Suy niệm Tin Mừng - Thứ Bảy Tuần XXVI Mùa Thường Niên (07.10.2017): Lễ nhớ Đức Mẹ Mân Côi

Thứ Sáu, 06-10-2017 | 17:00:41

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 1,26-38).

Bà Êlisabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc nhà Ðavít. Trinh nữ ấy tên là Maria. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ân sủng, Ðức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Sứ thần liền nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Ðức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Ðavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”

Bà Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, người con sinh ra sẽ là thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”

Bấy giờ bà Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.


Suy niệm:

Không ai biết chính xác Kinh Mân Côi đã được các Ki-tô hữu sử dụng để cầu nguyện từ khi nào. Chỉ biết rằng, các tín hữu Công giáo đã thực hành cách cầu nguyện này ngay từ hồi rất xa xưa. Có truyền thống cho rằng, vào năm 1208, Thánh Đa-minh đã được đích thân Đức Mẹ hiện ra chỉ cho cách cầu nguyện đó. Và người phổ biến truyền thống trên về Thánh Đa-minh chính là Alanus de Rupe (1428 – 1475) – một Tu sĩ Dòng Đa-minh. Ông đã thực hiện việc phổ biến này từ năm 1468. Lẽ dĩ nhiên, nhiều nhà nghiên cứu không tin vào truyền thống do Alanus de Rupe phổ biến. Xét về hình thức, cách cầu nguyện bằng việc lần Chuỗi Mân Côi đã thay đổi khá nhiều trong suốt lịch sử. Và cách cầu nguyện bằng Tràng Hạt Mân-côi theo hình thức mà các Tín hữu Công Giáo ngày nay đang thực hành, trừ Năm Sự Sáng mà Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã bổ sung sau này, đã được bắt đầu từ Mùa Vọng năm 1409 bởi Dominicus von Preußen – Đan Sĩ Dòng Bru-nô. Hình thức này đã được phổ biến mau chóng ngay trong thế kỷ thứ XV. Những người phổ biến cách cầu nguyện này, không ai khác ngoài các Tu Sĩ Dòng Thánh Đa-minh và sau này thêm các Tu Sĩ Dòng Tên nữa. Tuy nhiên, dù gắn chặt với Tràng Hạt Mân Côi, nhưng Đại Lễ Kính Đức Mẹ Mân Côi lại có một lịch sử và một ý nghĩa riêng.

1.Nguồn gốc và việc phổ biến Đại Lễ Đức Mẹ Mân-côi:

Lịch sử của ngày Đại Lễ này liên quan tới một cuộc chiến giữa quân đội của các nước theo Ki-tô giáo với quân đội Thổ-nhĩ-kỳ theo Hồi giáo. Dưới thời cai trị của nhà Ottoman, quân đội, đặc biệt là hải quân của Thổ-nhĩ-kỳ đã trở nên rất hùng mạnh, và được coi là hùng mạnh nhất Châu Âu hồi ấy. Hầu như trong suốt thế kỷ XV, hải quân của Thổ-nhĩ-kỳ không hề nếm trải bất cứ một trận thua nào. Sự hùng mạnh này vẫn được quân đội Thổ tiếp tục duy trì cho tới mãi cuối thế kỷ XVI. Vào mùa Thu năm 1571, được sự hỗ trợ của hai vị tướng là Chulouk Bey và Uluj Ali, Đô đốc Muezzinzade Ali Pasha đã mang 13.000 thủy binh cùng 34.000 thủy quân lục chiến, với nhiều tàu thuyền và chiến hạm, định vượt Địa Trung Hải để đánh thẳng vào Rô-ma. Biết tin quân đội Thổ-nhĩ-kỳ đang kéo đến, Đức Giáo Hoàng Pi-ô V (1566 – 1572) đã tức tốc thành lập quân đội liên minh để chống lại quân Thổ-nhĩ-kỳ. Quân đội đồng minh bao gồm nước Cộng hòa Venezia, vương quốc Tây-ban-nha (lúc đó bao gồm cả Napoli, Sicilia và Sardinia), Quốc gia Giáo hoàng, nước Cộng hòa Genova, Công quốc Savoie, và một số đồng minh khác. Tuy nhiên, dù quân đội của mình được triệu tập từ nhiều quốc gia, nhưng Đức Pi-ô thứ V vẫn ý thức rất rõ về sự yếu kém của quân mình trước quân Thổ. Vì thế, vị Giáo Hoàng xuất thân từ Dòng Đa-minh này đã kêu gọi các tín hữu tha thiết cầu nguyện bằng Kinh Mân-côi để xin Thiên Chúa phù hộ cho các chiến sĩ Ki-tô giáo tham gia trận chiến này.

Quân đội đồng minh đã tiến ra chặn đường quân Thổ-nhĩ-kỳ. Vào ngày mồng 07 tháng 10 năm 1571, bai bên đã chạm trán nhau tại Lepanto, phía Bắc vịnh Patras, Địa Trung Hải, phía Tây Hy Lạp, và cuộc chiến đã diễn ra với tất cả sự ác liệt của nó. Tuy nhiên, chỉ 5 tiếng đồng hồ sau thì quân đồng minh Ki-tô giáo đã toàn thắng quân Thổ-nhĩ-kỳ Hồi giáo. Trận chiến đã kết thúc vào lúc khoảng 4 giờ chiều. Quân đồng minh đã tiêu diệt được khoảng 210 chiến hạm của quân Thổ, trong khi quân Thổ chỉ phá hủy được khoảng 20 chiếc thuyền của quân đồng minh. Chiến thắng này mang lại quyền kiểm soát Địa Trung Hải cho quân đồng minh, bảo vệ Rô-ma khỏi nguy cơ xâm lược, đồng thời ngăn cản bước tiến của đế chế Ottoman vào sâu nội địa Châu Âu.

Đó là một sự chiến thắng ngoài sự mong đợi của quân đội Ki-tô giáo trên quân đội mạnh hơn rất nhiều lần của người Thổ-nhĩ-kỳ theo Hồi giáo. Vì thế, sự thành công của trận đánh này được tuyên bố là nhờ lời bầu cử của Đức Maria. Sau đó, Đức Pi-ô V đã tuyên bố ngày mồng 07 tháng 10, tức ngày quân đồng mình đánh thắng quân Thổ tại Lepanto, là ngày „Tưởng Nhớ Đức Trinh Nữ Toàn Thắng“. Một năm sau đó, khi Đức Thánh Cha Pi-ô V băng hà, và Đức Thánh Cha Grê-gô-ri-ô XIII được bầu lên kế nhiệm, vị Tân Giáo Hoàng này đã tái nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc Lần Chuỗi Mân Côi. Và vì thế, Ngài đã thiết lập riêng cho Dòng Đa-minh cũng như cho các Huynh Đoàn Rất Thánh Mân Côi và cho các Nhà Thờ mà trong đó Đức Mẹ Rất Thánh Mân-côi được tôn kính, một „Đại Lễ Mân-côi của Đức Trinh Nữ Rất Thánh“, và Đại Lễ này được cử hành vào ngày Chúa Nhật đầu tiên của tháng Mười.

Sau đó, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày chiến thắng tại vịnh Lepanto, nữ hoàng Maria Anna của Tây-ban-nha lúc đó đã xin Đức Thánh Cha Clê-men-tê X cho phép được cử hành Đại Lễ Mân-côi của Đức Trinh Nữ Rất Thánh tại đất nước của bà. Lẽ dĩ nhiên, Đức Thánh Cha Clê-men-tê X đã không khước từ ý nguyện này của nữ hoàng Maria Anna.

Vào đầu thế kỷ XVIII, quân đội Thổ-nhĩ-kỳ lại xâm lược Âu Châu một lần nữa. Đức Giáo Hoàng hồi đó là Đức Clê-men-tê XI cũng kêu gọi các tín hữu Công giáo lần chuỗi Mân-cô để cầu xin ơn trợ giúp của Thiên Chúa cho các chiến sĩ Ki-tô giáo trong khi họ tham gia chiến đấu chống lại quân đội Thổ-nhĩ-kỳ Hồi giáo. Vào ngày mồng 05 tháng 08 năm 1716, quân đội Ki-tô giáo với lực lượng rất mỏng, đã chiến thắng vẻ vang trước quân đội Thổ-nhĩ-kỳ Hồi giáo hùng mạnh hơn gấp nhiều lần. Trận thắng này diễn ra trên đất Hung-ga-ri. Sau trận thắng ngoài sức mong đợi đó của quân đội Ki-tô giáo, Đức Thánh Cha Clê-men-tê XI đã tuyên bố rằng, nhờ lời bầu cử của Đức Mẹ Mân-côi mà người Ki-tô giáo mới có được cuộc chiến thắng này. Vì thế, ngay sau đó Ngài đã truyền phải cử hành Đại Lễ Kính Đức Mẹ Mân Côi trên khắp Giáo hội hoàn cầu.

Sau này, Đức Thánh Cha Pi-ô X đã ra lệnh sáp nhập „Lễ Kính Nh Đức Trinh Nữ Toàn Thắng“ và „Đại Lễ Mân-côi của Đức Trinh Nữ Rất Thánh“ lại làm một với nhau, và cử hành vào ngày mồng 07 tháng 10, với tên gọi là Đại Lễ Mân-côi của Đức Trinh Nữ Rất Thánh.

Trong cuộc cải tổ Phụng Vụ do Đức Thánh Cha Phao-lô VI thực hiện vào những năm 1960, Đại Lễ nêu trên được đổi tên thành „Đại Lễ Đức Mẹ Mân-côi“, và được cử hành vào ngày mồng 07 tháng 10 hay vào ngày Chúa Nhật gần ngày mồng 07 tháng 10 nhất. Kể từ đó, Ngày Đại Lễ này không còn nhắm tới Kinh Mân-cô như là đối tượng của việc cử hành nữa, và càng không nhắm tới chuyện coi Kinh Mân-côi như là „vũ khí chiến thắng“ nữa, nhưng nhắm tới việc tôn vinh Đức Maria, người đã cưu mang Ngôi Lời Nhập Thể, tức Đấng Chiến Thắng tội lỗi và tử thần.

2.Sứ điệp thiêng liêng của Đại Lễ Đức Mẹ Mân-côi:

Trong Phụng Vụ của Đại Lễ Đức Mẹ Mân-côi, mầu nhiệm ơn cứu độ dành cho con người được nhấn mạnh theo một cách thức để nó gần gũi hơn với dân chúng, như người ta thấy được trong khi cầu nguyện bằng Kinh Mân-cô với năm Sự Vui, Sự Sáng, Sự Thương và Sự Mừng. Trong Ca Nhập Lễ, Giáo hội Kính Mừng Đức Maria đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng Mẹ, Mẹ có phúc hơn tất cả mọi phụ nữ, và Chúa Giê-su chính là hoa trái phát sinh từ thân thể Mẹ. Hoa trái từ thân thể Đức Maria, cụ thể là Con Thiên Chúa Nhập Thể, chính là Mầu Nhiệm. Như vậy, „Mầu Nhiệm“ là một „Ai Đó“ chứ không phải là một „cái gì đó“. Trong „Mầu Nhiệm“ này, con đường cứu độ cũng đã được vạch ra. Con đường này khởi đi từ mầu nhiệm Nhập Thể, xuyên qua cuộc khổ hình Thập Giá và đi tới Phục Sinh. Lời Nguyện Nhập Lễ của Đại Lễ này cũng nhắc nhớ chúng ta tới điều đó, và dẫn chúng ta tới việc lắng nghe Lời Chúa. Bài Đọc I (Cv 1,12-14) giới thiệu cho chúng ta thấy hạt nhân của Giáo hội nguyên thủy: các Tông Đồ, các phụ nữ, và những người anh em của Chúa Giê-su cùng quy tụ lại với nhau bên cạnh Đức Maria, Thân Mẫu Chúa Giê-su, trong lời cầu nguyện đồng tâm nhất trí. Cộng đoàn Đức Tin chính là sự tiếp nối của mầu nhiệm Chúa Ki-tô sau khi Ngài thăng thiên; là sự tiếp nối của điều mà nó đã có ngay từ đầu công cuộc loan báo Tin Mừng (xc. Bài Tin Mừng của Đại Lễ, Lc 1,26-38). Và với tư cách là những chi thể của Chúa Ki-tô, tất cả chúng ta đều đã được nhấn chìm vào trong mầu nhiệm ấy, bằng cách là chúng ta hiệp thông với Chúa Ki-tô trong cuộc khổ hình của Ngài. Với tư cách là những chứng nhân cũng như là những môn đệ của Ngài, chúng ta được phép trông đợi rằng, vào một ngày kia chúng ta cũng sẽ được tham dự hoàn toàn vào với vinh quang vĩnh cửu của Ngài, như được trình bày trong lời nguyện kết của Đại Lễ này.

Lm. Đaminh Thiệu O.Cist

Tags: , , ,

Có thể bạn quan tâm