Trong diễn văn nhân dịp này, ĐTC đặc biệt cảnh giác chống lại xu hướng gạt bỏ tha nhân ra khỏi chân trời của mình, vì làm như thế, sự sống sẽ bị co cụm vào mình và trở thành một món hàng tiêu thụ. Thái độ đó cũng làm cho con người trở nên mù quáng đối với sự sống và năng động sự sống, xét như một hồng ân nhận lãnh từ tha nhân và đòi phải được thông truyền trong tinh thần trách nhiệm cho tha nhân”.
Khi cổ võ một cái nhìn toàn bộ về sự sống, ĐTC nhấn mạnh rằng: ”Việc bảo vệ người vô tội chưa sinh ra phải thật rõ ràng, cương quyết và hăng say, vì trong lãnh vực này có liên hệ tới phẩm giá con người, luôn có tính chất thánh thiêng và đòi phải có lòng yêu thương đối với mỗi nhân vị bất luận họ ở giai đoạn phát triển nào. Sự sống của những người nghèo đã sinh ra cũng có tính chất thánh thiêng như vậy, những người bị bỏ rơi, sống trong lầm than, bị loại trừ, bị buôn bán, bị nạn âm thầm kết liễu sinh mạng người bệnh và người già không được săn sóc, những hình thức mới của nạn nô lệ và mọi hình thức gạt bỏ” (Gaudete et exsultate 101)
ĐTC không quên nhấn mạnh tới một chiều kích quan trọng trong nền văn hóa sự sống, đó là vận mệnh chung kết cuả con người. Vấn đề ở đây là làm sáng tỏ hơn điều dẫn cuộc sống con người hướng đến một chân trời vượt lên chính con người, nghĩa là mỗi người được kêu gọi một cách nhưng không hướng đến sự kết hiệp với Thiên Chúa, trong tư cách là con cái Chúa và tham gia vào chính hạnh phúc của Chúa” (Rei 25-6-2018)
G. Trần Đức Anh OP(vi.radiovaticana.va)