Đức Thánh Cha nhấn mạnh điều này khi ngài tiếp kiến Liên đoàn Châu Âu các Hiệp hội Gia đình Công giáo (FAFCE) hôm 01/06/2017 tại Vatican nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập tổ chức này. Đại diện cho các hiệp hội gia đình Công giáo từ 14 quốc gia châu Âu, FAFCE có tư cách tham gia vào Hội đồng Châu Âu.
Đức Thánh Cha nhìn nhận rằng cuộc gặp đã đưa các gia đình từ nhiều nước châu Âu đến Rôma, ngài nhắc nhở: “Gia đình không phải là các hiện vật bảo tàng, nhưng thông qua họ, quà tặng này được cụ thể hóa thành cam kết chung và không chỉ mở ngỏ quảng đại cho con cái mà còn phục vụ xã hội”.
Đức Thánh Cha khen ngợi các hoạt động khác nhau của họ đều hướng tới phục vụ toàn diện cho gia đình, “vốn là tế bào cơ bản của xã hội”. “Hoạt động của anh chị em nên giúp nhắc nhở mọi người rằng không có đồng minh nào tốt hơn cho sự tiến bộ tích cực của xã hội hơn là ủng hộ sự hiện diện của các gia đình trong cơ cấu xã hội”.
“Ngày nay, gia đình cũng là nền tảng của xã hội và vẫn là cơ cấu phù hợp nhất để đảm bảo cho con người toàn diện những điều thiết yếu cho sự phát triển không ngừng của họ”.
Ngài cho hay sự hiệp nhất của tất cả các thành viên trong gia đình, và sự cam kết huynh đệ của gia đình với xã hội, là những đồng minh của thiện ích chung và của hòa bình, ở châu Âu cũng vậy.
Sự hiệp thông của con người
Gia đình là mối tương quan liên nhân vị nổi trội, vì nó là sự hiệp thông của con người.
“Các mối tương quan như vợ chồng, cha mẹ, con trai, con gái, anh chị em, làm cho mọi người có thể tìm thấy một nơi chốn trong gia đình nhân loại”.
Đức Thánh Cha cho hay có bốn khủng hoảng ảnh hưởng đến Châu Âu vào thời điểm hiện tại: nhân khẩu học, di cư, việc làm và giáo dục.
“Những cuộc khủng hoảng này có thể nhận thấy kết quả tích cực trong văn hoá gặp gỡ, nếu các cá nhân khác nhau về xã hội, kinh tế và chính trị tham gia vào việc định hình các chính sách hỗ trợ cho gia đình”.
Ngài nói rằng để thực hiện công việc khó khăn này, “gia đình không thể bị cô lập như một người du mục.”
“Các gia đình cần phải tự ra đi; họ cần phải đối thoại và gặp gỡ tha nhân để xây dựng một sự hiệp nhất nhưng không đồng nhất và có thể tạo ra tiến bộ, thúc đẩy thiện ích chung”.
Sau khi nhắc nhở họ về sự khôn ngoan của người già, Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc bằng việc ban phép lành cho họ và nhắc nhở họ cầu nguyện cho ngài.
Tạ Ân Phúc