm mà các trẻ em di dân phải đối diện. Do tình hình bấp bênh mà trong đó chúng tự nhận thấy mình, trẻ em rất dễ bị tổn thương, đặc biệt khi chúng không có người thân cùng đồng hành, bởi vì chúng “như những người vô hình và không có tiếng nói, bị che khuất khỏi ánh nhìn của thế giới”. Thông thường, những trẻ em di dân dễ dàng kết thúc bằng việc phẩm giá bị chà đạp một cách nghiêm trọng, với niềm hy vọng và tương lai đã bị phá hủy. Chúng không có điều kiện tiếp cận với giáo dục và việc chăm sóc sức khoẻ, và chúng phải đối diện với nguy cơ dễ bị tổn thương đối với những tay buôn người, những kẻ lạm dụng tình dục cũng như những kẻ vô đạo đức khác, những người muốn làm hại các trẻ em và trẻ vị thành niên. Đây chính là một sự sỉ nhục xúc phạm nghiêm trọng đến phẩm giá con người, và toàn thể cộng đồng quốc tế cần nỗ lực để đối phó với những đau khổ và việc tước đi các quyền cơ bản của con người vốn đã được ghi nhạn trong Công ước về Quyền trẻ em. Trong phiên họp cuối cùng của Hội đồng Nhân quyền, Toà thánh đã tổ chức một sự kiện phụ khác, cùng với Ủy ban Di dân Công giáo Quốc tế (ICMC) và tỏ chức Caritas Quốc tế, nhằm thu hút sự chú ý đối với những lý do tại sao lại có rất nhiều trẻ em phải di cư mà không có sự bảo vệ của cha mẹ của chúng cũng như các thành viên khác trong gia đình và những điều cần thiết nhằm đáp ứng trước sự leo thang đáng kể của những đứa trẻ không có người thân cùng đồng hành. Tòa Thánh nhắc lại lời kêu gọi mạnh mẽ của mình để bảo vệ nhân phẩm và các quyền cơ bản của mọi người và đồng thời thực thi – mà không có bất kì sự hạn chế nào – luật nhân đạo, các nguyên tắc và chính sách để bảo vệ nhân quyền, đặc biệt là những đứa trẻ không có người thân cùng đồng hành: trước hết chúng phải được xem là những đứa trẻ, và lợi ích tốt nhất của chúng cần phải được coi trọng như một ưu tiên đối với tất cả các hành động liên quan đến chúng.

Thưa ngài Chủ tịch,

Tôn trọng trẻ em chính là tôn trọng nhân loại, vì chúng chính là tương lai và hy vọng của chúng ta. Trẻ em không nên bị kết án hoặc phải chịu các biện pháp trừng phạt do tình trạng di cư của chúng hoặc của cha mẹ chúng. Việc thực hiện giam giữ đối với các trẻ em di dân không nên được xem là một lựa chọn, và lợi ích tốt nhất của những đứa trẻ phải luôn luôn chiếm ưu thế. Thật vậy, thậm chí chỉ khoảng một thời gian ngắn bị giam giữ cũng có thể đem lại những hậu quả suốt đời đối với sự phát triển của một đứa trẻ. Sai lầm nghiêm trọng của việc giam giữ đó chính là nó coi trẻ em như là những cá thể bị tách biệt và cô lập phải chịu trách nhiệm đối với những tình huống mà trong đó chúng tự thấy mình hầu như không có bất kì quyền lực nào. Hình mẫu này một cách sai trái đã giải thoát cộng đồng quốc tế khỏi những trách nhiệm mà nó thường không thực hiện được. Mặc dù việc bảo vệ các quyền cơ bản của con người và phẩm giá của tất cả mọi người là hết sức quan trọng và thiết yếu, thế nhưng nó vẫn chưa đủ. Chiến tranh, bạo lực, vi phạm nhân quyền, tham nhũng, nghèo đói cùng cực, thảm hoạ môi trường chính là tất cả những nguyên nhân của tình trạng khẩn cấp nhân đạo của những trẻ em không có người thân cùng đồng hành phải di cư. Cần phải có một cách tiếp cận có tầm nhìn xa để khắc phục những tình huống bi thảm và không thể chấp nhận, vốn đã dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ số lượng các trẻ em phải từ bỏ nơi chon nhau cắt rốn và đơn thương độc mã tìm kiếm nơi ẩn náu và hy vọng về một tương lai tươi sáng. Cần đảm bảo khả năng phát triển con người toàn diện đích thực cho tất cả mọi trẻ em. Về vấn đề này, Tòa Thánh kêu gọi sự chú ý của chúng ta ngày hôm nay có liên quan trực tiếp đến hàng trăm triệu trẻ em đang sống trong những điều kiện hết sức bi thương tại các quốc gia mà chúng được sinh ra. Thậm chí ngay cả khi chúng ta đang thảo luận và tranh luận ngày hôm nay, bất kỳ con số trẻ em nào trong số này cũng sẽ tham gia vào cuộc phiêu lưu khổng lồ của các trẻ em đang thực hiện việc di cư – chỉ đơn giản là để tìm kiếm sự an toàn, hòa bình và có được một cơ hội công bằng trong cuộc sống.

Thưa ngài Chủ tịch,

Các trẻ em di cư không có người thân cùng đồng hành chính là bằng chứng đau thương về sự bất bình đẳng hiện tại cũng như các hệ thống thất bại. Khi các cuộc thảo luận về việc hình thành Hiệp ước Toàn cầu về Di dân đang được tiến hành, làm sao chúng ta có thể đảm bảo rằng quyền lợi của trẻ em và các trẻ vị thành niên di cư không có người thân cùng đồng hành được bảo vệ và phát huy cách đúng mức?

Xin cám ơn ngài Chủ tịch!


Minh Tuệ chuyển ngữ

Tags: ,

Có thể bạn quan tâm