Bảo vệ trẻ em trong thế giới kỹ thuật số là ưu tiên hàng đầu.

Thứ Hai, 27-11-2017 | 21:18:07

Hôm 20/11/2017, nhân Ngày Trẻ em Toàn cầu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc đến nụ cười của trẻ em. Ngài đã đưa ra dòng Tweet bằng chín ngôn ngữ trên tài khoản Tweeter @Pontifex của ngài: “Chúng ta hãy cùng nhau làm việc để trẻ em có thể nhìn chúng ta mỉm cười và giữ một cái nhìn trong sáng, đầy niềm vui và hy vọng”.

Đoạn văn này được trích từ bài huấn từ của Đức Thánh Cha trước các tham dự viên Hội nghị Thế giới của Đại học Giáo hoàng Gregorian được tổ chức vào ngày 06/10/2017 vừa qua về chủ đề “Phẩm giá của Trẻ em trong Thế giới kỹ thuật số”.

Trong huấn từ này, Đức Thánh Cha nhấn mạnh “Trong nhiều dịp và ở nhiều quốc gia khác nhau, mắt tôi bắt gặp những đứa trẻ, nghèo cũng như giàu, khỏe mạnh cũng như đau yếu, vui vẻ cũng như đau khổ. Thấy trẻ em nhìn chúng ta bằng mắt là kinh nghiệm mà tất cả chúng ta điều có. Nó chạm vào trái tim của chúng ta và đòi hỏi chúng ta xem xét lại lương tâm của mình. Chúng ta đang làm gì để những đứa trẻ này có thể nhìn chúng ta mỉm cười và giữ một cái nhìn trong sáng, đầy niềm tin và hy vọng? Chúng ta đang làm gì để ánh sáng này không bị cướp mất để mắt của chúng không vị vẩn đục và bị hỏng bởi những gì chúng tìm thấy trên mạng internet, điều này sẽ là một phần không thể tách rời trong khuôn khổ cuộc sống của chúng?”

Vào ngày thứ sáu 06/10/2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến các đại biểu tham dự hội nghị lần đầu tiên được tổ chức về Phẩm giá Trẻ em trong Thế giới Kỹ thuật số. Trung tâm Bảo vệ Trẻ em của Đại học Giáo hoàng Gregorian là đơn vị tổ chức hội nghị 4 ngày này, với sự tham dự của các chuyên gia về chăm sóc trẻ em, an ninh mạng internet, thực thi pháp luật, giáo dục và một số lĩnh vực khác nhằm chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn để có một cái nhìn trực diện về vấn đề bảo vệ hiệu quả phẩm giá của những trẻ nhỏ trong thế giới kỹ thuật số.

Phẩm giá trẻ em – cuộc khủng hoảng và phản ứng trong bối cảnh ngày nay

Trong diễn từ dành cho các đại biểu hiện diện tại Hội đường Clementê trong Dinh Tông Tòa, Đức Thánh Cha Phanxicô đặt ra những thách đố mà các cá nhân và toàn thể xã hội trên thế giới phải đối diện, qua đó, trong bối cảnh mà cuộc đấu tranh không chỉ tuyên bố rõ ràng mà phải có hiệu quả để bảo vệ các quyền và phẩm giá của mỗi con người – nhất là những người yếu nhất và dễ tổn thương nhất, chủ yếu trong số đó là trẻ em và giới trẻ – mà gia đình nhân loại đã bắt tay vào việc, trong đó Giáo hội đã dấn thân đặc biệt kể từ khi ra đời Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền vào năm 1948 và Tuyên bố về quyền Trẻ em năm vào 1959.

Đức Thánh Cha cho hay: “Các đại biểu thuộc các ngành khoa học và các lĩnh vực khác nhau về truyền thông kỹ thuật số, luật pháp và đời sống chính trị, anh chị em đã đến với nhau vì nhận ra sự nghiêm trọng của những thách đố liên quan đến tiến bộ khoa học và kỹ thuật”. Ngài nói thêm: “Với tầm nhìn sâu rộng, anh chị em đã tập trung vào những điều có thể được xem là thách đố quan trọng nhất cho tương lai của gia đình nhân loại: bảo vệ phẩm giá người trẻ, sự phát triển lành mạnh, niềm vui và hy vọng của chúng”.

Nhấn mạnh đặc biệt đến nguy cơ gia tăng số lượng các tài liệu khiêu dâm được đưa ra trong thời đại kỹ thuật số, Đức Thánh Cha cho hay: “Sự lan rộng của ấn phẩm sách báo khiêu dâm trong quá khứ là một hiện tượng tương đối nhỏ so với sự phổ biến của các nội dung khiêu dâm trên mạng internet”.

Ngài nhắc nhở: “Chúng ta đừng để bản thân bị nỗi sợ hãi chiến thắng, luôn luôn là một cố vấn nghèo nàn, chúng ta cũng đừng bị tê liệt vì cảm giác bất lực, vốn áp đảo chúng ta trước những nhiệm vụ khó khăn”. “Thay vào đó, chúng ta được mời gọi hiệp lực, nhìn nhận rằng chúng ta cần nhau để tìm kiếm và tìm ra phương tiện và cách tiếp cận đúng đắn cần thiết cho những phản ứng hiệu quả.”

Những bài học đau đớn – những dấn thân sâu sắc

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nói về những bài học đau đớn mà Giáo hội đã học được qua kinh nghiệm gần đây về giáo sĩ lạm dụng tính dục, ngài nói rằng Giáo hội đã thừa nhận những thất bại của chính mình trong việc bảo vệ trẻ em. Ngài cho hay: “Các sự việc cực kỳ nghiêm trọng đã được đưa ra ánh sáng,  chúng ta phải chấp nhận trách nhiệm của mình trước mặt Thiên Chúa, trước các nạn nhân và trước ​​công luận. Chính vì lý do này, qua hậu quả của những kinh nghiệm đau đớn này và qua các kỹ năng đạt được trong tiến trình hoán cải và thanh lọc, Giáo hội ngày nay đặc biệt cảm thấy phải làm việc tích cực với tầm nhìn xa để bảo vệ các trẻ vị thành niên và phẩm giá của chúng, không chỉ trong hàng ngũ của Giáo hội mà còn trong xã hội như một toàn thể và rộng khắp thế giới”.

Các ảnh hưởng nguy hại của xu thế nội dung khiêu dâm

Đức Thánh Cha cũng thảo luận về những ảnh hưởng nguy hại mà cái gọi là “xu thế” về nội dung khiêu dâm – không chỉ là sự sẵn có rộng rãi và sẵn sàng của nó mà còn là sự chấp nhận của xã hội – đối với người trưởng thành. Ngài nói “Chúng ta phải nhấn mạnh đến sự nghiêm trọng của vấn đề này đối với trẻ vị thành niên, nhưng chúng ta cũng có thể đánh giá không đúng mức hoặc bỏ qua mức độ mà chúng cũng là vấn đề đối với người trưởng thành”.

Đức Thánh Cha lưu ý rằng sự lan truyền hơn bao giờ hết của tài liệu khiêu dâm và những thứ sai trái khác trên internet không chỉ gây ra những rối loạn, sự phụ thuộc và gây tổn hại nghiêm trọng cho người lớn mà còn có tác động thực sự đến cách chúng ta nhìn nhận tình yêu và các mối tương quan giữa hai giới tính. Ngài nói: “Chúng ta sẽ tự lừa dối mình một cách nghiêm trọng, chúng ta có nghĩ rằng một xã hội mà việc tiêu thụ bất thường về internet sex lan tràn ở người trưởng thành thì có khả năng bảo vệ có hiệu quả trẻ vị thành niên hay không”.

Cảnh báo về cách tiếp cận “có tính kỹ thuật” đối với vấn đề

Đức Thánh Cha cho biết: “Phương pháp tiếp cận sai lầm thứ hai là nghĩ rằng các giải pháp kỹ thuật tự động, các bộ lọc được tạo ra bởi các thuật toán cải tiến hơn bao giờ hết đã xác định và ngăn chặn sự lây lan của các hình ảnh lạm dụng và độc hại là đủ để giải quyết những vấn đề này. Nhưng cũng cần có một nhu cầu cấp bách, như là một phần của bản thân quá trình tăng trưởng công nghệ, để tất cả mọi người liên quan thừa nhận và giải quyết các mối ưu tư về đạo đức mà sự tăng trưởng này gây ra, ở mọi khía cạnh và các hậu quả khác nhau của nó.”

Internet là gì, và không là gì

Nguy cơ thứ ba mà chúng ta phải nhận thức được trong cách tiếp cận đối với thế giới kỹ thuật số chính là khái niệm mơ hồ rằng “net” phải là một lĩnh vực tự do không giới hạn.

Trong khi internet và các công nghệ khác là một phần của những tình huống, nội dung và cấu trúc của thế giới kỹ thuật số mới này đã mở ra một đại diện mới cho sự tự do biểu đạt và tự do trao đổi ý tưởng và thông tin, thì nó cũng cung cấp các phương tiện mới để tham gia các hoạt động bất hợp pháp tàn ác, bao gồm việc lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên và tội phạm chống lại phẩm giá của chúng, làm hư hỏng tâm trí của chúng và bạo lực chống lại thân thể của chúng.

Đức Thánh Cha nói: “Điều này không liên quan gì đến việc thực hiện tự do: nó liên quan đến những tội ác cần phải chiến đấu bằng sự thông minh và quyết tâm, thông qua sự hợp tác rộng rãi hơn giữa các chính phủ và các cơ quan thi hành pháp luật trên bình diện toàn cầu, ngay cả khi bản thân net giờ đây đã trở nên toàn cầu”.

Đức Thánh Cha kết luận bằng lời khích lệ: “Chúng ta hãy cùng nhau làm việc để luôn có điều thiện, sự can đảm, và niềm vui có thể nhìn thấy trong mắt của trẻ em trên thế giới”.

Tuyên bố đúc kết

Hướng tới mục tiêu này, các tham dự viên đã đưa ra một tài liệu đúc kết, Tuyên bố Rôma, trong đó bao gồm lời kêu gọi hành động khẩn cấp.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận được Tuyên bố từ một cô gái trẻ tham gia Hội nghị, người đã trao tài liệu cho ngài “thay mặt cho hàng triệu thanh thiếu niên trên khắp thế giới, những người cần thông tin và cần được bảo vệ nhiều hơn từ những nguy cơ về tình dục và các hình thức lạm dụng khác trên internet”.

Tạ Ân Phúc

Tags: , , ,

Có thể bạn quan tâm