Phút suy tư: Sống đẹp - Chết đẹp

Thứ Bảy, 18-11-2017 | 18:48:49

Con người hiện hữu trên đời, chỉ có một lần sinh ra và một lần chết. Dù văn minh tiến bộ đến đâu, người ta không thể phủ nhận điều ấy. Nếu người ta không được quyền chọn lựa nơi chốn, gia đình và quê hương để sinh ra, thì người ta lại có thể lựa chọn hoặc chuẩn bị cho mình một cái chết. Có những người tuy cuộc đời ngắn ngủi mà để lại danh thơm tiếng tốt; cũng có những người già lão cao niên, nhưng tên tuổi của họ để lại nỗi kinh hoàng cho người đời. Vì thế, người ta nói đến “sống đẹp” và “chết đẹp”, như một nguyện ước và một lý tưởng để phấn đấu noi theo.

Thế nào là sống đẹp? ai cũng hiểu, sống đẹp là sống hòa thuận liên đới với mọi người. Người sống đẹp là người biết đối nhân xử thế, kính trên nhường dưới, đức độ hài hòa và luôn biết sống vì tha nhân, đem niềm vui cho người khác.

Thế nào là chết đẹp? đó là cái chết của những bậc anh hùng. Đối với họ, chết không còn là một nỗi sợ hãi, nhưng lại là một cơ hội để họ trung thành với một lý tưởng. Tên tuổi của họ lưu danh cho muôn đời hậu thế, và được các thế hệ học hỏi noi theo. Có thể đó cũng là cái chết rất nhẹ nhàng, an bình thanh thản của một người khi kết thúc cuộc đời trần thế, vì họ đã chu toàn bổn phận khi sống trên trần gian, khi nằm xuống để lại tiếc thương cho mọi người xung quanh, dù không họ hàng huyết tộc.

Các tác giả Tân ước đều kể lại cái chết của Đức Giêsu trên thập giá. Tuy có một vài nét khác biệt, nhưng cả bốn sử gia (Matthêu, Máccô, Luca và Gioan) đểu nhấn mạnh đến cái chết của Chúa là cái chết mang ơn cứu độ. Đó là cái chết vì yêu thương, một tình yêu thương cho đến cùng. Trên thập giá, vào giờ phút hấp hối, Chúa Giêsu vẫn cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha trong tâm tình phó thác của người con thảo. Người cũng nghĩ đến những người thân, và phó thác thân mẫu của Người là Đức Maria cho môn đệ yêu dấu là Gioan, cùng trao gửi ông cho Đức Mẹ. Cử chỉ này, vừa diễn tả mối quan tâm, vừa diễn tả “tình người” mà Đức Giêsu thể hiện trong những giây phút cuối đời. Cái chết của Chúa được diễn tả như một cái “chết đẹp”. Đó cũng là tình yêu ở mức cao cả nhất, như Chúa đã nói: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu”. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là cái chết tự nguyện, như một hy lễ dâng hiến, xin ơn cứu độ cho nhân loại. Cái chết của Người cũng là một bằng chứng hùng hồn về tình thương của Thiên Chúa, Đấng đã mang lấy trên thân mình tội lỗi thế gian.

Nếu những người chết vì dân vì nước đáng được hậu thế ngưỡng mộ và nghiêng mình, thì những người chấp nhận sự chết vì đức tin còn đáng ca tụng gấp nhiều lần. Họ không màng lợi danh. Họ không mưu cầu lợi lộc trần thế. Họ chỉ đau đáu một niềm, đó là làm sao để giữ trọn nghĩa với Chúa. Sinh ra làm người, ai mà không muốn sống lâu trường thọ, gia đình đầm ấm, tương lai xán lạn, ai mà không muốn sống yên ổn, hưởng bổng lộc triều đình? Các Thánh Tử đạo sẵn sàng khước từ những bổng lộc vua ban. Họ cũng chấp nhận những đàm tiếu khinh dể của người đời, coi họ như những kẻ phản trắc và những người mê muội. Những phê phán của người đời không làm họ nhụt chí. Những vu khống của người đời không khiến họ lung lay. Đối với họ, trung thành với Chúa là điều quan trọng nhất. Họ sẵn sàng hy sinh mọi sự, vì họ đã chọn Chúa làm gia nghiệp và là đích điểm tối thượng cho đời mình. Trong số khoảng 130 ngàn tín hữu Việt Nam đã chấp nhận đổ máu đào làm chứng cho Chúa, có 117 vị đã được phong hiển thánh và một vị đã được phong chân phước. Cũng như Giáo Hội trong những thế kỷ đầu, được xây nền từ đau thương khổ hình của các vị Tử đạo giáo đoàn Rôma, Giáo Hội tại Việt Nam đã sinh ra và lớn lên từ những đau thương của các thánh Tử đạo. “Máu tử đạo là hạt giống sinh ra các tín hữu” (Văn hào Tertulianô). Cộng đoàn công giáo Việt Nam lớn mạnh và sinh động như ngày hôm nay, là nhờ máu của các thánh Tử đạo.

Nếu các thánh Tử đạo đã “chết đẹp”, thì trước đó, các ngài đã sống đẹp. Các thánh Tử đạo là ai? đó là những vị giám mục, linh mục, tu sĩ. Đó cũng là những người nông dân chất phác quanh năm chân lấm tay bùn. Đó là những người cha người mẹ tần tảo sớm hôm để nuôi dạy con cái. Khi cuộc bách hại khủng khiếp xảy đến theo lệnh của triều đình, những con người bình dị ấy bỗng trở nên những chiến sĩ đức tin. Ta hãy nghe câu trả lời rất đơn sơ mà sâu sắc của thánh Giuse Lê Đăng Thi, Cai đội (1825-1860). Khi nghe những lời các quan khuyên bỏ đạo, ông đã khẳng khái nói: “Tôi không chống lại vua, tôi vẫn kính trọng vua và triều đình. Nhưng vâng lệnh vua mà bỏ Thiên Chúa thì tôi không thể làm theo. Vì phải vâng lời Thiên Chúa trước hết và trên hết. Như vậy, tôi không thất trung thất hiếu với vua” (Trích sách “Hạnh tích các Thánh Tử đạo Việt Nam”, Lm Nguyễn Đức Việt Châu, tr. 380). Những người ác cảm với Giáo Hội thường cho rằng, các vị tử đạo là những người chống lại triều đình hoặc phản bội quê hương để đi theo người ngoại quốc. Không phải như vậy, các ngài là những người yêu quê hương dân tộc, luôn mong muốn những điều tốt đẹp cho đồng bào. Các ngài cũng là những người luôn trung hiếu với vua. Tuy vậy, trước sự chọn lựa giữa việc tuân giữ lệnh truyền của vua và việc trung thành với Chúa, các ngài đã chọn Chúa là Vua Muôn Đời. Các tông đồ ngày xưa cũng đã chọn lựa như thế, khi các ông khẳng định: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm” (Cv 5,29). Lời quả quyết của Thánh Giuse Lê Đăng Thi trên đây đã chứng minh, các thánh Tử đạo là người đã sống đẹp không chỉ với gia đình, làng xóm, mà còn đối với xã hội, với guồng máy lãnh đạo dân sự.

Sống đẹp, chết đẹp, đó là lý tưởng của người Kitô hữu. Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta qua sự sống cũng như cái chết của Người. Người đã đón nhận cái chết trong tâm tình vâng phục và yêu mến. Các Thánh Tử đạo cũng đã tiếp tục làm chứng cho tình thương của Chúa. Mừng kính các Thánh Tử đạo, chúng ta dâng lên các ngài tâm tình hiếu thảo, đồng thời xin các ngài giúp chúng ta trên những bước đường dương thế, can đảm trung tín làm chứng cho Sự thật. Đó chính là “ơn tử đạo” trong cuộc sống hôm nay, và cũng là bảo đảm cho chúng ta một cái “chết đẹp”, khi chúng ta kết thúc cuộc đời.

Hải Phòng, tháng 11 năm 2017
+ Gm. Giuse Vũ Văn Thiên

 

Tags: , ,

Có thể bạn quan tâm