Tại sao người Công Giáo liên kết mạnh mẽ đến thế với phong trào phò sự sống?

Thứ Hai, 07-08-2017 | 20:21:06

Ảnh: các bạn trẻ nhóm BVSS xuống đường ngày 8/3/2016

Giáo Hội Công Giáo dành cho việc bảo vệ sự sống con người, và do đó, chống đối phá thai, an tử, và dùng tế bào gốc phôi thai để nghiên cứu một vị trí ưu tiên rõ ràng trong các quan tâm chính trị của mình, song song với việc bảo vệ gia đình truyền thống, đặt căn bản trên sự kết hợp suốt đời giữa một người đàn ông và một người đàn bà, và do đó, chống đối hôn nhân đồng tính. Các nhà lãnh đạo Công Giáo thường so sánh việc tranh đấu cho sự sống với phong trào hủy bỏ nạn nô lệ ở thế kỷ 19; các ngài cho rằng Giáo Hội đã không ở tuyến đầu trong việc xác định các vấn đề nhân quyền của thời ấy, nên các ngài thề hứa lần này sẽ không mắc cùng một sai lầm như thế nữa.

Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, năm 2009, nói rằng “Về phương diện lịch sử, tôi nghĩ ta hoàn toàn có lý khi so sánh vấn đề phò sự sống với vấn đề nô lệ. Ngày nay, nhìn lại các giám mục Hoa kỳ đối với nạn nô lệ, chúng ta phải mắc cỡ, vì lúc ấy mình đã không tiên tri chút nào. Chỉ có một hay hai trường hợp trừ, không giám mục nào ở thế kỷ 19 dám đứng lên mà nói ‘điều này xấu ngay trong nội tại và chúng ta phải chấm dứt nó ngay bây giờ’. Có lúc, các vị còn viết thế này ‘chúng tôi xin để vấn đề này cho các người thế gian’. Như thể chúng ta đang ở Sao Hỏa không bằng! Chúng ta nhìn lại mà mắc cỡ về những điều như thế, và mắc cỡ là đúng, nhưng nhất định chúng ta sẽ không như thế nữa đối với vấn đề phá thai”.

Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ đôi khi bị coi là phò sự sống một cách hăng hái hơn ở Âu Châu, nơi các thập tự chinh Công Giáo hàng đầu nằm ở chỗ khác: như bảo vệ tôn giáo chống lại phong trào duy tục trong Liên Hiệp Âu Châu, chẳng hạn, hay mối tương quan với Hồi Giáo. Ngay những người Âu Châu bảo thủ nhất đôi khi cũng tố cáo các đồng đạo Hoa Kỳ của họ là đã thiển cận, chỉ chú tâm vào vấn đề phá thai. Một phần, sự khác nhau này phản ảnh bầu khí chính trị. Phá thai là vấn đề phần lớn đã lắng dịu ở hầu hết các nước ở Âu Châu, thành thử người Công Giáo Âu Châu có xu hướng đầu tư năng lực của họ vào các vấn đề khác. Tuy nhiên, ở Hoa Kỳ, cuộc tranh luận về phá thai vẫn còn đang sôi nổi, nên Giáo Hội cảm thấy có nghĩa vụ phải lên tiếng.

Phải chăng lập trường phò sự sống này đã được khắc cố định vào đá?

Các giá trị thì nhất định đã được khắc cố định vào đá rồi, nhưng bối cảnh chính trị thì thay đổi. Trong tương lai, điều chắc là việc chống đối tân thế giới kỹ thuật sinh học (biotechnology) đầy dạn sĩ sẽ phát xuất như nhau từ phe tả thế tục và từ phe hữu tôn giáo, kể cả các cuộc tranh luận về việc sinh vô tính (cloning), chép hình di truyền (genetic profiling) và các “chimeras”, tức các lai giống nhân tạo giữa người và thú vật. Thực tế này hiện nay đã khá rõ rõ ràng tại Âu Châu, nơi việc sử dụng các thực phẩm thay đổi gen (genetically modified foods), trong căn bản, đã bị chặn đứng bởi phe tả chính trị, chứ không phải phe hữu. Một loạt các vấn đề kỹ thuật sinh học khác đang ló dạng cũng có một phản ứng tương tự. Jeremy Rifkin, chẳng hạn, thường đứng chung hàng với các giới cấp tiến về môi trường; ông vốn là cố vấn cho Romano Prodi, một cựu thủ tướng Ý trung dung thiên tả (left-of-center). Rifkin cũng là người phê bình thời đại kỹ thuật sinh học gay gắt nhất, đến độ có biệt danh, do tờ Times đặt cho, là “người bị ghét nhất trong khoa học”. Như trong lãnh vực thực phẩm biến chế gen chẳng hạn, Rifkin nói rằng chúng đe dọa nhân loại bằng một “hình thức tận diệt từng chút nhưng gây chết chóc y như việc hỏa thiêu hạch nhân”.

Rifkin nhìn nhận rằng sự phân loại tả hữu ngày trước nay đang biến dạng. Ông viết: “thời đại kỹ thuật sinh học sẽ đem theo nó cả một sự đồng hình đồng dạng của nhiều viễn kiến chính trị và lực lượng xã hội khác nhau, y hệt như thời đại kỹ nghệ đã làm. Cuộc tranh luận hiện nay về việc sinh vô tính các bào thai người… đang tháo gỡ các liên minh và phạm trù cũ. Đây chính là lúc bắt đầu một nền chính trị sinh học mới”.

Trong phần lớn các vấn đề kỹ thuật sinh học mới, Giáo Hội Công Giáo có lẽ sẽ đứng về phe chống đối, trên cơ sở tôn trọng sự sống cũng như sự lo lắng cho rằng mục tiêu tối hậu của các kỹ thuật này là phá hủy tính độc đáo của con người. Khi bảo vệ các giá trị này, các giám mục và các nhà tranh đấu phò sự sống rất có thể mỗi lúc mỗi thấy mình phải đồng hành với các đồng minh không quen thuộc của phe tả thế tục. Ngay trong điều có lẽ được coi như một trong các phép lạ hàng đầu của khoa học di truyền, Giáo Hội và ít nhất một số thành phần của phe tả, một lần nữa, thấy mình quen biết nhau đến có thể chuyện trò với nhau được.


Trích từ “Giáo Hội Công Giáo Dưới Cái Nhìn của Một Ký Giả Hoa Kỳ”

Vũ Văn An / VietCatholic

Tags: , ,

Có thể bạn quan tâm