Suy niệm Tin Mừng - Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh (20.04.2018): Lương thực linh hồn

Thứ Năm, 19-04-2018 | 17:00:21

Phúc Âm: Ga 6, 52 – 59

“Thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, người Do thái tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” Đức Giêsu nói với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.” Đó là những điều Đức Giêsu đã nói khi giảng dạy trong hội đường, ở Caphácnaum.


Suy niệm: Lương thực linh hồn

Có một thương gia Công giáo người Ðức sang đảo Greenland, Bắc cực vào thời gian đạo Công giáo còn bị cấm đoán ở đây. Vì công việc làm ăn, ông phải lưu lại đảo cả mùa Giáng Sinh. Biết được ông là người Công giáo, một gia đình mời ông tham dự giờ cầu nguyện lén lút của họ vào đêm Giáng Sinh.

Không quản ngại cái lạnh giá của khí hậu Bắc Cực, họ âm thầm lần mò trong đêm tối đến tụ họp trong nhà của một bô lão tuổi khoảng thất tuần. Sau lời chào chúc, và một vài lời nguyện qua Kinh Thánh, ông lão kéo hộc bàn và lấy ra một chiếc hộp nhỏ. Trong hộp có chiếc khăn thánh đã vàng úa theo thời gian. Vừa nâng chiếc khăn thánh lên, ông lão vừa run rẩy cất giọng:

“Anh chị em thân mến! Cách đây 50 năm, Thánh lễ cuối cùng trên mảnh đất của chúng ta được dâng tiến trên chiếc khăn thánh này. Lúc ấy, tôi là cậu bé giúp lễ và chiếc khăn này là vật duy nhất còn lại khi ngôi thánh đường bị thiêu rụi. Mình Thánh và Máu Thánh của Chúa Giêsu đã ngự trên chiếc khăn này. Ðoạn ông mời gọi mọi người quì gối và cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con được thông phần vào Mình Máu Thánh Chúa”.

Lời cầu của ông bị cắt ngay bởi tiếng nức nở, chẳng một ai cầm được nước mắt. Và đôi mắt của người thương gia người Ðức cũng đã ngấn lệ chẳng biết từ bao giờ. Lòng ông bồi hồi cảm xúc với ước muốn tha thiết được nhận lãnh Thánh Thể. Một sự khao khát mà trước đây ông chưa hề có, dù hằng ngày ông vẫn đến nhà thờ dâng Thánh Lễ.

Có lẽ phần đông chúng ta hoặc chính mình hoặc được nghe kể lại kinh nghiệm về cảm giác trống vắng phải xa bàn tiệc Thánh Thể. Như thương gia người Ðức ở trên, có lẽ vì quá gần gũi hằng ngày, chúng ta chẳng lưu tâm để ý tới. Chỉ khi nào xa cách, chúng ta sẽ hiểu được giá trị: “Mình Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống. Ai ăn Mình Ta và uống Máu Ta thì sẽ ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy”.

Nhiều người hoài nghi cho rằng Lời Chúa Giêsu không mang ý nghĩa thực mà chỉ là một hình ảnh diễn tả hy tế Thập Giá. Ðây cũng là phản ứng của đám đông Do Thái: “Làm sao ông này có thể lấy Thịt Mình cho chúng ta ăn được?”

Chúng ta không phủ nhận ý nghĩa về Thánh Lễ trên Thập Giá của đoạn Tin Mừng hôm nay, vì Thánh Lễ cũng là một hy tế tái diễn hy tế Thập Giá. Trong lễ hy tế, vật hy tế chính Thịt và Máu Chúa. Trong Thánh Lễ, bánh và rượu – hay nói cách khác – Thịt và Máu Chúa Giêsu được dùng của lễ.

Tuy nhiên, nếu hy tế Thập Giá có giá trị cứu rỗi đặc biệt thì đòi hỏi người tham dự có một thái độ đặc biệt: “Ai không ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì sẽ không có sự sống”. Lệnh truyền này còn được nhắc lại rất trang trọng trong nghi thức thiết lập phép Thánh Thể ở Nhà Tiệc Ly: “Hãy cầm lấy mà ăn… Hãy cầm lấy mà uống”. Ăn uống bây giờ không còn là ăn bánh uống rượu để kỷ niệm mà là đón nhận chính Mình Máu Chúa Giêsu.

Vì thế, thánh Phaolô đã nhắc nhở: “Hễ ai ăn uống cách bất xứng, chẳng phân biệt thân thể Chúa, thì người ấy ăn uống án phạt cho mình”. Sự sống đời đời đã trở nên hình phạt vì thái độ bất xứng của kẻ lãnh nhận. Bởi thế, lãnh nhận Thánh Thể không đơn thuần là việc ăn uống để có được sức mạnh, nhưng còn đòi hỏi con người phải biết hiến dâng qua việc chuẩn bị tâm hồn để đón nhận.

Theo ngôn ngữ của Phúc Âm Gioan, giờ của Ngài tức là lúc Ðức Kitô được treo lên, lúc Ngài trở thành hiến vật để cứu sống muôn người. Trong cuộc sống mỗi người Kitô hữu cũng sẽ có những giờ đòi buộc họ là chịu khổ đau Thập Giá. Ðây sẽ là cơ hội quí báu để họ góp phần vào hy tế của Chúa Giêsu được tái diễn mỗi ngày qua Thánh Lễ.

Lạy Chúa, không ít lần vì thiếu chuẩn bị con đã đón rước Chúa một cách hững hờ, bất xứng, khiến cho sự sống đời đời chẳng sinh hậu quả hoặc đã trở nên hình phạt. Xin cho con biết dùng những đau khổ trong cuộc sống là con đường dẫn đến Núi Sọ, để một khi đã góp phần vào hy tế Thập Giá con cũng được hưởng nhờ hiệu quả do hy tế Thập Giá mang lại. Amen. 

Missionaries in Asia

Tags: , , ,

Có thể bạn quan tâm