Suy niệm Tin Mừng - Thứ Sáu Tuần XIX Mùa Thường Niên (17.08.2018): Tính bất khả phân ly trong hôn nhân.

Thứ Năm, 16-08-2018 | 17:00:17

Phúc Âm: Mt 19, 3-12

“Vì lòng chai đá của các ngươi mà Môsê đã cho phép các ngươi rẫy vợ; nhưng từ ban đầu thì không có như vậy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, có những người biệt phái đến cùng Chúa Giêsu và hỏi thử Người rằng: “Có được phép rẫy vợ vì bất cứ lẽ gì không?” Người đáp: “Nào các ông đã chẳng đọc thấy rằng: Từ thuở ban đầu, Tạo Hoá đã dựng loài người có nam có nữ, và Người đã phán: Bởi thế nên người nam sẽ bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, và cả hai sẽ nên một thân xác? Cho nên họ không còn là hai, nhưng là một thân xác. Vậy điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, thì loài người không được phân ly”. Họ hỏi lại: “Vậy tại sao Môsê đã truyền cấp tờ ly hôn mà cho rẫy vợ?” Người đáp: “Vì lòng chai đá của các ông mà Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ; nhưng từ ban đầu thì không có như vậy. Tôi bảo các ông rằng: Ai rẫy vợ, trừ nố gian dâm, và đi cưới vợ khác, thì phạm tội ngoại tình. Và ai cưới người đã bị rẫy, cũng phạm tội ngoại tình”.

Các môn đệ thưa Người rằng: “Nếu sự thể việc vợ chồng là như thế, thì tốt hơn đừng cưới vợ”. Người đáp: “Không phải mọi người hiểu được điều ấy, nhưng chỉ những ai được ban cho hiểu mà thôi. Vì có những hoạn nhân từ lòng mẹ sinh ra, có những hoạn nhân do người ta làm nên, và có những người vì Nước Trời, tự trở thành hoạn nhân. Ai có thể hiểu được thì hiểu”.


Suy niệm: Tính bất khả phân ly trong hôn nhân.

Xã hội loài người thời đại nào và bất cứ nơi đâu, từ những tộc người sơ khai cho đến những xã hội văn minh, cũng đều có luật về hôn nhân gia đình. Đặc biệt nơi nhiều tôn giáo còn tâm linh hóa hôn nhân thành một định chế của niềm tin và nghi lễ.

Bộ luật Do-thái cũng đưa ra quy định về hôn nhân cách chi tiết, trong đó có cả việc cho phép ly dị (Đnl 24). Tuy nhiên, việc đặt ra quy định về ly dị của Do-thái Giáo đã để lại một sự bất công và hạ thấp nhân phẩm của người phụ nữ, và qua đó xem nhẹ tình yêu và sự trung tín trong hôn nhân.

Sách Đệ Nhị Luật chương 24,1-3 ghi:

“Nếu một người đàn ông đã lấy vợ và đã ăn ở với nàng rồi, mà sau đó nàng không đẹp lòng người ấy nữa, vì người ấy thấy nơi nàng có điều gì chướng, thì sẽ viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà. Ra khỏi nhà người ấy, nếu nàng đi lấy chồng khác, mà người chồng sau lại ghét bỏ nàng, viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà, hoặc nếu người chồng sau đã lấy nàng làm vợ mà chết, thì người chồng đầu tiên đã đuổi nàng đi không thể lấy nàng làm vợ một lần nữa, sau khi nàng đã ra ô uế”.

Thật ra, sách Đệ Nhị Luật chỉ biên tập lần cuối và đầy đủ như ngày nay là từ sau năm -587, nên không loại trừ chuyện người ta đã thêm vào những điều có lợi cho họ, nhưng đã gán cho Môisê đã mất trước đó rất lâu. Chế độ trọng nam khinh nữ và phân biệt đối xử không chỉ có nơi Do-thái, mà là cả vùng Trung Đông, đặc biệt nơi các nước Hồi Giáo vẫn tồn tại việc bất bình đẳng này cho đến hôm nay. Người Do-thái coi người nữ đứng hàng thứ sáu trong nhà, xếp sau cả vật nuôi của họ. Họ xem người nữ như một món đồ để thỏa mãn và lưu truyền nòi giống, thích thì giữ và chán thì bỏ. Không có hôn nhân đích thực vì không có được sự cao cả của tình yêu và lòng trung tín.

* Tính bất khả phân ly trong hôn nhân.

Hôm nay khi người Pha-ri-sêu đến hỏi Chúa Giêsu xem họ có được phép ly dị không? Thay vì trả lời “Có” hay “Không” – vì Chúa Giêsu biết họ có ý gài bẫy Người sẽ phạm một trong hai tội: vi phạm Lề Luật hoặc đối đầu với Hêrôđê – thì Chúa Giêsu lại nhắc cho họ điều căn bản là từ thuở ban đầu là Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ, chúc phúc cho họ để nên một với nhau “bất khả phân ly”.

“Thuở ban đầu” – có nghĩa là từ ngàn đời trong ý định của Thiên Chúa đã muốn người nam và nữ kết hợp với nhau trong việc cộng tác sáng tạo và bất khả phân ly. Thế nhưng, vì ích kỷ mà con người phản bội dối gian nhau, thiếu tình yêu thương và tha thứ cho nhau… dẫn đến đổ vỡ. Chính vì thế mà Môsê cho phép ly dị như một chọn lựa ngoài ý muốn để giải gỡ cho họ. Chúng ta cần dừng lại ở lời này của Chúa Giêsu: ông Môisê cho phép chứ không phải Thiên Chúa đã ban bố điều đó, và ông Môisê cho phép là vì lòng chai dạ đá của họ.

Như vậy, Chúa Giêsu xác định rõ ràng về ý định của Thiên Chúa và nâng hôn nhân lên hàng bí tích. Ngài khẳng định khi hôn nhân thành sự là cả hai đã nên một xương một thịt và do Thiên Chúa kết hợp nên loài người không ai có quyền phân ly. Và hôn nhân là sự bình đẳng, bổ trợ cho nhau để cùng hướng tới sự cộng tác sáng tạo của Thiên Chúa.

Ngày hôm nay, Giáo Hội Công Giáo vẫn trung thành với luật Chúa là duy trì sự bất khả phân ly, nghĩa là khi một cuộc hôn nhân đã thành sự thì Hội Thánh không thể chấp nhận cho ly dị, trừ những trường hợp chứng minh được tiêu hôn, hoặc một số trường hợp được ly thân mà thôi. 

* Ơn gọi thánh hiến.

Lúc các môn đệ nói với Chúa Giê-su về việc kết hôn phức tạp: “Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn.” Nhưng Người nói với các ông: “Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu. Quả vậy, có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng; có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn; lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu.”

Nghĩa là, Chúa Giê-su đã đưa ra có những loại người không lấy vợ hoặc không thể lấy vợ:

– Bất lực

– Thái giám

– Thánh hiến cho Chúa.

Và Chúa Giê-su kết luận: “Ai hiểu được thì hiểu”.

Mọi người, mọi nơi và mọi thời, nhất là những người không có niềm tin đã “không thể hiểu nổi”, “không thể tin được”, những nam thanh nữ tú ngời ngời sức xuân và tương lai, lại có thể bỏ lại tất cả để bước theo Chúa Giêsu.

– Để rồi khi mọi thanh niên thiếu nữ đi tìm cái niềm vui tình cảm đôi lứa, những tu sĩ lại chọn sự trinh khiết.

– Những bạn trẻ bên ngoài thích tự do, thì người sống đời thánh hiến lại sống vâng phục dưới quyền quyết định của một vị bề trên.

– Những thanh niên ở đời thích sự giàu sang tiện nghi, thì tu sỹ lại chọn một cách sống đơn sơ giản dị, sống khó nghèo theo gương Đức Giêsu nghèo khó.

Tóm lại, các tu sĩ khấn dâng cho Thiên Chúa 3 lời khấn : Khiết Tịnh, Khó Nghèo và Vâng Phục, để trở nên chứng nhân cho Chúa và cứu độ các linh hồn.

Thế nhưng, các tu sĩ cũng là những con người như mọi người, nên mọi người chúng ta cần cầu nguyện và cộng tác với họ, để giúp họ đi trọn con đường cao quý và hy sinh mà họ đã chọn.

Lạy Chúa, giữa xã hội hôm nay khi mọi giá trị luân lý, nhất là hôn nhân bị đảo lộn. Xin cho chúng con biết hy sinh và lvị tha, để xây dựng hôn nhân Kitô Giáo vững chắc, từ đó giúp nhau thắng vượt được mọi khó khăn có thể làm tan vỡ gia đình. Amen.

Vp. Hiền Lâm, O.Cist

Tags: , ,

Có thể bạn quan tâm