Bài phát biểu của Đức Thánh Cha Phanxicô với Ủy ban Di dân Công giáo Quốc tế

Chúa Nhật, 11-03-2018 | 18:00:45

“Nguyện xin Chúa Thánh Thần tiếp tục soi sáng cho tất cả anh chị em, khi anh chị em thi hành sứ mạng quan trọng của mình trong việc biểu lộ tình yêu đầy lòng thương xót của Thiên Chúa đối với các anh chị em di dân của chúng ta”

Dưới đây là bản dịch bài phát biểu của ĐTC Phanxicô hôm 8/3 do Vatican cung cấp tại Vatican với các thành viên của Ủy Ban Di dân Công Giáo Quốc Tế (ICMC), nhân Phiên họp Toàn Thể của họ, diễn ra tại Rome từ ngày 6-8 tháng 3 năm 2018:


Anh chị em thân mến,

Tôi xin gửi đến toàn thể anh chị em lời chào mừng nồng nhiệt nhân dịp Phiên họp toàn thể của Ủy ban Di dân Công giáo Quốc tế. Xin chân thành cảm ơn Đức Hồng y Njue, Chủ tịch ICMC, vì lời chào mừng cũng như phần trình bày tổng quan ngắn gọn về công việc của anh chị em.

Theo Thánh Gioan Phaolô II, người đã nhắc lại những lời của Chân Phúc Phaolô VI, tôi muốn khẳng định lại rằng mục đích của tổ chức này mà anh chị em là một phần trong đó cũng chính là mục đích của chính Chúa Kitô (Bài phát biểu với các thành viên ICMC, ngày 12 tháng 11 2001: Insegnamenti XXIV, 2 [2001], 712). Thực tế này đã không thay đổi theo thời gian; trái lại, sự cam kết của anh chị em đã trở nên sâu sắc hơn bằng việc phản ứng lại trước những điều kiện sống vô nhân đạo mà hàng triệu anh chị em di dân và tị nạn đã phải trải qua ở nhiều nơi trên thế giới. Cũng như Ngài đã thực hiện trong thời gian nô lệ ở Ai Cập, thì Thiên Chúa cũng lắng nghe tiếng kêu than của họ và nhận biết những đau khổ của họ (xem Xh 3,7). Ngày nay cũng như trong quá khứ, việc giải thoát người nghèo, người bị áp bức và bị bức hại là một phần không thể tách rời đối với sứ mạng mà Thiên Chúa đã giao phó cho Giáo hội. Công việc của Uỷ ban của anh chị em thể hiện một cách diễn tả hữu hình đối với cam kết truyền giáo quan trọng này. Phần lớn đã thay đổi kể từ khi Uỷ ban của anh chị em được thành lập vào năm 1951. Nhu cầu ngày càng trở nên phức tạp hơn bao giờ hết, các công cụ để đáp ứng ngày càng trở nên tối tân hơn, và công việc phục vụ của anh chị em ngày càng chuyên nghiệp. Tạ ơn Chúa, không có thay đổi nào trong số này lại làm giảm sút đi sự trung thành của Ủy ban đối với sứ mạng của mình.

Thiên Chúa đã sai ông Mô-sê đến giữa những người bị áp bức, để lau khô những giọt nước mắt và đồng thời phục hồi niềm hy vọng của họ (xem Xh 3: 16-17). Trong hơn sáu mươi lăm năm làm việc, Ủy ban đã làm rõ vai trò của mình bằng việc thi hành công việc hỗ trợ đa dạng của Giáo hội cho những người nhập cư và những người tị nạn trong nhiều tình huống rất cần đến sự giúp đỡ. Nhiều dự án được khởi xướng trên năm lục địa đại diện cho những trường hợp điển hình của bốn động từ – chào đón, bảo vệ, khuyến khích và hội nhập – theo đó tôi muốn mô tả phản ứng mục vụ của Giáo Hội khi đối diện với vấn đề di dân đương đại (xem Sứ điệp nhân Ngày Di dân và Tị nạn Thế giới năm 2018, ngày 15 tháng 8 năm 2017).

Tôi hy vọng rằng công việc này sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho các Giáo hội địa phương để thực hiện tất cả những gì có thể cho những người đã bị buộc phải rời khỏi quê hương đất nước cũng như những người thường xuyên trở thành những nạn nhân của sự gian xảo, bạo lực và lạm dụng dưới mọi hình thức. Nhờ những kinh nghiệm quý giá đã được tích lũy qua nhiều năm làm việc, Ủy ban có thể cung cấp sự trợ giúp chuyên môn cho các Hội đồng Giám mục và các Giáo phận nhằm tìm cách đối phó hiệu quả hơn với thách đố mang tính thời đại này.

“Ngươi hãy đi! Ta sai ngươi đến với Pha-ra-ô để đưa dân Ta là con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập” (Xh 3:10). Với những lời này, Thiên Chúa đã sai Mô-sê đến với Pha-ra-ô, để thuyết phục ông giải thoát dân Người. Để giải thoát cho những người mà ngày nay đang bị áp bức, bị bỏ rơi và nô dịch, cần phải thúc đẩy việc đối thoại cởi mở và chân thành với các nhà lãnh đạo chính phủ, một cuộc đối thoại vốn tính đến những trải nghiệm thực tế, những đau khổ và khát vọng của người dân, để một lần nữa nhắc nhở tất cả mọi người về trách nhiệm của mình. Các tiến trình đã được khởi động bởi cộng đồng quốc tế đối với một thỏa thuận toàn cầu về người tị nạn, và một quy trình di dân an toàn, có trật tự và ổn định, đại diện cho một diễn đàn đặc biệt đối với việc thực hiện cuộc đối thoại như vậy. Cũng vậy, ở đây, Ủy ban đã đi đầu trong việc đưa ra một sự đóng góp có giá trị và có thẩm quyền cho việc phát triển những cách thức mới cần thiết cho cộng đồng quốc tế để đáp ứng với sự tiên đoán trước những hiện tượng điển hình của thời đại chúng ta.

Tôi vui mừng vì nhiều Hội đồng Giám Mục đang hiện diện nơi đây đang hướng tới chiều hướng này, với mục tiêu chung đó là làm chứng trước toàn thế giới về mối bận tâm mục vụ của Giáo Hội đối với toàn thể các anh chị em di dân và tị nạn của chúng ta.

Công việc này vẫn chưa chấm dứt. Chúng ta phải cùng nhau khuyến khích các quốc gia phối hợp các phản ứng phù hợp và hiệu quả hơn đối với những thách thức được đặt ra bởi những vấn đề về di dân; và chúng ta có thể thực hiện điều này trên cơ sở của các nguyên tắc thiết yếu của Giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Chúng ta cũng phải tự cam kết để đảm bảo rằng, như một dấu hiệu của tinh thần chia sẻ trách nhiệm toàn cầu, cam kết cụ thể theo sau những từ ngữ đã được hệ thống hoá trong hai hiệp định đã được nói ở trên. Tuy nhiên, cam kết của Ủy ban thậm chí còn hơn thế nữa. Nguyện xin Chúa Thánh Thần tiếp tục soi sáng cho tất cả anh chị em, khi anh chị em thi hành sứ mạng quan trọng của mình trong việc biểu lộ tình yêu đầy lòng thương xót của Thiên Chúa đối với các anh chị em di dân của chúng ta. Tôi hứa sẽ nhớ đến anh chị em trong những lời cầu nguyện của tôi; và tôi cũng mong anh chị em sẽ vui lòng đừng quên cầu nguyện cho tôi.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Tags: , ,

Có thể bạn quan tâm