Suy niệm Tin Mừng - Thứ Năm Tuần XXX Mùa Thường Niên (02.11.2017): Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời

Thứ Tư, 01-11-2017 | 17:00:28

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 23, 33. 39-43)

Khi đã đến nơi gọi là Núi Sọ, chúng đóng đinh Người vào thập giá cùng với hai tên trộm cướp, một đứa bên hữu một đứa bên tả Người. Bấy giờ Chúa Giêsu than thở rằng: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm”. Rồi chúng rút thăm mà chia nhau áo Người. Một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục người rằng: “Nếu ông là Đấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa”.

Đối lại, tên kia mắng nó rằng: “Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao? Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta làm, còn ông này, ông có làm gì xấu đâu?” Và anh ta thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi”. Chúa Giêsu đáp: “Quả thật, Ta bảo ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”.


Suy niệm: LỜI CẦU THÁNG LINH HỒN

Trên giường hấp hối, thánh Monica đã nhắn nhủ con ngài là Augustino như sau: “Mẹ chỉ xin con một điều là hãy nhớ đến mẹ khi tới bàn tiệc thánh”.

Mônica xin con nhớ đến khi tới bàn thánh là dâng lễ cầu nguyện cho mình khi qua đời…

Giáo Hội luôn cầu nguyện cho các tín hữu qua đời qua thánh lễ mỗi ngày. Trong thánh lễ cầu cho những người đã qua đời, chúng ta thường hát: Lạy Chúa, xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn ấy.

Hàng năm Giáo hội Công Giáo còn dành trọn tháng 11 để tưởng nhớ cầu nguyện cho những người quá cố, cách riêng nhớ đến ông bà, cha mẹ, người thân qua đời là thể hiện chữ hiếu nhớ ơn cha mẹ tổ tiên như Ca dao dạy:

Cây có gốc mởi nở nghành sanh ngọn.
Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu,
Có cha có mẹ rồi sau có mình.
Người ta có gốc từ đâu?

Chữ hiếu nhắc nhở chúng ta cầu nguyện cho các ngài được gia nhập với hàng ngũ các thánh.

Việc cầu nguyện cho các tín hữu qua đời có nguồn gốc từ thời rất xa xưa: bắt đầu Cựu Ước xuyên Tân Ước và là niềm tin của Giáo Hội trải qua thời gian :

  • Trong Cựu ước Giuđa Macabê, nhà lãnh đạo Do thái đã dâng lễ tế đền tội cho những tử sĩ (x. 2Mcb 12,38- 46). Ông xác tín rõ: “Cầu nguyện cho người đã chết là một ý tưởng lành thánh và đạo đức, để họ được tha thứ tội lỗi” (2Mcb 12, 46).
  • Chúa Giêsu đề cập đến một ngục tù nơi linh hồn sẽ bị tống vào vì một số tội. Họ sẽ chẳng được ra khỏi đó cho đến khi trả hết đồng xu cuối cùng (x. Mt 5,26).
  • Theo thánh Phaolô, những người sống ở thế gian này không hoàn thiện, tuy nhiên họ sẽ được cứu độ như bằng lửa thử luyện (x. ICr 3,13).
  • Với nền tảng Thánh Kinh trên về nhớ tới các Linh Hồn, Giáo hội từ những thế kỷ đầu cũng đã cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời. Thánh Augustinô (354 – 430) đã nói: “Nếu chúng ta không lưu tâm gì đến người chết, thì chúng ta sẽ không có thói quen cầu nguyện cho họ”. Sau đó, Tu viện trưởng tu viện Cluny – thánh Odilo (962 – 1048) (tu viện này thời đó nằm trong phần đất của đế quốc Germany) đã có sáng kiến tổ chức lễ Cầu hồn vào ngày 02 tháng 11 cử hành trong đan viện Cluny của ngài vào năm 998 (có sách nói 1030). Về sau lễ Cầu hồn đã được lan truyền sang nước Pháp; và tới giữa thế kỷ X, Đức Giáo Hoàng Gioan XIV đã lập lễ Cầu hồn trong Giáo Hội Rôma.

Giáo Hội định tín: “Linh hồn kẻ chết chưa đền tội hoàn toàn sẽ được thanh luyện sau khi chết với những hình phạt được gọi là “Thanh Luyện” (DS 856/464). Cho nên Công đồng Vatican II trong Hiến Chế về Mầu Nhiệm Giáo Hội nói lên niềm xác tín: “Giáo Hội lữ hành hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu cho những người đã chết, vì cầu nguyện cho họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc lành thánh…”.

Thật thế, bằng lời cầu nguyện và hy sinh của anh chị em đang sống, các linh hồn được gia nhập vào hàng ngũ Giáo Hội chiến thắng và bầu cử lại cho anh chị em đang ở Giáo Hội chiến đấu như Thánh Công Đồng tuyên tín : “Khi được về quê Trời và hiện diện trước nhan Chúa, nhờ Người, với Người và trong Người, các thánh lại không ngừng cầu bầu cho chúng ta bên Chúa Cha…”.

Đó là sống mầu nhiệm Hội Thánh Thông công như môi miệng và lòng trí chúng ta thường tuyên xưng trong công thức Đức tin Các Thánh Tông đồ: “Tôi tin các thánh cùng thông công”. Ngày 01 tháng 11, chúng ta hướng về Trời, chiêm ngưỡng các thánh nam nữ trên trời để tạ ơn, với tâm hồn quyết tâm noi gương các Thánh Nam Nữ, những người đã chiến thắng trên Thiên quốc được gọi là Giáo Hội Chiến Thắng, xin các ngài phù trợ cho những người đang sống trên đường lữ thứ trần gian, được gọi là Giáo Hội chiến đấu, để được về trời gia nhập Giáo Hội chiến thắng khi “nhắm mắt lìa đời”. Nhưng chúng ta cũng không thể quên hiệp thông với các linh hồn nơi luyện hình là Giáo Hội đau khổ – “các thánh đang còn lữ thứ”.

Hiệp thông với các thánh nam nữ, chúng ta, những người đang sống trên dương gian là Giáo Hội chiến đấu luôn có tâm hồn tôn kính, noi gương và cầu khẩn với các ngài. Hiệp thông với anh em Giáo Hội đau khổ, chúng ta cầu nguyện cho các ngài như truyền thống Công giáo vẫn có thói quen tốt lành như cầu nguyện, xin lễ cho ông bà tổ tiên, các linh hồn, và viếng nghĩa trang, nơi được gọi là đất Thánh.

Giữa ba Giáo Hội Thánh: Chiến Thắng – các thánh nam nữ ; chiến đấu – chúng ta, những người đang sống lữ hành trần gian; và Giáo Hội đau khổ là các tín hữu đang thanh luyện, liên đới hiệp thông bằng Tình yêu, tình yêu mạnh hơn sự chết. Chính Tình Yêu thúc đẩy làm cho những người đang sống nhớ đến những người đã khuất, làm những hy sinh và cầu nguyện cho các đấng đang thanh luyện được vào cõi hằng sống gia nhập Giáo Hội Chiến thắng, và cũng chính Tình Yêu, các Thánh Nam Nữ nơi Giáo Hội chiến thắng cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta những người đang sống chiến đấu. Vâng, chỉ có Tình Yêu mới làm cho con người được bất tử khi nhớ tới nhau qua hy sinh với lời cầu nguyện hàng ngày.

Trong tình yêu cầu cho người thân đã qua đời được tẩy rửa những lỗi lầm khi họ còn sống trên cõi đời được siêu thoát vào cõi hằng sống, gia nhập hàng ngũ các thánh trên Thiên quốc, cũng nhắc nhở chúng ta tuy sống nhưng đang tiến về sự chết của mình: chết không còn là một chấm hết cuối cùng, nhưng là đang vượt qua, để về với Cha trên trời. Quãng đường vượt qua là quá trình luôn biết sửa chữa lỗi lầm mà sống tích cực trong ý nghĩa làm người được cứu độ: cởi bỏ con người cũ, mặc lấy con người mới, con người theo tám mối phúc thật mà các thánh đã đi qua theo lời mời gọi của Đức Giêsu: Con đường theo Chúa trong tinh thần khó nghèo, hiền lành, sầu khổ, khát công chính, trong sạch, biết xót thương, xây dựng hòa bình và bị bách hại… (x.Mt 5,1-12a).

Thánh Phaolô xác tín: “Quê hương chúng ta ở trên trời” (Pl 3,20). Vâng, Trời là quê hương đích đến như Thánh Cộng Đồng đã dạy: “Nước ấy không thuộc về thế gian nhưng thuộc về Trời…” (LG II, 13). Nước mà các Thánh nam nữ đang hiện diện, đó là quê hương mà các tín hữu đang thanh luyện cho đời, nhờ cậy vào hy sinh cùng lời cầu nguyện của dương thế và công trạng của Giáo Hội chiến thắng. Quê hương Trời- nơi mà chính chúng ta đang tiến về.

Thật thế như ca dao nói :

Trần gian chẳng phải là nhà, đi về vĩnh cửu gặp Cha trên trời.

 Lm. Vinhsơn, Sàigòn 02/11

Tags: , , ,

Có thể bạn quan tâm