Suy niệm Tin Mừng - Thứ Ba Tuần XXIV Mùa Thường Niên (18.09.2018): Lòng Thương Xót của Thiên Chúa

Thứ Hai, 17-09-2018 | 17:00:41

Phúc Âm: Lc 7,11-17

“Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. 

Đức Giê-su đi đến thành kia gọi là Na-in, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi với Người. Khi Đức Giê-su đến gần cửa thành, thì đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà. Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa! ” Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giê-su nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy! ” Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giê-su trao anh ta cho bà mẹ. Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người”. Lời này về Đức Giê-su được loan truyền khắp cả miền Giu-đê và vùng lân cận.


SUY NIỆM: Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. 

Lời Chúa hôm nay đặc biệt nói đến quyền năng của Thiên Chúa trên sự sống của con người. Chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng làm chủ sự sống và sự chết: Thiên Chúa đã dùng ngôn sứ Ê-li-a mà cho đứa bé con của bà góa ở Xa-rép-ta sống lại (x. 1V 17,17-24), đặc biệt, chính Chúa Giê-su đã phục sinh người con trai duy nhất của bà góa thành Na-im (bài Tin Mừng Lc 7,11-17).

Có một chi tiết trùng hợp là cả hai đều là bà góa, và cả hai cũng chỉ có một người con trai duy nhất. Bà góa theo Thánh Kinh là thuộc thành phần “người nghèo của Gia-vê”, và “người con trai duy nhất” là niềm hi vọng duy nhất về sự sống còn của bà góa khốn khổ. Một điều đặc biệt nữa là, phép lạ xảy ra ở đây không hề có một lời cầu xin của chính người khốn khổ kia, mà chính là những lời tưởng như than trách và tiếng khóc ai oán đã chạm đến “Lòng Thương Xót” của Thiên Chúa. Đó là những ý tưởng chủ đạo mà chúng ta cùng chia sẻ với nhau hôm nay.

* Thiên Chúa là chủ của sự sống.

Kiếp nhân sinh ai cũng phải qua “sinh, lão, bệnh, tử”. Từ cổ chí kim, con người tìm mọi cách để kéo dài sự sống, từ “luyện đan tiên dược” đến y khoa bào chế các loại thuốc thần dược, nhưng cùng lắm cũng chỉ có thể kéo dài sự sống thể lý được dăm ba năm, và rồi chết cũng đành phải chết. Và khi đã chết, thì không ai trong loài người có thể làm cho sống lại được. Điều này chỉ có quyền năng của Thiên Chúa mới làm cho sống, dù phục hồi sự sống thể lý hay ban cho sự sống đời đời. Ngôn sứ Ê-li-a đã dùng quyền năng của Chúa ban mà cho con trai bà góa thành Xa-rép-ta sống lại, hay như chính Chúa Giê-su đã truyền lệnh cho người con trai bà góa thành Na-im chỗi dậy. Tất cả đều chứng minh một điều, chỉ có Thiên Chúa mới là chủ của sự sống.

Sự sống thể lý là sự sống lệ thuộc, chứ không tự thân, nên nó phải nạp thức ăn và các chất dinh dưỡng để tồn tại, và đến một lúc nó không thể thâu nạp được nữa, nó sẽ chết. Sự sống thể lý này lệ thuộc vào không gian và thời gian, nên nó có thể mất đi bất cứ lúc nào, khi một trong các cơ quan trên thân thể bị tổn thương không thể hoạt động được nữa. Khác với sự sống siêu nhiên đến từ nơi Thiên Chúa, là sự sống của Chúa Ba Ngôi. Sự sống siêu nhiên là tự thân chứ không lệ thuộc, nên không phụ thuộc thời gian hay không gian và không thể mất đi. Con trai bà góa thành Xa-rép-ta hay con trai bà góa thành Na-im được phục hồi sự sống, nhưng cũng là sự sống tự nhiên, nên một mai mấy chục năm họ lại già đi và chết. Khác với Chúa Giê-su Phục Sinh là làm cho thân xác được sống đời đời.

Trong đời sống thiêng liêng, hình ảnh người thanh niên con bà góa thành Na-im là tình trạng của những ai đã bị chôn vùi trong dục vọng và đã chết trong tội lỗi, cho tới khi Chúa Giê-su đụng đến “quan tài tâm hồn” và phục hồi lại tình trạng ân sủng, giúp họ bước từ cõi chết sang cõi sống. Chính với tư cách là “Chúa” có quyền trở nên sự sống và sự chết mà Chúa Giêsu hành động. Lời nói của Người tái lập liên hệ giữa chàng thanh niên với đám người chung quanh, đã bị cắt đứt do cái chết: anh bắt đầu nói. Cần ghi nhận rằng việc anh được trả lại cho mẹ anh ta nhắc ta nhớ chính vì cảm thương bà mà Chúa Giêsu đã làm như thế.

* “Lòng Thương Xót” của Thiên Chúa.

Hình ảnh bà goá thành Na-im, đứa con trai duy nhất là niềm hy vọng duy nhất của bà, là sự sống và tương lai của bà. Thật vậy, một người đàn bà đã chết chồng và chỉ có một đứa con trai duy nhất, bao tình yêu còn lại bà dành duy nhất cho nó, bao hy vọng bà đặt nơi nó, vì nó là sự sống và tương lai tuổi già bà trông cậy vào nó. Đùng một cái, người con trai duy nhất chết, bà mất hết tất cả: Tình yêu, sự sống, hy vọng, tương lai… Tình trạng của bà bây giờ là tuyệt vọng của mọi tuyệt vọng. Và Chúa đã đến trong sự tuyệt vọng tận cùng ấy, Chúa không đợi bà phải cầu xin, nhưng tiếng khóc và nỗi đau tận cùng ấy là lời cầu xin thẳm sâu nhất đụng chạm vào “Lòng Thương Xót” của Chúa. Chúa chạnh lòng thương bảo bà đừng khóc nữa, rồi phục sinh người con và trao lại cho bà.

Lắm khi trong cuộc đời mỗi chúng ta, cũng cảm thấy mất hết tất cả: Tình yêu bị phản bội, sống cũng như chết, không còn gì để hy vọng, tương lai mù mịt và tuyệt vọng chán chường buông xuôi. Xin hãy nhớ rằng, trong khi ta tuyệt vọng nhất, Chúa vẫn đang ở đó. Liệu chúng ta còn nhớ đến Chúa không? Chúng ta có buông xuôi? Hay là cứ tự sức mình một cách vô vọng? Cũng không ít lần tưởng chừng như Chúa vắng mặt trước đau khổ của chúng ta, chúng ta vẫn tín thác vào chương trình của Chúa như ông Gióp, hay là trách móc, chán chường thất vọng và tuyệt vọng?

Trong huyền nhiệm đau khổ, có khi Chúa xuất hiện giải cứu như trường hợp của bà góa thành Na-im được Chúa cho đứa con duy nhất sống lại, nhưng cũng có lúc Thiên Chúa dường như im lặng trước nỗi đau như trường hợp Mẹ Maria ôm thân xác Người Con Duy Nhất đã chết và mai táng vào mộ. Nhưng trong tất cả, Thiên Chúa có lý do trong chương trình của Người mà mãi mãi vẫn là một huyền nhiệm trước mọi suy tưởng của con người đôi lúc xem ra thật bất công.

Tận cùng của nỗi đau kiếp người chính là cái chết, là tuyệt vọng ghê gớm nhất của những kẻ chỉ bám víu vào sự sống mau qua này, mà không thể làm gì để giữ lại được nó. Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền trên sự sống và sự chết của con người.

Lạy Chúa Giêsu, lắm lúc chúng con cảm thấy như mất tất cả, Mất cả điều chúng con yêu quý nhất vì như chẳng còn gì để hi vọng, tình yêu, sự sống, tương lai… đã bị đem đi chon. Xin Chúa đừng bỏ rơi, nhưng đến trong sự tận cùng tuyệt vọng của chúng con mà phục hồi tâm hồn chúng con, ban lại cho chúng con niềm vui và hi vọng. Amen.

Lm. Hiền Lâm

Tags: , ,

Có thể bạn quan tâm