Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự thánh lễ Chúa nhật Lễ Lá tại Quảng trường thánh Phêrô

Chúa Nhật, 25-03-2018 | 22:10:32

Vatican. Lúc 10h sáng 25.03.2018, Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự thánh lễ Chúa nhật Lễ Lá tại Quảng trường thánh Phêrô. Tham dự thánh lễ, có đông đảo các bạn trẻ của giáo phận Roma và đến từ các nơi khác. Đây cũng là ngày Quốc tế Giới trẻ lần thứ 33 với chủ đề: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa” (Lc 1:30). Giảng trong thánh lễ, Đức Thánh Cha chia sẻ về 3 loại tiếng nói, và Ngài mời gọi các bạn trẻ hãy biết lên tiếng.

Đức Thánh Cha cử hành Lễ Lá 2018


Bài giảng của ĐTC: Họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên!

Chúa Giêsu đi vào thành Giêrusalem. Phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta cùng chung vui và tham dự ngày lễ mừng với dân chúng, để có thể reo hò mừng rỡ đón rước Chúa. Niềm vui ấy đã trở nên mờ đi và để lại vị đắng sau khi chúng ta nghe bài Thương Khó. Ngày lễ này dường như pha trộn giữa niềm vui và khổ đau, giữa lầm lỗi và thành công. Những điều ấy là thành phần của cuộc sống thường ngày của chúng ta. Điều tương tự cũng xảy ra cho các môn đệ. Bởi vì có người đã trút bỏ tấm khăn mà chạy trốn mình trần. Những mâu thuẫn ấy thường thấy ngày nay giữa chúng ta. Chúng ta có khả năng yêu mến, nhưng cũng biết ghét bỏ. Chúng ta có khả năng hy sinh dũng cảm, nhưng cũng biết “rửa tay” trốn tránh trách nhiệm vào đúng lúc. Chúng ta có khả năng trung thành, nhưng cũng biết bỏ trốn, có khi còn phản bội.

Chúng ta thấy, niềm vui mà dân chúng dành để đón rước Chúa vào thành, lại trở thành cái cớ gây phiền toái và là cái cớ để người ta kích động.

Tiếng nói thứ nhất: reo hò mừng vui

Chúa Giêsu đi vào thành Giêrusalem với dân chúng vây quanh. Người ta reo hò mừng rỡ. Chúng ta có thể hình dung, đó là tiếng nói của đứa con trai được tha thứ, đó là tiếng của người phong hủi được lành sạch, đó là tiếng của con chiên bị lạc. Những tiếng nói ấy vang lên mạnh mẽ đón mừng Chúa. Đó cũng là tiếng hát của người tội lỗi và của những ai bị coi là ô uế. Đó là tiếng vang của những người phải sống ngoài rìa thành phố. Tiếng hát, tiếng hô, tiếng hò của biết bao người nam nữ đi theo Chúa, vì họ đã từng trải kinh nghiệm về lòng thương xót của Chúa trước nỗi đau khổ của họ. Họ mừng vui ca hát tự đáy lòng một cách tự nhiên. Đó là lời ca tiếng hát của những người ngoài lề xã hội đã từng được Chúa Giêsu đụng chạm đến cuộc đời. Họ rộn ràng mừng vui: Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến! Làm sao mà có thể không ca ngợi cho được, bởi vì Đấng ấy đã phục hồi phẩm giá cho họ, bởi vì Đấng ấy đã mang lại hy vọng cho họ? Đó là niềm vui của biết bao người tội lỗi được ơn thứ tha, được ơn tìm lại niềm tin và hy vọng. Họ mừng vui!

Niềm vui ấy lại trở thành cái cớ vấp phạm cho những kẻ tự coi mình là công chính và “trung thành” với lề luật và với nghi lễ. Niềm vui ấy trở thành điều không thể chịu nổi đối với những kẻ đóng kín lòng mình trước những con người khổ đau. Niềm vui ấy không thể bị lấy mất bởi những kẻ quên đi ký ức và quên đi những gì mình đã nhận lãnh. Đối với những kẻ chỉ biết tìm sự công chính nơi bản thân, thì thật là khó biết bao để có thể nhận được niềm vui và mừng đại lễ lòng thương xót của Chúa! Đối với những kẻ chỉ cậy vào sức lực bản thân và tự cao đi coi khinh người khác, thì thật là khó dường nào để có thể chia sẻ niềm vui.

Tiếng nói thứ hai: kết án bất công

Và rồi, những tiếng kêu vang lên: “Đóng đinh nó đi!” Tiếng kêu gào ấy không tự nhiên chút nào, nhưng được định hình từ sự khinh miệt, từ những vu khống và cáo gian. Đó là tiếng nói của những kẻ lợi dụng và lèo lái thực tế theo cách tạo nên lợi lộc cho riêng mình. Đó là tiếng kêu của những kẻ tìm kiếm các phương tiện để củng cố bản thân. Những tiếng kêu ấy, những mánh lới và thủ thuật ấy nhằm dẫn đến chỗ kết án Chúa Giêsu. Đó là tiếng nói của những kẻ muốn bảo vệ vị thế của bản thân bằng cách tấn công những ai yếu thế không thể tự bảo vệ. Những tiếng nói ấy, những tiếng kêu ấy vang lên: “Đóng đinh nó đi! Đóng đinh nó vào thập giá!”.

Và khi ấy, ngày lễ mừng của dân chúng trở nên tắt lịm, niềm hy vọng bị phá vỡ, giấc mơ chẳng còn, niềm vui bị cướp mất, trái tim trở nên mù tối, lòng nhân ái trở nên nguội lạnh. Còn những kẻ tự cho rằng mình có thể tự cứu mình, thì lại ngủ say trong cơn mơ về tình đồng loại, đóng cửa lòng với những lý tưởng, và làm tự làm tê liệt con mắt để không biết nhìn đến đồng loại khổ đau…

Khi đối mặt với tất cả những điều ấy, phương dược tốt nhất là nhìn lên thập giá Chúa Kitô, và để cho bản thân chúng ta bị gọi hỏi bị thách thức bởi lời kêu than cuối cùng của Chúa Giêsu trên thánh giá. Chúa Kitô đã chết, đã gióng lên tình yêu mến của Ngài dành cho từng người chúng ta: dành cho các bạn trẻ, dành cho người cao niên, dành cho các vị thánh cũng như người tội lỗi. Tình yêu mến của Ngài trải dài từ thời đó cho đến thời đại chúng ta. Trên thánh giá, Chúa đã cứu độ từng người chúng ta, để không ai có thể bị lấy mất niềm vui của Tin Mừng, để không còn ai phải cảm thấy mình xa lạ với ánh mắt thương xót từ nhân của Thiên Chúa là Cha. Nhìn lên thánh giá có nghĩa là chúng ta biết đặt ra cho bản thân những ưu tiên và chọn lựa, có nghĩa là biết nhạy cảm trong những thời khắc khó khăn. Chúa thấy gì trong trái tim ta? Chúa Giêsu có còn là niềm vui trong lòng ta hay không? Hay là chúng ta lại đi xấu hổ khi Chúa dành ưu tiên cho những người tội lỗi, người bé mọn và những ai đang bị quên lãng?

Tiếng nói thứ ba: vui vẻ lên tiếng

Các bạn trẻ thân mến, niềm vui của Chúa Giêsu truyền cảm hứng cho các bạn, và một người trẻ vui vẻ thì rất khó bị lèo lái. Nhưng hôm nay có một tiếng nói thứ ba. Đó là tiếng của những người Phariseu nói với Chúa: “Thưa Thầy, Thầy quở trách các môn đệ Thầy đi chứ!”, Thầy hãy nói những bạn trẻ ấy im lặng đi. Nhưng Chúa đáp lại: “Tôi bảo các ông: Họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên!” (Lc 19:39-40).  

Muốn làm cho người trẻ im lặng, đây là cám dỗ thời nào cũng có. Trong trường hợp hôm nay, chính những người Phariseu đã tác động lên Chúa Giêsu, để Chúa giữ người ta im hơi lặng tiếng.

Có nhiều cách để giữ cho người trẻ im tiếng và dường như không còn hiện diện. Có nhiều cách để gây mê và dẫn người ta vào giấc ngủ, để người ta không còn “ồn ào”, vì khi đó người ta không còn biết chất vấn, không còn biết tự hỏi lòng mình. Có nhiều cách để làm cho người ta im hơi lặng tiếng, ví như làm cho người ta cảm thấy thoải mái và không còn mơ ước, mất đi sự chia sẻ, hoặc rơi vào những giấc mơ hoang tưởng, hoặc đi vào sự buồn rầu thê thảm.

Trong Chúa nhật Lễ Lá này, chúng ta cử hành ngày Quốc tế Giới trẻ, chúng ta hãy lắng nghe câu trả lời của Chúa Giêsu dành cho những người Phariseu, dành cho mọi người ở mọi thời và cả thời nay nữa: “Nếu họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng phải lên tiếng!” (Lc 19:40).

Các bạn trẻ thân mến, quyết định lên tiếng hay không là tùy ở các bạn. Cầu mong các bạn quyết định ca khen: “Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến!” như trong ngày Chúa nhật Lễ Lá. Cầu mong các bạn đừng rơi vào những tiếng kêu gào: “Đóng đinh nó đi!” như trong ngày Thứ Sáu… Và các bạn không nên im lặng. Nếu người ta im lặng, nếu các bậc kỳ lão lặng thinh, nếu giới hữu trách lặng thinh, nếu thế giới lặng thinh và đánh mất niềm vui, thì Cha xin hỏi các bạn một câu: Các bạn có lên tiếng hay không?

Các bạn trẻ thân mến, xin làm ơn, xin làm ơn hãy quyết định trước khi để cho sỏi đá kêu lên!

Tứ Quyết SJ

Tags: , ,

Có thể bạn quan tâm