Suy niệm Tin Mừng - Chúa Nhật Tuần XXXI Mùa Thường Niên, Năm A (05.11.2017): Đừng sống giả dối kiểu biệt phái

Thứ Bảy, 04-11-2017 | 17:00:57

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 23,1- 12)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng và các môn đệ rằng: “Các Luật sĩ và các người biệt phái ngồi trên toà Môsê: vậy những gì họ nói với các ngươi, các ngươi hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ: vì họ nói mà không làm. Họ buộc những bó nặng và chất lên vai người ta, còn chính họ lại không muốn giơ ngón tay lay thử. Mọi công việc họ làm đều có ý cho người ta thấy: vì thế họ nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta xưng hô là “Thầy”. Phần các ngươi, các ngươi đừng muốn được người ta gọi là Thầy, vì các ngươi chỉ có một Thầy, còn tất cả các ngươi đều là anh em với nhau. Và các ngươi cũng đừng gọi ai dưới đất là cha: vì các ngươi chỉ có một Cha, Người ngự trên trời. Các ngươi cũng đừng bắt người ta gọi là người chỉ đạo: vì các ngươi có một người chỉ đạo, đó là Đức Kitô. Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi.

“Hễ ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.


Suy niệm:

Sống trên đời, ai cũng muốn cho mình được trọng vọng. Sự huênh hoang tự đắc gần như nó đã bén sâu trong tâm trí con người ở mọi thời. Vì thế, nhiều người đã cố gắng bằng mọi cách có thể để ngụy trang cho mình, hầu mong đạt được mục đích.

Những kiểu cách này, đã được các Luật Sĩ và Biệt Phái khai thác triệt để và sử dụng chúng như lá bùa hộ mệnh cho mình.

Tuy nhiên, Đức Giêsu đã thấu hiểu tường tận những con người này, vì thế, chúng ta không lạ gì khi dạy các môn đệ và dân chúng bài học khiêm nhường, Ngài đã đưa ra hình ảnh đối lập nơi những Luật Sĩ và Biệt Phái để làm toát lên tác hại của sự dối trá, giả hình.

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy trung thành, khiêm tốn, làm việc trong sự thật và lòng mến. Có thế, công việc của chúng ta mới được đẹp lòng Chúa, nếu không, hẳn sẽ thất bại.

1. Ý Nghĩa Lời Chúa

Khởi đi từ bài đọc I cho chúng ta biết: sau khi vua Cyrô cho dân Dothái được hồi hương và tự do thờ phượng Thiên Chúa. Tuy nhiên, sự hồ hởi, nhiệt huyết buổi ban đầu dần dần lắng lại và vụt tắt, nhường chỗ cho sự ươn lười, chểnh mảng của cả người lãnh đạo lẫn dân chúng. Vì thế, dẫn đến hệ quả là: người dân thì sống vô cảm, tranh dành và ganh tỵ với nhau, còn những nhà lãnh đạo thì quan liêu, hách dịch, tự kiêu, bảo thủ và dối trá…

Đúng lúc đó, tiên Malakhi xuất hiện, ngài đã vạch trần nguyên nhân của sự xuống cấp này, đồng thời chỉ cho thấy trách nhiệm thuộc về các vị lãnh đạo. Họ đã không tìm ý Chúa để thực thi, nhưng họ đã thượng tôn chính kiến của mình và tìm những lợi lộc thấp hèn cho riêng bản thân.

Khi đến, tiên tri Malakhi đã kêu gọi họ sám hối để được tha thứ, tránh được cơn thịnh nộ của Thiên Chúa và giao hòa lại với Ngài, hầu xứng đáng là người thay mặt Chúa, hướng dẫn dân đi theo đường công chính.

Sang bài đọc thứ II, thánh Phaolô đã trở nên vị lãnh đạo đối lập lại với các nhà lãnh đạo của thời tiên tri Malakia trong bài đọc I. Thánh nhân đã luôn tìm thánh ý Thiên Chúa để thực thi. Luôn quy chiếu mọi vinh dự và vinh quang về Thiên Chúa, còn bản thân của ngài thì chỉ là đầy tớ phục vụ trong lòng mến.

Chính tâm tình như thế, thánh Phaolô đã trở thành mục tử luôn hy sinh, sống hết lòng vì đoàn chiên được trao phó. Sống tinh thần phục vụ chứ không để người khác phục vụ… Chính gương sáng đó nơi ngài mà dân thành Thêxalônica có một đời sống đạo thật vui tươi, hân hoan và yêu thương nhau.

Sang bài Tin Mừng, Đức Giêsu đã chỉ rõ cho các môn đệ và dân chúng về ích lợi của sự khiêm nhường. Chính sự khiêm nhường sẽ làm cho tư cách và hành động của người môn đệ trở nên hấp dẫn, vì lời nói và hành động của họ đi đôi với nhau.

Đời sống và cung cách ứng xử của người loan báo Tin Mừng cần tránh hết sức bao nhiêu có thể những thói kiêu căng, cứng ngắc, hám danh, thích quyền và sai khiến như các Luật Sĩ và Biệt Phái. Vì thế, tư cách của nhà lãnh đạo theo tinh thần của Chúa, chính là: khiêm nhường, tự hạ, trung thực, hiền lành, lắng nghe, đơn sơ, và hăng say phục vụ chứ không mong được người khác phục vụ. Có được những đặc tính đó, người môn đệ sẽ hành động vì Chúa, nhân danh Chúa và quy hướng về Ngài hết thảy.

2. Lối sống giả hình của những “Rapbi” Dothái

Hình ảnh và đời sống của người kiêu ngạo và khiêm nhường luôn luôn đối lập nhau. Kiêu ngạo, giả dối là thuộc về phe ma quỷ, còn khiêm tốn là thuộc về bản chất của Thiên Chúa. Người đi theo ma quỷ, hẳn sẽ thuộc về chúng với tất cả những đặc trưng của chúng. Người thuộc về Thiên Chúa thì luôn mang trong mình phẩm hạnh của Ngài.

Khi thấy được những Luật Sĩ và Biệt Phái sống kiểu quen trò bịp bợm thói lưu manh…, Đức Giêsu đã không muốn để cho dân chúng bị mắc hợm và cũng không muốn các môn đệ của mình khi thi hành sứ vụ lại có một lối sống như họ. Vì thế, Ngài đã thẳng thắn phê phán họ cách công khai và hướng dẫn các môn đệ về cách thức thi hành Luật Chúa.

Vì thế, Đức Giêsu phán: “Những gì họ nói với các ngươi, các ngươi hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ: vì họ nói mà không làm”.Không được sống kiểu: “Bề ngoài thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao” (Truyện Kiều).

Nguyên nhân dẫn đến việc các Biệt Phái và Luật Sĩ sống giả đò nhân đức là vì:

Họ thuộc hạng người chỉ biết tìm lợi lộc cho mình, hám danh, muốn được mọi người ta ca tụng ở nơi công cộng là đạo đức, tốt lành.

Cũng chính vì những ý tưởng đó chủ đạo, nên họ mới nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo cốt để cho người ta chú ý và khen là mình đạo đức, khôn ngoan, chứ không nhằm nhắc nhớ mình nhớ đến luật Chúa hầu thực hành cho đúng cốt lõi của Luật.

Chính cách sống đó, dẫn họ đến thái độ ưa được người ta chào hỏi nơi công cộng, thích được ngồi cỗ nhất trong đám và mong muốn được người ta chào mình bằng thầy…

Nói chung, thực ra những người Luật Sĩ và Biệt Phái này họ thuộc hạng am tường Kinh Thánh thật. Nhưng điều đáng nói chính là sự mâu thuẫn giữa lời nói và hành động của họ. Họ giải thích luật thật cặn kẽ và bó buộc người ta phải thi hành từng chi tiết. Tuy nhiên, với bản thân họ thì không hề để ý tới. Họ thuộc dạng nói một đàng, làm một nẻo: “Ngôn hành bất nhất”; hay: “Mồm miệng đỡ chân tay”.

Thấy được hình thức của họ, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ và dân chúng hãy vâng nghe lời họ giảng dạy khi họ nhân danh Thiên Chúa. Tuy nhiên, lòng đạo đức của họ thì hoàn toàn giả dối, vì thế không được làm theo.

3. Sống Sứ điệp Lời Chúa

Khi nghe bài Tin Mừng, hẳn nhiều người trong chúng ta luôn có thái độ phê phán những nhà lãnh đạo tinh thần…, tuy nhiên, xét về một góc độ nào đó, mỗi người chúng ta cũng đang là những người nắm giữ vai trò đại diện cho Chúa khi đảm nhận trọng trách là người cha, người mẹ trong các gia đình, hay là những người lãnh đạo một hội đoàn, tập thể nào đó trong đạo… Vì thế, chung một sứ điệp, Đức Giêsu cũng mời gọi chúng ta hãy thống nhất trong việc giữ đạo và sống đạo. Giữa niềm tin và cuộc sống phải ăn khớp với nhau. Cần tránh kiểu: “Ngôn hành bất nhất” giống như những người Luật Sĩ và Biệt Phái. Đừng giống như những người lãnh đạo tinh thần Dothái khi xưa là: chỉ lo tô son trét phấn bên ngoài như kiểu mồ mả tô vôi, còn bên trong thì nhơ bẩn, thối tha như xương người chết. Nếu sống như vậy, chúng ta đâu khác gì những tay hề chuyên nghiệp trên sân khấu đang diễn một vở kịch châm biếm!  

Mặt khác, cần tránh thói kiêu ngạo, khoe khoang, phô trương, giả hình và bất nhân… Bởi vì những tính cách đó là con đẻ của ma quỷ. Nhưng hãy mặc lấy tâm tình từ bi, nhân hậu, hiền hòa, nhẫn nại và khiêm nhường. Sống trong tâm tình và thái độ của kẻ bé mọn, tôi tớ, đến để phục vụ chứ không phải được người khác phục vụ.

Thật vậy, đời sống khiêm nhường là thuộc về phẩm hạnh của Thiên Chúa và được Ngài yêu mến. Sống đức khiêm nhường là được ở trong Thiên Chúa. Hành động khiêm nhường sẽ được Chúa chúc lành. Người khiêm nhường sẽ thành công và được mọi người ca tụng.    

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết học cùng Chúa, vì Chúa hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Xin uốn lòng chúng con nên giống trái tim Chúa. Amen.

Lm. Jos. Vinc. Ngọc Biển

Tags: , , , ,

Có thể bạn quan tâm