Tông đồ Giáo dân trong thế giới hôm nay

Thứ Tư, 10-05-2017 | 19:44:59


1/ Câu chuyện bên Tây, câu chuyện bên Ta

Người công giáo Việt Nam chúng ta hãnh diện vì đi lễ đông, người nước ngoài cũng kinh ngạc về điều đó. Ở nhiều nước, người công giáo đi lễ đọc kinh không nhiều ngay cả ngày Chúa Nhật, còn ngày thường thì còn ít hơn nữa.

Điều đó làm chúng ta hãnh diện và hãnh diện đó làm chúng ta co cụm lại lo cho cộng đoàn mình, xứ đạo mình, địa phận mình. Xứ đạo khác có muốn phát triển thì cũng phải lo xây cất nhà thờ, nhà xứ, trung tâm mục vụ lộng lẫy và coi đó như là phát triển của Giáo hội. Chúng ta ít lo tới nền của toà nhà là cái không ai thấy, chúng ta ít lo tới đá tảng đức tin của ngôi nhà Giáo hội.

Từ đó chúng ta chê người khác hay lo ngại cho chuyện đi lễ đọc kinh của người khác: bỏ đạo đồng nghĩa với bỏ xưng tội, bỏ đi lễ, bỏ rước lễ… Điều đó không phải là sai nhưng có bao giờ chúng ta lo cho môi trường sống của chúng ta chưa thấm nhiễm tin mừng? Hậu quả là ăn cắp, gian dối, lường gạt… ngay nơi những người có vẻ đạo đức (bên ngoài)

Đàng khác, khi gặp những hành vi suy đồi về đạo đức, chúng ta đổ thừa cho xã hội, cho giáo dục, cho nhà nước… Cũng vậy, Nhà nước thường đổ thừa cho đế quốc, cho thế lực thù nghịch; linh mục thì đổ thừa cho giáo dân, cho Giám mục; giáo dân thì đổ thừa cho linh mục, cho sự làm biếng của linh mục, cho sự suy đồi, làm gương xấu của linh mục. Chúng ta tạm gọi đó là văn hoá đổ thừa: Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà.

2/ Việc rao giảng tin mừng nơi mọi người công giáo

Thực ra, chúng ta cũng không nên quá trách lẫn nhau. Có lẽ trách nhiệm ở nơi mỗi chúng ta. Đôi khi người công giáo chúng ta đến với Chúa vì sợ phạt, vì muốn nhận được ơn lành hồn xác… Điều đó không sai nhưng chưa đủ. Khi trở thành thành viên của Giáo hội, là phần tử trong Thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô qua bí tích Rửa tội, chúng ta được mời gọi làm tông đồ:

“Giáo Hội được khai sinh là để làm cho nước Chúa Kitô rộng mở trên khắp hoàn cầu, hầu làm vinh danh Thiên Chúa Cha: tức là làm cho mọi người tham dự vào việc chuộc tội và cứu rỗi, để rồi nhờ họ, toàn thể vũ trụ thực sự được qui hướng về Chúa Kitô. Mọi hoạt động của Nhiệm Thể hướng về mục đích này gọi là việc tông đồ, công việc mà Giáo Hội thực hiện nhờ tất cả các chi thể, tùy theo những cách thức khác nhau. Thật ra ơn gọi làm Kitô hữu tự bản chất cũng là ơn gọi làm tông đồ. Cũng như toàn bộ một cơ thể sống động, không chi thể nào hoàn toàn thụ động, nhưng cũng tham dự vào đời sống và công việc của toàn thân. Cũng thế, trong Nhiệm Thể Chúa Kitô tức Giáo Hội, toàn thân tùy theo công dụng khả năng từng phần tử khiến thân thể này gắn bó và liên kết chặt chẽ với nhau (x. Eph 4, 16), đến nỗi chi thể nào không hoạt động đúng tầm mức của mình trong việc tăng triển toàn thân đều bị coi là vô dụng đối với Giáo Hội cũng như với chính mình.” (AA, số 2)

Theo Công đồng Vat 2, mọi Kitô hữu đều được mời gọi rao giảng Tin mừng.

Trong Giáo Hội có nhiều tác vụ khác nhau nhưng đều cùng chung một sứ mệnh. Chúa Kitô đã trao phó cho các Tông Ðồ và những người kế vị các Ngài nhiệm vụ nhân danh và lấy quyền Người mà giảng dạy, thánh hóa và cai quản… (AA, số 2).

Về phần giáo dân, Giáo hội cũng có những hướng dẫn rõ ràng cho việc tông đồ giáo dân:

Giáo dân thực sự thi hành việc tông đồ bằng công việc của mình để rao giảng Phúc Âm và thánh hóa nhân loại, đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần và hoàn hảo hóa những việc thuộc phạm vi trần thế, sao cho công việc của họ thuộc lãnh vực này làm chứng tỏ tường về Chúa Kitô và góp phần vào việc cứu độ nhân loại. Vì bản chất riêng biệt của người giáo dân là sống giữa đời và làm việc đời nên chính họ được Thiên Chúa mời gọi để một khi tràn đầy tinh thần Kitô giáo, họ làm việc tông đồ giữa đời như men trong bột (AA, số 2).

Đồng thời, trong Tông Huấn Kitô Hữu Giáo Dân (Christifideles laici) của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, chúng ta cũng thấy Giáo hội dựa vào lời mời gọi đi làm vườn nho của ông chủ đế áp dụng vào việc kêu gọi giáo dân làm việc tông đồ:

Cả các anh nữa: Lời mời gọi không chỉ gửi tới các vị Chủ chăn, các linh mục, các tu sĩ nam nữ, nhưng tới mọi người: cả các giáo dân cũng được mời gọi đích danh, nhận lãnh từ Ngài một sứ vụ đối với Giáo Hội và thế giới. Khi giảng thuyết cho các kitô-hữu, Thánh Grêgôriô Cả nhắc lại điều đó khi ngài diễn giải dụ ngôn thợ làm vườn nho trong một bài giảng cho dân chúng: “Anh em thân mến, hãy lưu ý một chút về cách sống của anh em, hãy nghiêm chỉnh xét xem anh em có phải đã là thợ làm vườn của Chúa không. Mỗi người hãy tự xét việc mình làm và nhận định xem mình có làm việc trong vườn nho của Chúa hay không” (Christifideles laici số 2).

Một vài đường nét căn bản như thế giúp chúng ta hiểu và cố gắng hoàn thành vai trò của mình (giáo sĩ hay giáo dân) trong việc tông đồ. Thường thì chúng ta hay chỉ trích lẫn nhau khi công việc rao giảng Tin mừng bị khựng lại. Trong rất nhiều năm Giáo hội Việt Nam không tiến triển về tỉ lệ người công giáo trong nước. Mặc dù có nhiều người nhận được bí tích Rửa tội mỗi năm nhưng tỉ lệ vẫn vậy. Người lạc quan thì hy vọng vào chất lượng khi nhìn thấy số người đi lễ xưng tội đông (?). Người có cái nhìn bi quan thì cho rằng Giáo hội không quan tâm đến việc tông đồ mà các cha (các Giám mục ?) chỉ lo xây nhà thờ, các thứ xây… nên việc truyền giáo không tiến triển.

Có lẽ chúng ta nên coi lại chính mình (linh mục hay giáo dân) đã truyền giáo như thế nào trong đời sống kitô hữu? Tôi có tràn đầy “tinh thần Kitô giáo,” … để “làm việc tông đồ giữa đời như men trong bột không”?

3/ Đức ái như là linh hồn của tất cả mọi hoạt động tông đồ

Điều chúng ta không bao giờ được quên là mọi hoạt động của chúng ta phải đặt nền tảng trên đức ái. Chính đức ái thúc đẩy chúng ta hành động và như thế khi rao giảng tin mừng, khi làm việc tông đồ chúng ta cũng rao giảng vì yêu mến hay tỏ lộ ra bên ngoài đức ái bên trong của chúng ta. Điều này Công đồng dạy :

Giới luật bác ái, điều răn lớn nhất Chúa dạy, luôn thúc bách tất cả các tín hữu hoạt động để tôn vinh Thiên Chúa, làm cho nước Ngài hiển trị đến và đem lại cho mọi người sự sống đời đời là nhận biết Thiên Chúa duy nhất chân thật và Ðấng Ngài đã sai đến là Chúa Giêsu Kitô (x. Ga 17,3).(AA số 3)

Công đồng cũng không quên nhắc lại tầm quan trọng và sự liên kết chặt chẽ giữa môn đệ và sự yêu mến giữa các môn đệ, điều mà Chúa Giêsu đã dạy :

…”người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau” (Ga 13, 35). (AA số 8)

Tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa thúc đẩy họ thực thi điều lành cho tất cả mọi người, nhất là cho những người anh em trong đức tin (x. Gl 6,10), từ bỏ “mọi thứ gian ác, xảo trá, giả hình, ghen tương cũng như mọi lời nói xấu gièm pha” (1 Pr 2,1) và như vậy họ lôi kéo mọi người đến với Chúa Kitô. Hơn nữa tình yêu mà Chúa “tuôn đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần Người đã ban cho ta” (Rm 5,5) làm cho người giáo dân có khả năng biểu lộ cách cụ thể tinh thần các mối Phúc Thật trong chính đời sống của mình. Đi theo Chúa Giêsu khó nghèo, họ không tuyệt vọng khi thiếu thốn, cũng không kiêu căng khi dư dật ; noi gương Chúa Kitô khiêm hạ, họ không khao khát vinh quang hão huyền (x. Gl 5,26) nhưng chuyên chăm làm vui lòng Thiên Chúa hơn làm đẹp lòng người ta. Họ luôn sẵn sàng bỏ mọi sự vì Chúa Kitô (x. Lc 14,26), và chịu bách hại vì sống công chính (x. Mt 5,10), luôn nhớ lời Chúa nói : “Nếu ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta” (Mt 16,24). Cư xử với nhau trong tình thân ái của người Kitô hữu, họ sẵn sàng giúp đỡ nhau trong mọi nhu cầu của cuộc sống. (AA số 4)

Lời dạy đó là gì nếu không phải là mời gọi chúng ta đi vào cốt lõi của việc rao giảng tin mừng. Nếu cuộc sống của kitô hữu chúng ta thấm nhuần tình yêu của Thiên Chúa, nếu cuộc sống của chúng ta là cuộc sống của tràn đầy tình yêu Chúa và yêu người khác thì chính đó là men cho khối bột dậy men, một hình ảnh Chúa dùng cho việc rao giảng tin mừng. Có lẽ chúng ta cần suy nghĩ đến điều nầy khi truyền giáo. Rất nhiều người tin vào Đức Kitô do gương sáng yêu mến của một người. Gương đó là gương yêu mến Chúa khi đi theo những nhóm cầu nguyện, khi quen với người đạo đức, khi tham dự các cuộc hành hương của người công giáo, khi thấy đời sống tận hiến, yêu mến Chúa của các tu sĩ,…

Đàng khác, không thiếu gì người trở thành kitô hữu khi đi theo các nhóm từ thiện của người công giáo, cảm nghiệm được thiện chí, sự hy sinh phục vụ người nghèo trong âm thầm, vô vị lợi, trong khiêm tốn, thấy được niềm vui tràn đầy khi làm cho người khác được hạnh phúc. Chính vì thế Giáo hội dạy :

Công trình cứu chuộc của Chúa Kitô, dù chủ yếu liên quan đến việc cứu rỗi con người, nhưng cũng bao hàm việc canh tân toàn thể trật tự trần thế. Do đó, sứ mệnh của Giáo Hội không chỉ là đem Tin mừng và ân sủng của Chúa Kitô cho nhân loại, nhưng còn đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần và hoàn thiện các thực tại trần thế (AA số 5).

4/ Trật tự trần thế bao gồm những gì?

Một trong những cách để loan báo tin mừng đó là “đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần và hoàn thiện các thực tại trần thế” vậy thì đâu là trật tự trần thế ? Công đồng Vat 2 viết :

Trật tự trần thế bao gồm nhiều thực tại, chẳng hạn những thiện ích của cuộc sống và gia đình, văn hóa, kinh tế, nghề nghiệp và chuyên ngành, các thể chế cộng đồng chính trị, mối bang giao quốc tế và những thực tại tương tự khác, cộng với những biến chuyển và tiến bộ trong mọi lãnh vực, tất cả những thực tại đó, không chỉ là phương tiện để con người đạt đến cùng đích của mình, nhưng còn có giá trị riêng do chính Thiên Chúa đặt định, hoặc xét ngay trong chính bản chất của chúng, hoặc xét như thành phần của toàn thể trật tự trần thế: “Thiên Chúa nhìn muôn vật Ngài đã tạo thành và thấy tất cả đều rất tốt đẹp” (Stk 1, 31) (AA số 7).

Nhận định của Công đồng cho thấy lãnh vực rất rộng của thực tại trần thế. Vậy thì mọi người chúng ta (giáo sĩ và giáo dân) cùng nhau hành động để bảo vệ và nâng cao sự tốt đẹp của các thực tại trần thế trong đó ơn gọi của giáo dân là đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần và hoàn hảo hóa những việc thuộc phạm vi trần thế do bản chất riêng biệt của giáo dân là sống giữa đời. Điều ai cũng thấy là có những việc giáo dân không làm được vì dành cho hàng giáo sĩ thí dụ các bí tích, có những việc dành riêng cho giáo dân như trở nên công chức trong chính quyền.

5/ Làm tông đồ trong môi trường xã hội

Về việc hoạt động tông đồ nơi môi trường xã hội, Công đồng cho biết :

Các hoạt động tông đồ trong môi trường xã hội tập trung vào nỗ lực làm cho tinh thần Kitô giáo thấm nhuần đến tận tâm thức, phong tục, luật lệ và cơ cấu của cộng đồng nơi mọi người đang sinh hoạt, đây chính là phận vụ và công tác mà không ai khác có thể chu toàn thay thế cho người giáo dân được. Đây là nơi người giáo dân có thể làm tông đồ cho người có cùng hoàn cảnh sinh sống. Ở đó họ dùng chứng tá của đời sống làm chứng từ của lời nói trở nên trọn vẹn. Cũng ở đó, họ dễ dàng giúp đỡ anh chị em trong môi trường lao động hay nghề nghiệp, trong khung cảnh học hành, cư trú, giải trí, cũng như trong sinh hoạt cộng đồng tại địa phương. (AA số 13)

Hướng dẫn của Công đồng cho thấy không ai có thể thay thế giáo dân trong môi trường sống của họ và vì thế đây cũng chính là nơi họ thực hiện công việc rao giảng tin mừng. Cụ thể hơn nữa thì nhà máy, trường học, nhà hàng, khách sạn, chợ búa … là những nơi người giáo dân được mời gọi rao giảng tin mừng.

Vì thế nếu ở những nơi đó, người công giáo chúng ta cũng hành xử y như người khác, cũng mánh mung gian dối y như mọi người, cũng giả trá như mọi người thì liệu chúng ta có góp phần cho việc rao giảng tin mừng không ? Vậy mà không thiếu người mang danh là công giáo nhưng làm giàu nhờ làm hàng giả, hàng độc hại để thu lợi như mọi người. Họ đã sống theo nguyên tắc “mọi người đều làm thế”. Nguyên tắc đó đã thay thế cho những hướng dẫn của tin mừng. Vậy thì ai trong chúng ta là người loan báo tin mừng, chúng ta có thể đổ thừa cho người khác tại sao họ không loan báo tin mừng. Đời sống linh mục tu sĩ cũng thế. Nếu tỏ ra bên ngoài một cuộc sống chạy theo danh lợi thú như rất nhiều người hiện nay thì ai là người rao giảng tin mừng, ai là người đem lời dạy của Chúa Giêsu cho người khác. Tự bản chất mình không phải là men thì làm sao có thể làm đống bột dậy men.

6/ Vấn đề ô nhiễm môi trường

Ngày nay Giáo hội cũng như mọi người đều thấy tình trạng ô nhiễm môi trường mang tính toàn cầu. Vài sự kiện lớn vừa qua tại nước Việt Nam cũng như trên thế giới cho thấy tình trạng ô nhiễm đã đến mức báo động. Chính vì thế Giáo hội cùng với toàn thế giới dấn thân vào chiến dịch bảo vệ môi trường với Thông điệp Laudato Si’ của Đức Thánh Cha Phanxico. Đức Thánh Cha có cách tiếp cận vấn đề bảo vệ môi trường không như nhà khoa học, chính trị mà như người đi theo Đức Kitô:

Tôi tin rằng, thánh Phanxicô là mẫu gương tuyệt vời cho việc tôn trọng những gì yếu đuối và cho một sinh thái được sống cách trọn vẹn đầy niềm vui đích thực. Ngài chính là vị Thánh cho tất cả những ai tìm hiểu và làm việc trong lãnh vực sinh thái; Ngài được nhiều người không phải là Kitô hữu yêu mến. Ngài cho thấy một sự chú tâm đối với sáng tạo của Thiên Chúa và đối những kẻ nghèo hèn và cô đơn nhất. Ngài yêu thích niềm vui với một tâm hồn thanh thản, Ngài đã sống sự tận hiến quảng đại với tâm hồn rộng mở. Ngài là một vị huyền nhiệm và là một lữ khách sống trong sự đơn sơ và hòa hợp với Thiên Chúa, với kẻ khác, với vạn vật và với chính bản thân. Trong Ngài, chúng ta thấy rõ mức độ Ngài liên kết tất cả việc chăm sóc thiên nhiên, sự công bằng với kẻ nghèo, việc dấn thân cho xã hội và bình an nội tâm vào một điểm gắn kết chung với nhau, không thể phân ly (Laudato Si số 10).

Từ điểm khởi đầu (Tin mừng) đó mà Thông điệp cho thấy không thể giải quyết đơn lẻ vấn đề. Con người phải cố gắng sống hoà hợp với Thiên Chúa, với người khác và với vũ trụ vạn vật. Nói cách khác phải đặt vấn đề ô nhiêm môi trường trong cơn khủng hoảng lớn hơn của con người hôm nay:

Khi cơn khủng hoảng môi sinh mang ý nghĩa một sự phá vỡ hay là làm nổi bật một cơn khủng hoảng về mặt luân lý, văn hóa và tinh thần của thời hiện đại, chúng ta không thể đòi hỏi việc chữa trị cho liên hệ của chúng ta với thiên nhiên và môi trường, mà không chữa trị liên hệ nền tảng giữa con người. Khi suy tư Kitô giáo đòi buộc một giá trị đặc biệt cho con người đối với các thụ tạo khác, sẽ có cơ hội để đánh giá từng cá nhân và đòi phải công nhận những kẻ khác. Một khai mở cho “một người đối diện” với khả năng nhận biết, yêu thương và đối thoại, thì đó là một giá trị quí giá của con người. Vì thế, để có một liên hệ thích hợp với thế giới thụ tạo, thì không cần phải đánh giá thấp chiều kích xã hội của con người, cũng như chiều kích siêu vượt, sự cởi mở cho Thiên Chúa. Thật vậy, người ta không thể nhìn liên hệ với môi trường bị tách biệt khỏi liên hệ với những người khác và với Thiên Chúa. (Laudato Si’ số 119)

Để dễ hiểu hơn chúng ta quan sát vấn đề ô nhiễm nguồn nước hiện nay. Nhiều thông tin cho thấy nguồn nước bị ô nhiễm do các chất thải: chất thải nông nghiệp (phân hoá học, thuốc trừ sâu), chất thải công nghiệp (do các nhà máy) chất thải sinh hoạt (thức ăn thừa, nhựa, hộp giấy, bao bì, thuỷ tinh, lon kim loại…) Phần lớn những chất thải này đi vào thiên nhiên thì cần phải có nhiều thời gian để phân huỷ hay cần có nhiều thời gian để trở nên vô hại. Hiện tượng cá chết, hiện tượng con người bị bệnh tật do sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm đang ở mức cao cho thấy tình trạng ô nhiễm đang ở mức báo động. Thế nhưng, nguyên nhân sâu xa của việc này là do lối sống chỉ lo cho mình, cho lợi nhuận của mình mà không quan tâm đến hành vi đó làm cho người khác bị tổn thương. Khi quăng rác, khi đổ chất thải vào sông rạch, chúng ta đã chỉ nhắm đến việc cho nhà mình, xí nghiệp mình được sạch, chúng ta không nghĩ đến người bị hại. Vì thế, nếu chúng ta chỉ chăm chú vào chiến dịch nhặt rác, phạt người xả rác, phạt công ty làm ô nhiễm mối trường thì chúng ta chỉ giải quyết được ngọn của vấn đề, gốc rễ vẫn còn nguyên đó và sẽ biến tướng sang ô nhiễm khác làm môi trường sống của chúng ta tiếp tục bị đe doạ.

Chính vì thế ĐGH Phanxico viết:

Vì tất cả nằm trong liên hệ, nên việc bảo vệ thiên nhiên không được làm cớ để hợp thức hóa việc phá thai. Một con đường giáo dục, đón nhận người yếu đuối chung quanh chúng ta, đôi khi cũng làm cho chúng ta khó chịu hay không cần thiết, xem ra không thể thực hành được, khi người ta không bảo vệ một bào thai, ngay như việc sinh nở làm cớ cho những khó khăn và bất lợi: “Khi ý nghĩa cá nhân và xã hội đối với việc chấp nhận một cuộc sống mới bị mất đi, thì những hình thức đón nhận hữu ích cho đời sống xã hội cũng bị khô cằn” (Laudato Si’ số 120)

Phá thai là giết một người không tự bảo vệ được và điều đó xuất phát từ nguyên nhân sâu xa: tôi có quyền trên người khác, tôi có quyền tước đoạt mạng của người khác, nhất là của kẻ yếu đuối không có phương tiện để tự bảo vệ: hành động này đụng chạm đến tình yêu đồng loại và đưa đến chỗ không tôn trọng mạng sống người tàn tật…

Ai có thể thống kê được số những trẻ em không được chào đời, vì chúng đã bị giết hại từ trong lòng mẹ, số các trẻ em bị bỏ rơi, hay bị cha mẹ ngược đãi, số các trẻ em lớn lên không được yêu thương và giáo dục? Trong một số quốc gia, có những tập thể dân cư không có nhà ở cũng không có việc làm, thiếu những phương tiện cần thiết để sống cho ra con người. Có những xóm nghèo khổ và cùng khốn thật kinh khủng, cả về thể chất lẫn tinh thần, từ đây mọc lên quanh các đô thị lớn và gây tác hại trầm trọng đến toàn bộ những nhóm người.

Như thế ô nhiễm môi trường sống không chỉ là ô nhiễm nguồn nước, không khí mà còn chính con người chúng ta bị ô nhiễm bởi lối sống chạy theo những nguyên tắc làm cho môi trường sống của chúng ta trở nên bất ổn. Hiện nay vấn đề an toàn thực phẩm được chú trọng vì tình trạng sản xuất thực phẩm không an toàn khi đưa chất độc hại vào sản xuất làm sản phẩm to lớn hơn, tăng trọng nhanh hơn, đẹp hơn, được ưa chuộng hơn, bán nhanh hơn, thu được nhiều lợi nhuận hơn… Lương tâm không bằng lương tháng: làm hại người khác không quan trọng bằng thu được nhiều lợi nhuận. Nhất thân nhì thế cũng là nguyên tắc sống để được thành công trong công việc. Nguyên tắc này sẽ hình thành những nhóm lợi ích đưa tới lũng đoạn đời sống xã hội… Đó là vài nguyên tắc sống đưa tới môi trường xã hội trở nên khó sống hơn, đạo đức xã hội suy đồi hơn, người xấu (kiếm được nhiều tiền do những việc làm bất chính) được nhiều người coi trọng khi họ khoe xe khủng, khoe xài hàng hiệu, khoe biệt thự sang trọng… Được coi trọng hay được ngưỡng mộ không phải vì đời sống đạo đức, tốt đẹp mà do người đó có sắc đẹp, giàu có, xài sang… Những nguyên tắc sống đó đẩy lùi và thay chỗ nguyên tắc đạo đức ngàn đời hay luật tự nhiên nơi mỗi người. Từ đó câu hỏi về chân lý được đặt ra: Phải chăng mục đích đời người là tìm, chiếm hữu và hưởng thụ danh, lợi, thú và chỉ vậy mà thôi? Vậy thì đâu là sự thật, đâu là cứu cánh của đời người?

7/ Sự thật và môi trường xã hội

Ngày nay người ta nói nhiều về chuyên giả dối: bằng giả, đám cưới giả, lường gạt, và người ta hay nói “nói vậy mà không phải vậy”. Vậy mà người ta không thể sống chung với nhau khi giả dối với nhau, khi không tin tưởng với nhau hay người ta lầm tưởng rằng có thể luôn lường gạt người khác.

Cách đây chừng nửa thế kỷ, Adolf Hitler đã nói: “Lời nói dối lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ trở thành sự thực”. Người ta có thể tìm thấy nhiều câu chuyện minh hoạ cho câu nói nầy, trong đó có chuyện Tăng Sâm.

Tăng Sâm (505 – 435 TCN), là một trong những môn đồ xuất sắc nhất của Khổng Tử, Tăng Sâm có một giai thoại nổi tiếng về chuyện thông tin sai sự thật.

Thuở hàn vi, có một kẻ trùng tên với Tăng Sâm giết người. Hàng xóm báo tin dữ cho mẹ Tăng Sâm: “Tăng Sâm giết người”. Bà mẹ nói: “Chẳng khi nào con ta lại giết người”. Rồi bà lại điềm nhiên ngồi dệt cửi. Một lúc sau, lại có người đến bảo: “Tăng Sâm giết người”. Bà mẹ không nói gì, cứ điềm nhiên dệt cửi. Một lúc nữa, lại có người đến báo: “Tăng Sâm giết người”. Lần này thì bà sợ cuống cuồng, quăng thoi, vứt khung, vội trèo qua tường chạy trốn: Nghe nói nhiều lần, người ta tưởng đó là sự thật.

Thế nhưng nếu phân tích kỹ lưỡng người ta vẫn thấy rõ hai chuyện khác nhau: sự thật và biết sự thật. Sự thật thì trước sau như một: Tăng sâm vẫn không giết người. Hiểu biết sự thật thì có thể thay đổi: bà mẹ thì trước có phán đoán đúng với sự thật: con mình không thể giết người nhưng sau lại cho rằng con mình giết người là thật (do thông tin mà phán đoán sai sự thật). Câu chuyện không tiếp nhưng chúng ta có thể đoán là về sau bà vẫn biết là con mình không giết người: thông tin có thể làm chúng ta lạc xa sự thật. Đây là vấn đề của thông tin, quảng cáo ngày nay làm chúng ta không biết đâu là thật, đâu là giả. Vậy mà nghe và sống theo sự thật thì cuộc sống được đảm bảo hơn.

Trong vụ cá chết hàng loạt, nếu chúng ta cho rằng cá chết là do thời tiết thì chắc không ai bị trúng độc vì ăn cá. Thế nhưng nếu cá do bị nhiễm độc thì người ăn có nguy cơ bị tử vong. Cho dù người ta có đưa ra nhiều nguyên nhân làm cá chết thì điều đó không làm thay đổi sự thật là cá chết vì bị nhiễm độc và người ăn cá chết vì bị nhiễm độc đó có thể bị chết cho dù người ăn tin là cá đó không bị nhiễm độc. Hiện tượng nói sai sự thật phổ biến trong môi trường sống của chúng ta. Người ta có thể trương bảng hiệu thịt heo sạch để bán giá cao nhưng thực ra không sạch mấy. Bán trái cây của nước này nhưng thực chất là của nước khác. Những điều đó có thể đưa đến chỗ người ta không còn tin tưởng nhau nữa. Vậy thì đời sống xã hội sẽ gặp nhiều trục trặc khi quan hệ trong xã hội không dựa trên tin tưởng và trên sư thật.

Vậy mà đời sống xã hội luôn dựa vào tin tưởng nhau, tin tưởng vào lời nói và lời hứa của nhau. Đàng khác sống theo sự thật luôn là chọn lựa của Kitô hữu vì ai nghe theo sự thật là nghe tiếng Chúa, ai phục vụ việc loan truyền sự thật là phục vụ Chúa.

8/ Để kết

Một vài nhận xét như trên cho thấy rằng hoạt động tông đồ giáo dân trong xã hội hôm nay không phải dễ. Xin nhắc lại là nếu chúng ta cứ đổ thừa cho nhau thì việc tông đồ giáo dân cũng không phát triển. Nếu việc tông đồ giáo dân phát triển nhưng không dựa vào yêu mến mà dựa vào ép buộc thì phát triển đó không thể bền vững vì ngôi nhà ấy đã được xây trên cát.

Tâm lý của mỗi người chúng ta là muốn thấy kết quả công việc mình làm, muốn thấy có nhiều người chịu bí tích Rửa tội. Không thấy kết quả thì coi như thất bại. Thực ra, việc rao giảng Tin mừng không phải lúc nào cũng thấy được kết quả tức là có người chịu bí tích Rửa tội. Đôi khi công việc chúng ta như ném đá xuống hồ Nhiều người ném nhưng các hòn đá đều mất tích không thấy nổi lên. Chỉ có những người ném sau cùng mới thấy đá nổi lên.

Nếu mỗi người chúng ta cùng nguyền rủa bóng tối, chúng ta vẫn sống trong bóng tối. Nếu chúng ta trách nhau, mạ lỵ nhau về đời sống ngược với Tin mừng, chúng ta vẫn mãi sống trong bóng đêm. Thế nhưng nếu mỗi người chúng ta cố gắng sống một nét của Tin mừng Đức Giêsu Kitô, chúng ta hy vọng mình là ngọn đèn leo lét và chúng ta cùng làm cho màn đêm bớt đen hơn. Nếu mỗi người là một cành hoa thì vườn hoa nhân loại nhiều màu sắc hơn, cỏ dại bớt đi và môi trường xã hội được tốt đẹp hơn. Phải chăng đó là cách để chúng ta làm tông đồ giáo dân trong xã hội hôm nay.


LM. Ernest Nguyễn Văn Hưởng

Viết theo Công Đồng Vat 2, Sắc lệnh Tông đồ Giáo Dân
(Apostolicam Actuositatem viết tắt AA)

Tags: , ,

Có thể bạn quan tâm