Suy niệm Tin Mừng - Chúa Nhật Tuần XXVI Mùa Thường Niên, Năm B (30.09.2018): Lòng bác ái.

Thứ Hai, 01-10-2018 | 00:17:15

Phúc Âm: Mc 9, 37-42. 44. 46-47

“Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con. Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Gioan thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo chúng ta, và chúng con đã ngăn cấm y”. Nhưng Chúa Giêsu phán: “Ðừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi liền đó lại nói xấu Thầy. Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con. Ai nhân danh Thầy mà cho các con một ly nước vì lẽ các con thuộc về Ðấng Kitô, Thầy bảo thật các con: kẻ đó sẽ không mất phần thưởng đâu. Nhưng nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn.

“Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi: thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hoả ngục, trong lửa không hề tắt. Và nếu chân con làm dịp tội cho con, hãy chặt chân đó đi: thà con mất một chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai chân mà phải ném xuống hoả ngục. Và nếu mắt con làm dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi, thà con còn một mắt mà vào nước Thiên Chúa, còn hơn là có đủ hai mắt mà phải ném xuống hoả ngục, nơi mà dòi bọ rúc rỉa nó không hề chết và lửa không hề tắt”.


SUY NIỆM: “LÒNG BÁC ÁI”

Chủ đề Lời Chúa trong ngày Chúa Nhật XXVI Thường Niên năm B, nhấn mạnh đến “Lòng Bác Ái”. Cụ thể là: Trong Bài đọc I, sách Dân Số kể chuyện ông Giô-suê muốn ông Mô-sê ngăn cấm người khác nói tiên tri, cho thấy sự ganh tỵ độc quyền… còn Bài đọc II, thư thánh Gia-cô-bê đã lên án những ai để của cải cho mối mọt ten sét ăn mà không biết chia sẻ cho người nghèo khổ.

Riêng bài Tin Mừng, thì những lời dạy của Chúa Giê-su nói đến lòng bác ái cách cụ thể qua việc: không ganh tỵ bon chen, không gây cớ vấp phạn cho nhau, nhưng sẵn sàng giúp đỡ nhau trong khả năng của mình dù chỉ là một bát nước lã…

1. Sự ghanh tỵ – độc quyền.

Mở đầu bài Tin Mừng là chuyện môn đệ Gioan đến báo cáo với Chúa Giêsu là có người dám nhân danh Thầy mà trừ quỷ, chúng con đã can ngăn “vì họ làm như thế là mất quyền lợi tinh thần cũng như vật chất của chúng ta”. Nhưng Chúa Giêsu đã trả lời: “Ngăn làm gì, ai không chống lại ta là ủng hộ ta”.

Việc nhân danh Chúa để xua trừ ma quỷ và cứu giúp người luôn luôn là việc tốt. Nhân danh Chúa chứ có phải nhân danh tà thần nào đâu mà phải ngăn cản?

Thế nhưng, nếu dám nhìn thẳng vào sự thật, chúng ta sẽ thấy ngay một thực tế là:

– Không thiếu vị giữ cho mình cái đặc quyền nhân danh Chúa để loan giảng Tin Mừng, sợ “mất quyền lợi” hoặc “nhỏ đi miếng bánh” hay “ảnh hưởng đến thế giá” và ganh tỵ với những người khác, dù ai cũng có quyền làm chứng cho Chúa bằng nhiều cách thế mà không ngược với đức tin Kitô Giáo. 

– Đôi khi cộng đoàn này phản đối cộng đoàn kia, nhóm từ thiện này lên án nhóm từ thiện nọ, và ai cũng nhân danh Chúa để khiển trách các hoạt động của nhau.

– Đành rằng Giáo Hội là duy nhất và tông truyền rất cần đến cơ cấu phẩm trật, nhưng không vì thế mà làm hạn chế sứ vụ rao giảng Tin Mừng mà Chúa trao phó cho hết mọi người từ khi lãnh bí tích Rửa Tội. Mọi người đều có trách nhiệm làm cho Chúa được vinh danh nơi bậc sống của mình. 

Vườn hoa Giáo Hội Chúa thì muôn màu muôn vẻ, nhưng cùng góp chung tô điểm cho Nước Chúa thêm xinh đẹp rạng rỡ; cánh đồng truyền giáo bao la rất cần đến nhiều sáng kiến từ các cá nhân, hội đoàn và các linh đạo hoạt động mới.

Là người con Chúa trong lòng Giáo Hội, chúng ta không ganh tỵ với việc thiện của người khác, không tự cho mình có đặc quyền lo việc Chúa, nhưng tất cả đều được mời gọi có những sáng kiến làm chứng cho Chúa và giúp đỡ tha nhân. Đồng thời bằng sức mạnh của Lời Chúa và đời sống cầu nguyện, chúng ta cùng với Chúa Giêsu xua trừ những âm mưu ma quỷ ra khỏi bản thân, gia đình và giáo xứ chúng ta.

2. Hoa trái của lòng bác ái.

“Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mc 9,41).

Trên một bia mộ kia có khắc dòng chữ:

“Tôi đã mất những gì tôi xài phí

Chỉ còn lại những gì đã cho đi”.

Cái kết khủng khiếp của phận người là không thể mang được bất cứ một thứ của cải vật chất nào theo mình về thế giới bên kia, bởi tất cả sẽ ở lại sau cái chết. Thế nhưng con người cứ lo vun vén và giữ khư khư nó, giữ lại đến mức dư thừa mà không chia sẻ cho người đói khát bất hạnh, lo thu tích để rồi lúc chết đi phải để lại cho người khác tận hưởng. Họ không ý thức được rằng, chỉ có lòng bác ái và những gì chia sẻ cho tha nhân vì tình yêu thương thì sẽ theo họ về cõi vĩnh hằng.

Vấn đề được Thiên Chúa ân thưởng không hệ tại ở giàu hay nghèo, cũng không hệ tại ở việc cho hàng tỷ đồng hay chỉ là một bát nước lã, nhưng là biết sống tương quan đức ái với tha nhân, giúp đỡ nhau vì lòng mến Chúa và yêu đồng loại. Người cho nhau một ly nước vì Chúa thì có giá trị hơn gấp bội so với người cho cả gia tài chỉ vì được ca tụng đời này.

3. Đừng làm cớ cho người khác vấp ngã.

“Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn” (Mc 9,42).

Sống trong thế giới, vàng thau lẫn lộn, gương tốt thì ít và gương xấu lại quá nhiều. Ngày nay, phương tiện truyền thông là con dao hai lưỡi khiến những gương mù gương xấu dễ tràn lan và đầu độc con người, đặc biệt là giới trẻ. Nhưng cái xấu xem ra hấp dẫn hơn, mạnh mẽ hơn và dễ bắt chước hơn. 

Chúa Giêsu tỏ ra thái độ dứt khoát và nghiêm khắc đối với những người gây cớ làm cho người khác phạm tội, đặc biệt là ngăn cản người khác đến với Thiên Chúa: “Khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã, thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà quăng xuống biển thì hơn”. Chúa Giêsu răn đe cương quyết kẻ làm người khác sa ngã vì đó là tiếp tay với ma quỷ, làm gương xấu cho anh em, cho người khác.

Vì thế, mọi người con Chúa cần phải cẩn trọng giữ mình, biết biện phân trước mọi thông tin và hình ảnh tốt xấu, biết tránh nên cớ vấp phạm cho tha nhân, và đặc biệt làm cho gương sáng và cái tốt được nhân rộng để lấn át bớt sự dữ đang hoành hành.

Giống như đám cỏ gấu không thể diệt sạch được vì nó có rễ sâu, nhưng chúng sẽ bị lấn át khi chúng ta trồng khoai lang vào. Cũng thế, gương xấu tự nó không thể nhổ sạch, nhưng nhân đức sẽ lấn át nó dần dần làm cho sự xấu chết hẳn. Điều đáng ghi nhận là hiện nay nhiều người đã biết dùng những sinh hoạt và trò chơi lành mạnh để thay thế và giúp giới trẻ quên dần những tệ nạn. “Không ai làm tôi hai chủ” nếu chúng ta lo tìm kiếm những điều tốt, thì tự nó cái xấu sẽ lụi tàn.

Việc Chúa Giêsu nói cái gì trở nên dịp tội thì hãy lo cắt đi, chấp nhận mất một bộ phận mà tránh được hoả ngục. Ở đây không hiểu theo nghĩa đen là phải chặt tay móc mắt, vì nếu thế thì không còn ai toàn vẹn vì bản năng yếu đuối của con người. Điều Chúa muốn nói ở đây là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, phải cất đi và xa lánh những nguy cơ có thể đẩy chúng ta đến phạm tội, dù phải chấp nhận phần thiệt về mình, như lánh xa những ấn phẩm đen, không đến những nơi chốn không thích hợp, tránh dùng những thức uống làm mình mất kiểm soát…

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mọi người chúng con ý thức về tinh thần bác ái Kitô Giáo mà luôn sẵn lòng đóng góp phần mình trong khả năng có thể, để giúp đỡ những ai nghèo khổ và bất hạnh. Xin cũng cho chúng con biết xa lánh những dịp tội, cũng như không làm cớ cho ai vấp phạm mà xa lìa danh Chúa. Amen.

Lm. Hiền Lâm

Tags: , , ,

Có thể bạn quan tâm