Suy niệm Tin Mừng - Chúa Nhật Phục Sinh (01.04.2018): Chúa đã sống lại

Thứ Bảy, 31-03-2018 | 17:00:23

Phúc Âm: Ga 20, 1-9

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu”. Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.


Suy niệm:

“Chúa Kitô đã sống lại. Ngài đã sống lại thật”.

Ðó là Tin Mừng Mẹ Giáo Hội không ngừng rao giảng và long trọng công bố với chúng ta trong Phụng Vụ Chúa Nhật I Phục Sinh. Tin Mừng ấy đồng thời cũng là lời mời gọi chúng ta mỗi ngày hãy biết trở lại với Chúa Kitô Phục Sinh và can đảm loan báo Chúa Kitô Phục Sinh cho những ai chưa nhận biết Ngài.

Trong Tông Ðồ Công Vụ đoạn 10, thánh Luca muốn chứng minh cho thấy lời giảng dạy và các công việc làm của Chúa vẫn tiếp tục trong Giáo Hội. Tin Mừng Chúa Giêsu rao giảng đã không bị đứt quãng với cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài trên Thập Giá, nhưng được tông đồ Phêrô và Giáo Hội tiếp tục công bố.

Biến cố Phục Sinh ghi dấu sự chuyển tiếp từ Chúa Giêsu qua Giáo Hội, từ công tác loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu sang sứ mệnh của các tông đồ. Bài giảng của thánh Phêrô được ghi lại trong chương 10 trên đây là bản tóm gọn cuộc đời và sứ mệnh của Chúa Giêsu. Nó nêu bật sự hữu hiệu trong sứ mệnh loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu trước khi Phục Sinh và của các tông đồ sau khi Chúa Phục Sinh.

Sự hữu hiệu trong sứ mệnh công bố Tin Mừng Nước Trời của Chúa Giêsu phát xuất từ mối liên hệ mật thiết của Ngài với Thiên Chúa Cha. Chính Thiên Chúa Cha đã xức dầu thánh hiến Chúa Giêsu trong Chúa Thánh Thần trong lễ nghi lãnh Phép Rửa tại sông Jordan. Do đó, mọi hoạt động và lời rao giảng của Chúa Giêsu đều mang dấu ấn sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần. Mối liên hệ thần linh của Chúa Giêsu với Thiên Chúa Cha được tỏ lộ trong lời cầu nguyện, trong thái độ tín thác hoàn toàn chấp nhận thánh ý và chương trình cứu độ của Thiên Chúa Cha.

Cũng vì thế, mọi lời nói và mọi cử chỉ của Chúa Giêsu đều diễn tả hành động cứu rỗi. Mọi phép lạ Chúa Giêsu đã làm để chữa lành tật bệnh xác hồn cho con người đều là các biến cố cứu độ. Tuy nhiên, sự dữ mà Chúa Giêsu chống trả và chiến thắng không phải là những gì thuộc bình diện bề ngoài như tật nguyền, nghèo đói, thiên tai… Nhưng là những gì bắt nguồn từ Satan, từ ma quỉ hằng chống đối Thiên Chúa.

Chỉ sau khi Chúa Giêsu sống lại, các tông đồ mới hiểu được ý nghĩa sâu xa của tất cả mọi sự Chúa Giêsu đã làm khi Ngài còn sống trên trần gian và loan báo Tin Mừng cứu độ. Các ông làm chứng công khai trước mặt mọi người rằng: mỗi một cử chỉ của Chúa Giêsu đều thực sự là một hành động cứu độ, và cái chết trên Thập Giá của Ngài chẳng những không chấm dứt các hành động cứu độ ấy mà còn là tột đỉnh của chương trình cứu độ nữa.

Sở dĩ các tông đồ đã có thể loan báo Tin Mừng cứu độ một cách hữu hiệu chính là vì Chúa Kitô Phục Sinh đã trao ban cho họ sứ mệnh tiếp tục công trình cứu độ ấy của Ngài giữa xã hội loài người. Dưới ánh sáng của biến cố Phục Sinh, các ông loan báo rằng: “Chúa Kitô Phục Sinh từ nay là trung tâm điểm trong cuộc sống con người và cuộc sống của thế giới”.

Qua lời rao giảng của các tông đồ và các người kế vị các ngài, con người thuộc mọi thời đại sống được kinh nghiệm các hành động cứu độ ấy của Chúa Giêsu. Bởi vì lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh giải phóng chúng ta khỏi sự dữ, khỏi tội lỗi và cái chết. Cuộc sống mới mà Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh trao ban cho chúng ta được thánh Phaolô diễn tả bằng nhiều hình ảnh và ngôn ngữ đặc thù vủa lễ Vượt Qua trong Do Thái giáo như: men, chiên nướng và bánh không men. Men biểu tượng cho sự hư nát, bánh không men ám chỉ sự tinh tuyền, chiên sát tế ám chỉ ơn cứu độ. Vì máu chiên được dùng để đánh dấu cửa nhà khi các thiên thần đi qua trông thấy thì vượt qua không vào giết chết các con đầu lòng của người Do Thái. Do đó, trong đêm trước ngày lễ Vượt Qua, người Do Thái có thói quen quét dọn, lau chùi mọi ngõ ngách trong nhà cho sạch. Mọi dấu vết của bánh có men biểu tượng cho nếp sống cũ, kiếp sống nô lệ bên Ai Cập. Bánh không men nhắc lại biến cố họ đã bỏ nếp sống nô lệ ấy một cách vội vàng và đến không kịp làm dậy men trong bột để bắt đầu cuộc sống tự do của dân riêng Chúa.

Trong thư I Cor 5, thánh Phaolô nhắc nhở mọi người đừng quên tính chất mới mẻ và các đòi buộc nòng cốt của lòng tin Kitô phát xuất từ lòng tin đó. Chúa Kitô chịu đóng đinh trên Thập Giá và đã sống lại là chiên Vượt Qua đã đổ máu ra để cứu rỗi loài người. Nói cách khác, từ nay không còn chuyện quét dọn nhà cửa bề ngoài sạch mọi nhân tố như bánh có men cản ngăn việc cử hành lễ Vượt Qua nữa, mà là dẹp bỏ mọi chướng ngại, dẹp bỏ mọi tội lỗi không cho tâm hồn chúng ta phục sinh với Chúa. Tất cả những gì cũ kỹ, tất cả những gì tội lỗi, thối tha hư nát gây chết chóc cho tâm hồn thì cần phải được tức khắc loại trừ.

Trái lại, tất cả những gì mới mẻ, tươi mát, căng đầy nhựa sống đều thuộc về sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Như thế, lòng tin vào Chúa Kitô Phục Sinh phải giúp mỗi người trong chúng ta biết chạy đến với Chúa Kitô Phục Sinh mỗi ngày để kín múc lấy sự sống mới. Cuộc sống mới ấy sẽ trao ban cho chúng ta cái nhìn mới, cái nhìn của lòng tin, các nhìn dưới ánh sáng của lòng tin vào Chúa Kitô Phục Sinh.

Trong Phúc Âm thánh Gioan, động từ nhìn là động từ của lòng tin, nó cũng là từ chìa khóa giúp chúng ta hiểu sứ điệp thần học và trình thuật Chúa Phục Sinh trong chương 20,1-9. Cái nhìn mà thánh Gioan nói tới ở đây không phải là cái nhìn của đôi mắt xác thịt thường hay lầm lẫn vì bị mờ đục bởi tật nguyền, bởi các tâm tình tự nhiên của con người, bởi đam mê, dục vọng, bởi tội lỗi, bởi mọi thứ ảnh hưởng nội tại và ngoại tại. Maria Madalena nhìn hòn đá đã bị lăn sang một bên và ngôi mồ trống, nhưng vì buồn thương, nàng đã không trông thấy và không hiểu mà lại nghĩ rằng có người ăn trộm Chúa Giêsu. Phêrô và Gioan chạy đến mồ, bước vào bên trong nhìn thấy băng quấn xác và khăn che mặt xếp gọn ghẽ, nhưng không hiểu rằng Chúa Giêsu đã sống lại. Cái nhìn mà thánh Gioan nói tới ở đây bao gồm tất cả những gì Kinh Thánh đã báo trước liên quan tới cuộc đời Ðấng Cứu Thế và tất cả những lời Chúa Giêsu đã giảng dạy cũng như mọi việc Ngài đã làm trước khi Phục Sinh.

Biến cố Phục Sinh của Chúa Giêsu là một biến cố lịch sử đã thực sự xảy ra, nhưng nó chỉ có sự hiểu biết Kinh Thánh và lòng tin vào Thiên Chúa, chỉ có cái nhìn nội tâm, cái nhìn của đôi mắt lòng tin mới bảo đảm và giúp chúng ta hiểu biết và tin vào biến cố Phục Sinh của Chúa Kitô Phục Sinh mà thôi. Chính lòng tin này trao ban cho Kitô hữu niềm hy vọng, và niềm hy vọng Kitô bao giờ cũng mang chiều kích siêu việt. Nó vượt không gian, thời gian và mọi luật lệ vật lý. Nó biến đổi hoàn toàn thực tại cuộc sống của con người trên trần gian này.

Veritas Asia

Tags: , ,

Có thể bạn quan tâm