Suy niệm Tin Mừng - Chúa Nhật Tuần II Mùa Vọng, Năm C (09.12.2018): “LỜI MỜI GỌI SÁM HỐI”

Thứ Bảy, 08-12-2018 | 23:28:30

Phúc Âm: Lc 3, 1-6

“Mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Ðời hoàng đế Tibêriô năm thứ mười lăm, Phongxiô Philatô làm toàn quyền xứ Giuđêa, Hêrôđê làm thủ hiến xứ Galilêa, còn em là Philipphê làm thủ hiến xứ Ituria và Tracônitêđê; Lysania làm thủ hiến xứ Abilêna; Anna và Caipha làm thượng tế; có lời Chúa đã kêu gọi Gioan, con Giacaria, trong hoang địa.

Ông liền đi khắp miền sông Giođan, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội, như lời chép trong sách Tiên tri Isaia rằng: “Có tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.


SUY NIỆM: “LỜI MỜI GỌI SÁM HỐI”

Các tác giả Tin Mừng đều kể về cuộc đời và sứ vụ của vị Tiền Hô của Chúa, nhưng chỉ riêng thánh Luca chú thích cặn kẽ về bối cảnh chính trị và tôn giáo thời thánh Gioan Tẩy Giả khi ngài khởi đầu sứ vụ “tiền hô” của mình.

Khoảng năm 27, lúc bấy giờ người do-thái đã mất quyền tự trị và xứ sở họ bị chia làm bốn xứ nhỏ. Với cách ghi lại dữ kiện, thánh sử Luca cho thấy Đất Thánh bị chia năm sẻ bảy như một thách thức đối lại với lời Thiên Chúa hứa, bởi vì lòng người từ giới tư tế đến con dân đã đi sai đường lối của Thiên Chúa. Chính vì thế, sự xuất hiện của thánh Gioan Tẩy Giả với một sứ điệp rõ ràng là : “Hãy sám hối” để được Thiên Chúa từ chốn cao vời viếng thăm và cho xuất hiện Đấng Cứu Thế.

Thánh Gioan Tẩy Giả trong bài Tin Mừng hôm nay lớn tiếng nhắc lại cho mọi thành phần dân Do-thái đang bị cám dỗ bỏ quên Thiên Chúa, hoặc làm méo mó dung mạo Thiên Chúa mà họ đã được mời gọi làm chứng giữa muôn dân. Bí quyết đó là việc ăn năn thống hối và thay đổi nội tâm.

Lời kêu gọi sám hối này không xuất hiện từ đền thờ lộng lẫy hay trên các đường phố, nhưng đến từ hoang địa, như là một phản ảnh về tâm hồn mọi người đã xa vắng Thiên Chúa và trở nên như hoang mạc khô cằn.

1. Tiếng kêu từ sa mạc

Một khuôn mặt quen thuộc của Mùa Vọng đó là khuôn mặt của thánh Gioan tiền hô. Thánh Luca trong bài Tin Mừng hôm nay đã viết: “Có tiếng người kêu trong hoang địa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”.

Tiếng người kêu trong hoang địa ấy là của thánh Gioan tiền hô. Và con đường mà Người nhắc tới không phải là một con đường trong không gian, nhưng là con đường nội tâm của mỗi người. Sửa con đường nội tâm là thay đổi cõi lòng, thay đổi cuộc sống để xứng đáng đón tiếp Con Thiên Chúa làm người.

Là tiếng kêu trong sa mạc, đời sống của thánh Gioan đã gắn liền với đời sống của Chúa Cứu Thế như “tiếng kêu” gắn liền với Đấng là “Lời của Thiên Chúa” . Đàng khác, đời sống của vị Tiền Hô chỉ có lý do khi có Đấng Cứu Thế xuất hiện phía sau; và đời sống của vị Tẩy Giả làm phép rửa sám hối chỉ có ý nghĩa khi có Chúa Giêsu, Đấng thiết lập Bí tích Thánh Tẩy để tha tội.

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã làm xuất phát những tiếng kêu qua các ngôn sứ để tiên báo Đấng Cứu Thế sẽ đến. Là ngôn sứ cuối cùng của Cựu Ước, tiếng kêu của thánh Gioan Tẩy Giả được coi như đúc kết mọi tiếng kêu của các ngôn sứ khác, như tiếng kêu của Isaia, tiếng kêu của Êlia, tiếng kêu của Giêrêmia…

Ngày nay, khi nói “Tiếng kêu trong sa mạc”, người ta thường hiểu là tiếng kêu vô ích, lời hô hào không được hưởng ứng, không được đón nghe. Nhưng tiếng Gioan đã kêu lên trong sa mạc thì khác, tiếng kêu ấy đã lôi kéo đủ thứ mọi hạng người khắp xứ Palestine đến với Gioan trên bờ sông Giođan. Tiếng ấy mặc dù kêu lên trong sa mạc nhưng đã vang vọng tới tận thủ đô Giêrusalem đến nỗi một phái đoàn chính thức đã được các vị lãnh đạo tôn giáo sai đến để chất vấn Gioan tận nơi sa mạc.

Có nhiều thứ sa mạc ở nơi chính cõi lòng con người:

Sa mạc của sự lãnh đạm, thờ ơ. Rất nhiều người đã sống như thể không có Chúa và không cần Chúa. Đối với những người này thì sống như vậy sẽ thoải mái hơn nhiều, bởi họ có thể tự do làm mọi sự theo ý mình, theo sự thúc đẩy của bản năng mà không có gì khuấy động lương tâm làm họ phải day dứt cả. Tin Chúa chỉ bận lòng thêm thôi.

Sa mạc của sự vô cảm về mặt tâm linh và luân lý. Đối với nhiều người, Thiên Chúa của họ là cái bụng, là tiền bạc, là danh vọng, là lạc thú xác thịt. Bận tâm duy nhất của họ là làm sao kiếm cho thật nhiều tiền bằng bất cứ cách nào. Và khi đã có tiền trong tay thì họ tìm cách để hưởng thụ, hưởng thụ trong vấn đề ăn uống, hưởng thụ trong vấn đề nhục dục… Ngoài ra không còn gì nữa cả. Không còn niềm tin, không còn luân thường đạo lý, không còn lương thiện, không còn đạo đức, không còn nhân phẩm, không còn nhân ái, không còn vị tha, không còn công bình, không còn trung tín…

Mỗi Mùa Vọng, tiếng kêu của Gioan trong sa mạc lại lay động, thức tỉnh chúng ta, đặt chúng ta đối diện trước một số vấn đề thuộc phạm vi lương tâm và công bình xã hội, để chúng ta xét mình, kiểm điểm nếp sống, để cải thiện đời sống mỗi ngày thêm trọn hảo, để dọn đường tâm hồn chúng ta cho Chúa Cứu Thế ngự đến.

Có nghe được tiếng Chúa nói qua tiếng kêu của Gioan Tiền Hô hôm nay, chúng ta mới bắt tay vào việc dọn đường tâm hồn chúng ta cho Chúa ngự đến.

2. Lời mời gọi sám hối

Đón tiếp một vị khách phàm trần, người ta chỉ cần chưng diện treo hoa đèn, biểu ngữ, chào đón, chúc tụng và hô to những khẩu hiệu ngoài môi miệng cho qua lượt, nhưng để đón Chúa đến và họa lại chân dung của Chúa trong chính đời sống của mình thì con người phải thay đổi thực sự tâm hồn, phải thực hiện cuộc canh tân thay đổi nội tâm khỏi những tâm tình xấu xa tội lỗi.

Lời rao giảng của thánh Gioan Tẩy Giả nhắc lại cách thức sám hối là: “Dọn đường cho Chúa và sửa lối cho thẳng”,  như lời loan báo của ngôn sứ Isaia: “Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng” (Is 40,4).

Phải lấp cho đầy những hố sâu tham lam ích kỷ hẹp hòi, uốn cho ngay những lối nghĩ quanh co lệch lạc, san cho phẳng những núi đồi ngạo nghễ của tự mãn, bạt cho thấp những gồ ghề lồi lõm của bất công… Mọi gồ ghề ngăn trở các quan hệ tốt đẹp với Thiên Chúa, với tha nhân, phải bạt xuống và san phẳng đi, để tình Chúa, tình người chan hòa đến với hết mọi người. Có như vậy, xã hội mới dần dần trở thành huynh đệ hơn, tốt đẹp hơn, sẵn sàng cho Chúa đến, và cuối cùng để đón nhận ơn cứu độ từ chính Đấng Cứu Độ như Gioan loan báo: “Hết mọi người phàm sẽ thấy ơn Thiên Chúa cứu độ”.

Thiên Chúa chỉ có thể đến gặp con người trên những con đường ngay thẳng, phẳng phiu. Và ơn cứu độ của Người cũng chỉ ban cho những ai rộng tay đón nhận.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con ơn sám hối, dám đi đến những hành động cụ thể, và can đảm chấp nhận cắt tỉa đớn đau, để chúng con xứng đáng đón rước Chúa đến, mang nguồn vui ơn cứu độ. Amen.

Lm. Hiền Lâm

Tags: , , ,