Suy niệm Tin Mừng - Chúa Nhật Tuần IX Mùa Thường Niên, Năm B (03.06.2018): Lễ Mình Và Máu Thánh Chúa Kitô, Lễ Trọng

Thứ Bảy, 02-06-2018 | 17:00:28

Phúc Âm: Mc 14, 12-16. 22-26

“Này là Mình Ta. Này là Máu Ta”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Ngày thứ nhất trong tuần lễ ăn bánh không men là ngày giết chiên mừng lễ Vượt Qua, các môn đệ thưa Chúa Giêsu rằng: “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn Lễ Vượt Qua tại đâu?” Người liền sai hai môn đệ đi và dặn rằng: “Các con hãy vào thành, và nếu gặp một người mang vò nước thì hãy đi theo người đó. Hễ người ấy vào nhà nào thì các con hãy nói với chủ nhà rằng: Thầy sai chúng tôi hỏi: ‘Căn phòng Ta sẽ ăn Lễ Vượt Qua với các môn đệ ở đâu?’ Và chủ nhà sẽ chỉ cho các con một căn phòng rộng rãi dọn sẵn sàng và các con hãy sửa soạn cho chúng ta ở đó”. Hai môn đệ đi vào thành và thấy mọi sự như Người đã bảo và hai ông dọn Lễ Vượt Qua.

Ðang khi họ ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông mà phán: “Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta”. Rồi Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các ông và mọi người đều uống. Và Người bảo các ông: “Này là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người. Ta bảo thật các con: Ta sẽ chẳng còn uống rượu nho này nữa cho đến ngày Ta sẽ uống rượu mới trong nước Thiên Chúa”. Sau khi hát Thánh Vịnh, Thầy trò đi lên núi Cây Dầu.


Suy niệm: Hy lễ thập giá 

Hôm nay lễ suy tôn Thánh Thể. Nói đến Thánh thể người ta thường hay nói đến một bữa ăn, một bữa ăn Agape, bữa ăn huynh đệ. Nhưng thực ra, “Bản chất của Bí tích Thánh Thể không chỉ là bữa ăn chung, mà còn và trước tiên là hiện tại hóa hy lễ thập giá. Thiếu giá trị hy tế, Mầu Nhiệm Thánh Thể không có ý nghĩa và chỉ có giá trị như là một buổi gặp gỡ giao hảo và huynh đệ” (Bí tích cứu độ).

Vì thế hôm nay, chúng ta cùng nhau khơi gợi lại ý nghĩa và những giá trị thiêng liêng của thánh lễ.

Một họa sĩ người Ý, đã diễn tả giá trị thánh lễ qua bức tranh như sau: Khi linh mục dâng lễ, trên đầu ngài có 4 thiên thần bay lượn, miệng ngậm loa, sẵn sàng báo tin ngày chung thẩm của thế giới. Nhưng xem ra các Ngài còn chờ đợi cho tới khi linh mục cuối cùng này cử hành xong thánh lễ giao hòa dâng lên Thiên Chúa, mới gióng lên tiếng loa định mệnh này.

Thực vậy, Mẹ Têrêsa thành Calcutta thường hay nói với các chị em trong dòng rằng: “Không có thánh lễ Misa, chúng ta sẽ ra sao, mọi sự dưới gầm trời này hẳn sẽ bị tiêu hủy, chỉ có thánh lễ mới ngăn được tay Thiên Chúa. Không có thánh lễ, chắc chắn giáo hội sẽ không còn tồn tại và thế giới ắt sẽ bị diệt vong”.

Vì cử hành thánh lễ là hiện tái hóa hy tế thập giá năm xưa của Chúa Kytô trên thập giá. Máu Thánh Chúa được tiếp tục đổ ra cho nhiều người được tha tội, được ơn cứư độ. Hy tế thập giá của Chúa Kytô hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn tiếp tục tái diễn để giao hòa thế gian với Thiên Chúa.

Nhìn vào thế giới hôm nay, người ta thấy tội lỗi mỗi ngày một gia tăng, sự dữ ngày càng ngập tràn. Tại sao Thiên Chúa không trút cơn thịnh nộ xuống trên địa cầu? Thưa, bởi vì hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, Con Chiên Thiên Chúa tế lễ trên bàn thờ, xoa dịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa Cha, “và tước khí giới nơi bàn tay sẵn sàng sửa phạt của Ngài”. Chúng ta không thể đếm được các tia lửa từ các ông khói tàu thủy tung tóe ra. Thế mà, các tia lửa đó không gây hỏa hoạn. Vì chúng rơi xuống biển và dập tắt ngay. Cũng không thể đếm được các tội ác hằng ngày từ trái đất xông lên và đòi sự công thẳng của Thiên Chúa. Nhưng nhờ sự giải hòa của Thánh lễ, chúng ta được đẩy vào đại dương của lòng từ bi Thiên Chúa và hình phạt đã không trút xuống địa cầu.

Thánh Laurensô Giustinianô nói: “lưỡi loài người không thể kể hết những ơn phúc từ thánh lễ: nào là tội nhân được giao hòa với Thiên Chúa, người công chính nên công chính hơn, tội lỗi được xóa sạch, nết xấu được giảm thiểu, nhân đức và công nghiệp gia tăng, kế hoạch của ma quỷ bị bẻ gãy”.

Cha sở họ Ars: “Mọi việc lành họp lại cũng không thể so sánh với thánh lễ Misa, vì mọi việc lành là của loài người, còn thánh lễ là của Thiên Chúa”.

Thế nhưng, hôm nay nhiều người vẫn xem nhẹ thánh lễ. Họ đi lễ nhưng thiếu tấm lòng đón nhận ơn cứu độ, ơn tha thứ của Chúa. Đi lễ cho qua lần chiếu lượt. Đi lễ vì luật buộc. Vì người khác đi mình cũng được. Có mấy ai ý thức giá trị của hiến tế thập giá. Có mấy ai hiểu được hy tế thập giá cần phải được cử hành mỗi ngày để xin ơn tha tội và để Con Thiên Chúa lại tiếp tục đổ máu mình ra để giao hòa với Chúa Cha.

Bên cạnh đó, khi tham dự thánh lễ là chúng ta thông hiệp vào Mình và Máu Thánh Chúa Kytô. Chúng ta được kết hợp nên một trong Chúa Kytô. Chúa Kytô là Đầu Hội Thánh đã dâng chính mình làm tế lễ, còn chúng ta là những chi thể trong nhiệm thể của Người, chúng ta cùng ăn một bánh, cùng uống một chén thánh là chính Mình Máu Thánh Chúa Kytô, chúng ta có cùng chịu hiến tế chính mình như Đức Kytô là Đầu của Hội thánh hay không? Liệu rằng, chúng ta có thể đứng nhìn Chúa chịu sát tế, còn mình không chịu làm gì cả, hay chỉ đứng đó như những khách bàng quang, đứng bên vệ đường nhìn xem máu Chiên Con vô tội đang đổ ra vì loài người, mà lòng mình không cảm thấy một chút hổ thẹn hay ái ngại lương tâm? Chúa Kytô vẫn đang đổ máu vì tội lỗi loài người. Giáo hội vẫn đang hiệp thông với đau khổ của Con Chiên Thiên Chúa, còn chúng ta sẽ đóng góp phần vụ gì trong việc đền tội cho thế giới và cứu độ trần gian?

Chúng ta biết rằng, trên bàn thờ tế lễ Giáo hội buộc phải có tượng Chúa chịu nạn, chính là để nhắc nhở chúng ta phải hy sinh, phải dâng hiến mình như Chúa Giêsu đã hiến dâng. Phải đóng góp phần chúng ta như Mẹ Maria đã đóng góp chính nỗi đau khổ xé nát lòng mình, hiệp thông với đau khổ của Chúa Giêsu để dâng lên Chúa Cha.

Thiết tưởng để thánh lễ thực sự mưu ích cho phần rỗi chúng ta và cho toàn thể nhân loại. Mỗi người chúng ta cũng phải biết gom góp hy sinh mỗi ngày như những hạt lúa bị nghiền nát, như trái nho ép thành chén rượu mới có của lễ để dâng trên bàn thờ. Đó chẳng phải là mồ hôi nước mắt trong lao công con người làm nên hay sao? Đó chẳng phải là những hy sinh, những chén đắng trong cuộc đời mà mỗi người chúng ta đang chấp nhận vì lòng yêu mến Chúa hay sao?

Lạy Chúa, xin nhận lấy hạt lúa nghèo nàn này, nó thuộc về Chúa. Dưới cối xay của bổn phận trong bậc sống của mình, của những thập giá Chúa gởi tới. Xin cho con được nghiền nát cho Chúa, và xin cho ngọn lửa tình yêu mến làm con trở nên một tấm bánh tinh tuyền dâng lên trước tôn nhan Chúa. Amen.

Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

Tags: , , , , ,

Có thể bạn quan tâm